Lời Phật dạy về lòng đố kỵ: Tội ác tiềm tàng mà ta chẳng hay biết

Thứ Hai, 30/05/2022 13:46 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đâu dễ gì vui theo niềm vui của người khác, thế nên lời Phật dạy về lòng đố kỵ đã chỉ ra những sai lầm khiến ta đã làm vơi đi phước báu của mình như sau:
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Lời Phật dạy về lòng đố kỵ


1.1 Nhiều người ganh ghét Đức Thế Tôn


Trong 14 điều răn Đức Phật đã dạy: “Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ”. Thế mới thấy rõ rằng con người tự tạo cái khổ cho mình bằng suy nghĩ của chính mình. Khổ đau lớn nhất lại là do tâm ta không thừa nhận bất cứ thành tựu nào của người khác.

Thế nhưng mấy ai trong chúng ta tỉnh ngộ và thường xuyên nhắc nhở bản thân mình tránh xa điều này? Thế nên bao nhiêu đời nay, con người cứ mãi vùng vẫy trong khổ đau khôn nguôi khi thấy người khác đẹp hơn mình, giàu hơn, giỏi hơn, thông minh hơn mình,...

Vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế, khi Ngài mang những gì mình biết đi chia sẻ mọi người và được nhiều đệ tử tin theo thì không ít người đố kỵ và gieo tiếng xấu, thậm chí có kẻ còn bày mưu hãm hại hết lần này tới lần khác. Có lần Đức Phật bị vu khống tội tà dâm và giết người nhưng Ngài vẫn rất bình tĩnh để đối mặt.

Nguyên nhân cũng chỉ vì họ ghen tức khi có nhiều đồ đệ bỏ các ông thầy hiện tại để đi theo Ngài, từ đó họ không vui, sinh tâm thù oán.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
 
Ta ở trong đây, không thấy một pháp nào mau đưa đến hoại diệt như là ganh ghét, đố kỵ Phạm hạnh. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy tu hành từ nhẫn, thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
 
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
 
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm12. Nhập đạo,VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.140)

Biết được mối họa từ việc đố kỵ rất đáng sợ nên Đức Thế Tôn đã khuyên các vị Tỳ kheo nên biết tu từ tâm, thân tới miệng và ý.

Đừng vội vàng phủ nhận rằng mình không có lòng đố kỵ với bất cứ ai. Thực ra, lòng đố kỵ nó tồn tại ở nhiều hình dạng khác nhau ở trong mỗi chúng ta dù ít hay nhiều, dù có dám thừa nhận hay không. Có người nói ra việc ghen ghét ai đó như là việc đương nhiên, cảm xúc tự nhiên của mình, nhưng có người âm thầm giấu đi.
 
Điều đáng nói là không phải ai cũng nhận diện được rằng lòng đố kỵ là một thói xấu thường trực, có thể gây ra những hậu quả xấu. Chính nó là nguyên nhân khiến ta nhìn mọi sự việc trở nên méo mó dưới lăng kính của mình. Thấy ai thành công, ta cũng không công nhận, dẫn đến khó chịu nói những lời mỉa mai.

Ví như thấy người ta học giỏi thì cho rằng bố mẹ nhà nó có điều kiện, thấy ai có doanh số vượt trội lại cho rằng họ gặp may, thấy ai hạnh phúc thì nghĩ "chẳng được mấy hồi"... Họ cứ phán xét, nghi ngờ với tất thảy như thể chẳng ai có năng lực thực sự, họ chỉ chăm chăm muốn "dìm" người khác để không ai được hơn mình.

Có phải chăng vì cái tôi quá lớn nên ta mang bản thân mình đi so sánh với người khác thấy yếu kém hơn về mặt nào đó khiến lòng đầy ích kỷ dâng trào. Ta chỉ biết mỗi mình, xem bản thân là rốn của vũ trụ, làm cái gì cũng phải xuất sắc nhất, không có ai sánh bằng ta. Thế nhưng điều đó là không thể, do đó hãy tỉnh táo trong nhận thức để tránh việc sa đà khi bạn bắt đầu nổi lòng ghen tị với ai đó.
 
 

1.2 Đố kỵ còn là nguồn cơn của tội ác


Con người thật kỳ lạ, thấy ai thông minh, giỏi giang và thành đạt thì tỏ ra vô cùng tức tối và ghen ghét dù những gì họ đạt được không ảnh hưởng gì đến mình. Có người giữ niềm tin rằng ai giàu có là cũng vì làm ăn bất chính. Bên cạnh đó, lại có người vì thấy người ta xinh đẹp, nhiều tiền thì khẳng định họ "làm gái"... 
 
Thế nhưng suy nghĩ trong lòng thôi chưa đủ, họ sẽ thực hiện những hành vi cũng chỉ để thỏa mãn lòng ghen tức của mình. Đứng trước tài năng hay những thành tựu của người khác, thay vì ngưỡng mộ hay công nhận thì họ lại tỏ ra khó chịu, phủ nhận những thành tựu, tài năng ấy bằng những lời nói, suy nghĩ hay những hành động tiêu cực.
 
Biểu hiện của lòng ghen tỵ thấp nhất là khẩu nghiệp, lập tức đặt điều về người khác. Nặng hơn là biến thành oán khí, sân hận, hành động gây tổn hại hoặc hãm hại tới họ.

Tâm đố kỵ khiến ta luôn khó chịu, muốn đi phá hoại để họ không thể nào hơn mình được. Thực tế là không ít người vì ghen tức với thành quả của bạn bè, đồng nghiệp mà tìm cách hãm hại để người ta "không ngóc đầu lên nổi" hoặc ra tay rất tàn ác nhằm hủy hoại công danh người khác như bỏ bùa, thuê xã hội đen xử,... Thậm chí có kẻ cướp chồng của bạn chỉ vì ghen với hạnh phúc mà bạn mình đang có...

Những kẻ mang trong lòng mình sự đố kỵ khiến tâm trí bị mê mờ, dường như những người này thấy người khác có được gì lại cho rằng mình bị mất. Họ đâu biết rằng tài nguyên của thế giới này là vô tận nhưng chỉ ban phát cho ai xứng đáng, người ta giàu bạn cũng có thể giàu, họ thông minh thì bạn cũng có thể thông minh, họ hạnh phúc thì bạn cũng có thể hạnh phúc...

Do đó, hãy lắng nghe lời Phật dạy về lòng đố kỵ để biết rằng nó là mối nguy tiềm tàng, chớ xem nhẹ!

Trong mọi việc hãy bỏ bớt cái tôi, bỏ bớt sự cố chấp đi và tin rằng cái gì của mình sẽ là của mình còn người khác cũng đang được hưởng những gì mà họ xứng đáng.

Cái tư duy thấy người khác làm việc tốt thì hoài nghi, chỉ tin những ai làm điều xấu xa thì lâu dần bạn không phân biệt được những hay đẹp của người và của cuộc đời để mà học hỏi theo. Từ đó, phải lấy hung dữ ra để áp đảo mọi người, khiến bị mọi người xa lánh.
 
Chính suy nghĩ "tôi là cái rốn của vũ trụ" mới sinh ra tâm đố kỵ trên. Một cá nhân sống ích kỷ như thế có phần là do việc nuôi dưỡng sai lầm của gia đình họ.

Vì thế, các bậc phụ huynh đừng chỉ dạy con lớn lên phải chăm chăm báo hiếu cha mẹ mà hãy dạy chúng biết yêu thương, giúp đỡ mọi người trên thế gian này. Nếu chỉ mong con báo hiếu thì chúng sống ích kỷ hơn, trong khi đó một đứa trẻ hay giúp đỡ mọi người thì sẽ mang phước báu cho chúng và cả gia đình, những người có tâm từ bi với muôn loài ắt sẽ hiểu về những lễ nghĩa với cha mẹ.

Nên ứng xử với thị phi của người khác thế nào? Cứ phân bua liệu ta có lợi lạc gì chăng?
Không phải ai cũng khéo léo trong việc ứng xử với thị phi của người khác vì có lúc đứng ra bảo vệ hay chê ai đó là sai thì trong lòng bạn vẫn còn nhiều điều
  

2. Đức Phật khuyến khích tâm tùy hỷ

 
 
Đức Phật dạy rằng: “Một người bố thí và một người không bố thí nhưng tùy hỷ thì phước bằng nhau”. Lý do là vì người bố thí đã loại bỏ tâm tham, còn người tùy hỷ loại bỏ tâm tật đố, nên phước đức của họ bằng nhau.

Vì thế, Đức Thế Tôn khuyên chúng ta nên biết tùy hỷ nghĩa là vui theo niềm vui của người khác. Khi thấy người khác có cái gì tốt, cái gì đẹp, hạnh phúc, thành đạt thì chúc phúc cho họ như chính mình đang đạt được những điều đó vậy.

Hầu hết chúng ta hiện nay đang từng ngày hủy hoại những khoảnh khắc lẽ ra là hạnh phúc của mình cũng chỉ vì ghen ăn tức ở. Lúc này, tâm tính lúc nào cũng bồn chồn, bất an, không thoải mái nguy hại tới sức khỏe. Đó là chưa kể việc ganh ghét ai đó cũng sẽ khiến cho những thiện nghiệp công đức đã gây dựng đều bị tiêu tan.

Nếu ta biết biến niềm vui của người khác thành của mình thì khi nào ta cũng tìm được lý do để mình vui, tâm trạng thoải mái và phấn chấn.

Biết vui mừng cho người khác đó là cảm xúc của người thấu hiểu. Nếu ai nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền hơn bạn, đơn giản là họ đã nỗ lực rất nhiều trong quá khứ, và tại một thời điểm nào đó, họ đã từng ở vị trí giống như bạn bây giờ.

Nhờ thái độ, suy nghĩ tích cực ấy mà ta luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống, luôn cảm thấy ý nghĩa trong từng việc mình làm. Thế nên Đức Phật mới khẳng định rằng muốn tìm được hạnh phúc, muốn tìm được sự an lạc là ngay trong cuộc sống giữa đời thường này thì phải cần đến năng lực của sự tùy hỷ.

Nên nhớ rằng cuộc sống này vô thường những gì ta có hay những người khác đang có là giả tạm. Thực ra, nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn, chồng yêu chiều,... thì cũng là những thứ có thể có thì cũng có thể mất trong cuộc đời này. Do đó, ta có ganh đua, ghen tức với những điều vô nghĩa ấy cũng chẳng ích gì, trong khi đó nếu ta biết vui, biết chúc phúc cho họ thì ta được rất nhiều thứ bao gồm cả gia tăng phúc báu cho mình. Đáng buồn là ít ai làm được điều này.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy rất rõ về tâm tùy hỷ: “Ví như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều dùng đuốc đến chia nhau mà lấy để nấu ăn hay thắp sáng, nhiều người có được lửa mà cây đuốc ban đầu vẫn như cũ”.

Có thể thấy, qua lời Phật dạy về lòng đố kỵ và khuyến khích ta thay thế nó bằng tâm biết tùy hỷ để cuộc sống của mình, của người ai nấy đều an vui, hưởng lạc. Niềm hân hoan ấy như ngọn đuốc không mất đi mà còn nhân lên mãi.

Do đó, thay vì cố so sánh bản thân với người khác rồi sinh buồn phiền thì chúng ta phải thường xuyên tự soi xét lại mình. Từ đó, hiểu ra những suy nghĩ ích kỷ của ta mà sửa đổi, để chọn cách sống đơn giản, biết đủ, bớt ham muốn, để có được tâm an tịnh, trí tuệ sáng tỏ dần.

Từ nay về sau, trong cuộc sống thường nhật, với thành công của người khác nên chúc phúc cho họ, với thất bại thì nên rút kinh nghiệm, cảm thông cho sai lầm của họ.