Lời phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai
Trong kinh, Đức Phật từng khiến chúng ta bàng hoàng vì sao Người có thể hiểu về nỗi khổ của phụ nữ khi mang thai 9 tháng 10 ngày như thế. Thậm chí Ngài còn giải thích cho A Nan hiểu rằng lúc qua đời, xương của đàn ông nặng và trắng hơn, còn xương phụ nữ thường đen và nhẹ hơn vì họ đã trải qua nhiều lần sinh nở, thức đêm, thức hôm chăm bẵm con cái, tổn hao khí huyết.
Đó là chưa kể khi con trưởng thành, người phụ nữ cũng chưa bao giờ hết nỗi lo: lo chuyện học hành, cơm nước cho con, con lớn lo gả vợ/chồng, sau đó lại là chăm sóc cháu,... quá trình ấy dường như diễn ra suốt cuộc đời của người phụ nữ vậy.
Đó quả là một quá trình kỳ diệu để tạo nên một thai nhi trong bụng mẹ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, cho đến nay khoa học phát triển, chúng ta nhờ có sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại mới có thể quan sát quá trình này một cách cụ thể hơn.
Từ lúc một tháng tuổi, thai nhi như "hạt sương dính trên ngọn cỏ" cho đến khi đủ 9 tháng thì "mới đủ hình người". Quá trình ấy người phụ nữ đi lại nặng nề và không ngừng dưỡng thai để em bé chào đời khỏe mạnh.
Thời Đức Phật còn tại thế Ngài không cần máy siêu âm như chúng ta bây giờ nhưng lại biết rõ hết quá trình phát triển thai nhi như một bác sĩ đang đọc hình ảnh siêu âm của em bé trong từng tháng một. Vì thấu hiểu, Ngài càng thương cảm cho những nỗi đau đớn, vất vả của người phụ nữ khi mang thai.
Chúng ta với phận làm con, cũng cần thấu hiểu rằng để cho ta hình hài như ngày hôm nay cha mẹ đã chịu biết bao khổ nhọc. Ngay từ những ngày ta còn trong bụng mẹ, mẹ đã phải chịu biết bao khó khăn, mệt mỏi.
Các bà mẹ không chỉ lo cho sức khỏe của mình mà còn phải lo cho sự phát triển của con xem con có tăng cân hay không, có bị dị tật gì hay không, không được buồn vì ảnh hưởng đến con,... Và đặc biệt lúc sinh nở được xem là nguy hiểm và đau đớn nhất, gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể của bà mẹ từ nay về sau.
Nhiều áp lực đè nặng nên không ít người còn bị trầm cảm sau sinh nhưng không phải ai cũng tin vào điều này, còn cho rằng các bà mẹ làm quá lên. Thực ra, việc quá nhiều tâm lý đè nặng mà không thể tìm cách giải tỏa thì bệnh nào cũng có thể phát sinh từ đây mà ra cũng là điều dễ hiểu.
Thông qua lời Phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai chúng ta càng trân trọng và cảm thông hơn cho những gì mà các bà mẹ đang và đã trải qua trong suốt thời kỳ sinh nở cho tới những năm tháng sau đó.
Có thể chọn con cho mình?
Tác động qua lại giữa mẹ và con sâu sắc nên ta có thể tận dụng cơ hội này để "chọn" con cho mình. Ít ai biết rằng, chính người mẹ cũng có thể “chọn” con nữa đấy. Điều này không có gì mê tín, chúng dựa trên quy luật: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nghĩa là người mẹ như thế nào sẽ có "lực hấp dẫn" một đứa bé có tính cách khá tương đồng với họ.
Một người mẹ hiền lành thường thu hút người con hiền hậu tái sinh trong gia đình mình, ngược lại, một người mẹ có dã tâm thì những đứa bé có năng lượng tương ứng cũng bị hấp dẫn bởi điều đó.
Cùng tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật, quá trình hoàng hậu Maya khi mang thai có đầy đủ tất cả các phước báu nên quá trình Hoàng hậu mang thai rất sung sướng và an lạc. Hoàng hậu lại khởi được những tâm rất từ bi, tâm tự nhiên mát mẻ, lại thấy thương yêu mọi người nên con sinh ra là người vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Đức Thế Tôn đúng là người có tâm yêu thương bao la rộng lớn không ai bằng, đó là lý do Ngài bỏ ngôi vương đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh.
Ngoài ra, theo góc nhìn của Đạo Phật, nếu người mẹ mang thai đứa bé hiền lành, hiếu thuận thì người mẹ ấy rất an lạc, hiếm khi mệt mỏi, em bé cũng chào đời một cách nhẹ nhàng, an ổn cho dù thông thường hầu hết các phụ nữ khác khi đang mang thai con rất vất vả, đau đớn, khó ăn, đêm trằn trọc khó ngủ,...
Không chỉ cơ thể của họ vẫn giữ được sự nhanh nhẹn mà trí tuệ của người mẹ mang thai đứa con ngoan cũng rất sáng suốt, thậm chí họ vẫn có thời gian học hỏi, mở mang kiến thức cho mình, cho con trong suốt thai kỳ. Trong khi đó, hầu hết người khác khi mang thai thì đầu óc mụ mị, choáng váng, căng thẳng vì một phần xương và máu của họ phải nuôi đứa trẻ đang lớn từng ngày trong bụng mình.
Vì thế, người phụ nữ khi mang thai cũng nên chú ý chăm sóc sức khỏe của mình bằng việc bổ sung các chất dinh dưỡng, viatmin, sắt cho cơ thể khỏe mạnh. Hãy đảm bảo cho tâm trạng luôn thư thái, tự tại, vui tươi. Từ đó, đứa con cũng cảm thấy như được rưới mát tâm hồn bằng sự nhẹ nhàng, dịu dàng ấy.
Ví dụ, khi mẹ luôn thể hiện sự thiện tâm, năng lượng của họ phát ra giúp tâm thức của em bé cũng bị lay động, giúp ác nghiệp tiêu tan, khi em bé thường xuyên được tiếp xúc được với năng lương tích cực của mẹ, chúng thường sanh tâm hoan hỷ vì luôn có cảm giác dịu dàng thoải mái.
Còn một người mẹ thường xuyên khởi ác niệm, ác tâm, năng lượng này cũng rất mãnh liệt, không chỉ em bé mà bất cứ ai tiếp xúc với sóng này sẽ thấy khó chịu, dễ cáu kỉnh, tức giận, bất an.
Có thể nói, chúng ta tu thanh tịnh, tu phước, như vậy mới thật sự gieo cho thai nhi hạt giống tốt về sau. Cha mẹ khéo tu nhân, tích đức thì sẽ chiêu cảm những đứa con tốt đẹp đến với mình.
Ngay từ bây giờ, ai đang trong tuổi sinh đẻ mà còn muốn sinh con, muốn “chọn” con thì phải sống đức hạnh, biết yêu thương, có đầy đủ các phẩm chất tốt thì sẽ cảm ứng những đứa con có phẩm chất tương ứng đến với mình.
Hãy áp dụng thai giáo cho con từ trong bụng mẹ
Người mẹ trong thời gian mang thai, ngoài việc khởi tâm động niệm thiện, thanh tịnh để gieo những hạt giống tốt lành cho sự phát triển và hình thành nhân cách đứa trẻ về sau thì cũng phải biết thai giáo cho con. Vì từ lời Phật dạy về công ơn phụ nữ mang thai ta đã hiểu rằng, trong quá trình bé lớn lên mỗi ngày ở trong bụng mẹ, các nhận thức của chúng cũng đang dần dần phát triển, hoàn thiện, do đó, đừng lãng phí thời gian này mà quên đi việc áp dụng phương pháp dạy con theo cách thức sau:
Thai giáo bằng cảm xúc
Mỗi phụ nữ khi mang thai cần nhận thức được rằng, từ những tháng đầu tuy chưa có hình hài rõ ràng nhưng chũng đã có thần thức, ý niệm, cho nên từng suy nghĩ tưởng rất nhỏ thôi cũng phải lưu ý, đừng cho rằng "con không biết gì" vì tất cả những gì các mẹ đang làm lúc này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến thai nhi.
Hơn 9 tháng mang thai quả là mệt mỏi và cuộc sống của mỗi người đều xảy ra không ít thăng trầm, chắc chắn sẽ có lúc vui, lúc buồn. Do đó, ép ai đó phải luôn vui vẻ là điều rất khó khăn, thế nhưng các bà mẹ nên lưu ý cần tránh tối đa các phản ứng tiêu cực trong thời gian mang thai như: buồn, hờn dỗi, tức giận....
Đúng là có những lúc các chị em phụ nữ sẽ vì "nhọc" mà hay cằn nhằn, cảm xúc lúc này cũng có phần tiêu cực hơn vì quá nhạy cảm, nhưng hãy vì tương lai của con mà đừng mặc cho những suy nghĩ của mình cứ thế diễn ra. Phụ nữ mang thai nên quan sát lại diễn biến cảm xúc của mình lúc đó để điều chỉnh, cân bằng trở lại, đừng để những suy nghĩ tiêu cực đi quá xa, ảnh hưởng tới cả chính mình lẫn thai nhi.
Đồng thời phát triển các tính cách tốt đẹp như: thương người (tâm từ), cảm thông trước nỗi khổ, niềm đau của người khác (tâm bi), tìm niềm vui trong cuộc sống (tâm hỷ), buông bỏ những uất hận, nỗi buồn (xả).
Có thể thấy, trong thời gian người mẹ mang thai, nếu khởi tâm động niệm thiện, thanh tịnh thì thai nhi sẽ nhận được rất nhiều lợi lạc. Ngay trong lúc mang thai, chính bản thân chúng ta phải thực hành thiện tâm, thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ thì sẽ sinh được con ngoan, con quý.
Thai giáo bằng ngôn ngữ
Người mẹ cũng cần biết "tu khẩu" để những lời mình nói ra là lời hay ý đẹp vì em bé đã bắt đầu lắng nghe những gì mẹ chúng nói khi ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Thậm chí sắc thái của giọng nói cũng được bé cảm nhận từ từ để biết cảm xúc của mẹ lúc này đang vui, buồn hay tức giận.
Có 4 cách thai giáo thông qua ngôn ngữ mà bà mẹ phải lưu tâm đó là: nói lời sự thật; nói những lời xây dựng, hòa hợp, hàn gắn; nói bằng ngôn ngữ, ngữ điệu hòa ái, không văng tục, không nói châm biếm, nói lưỡi hai chiều làm người khác phải buồn; nói những điều thật sự có lợi ích.
Hơn nữa, người mẹ khi mang thai không nên nghe chuyện thị phi, tránh xa những đám đông tụ tập để nói xấu người nọ, người kia vì nó không chỉ có lời nói xấu mà còn khởi tâm không thanh tịnh. Các bà mẹ chỉ nên nói những lời từ yêu thương, tích cực xuất phát từ tâm chúng ta.
Ngày nay, thời gian chúng ta tiếp xúc với mạng xã hội quá nhiều và chúng ảnh hưởng không nhỏ đến cách chúng ta tư duy hoặc đưa ra những bình luận không hay với những gì đang diễn ra. Không ít bà mẹ mang thai rất "hung hăng" không ngại cãi tay đôi với các cư dân mạng khi có việc gì trái ý của họ, dường như họ đang tìm cách để giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình thông qua bàn phím vậy.
Thế nên một người mẹ đang mang thai cần tránh xa những thông tin tiêu cực, tránh đọc những bình luận thiếu khiếm nhã và chính mình hạn chế việc có bình luận tiêu cực về người khác.
Dù là ngôn ngữ đăng tải trên mạng xã hội cũng phải biểu đạt bằng những từ ngữ thân thiện, tích cực vì chúng thể hiện rõ tâm ý của người mẹ nhất.
Thai giáo bằng mỹ học
Mỹ học đóng vai trò quan trọng đối với trẻ sơ sinh, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có khả năng thẩm mỹ, chúng đều cần được "đào tạo" từ trong bụng mẹ. Người mẹ khi mang thai đừng bỏ quên cách giáo dục con trẻ bằng mỹ học từ sớm, đừng đợi sinh ra mới hướng dẫn chúng vì mọi việc lúc này đã khó khăn hơn rất nhiều.
Việc này khá đơn giản, miễn là mẹ có ý thức thai giáo cho con mình là được. Đó có thể là thông qua những bức tranh mẹ treo trong nhà hoặc đơn giản là mẹ thường ngắm nhìn những bức ảnh đẹp hay tự tay vẽ tranh, kết hợp màu sắc trong việc lựa chọn quần áo, hoặc ngồi may vá, trang điểm cho mình xinh đẹp... Điều này sẽ tác động rất tốt đến đứa trẻ sau khi ra đời.
Nhiều phụ nữ khi mang thai rất lười việc chăm sóc bản thân với lý do rằng cơ thể đang quá mệt mỏi, thiếu thời gian cho mình. Đó là nguyên nhân khuôn mặt họ luôn bơ phờ, nhợt nhạt, thiếu sức sống,... mỗi lần ngắm mình trong gương họ thậm chí còn không muốn nhìn thẳng nữa. Thế nhưng theo khoa học, để tăng khả năng thẩm mỹ của con thì các bà mẹ vẫn nên làm đẹp (tất nhiên là trong khả năng cho phép) vì tất cả những gì chúng ta nhìn ngắm cũng là những gì con đang nhìn ngắm nữa đấy.