Địa Tạng Vương Bồ Tát - Địa ngục chưa trống thề không thành Phật

Thứ Sáu, 19/05/2017 15:38 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cùng với Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát được xưng tụng là tứ đại Bồ Tát, dùng pháp lực và lòng từ bi của mình chuyên cứu độ những người sa vào địa ngục.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

 

1. Danh xưng Địa Tạng Vương Bồ Tát 


 

Địa Tạng Vương Bồ Tát hay Địa Tạng Bồ Tát là tên được phiên âm từ tiếng Phạn, danh xưng toát lên lòng từ bi và nguyện lực vững vàng của Ngài trên con đường tu tập Phật pháp và độ hóa chúng sinh. Theo lời giải thích trích trong Địa Tạng kinh, Địa là dày chắc, Tạng là chứa đủ. Địa Tạng là sâu dày, đủ chứa muôn vàn khổ đau của sinh linh.

Địa Tạng thập luận kinh cũng bàn về danh xưng của Ngài như sau: “An nhẫn bất động như đại địa, vắng lặng sâu kín giống như kho tàng nên gọi là Địa Tạng”. Địa Tạng là kho báu ẩn giấu trong lòng đất, đất sâu dày như chân tâm kiên cố là chỗ dựa và nơi sinh trưởng vạn pháp, tạng là hầm chứa vô biên không có giới hạn để pháp ấy nảy nở sinh sôi, tới được với tất thảy mọi người.

Địa Tạng Bồ Tát là vị mang trong mình chân tâm vô lượng giống như kho báu vô biên về Phật pháp, sẵn sàng trải rộng khắp chúng sinh đều được hưởng công đức tràn đầy. Ngài chính là đất đai rộng lớn, sâu xa, mọi giới mọi loại đều hưởng, không phân biệt, không có định mức.

Trong Mật giáo, Bồ Tát Địa Tạng còn có mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cương hoặc Dữ Nguyện Kim Cương.
 

2. Sức mạnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát


Đối với Phật giáo, Địa Tạng Bồ Tát là một trong những vị có vị trí vô cùng quan trọng, được tôn xưng là Tứ đại Bồ Tát với pháp lực vô biên, từ bi vô hạn. Sự tích nổi bật nhất về Ngài là lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kì sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn và trước khi Di Lặc Bồ Tát hạ sinh.

Ngài có nhân duyên sâu nặng với chúng sinh, gánh trọng trách giáo chủ toàn cõi trong một thời gian, chứng tỏ được sức mạnh và đức độ của Ngài. Sức mạnh ở đây không chỉ là pháp lực, từ bi mà còn là lòng cảm hóa và phẩm chất đạo hạnh tu hành. Chỉ vị Bồ Tát có đầy đủ những yếu tố này mới có thể đứng ra thuyết giảng Phật pháp, dẫn dắt chúng sinh tới cõi Phật.

Xuất phát từ lời nguyện chưa thành Phật khi địa ngục chưa hết chúng sinh nên Địa Tạng được xem là vị Bồ Tát của chúng sinh dưới địa ngục hay giáo chủ cõi U Minh. Dùng tấm lòng và trí huệ của mình cảm hóa chúng sinh hướng tới sự an nhiên bất động như đại địa, tĩnh lặng và sâu kín như tàng chứa bí mật, đúng với tinh thần của danh xưng Địa Tạng.

Tâm nguyện duy nhất là cao nhất của Địa Tạng Bồ Tát là cứu vớt tất cả chúng sinh đang chìm đắm trong u mê tăm tối, lầm lối lạc đường được tới cõi Niết Bàn. Với tinh thần và sức mạnh vô biên, không quản ngại khó ngăn trở lực, không chuyển tâm đổi ý, không xa rời hạnh nguyện ban đầu.

Giống như hai câu kệ trong bài tán Phật viết: “Xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”. Tâm nguyện độ sinh của Địa Tạng Vương Bồ Tát vững chắc và sâu dày, rộng rãi như đất lớn, từ bi mà mạnh mẽ.

Ngoài ra, Địa Tạng Bồ Tát còn là vị chuyên độ cứu sinh linh và che chở cho trẻ nhỏ, cứu giúp người lữ hành phương xa. Ngài hiện thân bảo vệ trẻ em bị ngược đãi bạo hành trong cuộc sống, an ủi che chở những linh hồn trẻ thơ bất hạnh yểu mạng.

Truyền thuyết kể rằng, người chết trước khi đi vào điện Diêm La nghe Diêm Vương phán xét những tội hình khi còn sống sẽ phải đi qua dòng sông Nại Hà. Vì thương cha nhớ mẹ mà những linh hồn trẻ nhỏ yểu mạng thường tới bờ Nại Hà nhặt đá xây lâu đài thành quách, coi như một hành động lưu luyến người thân. Thương các em đau khổ, Địa Tạng Bồ Tát thường tới nơi đây để an ủi vỗ về, cùng nhặt đá xây thành, giúp tích công đức và đưa các em qua sông Nại Hà.

Người đi xa, gặp khổ nạn cũng kêu cầu Địa Tạng Bồ Tát hiện thân cứu trợ, dùng sức mạnh của mình để vượt qua hiểm cảnh, sóng gió, thoát khỏi tối tăm xấu xa thác loạn mà tìm thấy con đường sáng suốt.

Ngài có pháp lực bao trùm tam giới, theo kinh Địa Tạng Bản Nguyện nếu chí tâm quy y, cúng dường và chiêm ngưỡng, đảnh lễ Bồ Tát thì sẽ hưởng rất nhiều lợi ích, cả khi còn sống lẫn khi đã về với cát bụi.

Lợi ích trong cuộc sống hiện tại: nguyện lớn thành hiện thực đạt thành tựu, được trí huệ lớn, tiêu trừ tai nạn, thoát khỏi hiểm nguy, tiêu trừ tội chướng bệnh tật, được quỷ thần hộ vệ.

Lợi ích của kiếp sau: thoát khỏi thân nữ, được thân xinh đẹp, thoát kiếp nô lệ.

Lợi ích lúc lâm chung: khi người thân sắp mất nên niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, tụng Địa Tạng kinh để tích việc thiện cho người đó; trong 49 ngày nên tụng Địa Tạng kinh cho vong linh sớm siêu thoát.

Lợi ích với người quá vãng: siêu độ vong linh, khi gặp ma quỷ, quái ác ngoài đời hay trong mơ đều nên chí tâm tụng kinh Địa Tạng; siêu độ và gặp lại người thân đã qua đời.

Xem thêm bài viết Cung dưỡng Địa Tạng Bồ Tát, mời phúc đức đến cửa

Riêng với Phật giáo Việt Nam, Địa Tạng Bồ Tát được thờ trong chính điện của các chùa cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni – tượng trưng cho Trí, Quán Thế Âm Bồ Tát – tượng trưng cho Bi và Ngài Địa Tạng Vương – tượng trưng cho Dũng.

 

3. Hình tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát

 

 

Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát duy nhất được mô tả có nhúm lông màu trắng nằm giữa hai mắt, là một trong 32 tướng tốt của một vị Phật. Hình tượng phổ biến nhất là vị Tỳ Kheo thân tướng trang nghiêm, tay phải cầm tích trượng có 6 vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh trong lục đạo, tay trái cầm hạt minh châu như ý, đầu dội mũ tỳ lư quán đảnh, đứng hoặc cưỡi trên lưng con Đế Thính.

Địa Tạng Vương Bồ Tát hiện thân là Tỳ Kheo – một vị xuất gia giải thoát bởi Ngài nguyện cứu độ chúng sinh khỏi cảnh giới sinh tử. Tay phải cầm tích trượng có 6 vòng đại diện cho lục đạo hoặc 12 vòng đại diện cho thập nhị nhân duyên mà ngài dùng pháp để giáo hóa chúng sinh.

Viên ngọc minh châu như ý ở tay trái tượng trưng cho trí tuệ sáng rõ, rộng lớn soi tỏa khắp tất cả những chốn u tối để chúng sinh còn đang bị giam cầm trong địa ngục cũng có thể thấy đường thoát khỏi ngục hình.

Con Đế Thính mà Ngài cưỡi là linh thú, chỉ cần mọp xuống đất giây lát cũng thấu tỏ mọi lẽ ở đời, biểu thị cho sự thấu đạt của Bồ tát, tâm là thanh tịnh, đạt tới cảnh giới cao nhất của thiền định thì mọi lẽ trời đất đều có thể nắm được.

Ngoài ra, vì là vị Bồ Tát bảo hộ cho trẻ em nên rất nhiều tượng và tranh Địa Tạng Bồ Tát khắc họa Ngài và trẻ nhỏ. Ví dụ như có hình tượng khuôn mặt Ngài hồn nhiên ngây thơ như trẻ nhỏ, có hình tượng trên tay Ngài bế một đứa trẻ, xung quanh là nhiều em khác.

Một điểm nữa ở các hình tượng Địa Tạng khiến Ngài nổi bật trong các vị Bồ Tát là do có nhiều phép biến hóa nên có 6 danh hiệu, gọi là Lục Địa Tạng, mỗi danh hiệu lại có hình tượng tương ứng.

Đầu Đà Địa Tạng là hóa thân ở địa ngục, tay cầm tích trượng hình đầu người. Bảo Châu Địa Tạng, hóa thân ở giới ngạ quỷ, tay cầm ngọc châu. Bảo Ấn Địa Tạng là hóa thân ở đạo súc sinh, tay cầm bảo ấn như ý. Trì Địa Tạng là hóa thân ở giới Atula, hai tay nâng quả địa cầu, biểu hiện sự ủng hộ cho giới này. Trừ Chướng Địa Tạng là hóa thân trong nhân loại, mang theo 8 món đồ che lấp nỗi khổ nhân gian. Nhật Quang Địa Tạng là hóa thân ở cõi Trời, ánh sáng soi tỏ 5 suy nghĩ của người và trời, diệt trừ mọi khổ não.
 

4. Ngày vía Địa Tạng Vương Bồ Tát


30/7 âm lịch hàng năm là ngày Vía Đức Bổn Tôn Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Phật tử và chúng sinh hướng Phật thể hiện lòng kính ngưỡng bằng các hoạt động cúng dường, tụng kinh Địa Tạng, khấn niệm Địa Tạng Vương và tổ chức các buổi lễ thuyết giảng Phật pháp, làm việc thiện như phóng sinh, ăn chay, bố thí,…
 

5. Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát


 

Bồ Tát với trí tuệ rộng lớn và lòng tư bi bao la luôn thấy chúng sinh là cha mẹ trong hiện tại và chư Phật trong tương lai nên nguyện khi nào độ hết nỗi khổ của chúng sinh, không một ai còn đau khổ, khó khăn, đều đạt thành Phật đạo thì Ngài mới yên tâm đạt tới cảnh giới Niết Bàn.

Địa Tạng Bồ Tát khi tu hành theo đạo Bồ Tát đã phát tâm lời thề nguyện vĩ đại với ý nghĩa cao nhất là “Địa ngục chưa trống thề không thành Phật, chúng sinh độ hết mới chứng Bồ Đề”. Nội dung này được thể hiện qua bốn lần phát nguyện cũng là bốn sự việc cụ thể, điển tích còn lưu truyền trong kinh sách nhà Phật cho tới ngày hôm nay.

Lần phát nguyện thứ nhất: trong vô lượng kiếp về trước Địa Tạng là một vị trưởng giả được nhận sự chỉ dạy của Đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai. Phước duyên đưa đẩy, đảnh lễ thành tâm, vị trưởng giả đã phát đại nguyện sẽ độ tận chúng sinh để chứng bồ đề, vì chúng sinh trong 6 cõi mà giảng bày nhiều phương tiện để chúng sinh đều được giải thoát hết rồi mới tự thân mình chứng thành Phật quả.

Lần phát nguyện thứ hai: vào thời quá khứ vô số kiếp trước, tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát là Mục Kiền Liên – vị nữ tử dòng dõi Bà la môn có nhiều phúc đức. Nhưng mẹ của Mục Kiền Liên thì lại gây ra rất nhiều ác nghiệp, đặc biệt là nghiệp sát sinh nên sau khi qua đời bị đầy xuống địa ngục, làm ngạ quỷ đói khát.

Mục Kiền Liên là người con có hiếu, thấy mẹ mình khổ sở đọa đầy như vậy rất đau lòng liền xin Đức Phật chỉ hướng. Đức Phật khuyên nên làm vô lượng điều lành để hồi hướng công đức cho mẹ, đồng thời lập lễ cơm canh hoa quả để cung dưỡng thập phương tứ tự tăng chúng, hóa giải tai ách, giúp mẫu thân vượt qua nghiệp chướng khổ đau, được hưởng phúc lành.

Sau nhiều nỗ lực, mẹ của Mục Kiền Liên được hóa độ,giải thoát, vãng sinh về cõi trời, hoan hỉ trước tin này, Ngài đã phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”

Ngày mà Mục Kiền Liên làm lễ cúng thập phương là 15/7 âm lịch, từ đó về sau thành lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo, tưởng nhớ tới công đức sinh thành dưỡng dục trời biển của cha mẹ. 

Lần phát nguyện thứ ba: trong hằng hà sa số kiếp về trước, Địa Tạng là một vị vua từ bi, thương yêu dân chúng nhưng chúng sinh lại tạo rất nhiều ác nghiệp. Chứng kiến cảnh đó, vị vua hiền đức đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.”

Lần phát nguyện thứ tư, vô lượng kiếp về trước, Địa Tạng là một thiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phúc đức nhưng mẹ nàng lại tạo nhiều ác nghiệp nên bị đày vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán.

Vị này cho biết mẹ cô đã thoát cảnh địa ngục nhưng có vãng sinh cũng chịu quả báo, muôn lần khổ đau. Thương mẹ và thương chúng sinh, Quang Mục đã phát nguyện: “Từ ngày nay trở về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sinh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ,... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh giác.”
 

6. Làm thế nào để thỉnh nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát


Địa Tạng Bồ Tát hay bất kì vị Bồ Tát nào đều phát tâm và hướng thiện, vì thế, “Phật tại tâm”, tất cả những con đường đến với Phật đều chỉ qua một chữ: tâm. Tâm an lòng thanh, dưỡng thân dưỡng tâm, hành thiện tích đức thì mọi việc đều thông thuận, đều được chứng quả.

Địa Tạng Bồ Tát là vị có trí tuệ tỏa rộng sâu dày, chuyên cứu vớt u mê, bất cứ trường hợp nào tăm tối, khổ đau đều có thể kêu cầu người, tụng kinh Địa Tạng để giảm bớt thống khổ. Nhưng quan trọng nhất là tâm phải thiện, tu tập bản thân theo chí hướng Phật pháp để mỗi ngày một hoàn thiện, mỗi ngày một giác ngộ, thanh tỉnh hơn.

Xem thêm:

Bài khấn Địa Tạng Vương Bồ Tát cầu công danh sự nghiệp
Trên đường lập nghiệp có biết bao khó khăn, trắc trở. Mỗi lần gặp vướng mắc, cảm thấy bất lực, mệt mỏi, hãy hướng tới Phật đọc bài khấn Phật giúp vượng sự