Cúng cô hồn bằng lễ chay hay lễ mặn?

Thứ Hai, 04/09/2017 07:33 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mỗi dịp Rằm tháng 7 về, nhà nhà lại rộn ràng chuẩn bị những nghi lễ cúng Rằm, cúng Vu Lan, cúng chúng sinh. Tuy nhiên, việc sắm lễ chay hay mặn lại không đồng nhất hoặc có những quan niệm sai lầm.


 

1. Cúng cô hồn bằng lễ chay hay lễ mặn? - Cỗ chay là tốt nhất


Theo quan điểm tâm linh, tháng 7 âm lịch hàng năm có hai lễ lớn là lễ Vu Lan và lễ cúng chúng sinh (cô hồn). Hai lễ này hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người nhầm tưởng là một vì trùng trong ngày Rằm tháng 7.
 

Lễ Vu Lan


Theo giáo lý nhà Phật, ngày Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp Ngạ quỷ. Vì thế, sau này lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung.
 

Vào ngày này, các gia đình nên lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên… sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ người thân.

Lễ cúng chúng sinh (cúng cô hồn) 


Dân quan quan niệm, nghi lễ cúng cô hồn nhằm mục đích bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, thờ cúng như những bào thai, người chết oan, chết đói, người lưu vong đất khách quê người...
 

Lễ cúng này tùy vào cái tâm và việc làm phúc của mỗi gia chủ, hoàn toàn không có việc bắt buộc phải cúng cô hồn hay các vong linh vào mỗi dịp Rằm tháng 7 theo lịch âm hàng năm. 
  

 

Đua nhau làm mâm cao cỗ đầy liệu có đúng?


Khi làm lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn, nhiều người đua nhau làm mâm cao cỗ đầy, cúng tiến tiền tài vật dụng, làm những khóa lễ cả trăm triệu đồng… với niềm tin rằng điều đó mới là hành động báo đáp tổ tiên, lễ lạt càng to càng tốt, càng thể hiện sự hiếu lễ và thể hiện lòng thành của gia chủ cúng thí cô hồn, giúp người nghèo khó.
 

Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu tâm bất thiện thì công đức không những không có mà còn mắc tội phỉ báng Phật, cha mẹ cũng vì thế mà không được hưởng hạnh hiếu của con cái, những linh hồn vất vưởng cũng chẳng vì thế mà siêu thoát được. Con cháu tùy điều kiện từng gia đình không cần phải quá cầu kỳ, miễn là thành tâm là được. Tuyệt đối tránh việc sát sinh, cúng cỗ chay là tốt nhất.
 

Ngoài ra, mọi người nên làm việc phúc như cúng dường, chia sẻ cho những người khổ đau hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên, cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh. Đó mới là ý nghĩa của chữ hiếu trong mùa Vu Lan.

 

2. Không đặt mâm cúng Vu Lan và cúng chúng sinh gần nhau 


Tiến hành cúng chúng sinh sau cùng và ở ngoài sân


Nhiều gia đình hiện vẫn có thói quen để mâm cúng cô hồn cùng với mâm cúng gia tiên. Điều này hoàn toàn nên tránh.

Nghi lễ cúng cô hồn tuyệt đối không được cúng trong nhà và cần thực hiện cúng sau lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên. Gia chủ nên cúng ở ngoài sân, ngoài cổng nhà, không được cúng ở trong phạm nơi ở như phòng khách, phòng bếp…
 

Lễ Vu Lan thực hiện ban ngày, lễ thí thực cô hồn cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn


Lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên nên thực hiện ban ngày. Còn lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa nên cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Lễ cô hồn có thể làm ở nhà hoặc ở chùa.

Cúng cô hồn tháng 7 vào ngày nào chuẩn nhất? Hiện các chùa đều làm lễ cúng cô hồn trong một ngày nhất định từ ngày đầu tháng tới rằm. 

Lời khuyên của các chuyên gia tâm linh, nếu gia chủ không biết cách làm tại nhà cũng không nhờ nhà chùa thì không nên làm lễ cúng này vì nếu không biết cách tiễn các cô hồn, vong linh về cõi âm, các vong linh sẽ quanh quẩn trên cõi trần quấy đảo gia chủ.

 

 

3. Không cầu xin cô hồn phù hộ cho gia chủ


Cúng cô hồn bằng cỗ mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si”


Với lễ cúng cô hồn, trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo không cúng đồ ăn mặn mà cúng chay. Bởi người xưa cho rằng, khi cúng mặn sẽ khơi dậy lòng “tham, sân si” khiến các vong hồn không nỡ rời đi, tiếp tục ở lại dân gian.
 

Mâm cúng cô hồn ngoài hoa quả, bánh kẹo, bỏng ngô, gạo, muối, chè, thuốc, hương, nến, tiền vàng mã… có thể mua thêm ốc hay cá sống để khi cúng xong mang đi phóng sinh. Những gia đình có điều kiện có thể làm lễ lớn hơn như mua thêm bánh mỳ, các loại bánh kẹo với số lượng lớn.

Sau khi cúng xong thì có thể mang đi biếu tặng những người nghèo như một cách làm việc thiện tạo phúc cho bản thân và gia đình chứ không nên vứt bỏ.

 

Khấn vái xin cô hồn phù hộ là sai lầm


Trong khi thực hành lễ cúng cô hồn, nhiều gia đình thường khấn cầu xin cô hồn ban phước, xin tài lộc cho gia chủ… Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đây là điều không đúng vì việc cúng là chúng ta đang ban phát lộc cho những cô hồn này chứ không phải đi lạy lục để những cô hồn phù trợ cho mình. Nên cúng thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn.
 

Ngoài ra có quan niệm cho rằng, khi cúng cô hồn, gia chủ không nên để trẻ em, phụ nữ mang thai hay người già lại gần mâm cúng. Bởi những người này được cho là yếu bóng vía nên dễ bị các “vong hồn” trêu chọc.


Quan niệm “nhốt vong dữ” là mê tín dị đoan


Có người có quan niệm rằng, “vong dữ” thì nên được “nhốt” lại để tránh làm hại cho người đang sống. Bởi vậy trong tháng Vu Lan có trường hợp con làm lễ “nhốt vong” mẹ, cháu làm lễ “nhốt vong” ông bà vì sợ rằng họ chết vào ngày, giờ dữ sẽ bắt các con cháu đi theo.
 

Các nhà tâm linh nhấn mạnh đây là quan niệm không thể chấp nhận được. Điều này không những thể hiện sự mê tín dị đoan mà còn mang cả hàm ý phỉ báng “vong linh” của người đã chết vì chẳng có cha mẹ, ông bà nào khi thác đi lại quay về hãm hại con cháu. 
 

Tin bài cùng chuyên mục:

Infographic: Văn khấn Rằm tháng 7 âm lịch - Nghi lễ cúng tổ tiên
Trong dịp Rằm tháng 7 âm lịch không thể thiếu nghi lễ cúng tổ tiên. Dưới đây là cách sắm lễ và bài văn khấn Rằm tháng 7 đúng chuẩn văn khấn cổ truyền.