Cầu siêu có phải mê tín? Không biết được điều này sẽ dễ sai lầm

Thứ Hai, 22/01/2018 16:50 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiện nay một hiện tượng phổ biến là chùa chùa cầu siêu, nhà nhà cầu siêu, người người cầu siêu khiến mọi người phân vân không biết cầu siêu có phải mê tín? Khi hiểu được rằng sáu phần thuộc về người còn sống còn chỉ có một phần lợi ích thuộc về người đã chết thì bạn sẽ tìm ra câu trả lời chính xác cho bản thân mình.
 

Cầu siêu là gì


 
Khái niệm “cầu an” và “cầu siêu” là hai khái niệm khác biệc khi “cầu an” có nghĩa là cầu cho một người nào đó được khỏe mạnh và an lạc, trong khi “cầu siêu” có nghĩa là cầu nguyện, hộ niệm và khai thị cho các chúng sanh buông bỏ phiền não và chấp thủ để siêu thoát, sanh lên các cõi lành.
 
Nghĩa trọn vẹn là dùng phương thức nào đó để giúp cho vong linh của người đã chết thoát khỏi các cảnh giới khổ đau trong địa ngục. 
 
Nhân duyên đã từng đưa tới cơ hội gặp gỡ cho ta có người thân, xuất hiện trong gia đình, dòng tộc, quốc gia và xã hội. Và sợi dây liên kết đó không tách rời dù âm dương cách trở, cho nên trách nhiệm cầu siêu và báo ân đối với người đã khuất là chung của tất cả mọi người trong xã hội.
 
 

Có nên cầu siêu cho người mất đã lâu

 
Đối với Phật pháp thực hiện lễ cầu siêu là mong người thân tiến tới siêu thoát sanh về cảnh Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà

Theo Phật giáo Bắc truyền, có hai nhóm đối tượng chúng sanh chính yếu cần được cầu siêu:
 
Nhóm thứ nhất, người mới qua đời đang ở trạng thái thân trung ấm (thần thức, hương ấm), từ sau khi chết cho đến tối đa khoảng 49 ngày.

Việc này có ý nghĩa chỉ đối với những người đã mất chưa quyết là được tái sanh về cảnh giới nào, hoặc đang trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của thân trung ấm. Việc này có tác dụng nhắc nhở, gợi cho người này hướng tâm về các việc thiện, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn. 
 
Cầu siêu là mục đích sám hối tội lỗi, hỗ trợ họ chuyển nghiệp nhân xấu giúp họ tỉnh thức, sớm tìm cách xa lìa quả báo đau khổ, rời khỏi cảnh giới tối tăm đọa đày, cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng thảnh thơi, siêu sanh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thoát luân hồi.
 
Thời gian này, người nhà cũng nên làm việc thiện, ăn chay, vận hết lòng thành tập trung vào việc tụng Kinh, niệm phật, sám hối để cầu nguyện. 

Nhóm thứ hai, những chúng sanh bị chết oan nên có thể sinh ở cõi quỷ. Trong trường hợp đặc biệt này, thì cần có tụng kinh siêu độ. Nhờ Phật lực giúp cho vong linh tái sinh ở cõi thiện.
 
 
Nghi lễ cầu siêu cho người thân đã mất rất lâu rồi là chuyện bình thường và nên làm. Người đệ tử Phật, hàng ngày kinh kệ, niệm Phật, lễ bái xong đều hồi hướng công đức nguyện cầu âm siêu, dương thái. Các vong linh khao khát được tu tập như nghe kinh, tham thiền, thọ trì Tam Quy và Năm giới. Sự tu tập của người thế gian sẽ tạo ra năng lượng nương tựa cho người cõi âm do cơ hội tu tập của họ nhiều hơn. 

Riêng đối với những hương linh sau khi chết 49 ngày đã tái sanh vào các cõi lành thì không cần cầu siêu. Dù vậy, nếu thân nhân làm phước rồi hồi hướng công đức cho họ thì ở nơi cõi lành vẫn được thêm phần lợi ích. 
 

Cầu siêu có phải mê tín?

 
Trong các nước Phật giáo Bắc tông, do chịu ảnh hưởng của Pháp môn Tịnh độ, các kinh được đọc tụng vào các lễ tang và đám giỗ thường là kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng và Vu Lan. Tụng kinh A Di Đà chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật “nhất tâm bất loạn” như là điều kiện tiên quyết để vãng sinh Tịnh độ, để hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sinh. 

Cầu siêu chỉ là một sức mạnh thứ yếu, không phải là sức mạnh chủ yếu. Vì thời gian chủ yếu để tu thiện, làm thiện là thời gian khi người đang còn sống. Sau khi người chết rồi, chính người sống tổ chức lễ cầu siêu cho người chết và hồi hướng công đức tu thiện, làm thiện của mình cho người chết.
 
Kinh Địa Tạng cho biết, lợi ích của lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu phần thuộc về người còn sống (tức là người tổ chức lễ cầu siêu) còn chỉ có một phần lợi ích thuộc về người đã chết. 

Vậy cầu siêu có phải mê tín? Thực ra tụng kinh không chỉ có tác dụng tốt cho người quá cố mà hơn hết là nhằm giáo dục cho thân quyến của người chết về các phương pháp tu tập và làm phước. Theo đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai. 

Khi cần an cầu siêu hướng thiện cho người đã mất thì tình thương đó phải chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời và ở phương diện khác nhằm nhắc cho người quá cố biết về quy luật sinh tử mà không còn quyến luyến thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sinh. 
 
Đặc biệt, chúng ta sống có đạo đức để làm ngọn đèn soi đường cho người cõi âm đi ra khỏi bóng tối vô minh u ám. Địa ngục khổ đau do tâm tạo, giải thoát giác ngộ cũng do tâm. Cho nên sống có đạo đức là biểu hiện một phương thức siêu độ rất cao. 
 
Năng lực tu tập hằng ngày của chúng ta là động lực chính yếu giúp chúng ta sống bình yên và giúp cho chúng ta khi qua đời được vãng sanh về thế giới an lành. Còn việc thiết lập các khoá Lễ Cầu An hay Cầu Siêu chỉ là những pháp trợ duyên, cuối cùng vẫn phải chính họ tự mình chăm sóc sự bình an của mình.
 
Đó không phải là mê tín, đó là đạo lý tâm thiện hướng tới cõi thiện, là sự cảm thông của lòng hiếu vĩ đại, của tâm nguyện vĩ đại, khiến cho tâm lực và nguyện lực của người siêu độ hòa nhập và cảm thông với nghiệp lực của người siêu độ, cả 2 thông suốt cùng một khí, nhờ vậy, mà người chết được siêu độ.
 
Nói tóm lại, để được sức khỏe và an lạc, theo đạo Phật, chúng ta phải tu tập công đức, làm việc lành, sống tiết chế, ngủ nghĩ ăn uống thích hợp, an trụ vào hiện tại, lấy chánh niệm và sự tỉnh thức làm phương châm của cuộc sống.
 
Được như vậy thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng hành của ta trong cuộc đời. Tương tự, để được siêu thoát, mỗi người phải tự trang bị cho mình các hành trang đạo đức khi còn khỏe mạnh, để khi cơn vô thường đến, nhắm mắt xuôi tay, nghiệp thiện của chúng ta sẽ dẩn dắt chúng ta tái sinh về cảnh giới tốt hay vãng sinh về cảnh giới của Chư Phật.  

Quý Phật tử cũng có thể thường niệm chú đại bi hàng ngày để vong linh được siêu thoát, tâm bình an thanh tịnh.