Phú Lễ: Ngôi làng nghiện trầu nhất thủ đô

Thứ Bảy, 14/07/2018 05:47 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hình ảnh “môi đỏ, răng đen” như một nét đẹp “phải có” của các bà, các chị ăn trầu ngày xưa nay gần như không còn tồn tại. Tuy nhiên, ở làng Phú Lễ, ngôi làng nghiện trầu, tục ăn trầu vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay như một nét đẹp trong phong tục tập quán của người Việt Nam.
 
 

Trầu cau trong triết lý người Việt Nam

 
Ở Việt Nam, mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương hài hoà. Người Việt Nam từ tư duy đến cách sống, từ các dấu vết cổ xưa đến thói quen hiện đại, khắp nơi đều toát lên tính cách quân bình âm dương như một đặc trưng chung nhất.
 
Phong tục tập quán ăn trầu cau tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau: Cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương), vôi đất đá biểu tượng của đất (âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hoà hợp.

Trầu cau nhai làm một, miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ...tất cả tạo nên một chất kích thích, làm cho thơm mồm, đỏ môi .
 
Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em ở nơi sự tích trầu - cau - vôi: Sống chia rẽ anh em là chết. Sự hối hận đền bù cho cái chết, bằng cái chết... Chết rồi nhưng vì biết hối hận nên lại sống lại, hóa thân nơi trầu - cau - vôi, hòa hợp nơi miếng trầu.
 

Nét đẹp trong phong tục tập quán của ngôi làng nghiện trầu nhất thủ đô


 

Tiêu chuẩn chọn người yêu 
 

Ở làng Phú Lễ, ngôi làng nghiện trầu, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội, từ các cụ già trên trăm tuổi tới trẻ con 7-8 tuổi cũng biết ăn trầu. Phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau. Ngạc nhiên hơn, đàn ông ở Phú Lễ còn ăn trầu nhiều hơn phụ nữ. 
 
Ngày thường, ở ngôi làng nghiện trầu này, nhà nào cũng có chục quả cau. Nhiều gia đình trong làng vẫn giữ thói quen trồng cau, trầu ngay tại vườn. Hễ nhà có việc lớn nhỏ gì cũng không thể thiếu được đĩa trầu. Từ hàng nước đến các quán ăn, người ta dùng đĩa trầu cau thay cho hoa quả tráng miệng. 
 
Người dân nơi đây quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, nhưng phải lo sắm đủ cau trầu cho 3 ngày. Đó cũng là mặt hàng bán chạy không kém thịt lợn, bánh kẹo ở đây mỗi dịp Tết đến. Đặc biệt trong đám cưới, trầu cau là món sính lễ quan trọng nhất.
 
Ông Kiều Cao Học, một người lớn tuổi trong làng cho biết, đến nay chẳng ai hay tập tục ăn trầu ở Phú Lễ phổ biến từ bao giờ. Đám cưới ở đây cũng thách cưới bằng cau. Tục làng, ăn được miếng trầu còn là “tiêu chuẩn” để cho các thanh niên chọn người yêu. Có thời, các đôi đi đăng ký kết hôn thường mang theo mấy quả cau, lá trầu, ông Kiều Cao Học chia sẻ. 

Những người lần đầu tới làng đều ngạc nhiên khi thấy cả thanh niên, trẻ nhỏ say mê với trầu cau. Cô gái tên An, 22 tuổi, quê ở Quảng Ninh, lần đầu về Phú Lễ dự đám cưới bạn. An cùng vài cô gái đi lại liên tục để bê trầu lên cho khách. “Em chưa thấy nơi nào người dân ăn trầu nhiều như ở đây. Đám cưới nơi khác thì ăn trầu cho có lệ. Ở đây mấy ngày, em thấy thanh niên bằng tuổi mình, rồi cả mấy em nhỏ, cũng tóp tép nhai trầu”, nữ sinh ĐH Tài nguyên và Môi trường cho hay.
 
 

Không biết ăn trầu, không phải người Phú Lễ 

 
Ở ngôi làng nghiện trầu Phú Lễ, người dân ăn 2 loại trầu. Một là nhai lẫn với cau, quệt thêm một ít vôi, ăn vừa miệng bởi có vị cay của lá trầu, nồng của vôi và tươi ngọt từ hạt cau. Một loại trầu nữa ăn với thuốc lào, dễ bị say và thường các cụ già ăn trầu lâu năm mới thích loại này vì vị của nó rất đậm đà.

Cách ăn trầu của người Phú Lễ cũng rất dung dị, không cần têm cánh phượng, đựng trong cơi son mà chỉ cần quả cau bổ bảy, xé thêm miếng lá trầu rồi nhai cả ngày. 
 
Nếu như người xưa hay có câu “Phi tửu bất thành lễ”, thì với người dân nơi đây là “Phi trầu bất thành lễ”, không biết ăn trầu, không phải người Phú Lễ. “Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào về phong tục này.

Bởi đây là tục lệ rất đẹp, thể hiện sự gần gũi, ấm áp của người dân Phú Lễ”, bỏm bẻm với miếng trầu, bà Phùng Thị Tám, người dân nơi đây chia sẻ. 
 
Với người dân Phú Lễ, sống với miếng trầu, chết cũng với miếng trầu, trầu đã đi vào đời sống của nhân dân như một lẽ tất yếu.

Những người già trong làng 70 đến 80 tuổi  cũng có thâm niên hơn 50 năm ăn trầu, những lớp trung niên 40-50 tuổi có người ăn từ khi mới 7 - 8 tuổi, bọn trẻ con trong làng thấy người lớn ăn cũng nhao nhao đến xin một miếng trầu ăn cho đỏ môi, miệng nhai tự nhiên, ngon lành.

Khi được hỏi về thói quen nhai trầu, nhiều chàng trai trong làng tếu táo: “Thà bỏ vợ chứ nhất quyết không bỏ trầu”.
 
Đã bao đời nay, miếng trầu gắn bó với người dân Phú Lễ. Nó còn chứa đựng và chuyển tải tình cảm sâu đậm của người dân đối với quê hương. Chẳng thế mà nhiều người dù xa quê lâu năm vẫn giữ thói quen ăn trầu. Mỗi khi phải đi đâu xa, trong hành lý của họ đều mang theo cơi trầu.
 
Thủy Nguyễn