(Lichngaytot.com) Tết Trùng Cửu là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết truyền thống này là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Có lẽ giờ ít người còn nhớ trong số 12 Tết cổ truyền của Việt Nam, tháng 9 âm lịch cũng có một ngày Tết như vậy. Cũng ít người còn biết ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày gì. Theo truyền thống, đây là ngày Tết Trùng Cửu, là ngày tết có nguồn gốc từ rất lâu đời.
|
Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trùng Cửu |
Tuy ngày nay, Tết Trùng Cửu không còn sức ảnh hưởng rộng khắp trong văn hóa Việt Nam, song đó vẫn được coi là một ngày lễ quan trọng của Nho giáo. Hãy cùng Lịch ngày tốt đi tìm về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền này nhé.
1. Nguồn gốc của Tết Trùng Cửu
Có rất nhiều điển tích xoay quanh sự ra đời của ngày Tết này. Có tích kể rằng, đây là phong tục được bắt nguồn từ đời Hán. Trong “Tục Tề hài ký”, Ngô Quân thời Nam Triều từng có ghi chép lại câu chuyện như sau: ““Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng.
Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: ” Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Muốn tránh tai họa thì đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi vận hung”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết.”
Từ đó về sau, cứ đến ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch là người người lại rời nhà lên núi để lánh nạn, lâu dần người ta gọi đó là ngày Tết Trùng Cửu.
Còn sách “Phong Thổ Ký” lại chép rằng: Cuối đời nhà Hạ (2205 – 1818 TCN), vua Kiệt nổi tiếng dâm bạo tàn ác, gây ra bao nhiêu tai họa cho nước cho dân. Ngọc Hoàng Thượng đế muốn răn đe tên hôn quân nên giáng xuống một trận thủy tai, khiến cho nhà cửa khắp nơi đều chìm trong biển nước, dân chúng chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó diễn ra vào đúng ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch.
Vì thế mà mỗi năm, cứ đến ngày này, dân chúng lại lo sợ thiên tai lũ lụt xảy ra, già trẻ gái trai kéo nhau lên núi ở, mang theo đủ loại thực phẩm để lánh nạn. Tục ấy thành lệ kéo dài từ những ngày xa xưa, người dân gọi đó là ngày Trùng Cửu.
Đến đời Hán Văn Đế (176 – 156 TCN), nhà vua cho dựng một đài cao tới 30 trượng ngay trong cung cấm. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 9 tháng 9 là nhà vua cùng hoàng hậu, vương tử, cung phi… lại lên đài đó ở cho qua hết ngày.
Về sau, tới đời nhà Đường (618 – 907), ngày này trở thành ngày Tết Trùng Cửu, các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ lên núi thưởng ngoạn, uống rượu ngâm thơ, say trong thiên nhiên nhạc họa.
Quan niệm xưa cho rằng số lẻ là số dương, tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng. Ngày 9 tháng 9 là ngày thịnh dương, thể hiện mong muốn của con người về cuộc sống sung túc, đủ đầy nên ngày Tết này còn được gọi là Tết Trùng Dương.
2. Ý nghĩa Tết Trùng Cửu trong văn hóa
Thời Đường có lẽ cũng chính là thời điểm mà Tết Trùng Cửu du nhập vào Việt Nam, bởi đó là thời kì mà nước ta bị nhà Đường đô hộ, phải chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa nhà Đường. Tuy nhiên, ông cha ta không để bị hòa nhập hoàn toàn mà vẫn có những sự cải biến khác nhau nhất định trong ngày Tết này ở Việt Nam so với bản nguyên gốc của Trung Quốc.
Thời nhà Lý, nhà Trần, các nho sĩ cũng tổ chức leo núi, uống rượu, tự gọi đó là thưởng Tết Trùng Dương.
“Năm ngoái giữa rừng không có lịch
Nhìn hoa cúc nở biết trùng dương”
Đây là câu thơ được Huyền Quang Thiền sư, một vị thiền tăng nổi tiếng của Việt Nam sáng tác. Tên tuổi ông gắn liền với núi thiêng Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng với tứ quý “tùng – cúc – trúc – mai” trong Phật giáo Việt Nam.
Ở Trung Quốc xưa kia ngày 9 tháng 9 âm lịch là thời điểm hoa cúc nở rộ, báo hiệu mùa đông giá buốt sắp tới. Chính vì thế mà ngày Tết này còn có tên gọi khác là “Từ thanh”, tức là tạm biệt thảm cỏ xanh, tạm biệt những ngày thời tiết mát mẻ, bởi mùa đông đến cây cối không có sức sống, cảnh sắc nhạt nhòa trong tuyết giá.
Nuối tiếc những ngày ấm áp, người dân tranh thủ thời tiết đẹp để lên núi ngắm cảnh thu, cùng người tri kỉ uống rượu ngâm thơ. Người ta mang theo rượu hoa cúc để uống, mà hoa cúc lại nở bền nên dần trở thành biểu tượng cho tình bạn thắm thiết cũng như sự cao thượng, nho nhã của nho sĩ thời xưa.
Song khi tới Việt Nam, truyền thống này có vài sự đổi khác để phù hợp với văn hóa Việt. Đồng bằng sông Hồng là nơi dân ta sinh sống chủ yếu, mà đồng bằng ít đồi núi nên chỉ có những nhà văn nhà thơ, những người yêu văn chương, có tâm hồn nghệ sĩ mới rời xa đô thành tấp nập, về những vùng quê, nơi có những ngọn núi đẹp để ngắm cảnh, bình thơ cùng bạn hiền.
Vì lẽ đó, Tết Trùng Cửu cũng ít phổ biến trong dân gian hơn những ngày Tết cổ truyền khác.
Đây là một ngày Tết cổ truyền trong văn hóa với mục đích phòng trừ bệnh tật, côn trùng. Có nhiều điểm tương tự với
Tết Đoan Ngọ, Tết Trùng Cửu người ta uống rượu hoa cúc, đeo cành thù du để tránh bị đau ốm do thời tiết thay đổi.
Trong khoảng thời gian trước Tết này, trời mùa thu mưa lất phất, trời âm u, cái nóng chưa hết mà hơi lạnh đã đến, thời điểm chuyển mùa trời đất sinh độc, con người dễ sinh bệnh tật.
Chính vì thế mà vào thời gian này cần hết sức chú ý phòng côn trùng, phòng nóng lạnh. Rượu cúc hoa có tác dụng mát gan, giải nhiệt, tiêu độc, sáng mắt, giải cảm… Cây thù du có tính cay nóng, hương thơm từ cây có thể đuổi muỗi, côn trùng, cũng có thể trị hàn, khử độc.
Thiên Thiên