Tục cúng cô hồn
Cứ đến Rằm tháng 7, theo phong tục của người Việt, chúng ta thường thực hiện nghi lễ cúng lễ Xá tội vong nhân. Vào dịp này, gia đình nào cũng bày một mâm cúng vào buổi chiều muộn để cho những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa về được với cõi âm sẽ được bắc cầu siêu độ. Mâm cúng tùy vào từng gia đình sắm sửa nhưng thường gồm vàng mã, và đồ chay hoặc hoa quả, ngoài ra còn có nhiều bỏng ngô, khoai, ngô luộc, sắn luộc, kẹo bánh, gạo muối, nước mía và không thể thiếu món cháo loãng.
Cháo loãng là món đặc biệt không thể thiếu vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường. Các món bỏng nẻ, khoai, sắn, ngô, kẹo bánh, sữa, bim bim… được coi là để cúng các thai nhi, em bé bị mẹ bỏ rơi. Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường mang ý nghĩa tiễn cô hồn đi. Tham khảo: Cúng cô hồn tháng 7 - Những điều đặc biệt phải lưu tâm
Chúng ta quan niệm rằng, việc cúng cô hồn có thể là một hành vi mang tính nhân đạo, bày tỏ tấm lòng thương xót của mình với những linh hồn khốn khổ. Nhưng đồng thời mong các cô hồn được ăn, không quấy phá, hoặc làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gia chủ.
Với những người đang kinh doanh, họ cúng cô hồn nhiều lần trong năm, thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng. Trong các dịp cúng giỗ, ngoài cúng vái tổ tiên, người ta còn làm một mâm cỗ để cúng cô hồn.
Xem thêm: 30 điều cấm kị trong tháng cô hồn tránh hồn xiêu phách lạc
Không cúng cô hồn dịp Rằm tháng Bảy có được không?
Nhiều người gọi Rằm tháng 7 theo lịch âm là “Tết quỷ” nhưng thật ra khái niệm này xuất phát Trung Quốc. Trong dân gian, người Việt gọi đây là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.Việc cúng cô hồn được truyền miệng từ đời này sang đời khác và chúng ta thường làm như một thói quen. Nhưng bên cạnh đó không có ít người phân vân là liệu không cúng cô hồn dịp Rằm tháng Bảy có được không vì đối với họ chỉ cần hướng tâm và có lòng thành là đủ, không phải thực hiện các nghi lễ hay cúng đơm.
Trả lời về vấn đề này, sư thầy Thích Diệu Nhã (chùa Linh sơn Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: Trước hết phải khẳng định, việc cúng cô hồn hay vong linh là tùy vào cái tâm và việc làm phúc của mỗi gia chủ, hoàn toàn không có việc bắt buộc phải cúng cô hồn hay các vong linh vào mỗi dịp Rằm tháng Bảy hàng năm. Nếu gia đình nào biết cách làm lễ cúng này thì sẽ rất có lợi cho gia chủ đó. Còn nếu không biết cách làm thì có thể đăng ký nhờ nhà chùa sắm lễ vật hoặc tự mang lễ vật đến cúng cùng nhà chùa. Việc cúng lễ cô hồn có hai hình thức: Một là tại nhà, hai là tại chùa.
Nếu thực hiện nghi lễ cúng cô hồn tại nhà, bạn có thể thì thầm khấn vái với nội dung mời các cô hồn thụ hưởng các món cúng. Đôi khi người ta đọc một bài văn tế cô hồn, trong đó có thể miêu tả các cái chết thảm khốc. Bài văn tế nổi tiếng nhất có lẽ là bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều bài tế cô hồn phóng tác dựa theo tác phẩm này với nội dung phù hợp với hoàn cảnh của địa phương nơi cúng.
Đa số chúng ta thường nghĩ mâm cao cỗ đầy với heo quay, vịt luộc sẽ thể hiện lòng thành nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Đồ mặn chỉ khiến các cô hồn còn sân hận và luyến tiếc dương thế, khó có cơ hội siêu thoát. Do đó, mâm cúng cô hồn nên là đồ chay để các cô hồn dễ siêu thoát hơn. Bên cạnh đó, khi cúng không nên cầu xin gì mà chỉ thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn.
Cũng theo sư thầy Thích Diệu Nhã, nếu gia chủ nào không biết cách làm tại nhà cũng không nhờ nhà chùa thì không nên làm lễ cúng này vì nếu không biết cách tiễn các cô hồn, vong linh về cõi âm, các vong linh sẽ quanh quẩn trên cõi trần quấy đảo gia chủ. Các gia đình nên coi như đây là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện chứ không nên sa đà, hoang phí đốt vàng mã, mâm cao cỗ đầy.
Minh Minh
Infographic: Văn khấn Rằm tháng 7 âm lịch - Nghi lễ cúng tổ tiên