Thứ Tư, 21/12/2022 10:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Không phải ai trong chúng ta cũng tin rằng "trên đầu ba thước có thần linh" cho dù cổ nhân nhắc rất nhiều về điều này, đơn giản là vì hầu hết mọi người chỉ tin vào những gì mình mắt thấy tai nghe.
1. Trên đầu ba thước có thần linh
Người xưa có câu “Cử đầu tam xích hữu thần minh” nghĩa là "Trên đầu ba thước có thần linh" trong đó có chữ “Cử” nghĩa là “hướng lên trên”, bởi vì nơi thờ phụng thần linh luôn được đặt ở trên bàn thờ nên người ta thường “hướng lên trên” để thể hiện sự tôn trọng bày tỏ lòng cảm tạ.
Theo đó, cổ nhân muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng các vị Thần ở trên cao vẫn luôn đang dõi theo cuộc sống cũng như nhất cử nhất động của con người tại thế gian. Do đó con người không nên nghĩ rằng mình làm điều xấu mà không ai nhìn thấy. Câu nói này khá tương tự câu: "Vải thưa che mắt thánh", nghĩa là không có gì có thể che mắt được thần linh.
Trên đầu ba thước có thần linh có hàm ý nhắc nhở chúng ta nên chăm chỉ làm điều thiện, tránh làm điều gian ác thì Thần Phật mới bảo hộ tai qua nạn khỏi. Đối với những người có tâm thành kính cầu nguyện và thờ phụng, thần linh sẽ giúp đỡ và chỉ đường cho họ.
Sau này lại có câu “Đài đầu tam xích hữu thần linh” (nghĩa là: Ngẩng đầu ba thước có thần linh), cũng mang hàm nghĩa tương tự. Câu nói này còn có ý nghĩa rằng thần linh tồn tại khắp nơi, cũng có nghĩa là con người dù làm gì Thần Phật cũng nhìn thấy hết.
Ngoài ra còn có một vế sau nữa ít người biết đến, đó là “Bất uý nhân tri uý kỷ tri”, nghĩa là “không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết".
“Không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết” chính là tự biết nhắc nhở bản thân tránh xa điều ác. Câu này hàm chứa tinh thần tự giữ mình, có thể dùng “tâm pháp” để tiết chế và câu thúc bản thân, giữ bản thân luôn luôn trong sạch.
Hai câu nói: "Đài đầu tam xích hữu thần linh/ Bất uý nhân tri uý kỷ tri" bắt nguồn từ một bài thơ liên quan tới một giai thoại của người xưa.
Chuyện kể lại rằng tại triều đại nhà Thanh năm đó một người tên là Diệp Tồn Nhân nổi tiếng liêm chính, ngay thẳng được mọi người yêu mến, nể phục. Sau 30 năm làm quan, ông từ chức về sống cuộc đời thanh tịnh.
Lúc này, các quan chức cấp dưới muốn cắt cử một chiếc thuyền đến để đưa tiễn Diệp Tồn Nhân. Biết được tin này ông rất vui nhưng một điều lạ là ông đợi mãi cả ngày không thấy thuyền tới. Cho tới khi đến khi nửa đêm, ông mới thấy xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ.
Thì ra các quan chức đã chuẩn bị một món quà chia tay, để tránh bị người đời nhìn thấy xì xào bàn tán nên cố tình chờ đến đêm mới xuất hiện để thuận lợi cho việc tặng, biếu.
Diệp Tồn Nhân hiểu được tình hình ông bày tỏ bản thân ghi nhận tình cảm của mọi người nhưng khéo léo từ chối món quà và ông làm một bài thơ có hai câu trên để khuyên răn mọi người phải luôn giữ vững thái độ thanh liêm và không nhận hối lộ. Tồn Nhân nhấn mạnh rằng đừng vì nghĩ rằng đêm khuya thanh vắng mà làm việc mờ ám nghĩ rằng không ai nhìn thấy vì mọi chuyện đều có Trời Đất chứng giám.
Bài thơ của ông có câu: “Trên đầu ba thước có thần linh/ Không sợ người biết chỉ sợ bản thân ta biết” chính là lời nhắc nhở con người khi sống phải biết kính sợ thần linh, phải luôn biết rằng Thần Phật và trời cao đang theo dõi từng suy nghĩ, cử chỉ, từng hành động của chúng ta.
Câu nói này hàm chứa cả trí tuệ, là kho tàng quý báu mà người xưa để lại cho thế hệ sau, răn dạy mọi người phải biết tuân theo các chuẩn tắc làm người. Những người luôn giữ vững chuẩn tắc sẽ có thể kiên trì vượt qua mọi khổ nạn, bước tới một tương lai tốt đẹp hơn.
2. Xây dựng lòng tin của mình một cách có trí tuệ
Việc mê tín dị đoan rất đáng lên án vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người và khiến chúng ta thiếu đi nghị lực sống và suốt ngày chỉ tìm cách cầu cứu thần linh, không chịu lao động. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là không tin vào nhân quả hay các giá trị đích thực khác của cuộc sống.
Phật giáo không tin vào đấng sáng thế nhưng Đức Phật chưa bao giờ bác bỏ sự hiển diện của Thần linh. Đức Thế Tôn có câu: “Tin là căn bản của sự thành công và là nguồn gốc của muôn hạnh lành”. Tuy nhiên, mặt khác Ngài vẫn khuyến khích chúng ta nghi ngờ để có thể tự đi tìm câu trả lời cho chính mình chứ không vội vàng bác bỏ.
Trong khi đó, cổ nhân đều tin rằng Thần Phật là thực sự có tồn tại, họ kính Trời kính Đất. Họ tin tưởng rằng nhất cử nhất động của con người đều không nằm ngoài ánh mắt của Thần, họ tích đức hành thiện, khi đại nạn đến có thể đắc được sự bảo hộ của Thần Phật.
Hay khi ta lật lại những trang sử của các dân tộc, chúng ta có thể thấy ngay rằng từ cổ chí kim, các dân tộc đều tin tưởng Thần Phật là có tồn tại. Trong Kinh Quán Đỉnh ghi lại rằng một người quy y Tam bảo thì sẽ có 36 vị thần hộ pháp bảo vệ. Người thọ trì ngũ giới thì mỗi giới có năm vị thần hộ pháp bảo vệ.
Người bình thường cũng luôn có những vị hộ pháp đang âm thầm che chở đó là những vị thần thiện ác ghi nhận việc thiện ác của con người.
Nếu bạn sống thiện lương thì chư vị ngày đêm bảo vệ bạn, nếu bạn sống xấu ác hoặc làm các việc tổn đức như hại người, ngoại tình, tà dâm… thần thiện sẽ giận dữ mà bỏ đi, lúc này thần ác sẽ xúi giúc hoặc dễ bị các loài phi hành quỷ mị, hoặc tà thần ác quỷ gá nhập tấn công.
Không nói về chuyện tin hay không nhưng nếu chịu khó quan sát về cuộc sống thường nhật chúng ta có thể thấy việc như ai thích đánh bạc sẽ bần cùng; người nào cướp bóc rồi sẽ bị bắt, sát nhân sẽ phải đền mạng... Những điều này đều là nhân quả báo ứng, thế nên nếu nói không tin nhân quả thì có vẻ khá cực đoan.
Có thể rất nhiều người làm điều ác vẫn nhởn nhơ hoặc người làm điều tốt vẫn sống khổ sở. Nhưng cái gì chúng ta thấy trước mắt chưa phải là câu trả lời cho tất cả bởi có những người mà phúc báo của họ chưa hết, nên phải đợi đến khi họ lại làm điều xấu nữa thì mới phải chịu ác báo. Luật nhân quả là vô cùng huyền diệu, phức tạp và không hề phụ thuộc vào bất cứ vị thần linh nào cả.
Người xưa nhắc nhở về thần linh đang quan sát hết những việc ta làm không phải chỉ để đe dọa mà để nhắc nhở chúng ta hãy học cách sống tốt vì chỉ khi có nhân tốt mới mong có quả ngọt.
3. Luôn tìm cách tự đánh giá hành động, lời nói của bản thân
Người xưa đúc rút kinh nghiệm sâu dày mới cho chúng ta biết tằng mỗi người có thể tìm cách lừa gạt được người, nhưng không bao giờ lừa gạt được chính mình, do đó bất kể ai đang làm ra sự tình gì trái với lương tâm thì bản thân mình cũng đã dằn vặt khôn nguôi.
Ví dụ như một tên giết người cho dù chưa ai phát giác ra nhưng nó vẫn thường xuyên ăn không ngon, ngủ không yên, khi nào cũng nơm nớp lo sợ việc của mình bị phát hiện.
Cho nên có cố gắng tìm cách lừa gạt được người khác chứ vĩnh viễn không thể che giấu được chính bản thân mình. Hơn nữa, việc làm xấu ấy, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ gặp báo ứng, chẳng cần tới thần linh ra tay.
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta quá tin vào khoa học, logic đến nỗi chỉ nhìn thấy những điều trước mắt mà vội vàng đánh giá, kết luận. Không ít những kẻ gian dối, tham lam, ác độc,... làm bao chuyện xấu xa nhưng cứ tin rằng chẳng ai biết.
Thực tế là có thể vài năm, chục năm hoặc vài chục năm sau họ mới lãnh hậu quả do mình gây ra nhưng lúc đó có hối hận cũng đã quá muộn màng.
Chuyện kể rằng, thời triều Đông Hán có người tên Dương Chấn nổi tiếng hiếu học, mông minh, hiểu biết, khá hiểu sự đợi, ông được mọi người tôn là “Quan tây Khổng Tử”. Đại tướng quân Đặng Chất nghe tiếng ông nên tiến cử ông làm tú tài và nhờ chức vụ này ông cũng đã hỗ trợ cho nhiều người hiền tài như mình được làm quan.
Một lần Dương Chấn đi qua Xương Ấp, viên quan Vương Mật - Huyện lệnh của Xương Ấp vốn là đệ tử trước đây nên muốn cảm ơn Dương Chấn trước đây đã đề bạt mình có được vị trí hiện tại nên mang 5 cân vàng đến để báo đáp.
Thế nhưng Dương Chấn khi nghe xong đệ tử của mình trình bày liền nhẹ nhàng từ chối. Thê nhưng Vương Mật vẫn cố gắng thuyết phục Dương Chấn nhận vàng, ông nói: “Chuyện tôi tặng vàng cho ông, đêm hôm khuya khoắt không ai biết cả".
Dương Chấn đáp: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao ông nói là không ai biết?”
Chỉ một câu nói ấy thôi mà Vương Mật hiểu chuyện và cảm thấy vô cùng xấu hổ, đành mang vàng rời đi.
Hầu hết chúng ta cũng như Vương Mật đều nghĩ rằng đêm tối ít người biết nên mới dám làm những việc mờ ám, tin rằng không ai biết chuyện thì không gây ra tội lỗi gì. Thế nhưng người hiểu cao, biết rộng như Dương Chấn lại không nghĩ vậy.
Vậy nên người xưa mới luôn nhắc nhở rằng ta cũng phải thận trọng dù cho đang ở một mình. Thậm chí khi trời tối vắng, đừng vội nghĩ rằng không ai biết thì thoải mái làm việc sai quấy.
Nghĩa là cho dù ta ở nơi không ai biết, nhưng vẫn phải giữ vững phẩm hạnh, cũng phải giữ sự trong sạch, liêm chính của mình, tuân thủ các quy phạm đạo đức mà ông trời đã ban cho con người, bởi vì luôn có thần linh cùng ông trời đều đang theo dõi những việc chúng ta làm.
Trời rộng đất dài, ta chẳng thể nào tỏ tường mọi việc, hơn nữa một kiếp người trôi qua rất nhanh, phải tranh thủ làm những điều tốt đẹp cho người khác, gieo rắc những điều thiện lành. Nếu không, cứ cố gắng hơn thua, mưu đồ, cơ hội về mình thì sau này hối hận cũng quá muộn màng.