Thứ Ba, 15/10/2024 17:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiểu được tại sao người có tiền mà không trả nợ, bạn có thể tự mình tháo gỡ một số vấn đề mà không phải khi nào bạn cũng có thể tự nhận diện ra chúng.
1. Tại sao người có tiền mà không trả nợ?
Có rất nhiều người xung quanh chúng ta luôn thanh toán trễ các hóa đơn dù có tiền trong tài khoản, đủ để chi trả đầy đủ và đúng hạn tất cả các nghĩa vụ tài chính. Kết quả, các khoản phí muộn chồng chất, các tiện ích bị gián đoạn, điểm tín dụng thấp và mức độ lo lắng tăng cao...
Hay như, các cặp vợ chồng đau đầu với việc mua sắm điên cuồng của người bạn đời trong khi anh ta/cô ta không chịu trả nợ. Việc không thể giải quyết vấn đề này cùng nhau còn gây ra căng thẳng trong chuyện tình cảm.
Thế nhưng tại sao những người này có tiền mà không chịu trả nợ?
Các chuyên gia tài chính cho rằng, cốt lõi của vấn đề là bởi sự tự kỷ ám thị về cảm xúc tiêu cực lặp đi lặp lại trong tâm trí mà chính bạn không nhận diện ra hoặc cố tình tảng lờ nó. Đã đến lúc, bạn cần vui vẻ hơn với tiền bạc, đó là cách cải thiện mối quan hệ với tiền, như thế mới dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn.
Biết rõ bản thân đang có bao nhiêu khoản phí bị trễ hạn, nợ thẻ tín dụng bao nhiêu hoặc thậm chí có đang đi đúng hướng mục tiêu tài chính hay không, cũng chỉ chữa khỏi được một phần "bệnh" lo âu về tài chính mà thôi.
Vấn đề là phải xác định được các yếu tố thực sự ảnh hưởng đến cảm xúc gây hại cho đời sống tài chính của bạn, tức nguyên nhân đằng sau là gì, thì mới tháo gỡ được tâm trạng, dẫn đến thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Thực ra hầu hết các quyết định thiếu tỉnh táo của chúng ta đều xuất phát từ vấn đề tâm lý. Đó thường là chấn thương tâm lý thời thơ ấu hoặc quá khứ mà không phải ai cũng nhận ra.
Ví dụ một người mua quá nhiều nước hoa lúc anh ta giàu có vì anh ta từng bị lừa một vố đau ở quá khứ khi toàn bộ số tiền để dành lại mua phải nước hoa giả. Hay một người mải mê mua đồ tích trữ tủ lạnh vì lúc nhỏ thường xuyên bị bỏ đói...
Có
dấu hiệu tuổi thơ có tổn thương hoặc chuyện trong quá khứ gây ra vấn đề tâm lý lớn trong tinh thần, tạo nên cảm giác sợ hãi, nên khi có tiền họ muốn bù đắp vấn đề của mình.
Ngay cả những người không chịu trả các hóa đơn cho dù họ đang có tiền trong tay vì họ từng không có nhiều tiền trong quá khứ. Phải nhất định giữ chặt tiền trong túi, không cho chúng "thoát" được xem như là cách chống lại nỗi sợ mất đi tài sản quý giá, ngay cả khi không còn thiếu thốn.
2. Làm sao giải quyết vấn đề này?
Ít người nghĩ tới việc các chấn thương tâm lý của mình có thể gây ra hành động liên quan tới tiền bạc ở hiện tại vì hầu hết chúng ta không nghĩ đó là vấn đề, chỉ xem là chuyện bình thường, là sở thích của bản thân khi tôi mua rất nhiều giày dép, nước hoa, hay không trả nợ đúng hạn...
Có thể nói, những nỗi sợ mơ hồ, không xác định thường là nỗi sợ về những điều chưa biết. Bước đầu tiên trong việc chống lại nỗi sợ gây ra quyết định thiếu khôn ngoan về tiền, bốc đồng mua sắm là nhận diện ra nguyên nhân của nó.
Tất cả chúng ta đều nhạy cảm về vấn đề tài chính. Nhận rõ tài chính của bạn ở mức nào là rất hữu ích. Sau đây là một số cách nhận diện xem mình có vấn đề hay không.
- Đừng bỏ qua cảm giác khó chịu: Không thích hoặc có cảm giác chống đối về lĩnh vực nào đó liên quan đến tiền cho thấy bạn không có mối quan hệ tốt với tiền. Khi đó đừng cố tảng lờ vấn đề, hãy xác nhận rằng mình cần đối mặt và cần cải thiện nó.
- Lập một phương pháp thích hợp: Một khi bạn nhận ra việc thanh toán các khoản phí là việc không thể tránh khỏi, hãy đặt chế độ tự động thực hiện thanh toán nợ hàng tháng hoặc tự động chuyển tiền đúng hạn vào quỹ khẩn cấp hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí... Điều này giúp giảm thiểu các quyết định bốc đồng hàng ngày.
- Thường xuyên kiểm soát lại tình hình tài chính: Sự tiến bộ về những hiểu biết liên quan tới tiền bạc không tự nhiên mà cải thiện, nó cũng cần phải thực hành thường xuyên.
- Chi tiền cho chuyên gia: Ngay khi có được thu nhập hoặc tài sản lớn hơn khả năng mình có thể xử lý thì nên tìm hiểu các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân đáng tin cậy, chọn người phù hợp để họ hỗ trợ bạn. Việc đăng vấn đề của mình lên mạng xã hội để hỏi hay xin trợ giúp chỉ càng khiến bạn mất phương hướng hơn mà thôi.
3. Cách xử lý nhanh nợ nần
Đừng xem thường các khoản nợ dù là nhỏ nhất vì nó như căn bệnh ung thư trong người bạn vậy, chúng âm thầm gây ra vấn đề lớn hơn, phá hủy năng lực tài chính của bạn trong tương lai. Lời khuyên từ chuyên gia tài chính cá nhân giúp bạn xử lý nhanh nợ nần theo các bước dưới đây.
3.1. Xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn
Tuy việc trở nợ càng sớm càng tốt là ưu tiên hàng đầu nhưng nó cũng cần cân đối với các mục tiêu tài chính khác. Do đó bạn cần có kế hoạch dài hạn cho việc trả nợ, cân đối với chi tiêu hàng tháng.
Trước hết chúng ta đều cần có quỹ dự phòng khẩn cấp (từ 3 - 6 tháng thu nhập hoặc thậm chí 9-12 tháng) song song với trả nợ. Luôn có những vấn đề bất ngờ xảy ra, bạn có thể sử dụng tiền này để vượt qua.
3.2. Phân tích và xử lý lại các khoản nợ
Có khoản nợ xấu và khoản nợ tốt, điều cần làm là trả trước các khoản lãi suất cao rồi tới các khoản lãi suất thấp. Càng sớm trả nợ lãi suất cao, bạn càng có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn để thanh toán các khoản lãi khác.
Bạn nên liệt kê cụ thể những khoản nợ, sắp xếp từ mức lãi suất cao nhất đến thấp nhất. Tính toán số tiền bạn phải trả cho tất cả các khoản nợ mỗi tháng. Mỗi một đồng thừa lại sau khi dành cho chi tiêu hàng tháng cần được dùng ưu tiên để trả nợ.
Thanh toán mức tối thiểu trên tất cả dư nợ, đảm bảo luôn thanh toán đúng hạn.
Một cách ngược lại đó là bạn sẽ trả từ khoản nợ nhỏ nhất đến lớn nhất. Mỗi khi trả hết một khoản nợ, bạn sẽ có cảm giác hưng phấn về mặt tài chính, thúc đẩy để tiến tới trả xong các khoản còn lại một cách nhanh chóng.
Cách nào cũng hiệu quả miễn là nó phù hợp với bản thân.
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: