Người xưa răn: Phải biết giữ hòa khí để trăm cái phúc tự đến

Thứ Ba, 03/08/2021 10:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bạn nên luôn nhắc nhở bản thân: "Phải biết giữ hòa khí" vì đó là cách để ta thu phục lòng người. Người càng tĩnh tâm càng được nhiều người nể trọng, lại càng thu hút nhiều phúc lộc về mình.


Vì sao người xưa luôn khuyên phải biết giữ hòa khí?


Giữ được hòa khí mang lại lợi lộc


Một câu chuyện được kể lại về cách hành xử của vua nước Tần một nước chư hầu nhà Chu, tên Tần Mục Công từng khiến người đời vô cùng ngưỡng mộ rằng, ông có lần làm mất một con tuấn mã nên cho quân lính lùng sục khắp nơi để tìm kiếm.

Sau vài giờ đi tìm kiếm, cuối cùng quan binh cũng tìm thấy một nhóm người đang giết thịt con ngựa của Ngài ở dưới chân núi.
 
Quan binh lập tức bắt trói và dẫn đám người này đến chỗ Tần Mục Công, những kẻ trộm ngựa của Ngài vô cùng sợ hãi, lo sợ bản thân khó giữ mạng. Thế nhưng, cách phản ứng của Tần Mục Công mới đáng kinh ngạc.

Ông không những không trách phạt họ mà còn nói: “Người có đạo đức sẽ không vì súc vật mà tổn hại người. Ta nghe nói ăn thịt tuấn mã mà không uống rượu thì sẽ làm tổn thương thân thể”.

Nói rồi, nhà vua sai quân lính ban cho đám người kia rượu về để uống cùng ngựa. Những người này được tha về, không hề phải chịu sự trừng phạt lại còn được nhà vua đãi ngộ nên trong lòng vô cùng cảm kích.
 
Ba năm sau, nước Tấn đánh chiếm nước Tần và nhà vua Mục Công bị quân địch bao vây. Đúng lúc hiểm nguy này, những người năm xưa ăn thịt ngựa của ông đột nhiên xuất hiện, dũng mãnh xông pha, giải cứu được Tần Mục Công khỏi quân địch.

Bài học: Có thể thấy, nhờ giữ được hòa khí mà Tần Mục Công đã để lại một chút ân huệ, cuối cùng chính nó lại giúp ông biến nguy thành an.

Người với người cần phải biết đối đãi với nhau dịu dàng lúc đó mình là người được lợi chứ không phải ai khác. Người với người nếu đến với nhau vì vật chất thì khi ta không còn gì thì cũng chẳng ai ở bên, thế nên sống trên đời quý trọng nhau bằng tình cảm thì mới bền lâu, sống mãi với thời gian.
 
Cuộc sống luôn xảy ra những chuyện bất như ý như đồng nghiệp làm hỏng việc, anh em tranh chấp tiền bạc, chồng/vợ có nhiều quyết định sai lầm, vô tình bị ai đó đổ lỗi,... chắc chắn phản ứng đầu tiên của chúng là sẽ là nóng nảy, nổi sân hận trong lòng.

Nhưng hãy nhớ về Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận để bình tĩnh lại, tránh việc để đánh mất phúc khí của mình trong giây phút ấy. Hãy nhớ rằng, hầu hết nhân sinh bị mê mờ che mắt nên đôi khi không được tinh tấn, phạm sai lầm là điều có thể xảy ra.

Khi ấy hãy tìm cách giữ lại hòa khí vì anh em, vợ chồng, đồng nghiệp,... có tranh cãi, dùng lời lẽ không hay để sỉ nhục nhau thì tình cảm ấy khó lành lặn. Người với người vì thế, hãy lấy lòng rộng rãi mà đối đãi với sai lầm thì tất được trọng vọng, nể phục, yêu mến.

Nhất là vợ chồng sống chung một nhà khó tránh khỏi xung đột nhưng hãy tôn trọng, yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ, bỏ qua những điều hơn thua nhỏ nhặt để chung tay nuôi dạy con cái nên người, tạo lập mái ấm hạnh phúc.

Con người sống nơi thế gian không thể sống một mình trơ trọi trên đời, phải biết nương tựa vào nhau, hòa hợp cùng nhau mà sinh tồn. Trong Nho gia cũng đề xướng tư tưởng “Dĩ hòa vi quý”, phàm là chuyện gì cũng lấy hòa khí, hài hòa làm mục đích cao nhất. Thế nên Hồng Ứng Minh đời Minh từng nói: “Người biết giữ hoà khí, thì trăm cái phúc tự đến”. 

Phúc ấy là chính chúng ta tạo ra trong quá trình biết giữ hòa khí. Ví dụ như trong công việc giữ được sự hài hoà, càng bớt chút nóng giận, sẽ càng được lòng mọi người và các mối quan hệ cũng trở nên tốt đẹp hơn, tự nhiên mọi chuyện sẽ thuận lợi, dễ dàng thành công.
 
Mạnh Tử nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà”. Hoà khí chính là một tấm lòng bao dung, một tinh thần hợp tác, cùng đồng tâm, hiệp lực và tận dụng được sức mạnh của một tập thể đồng lòng.
 
 

Người biết giữ hòa khí là người có tu dưỡng


Bất cứ ai cũng có thể thù hằn người đã phạm lỗi với mình, nhưng mấy ai có thể bỏ qua tất cả, không kết oán trong lòng? Hầu hết chúng ta thường nghiêm khắc với người ngoài, dễ dãi với bản thân nhưng mấy ai làm được điều ngược lại, khoan dung với tất thảy nhưng nghiêm túc chấn chỉnh chính mình.
 
Hoà khí tưởng rằng chỉ là biểu hiện bên ngoài nhưng đó thực sự là một sự tu dưỡng từ bên trong. Họ phải học cách hiểu người khác thông qua hiểu chính mình, phải biết rằng con người chẳng ai hoàn hảo cả, họ có vô lý, có hành xử ngốc nghếch cũng là vì giới hạn về tri thức, hiểu biết của bản thân mà thôi.

Nếu ta có đưa vấn đề của họ ra để chỉ trích thì họ vẫn chỉ đưa góc nhìn hạn hẹp của mình ra để đánh giá tình hình. Vì thế, nếu có cố tình tranh cãi cũng chẳng ích gì, trong việc giao tiếp cần biết khéo léo, tinh ý, nhẹ nhàng.

Người có hoà khí mới có thể giao tiếp với mọi người, mới có thể cùng hợp tác cộng sự, mới có thể có thành công trong sự nghiệp.

Họ là người biết tu dưỡng ở chỗ, biết lấy tấm lòng độ lượng bao dung người khác, công lao vinh danh thì nhường cho người, chẳng vì tham danh vọng mà cố gắng giành về; nhưng nếu có lỗi lầm thì nhận về mình, sẵn sàng nhận về phần thiệt thòi mà vẫn vui vẻ. Người linh hoạt, biết co biết duỗi, cứng mềm đúng lúc thì đắc được nhân tâm.

Không ai hận người mà sống tử tế được, vì ôm hận mà buồn phiền, nên khoan dung với người chính là khoan dung với mình, buông tha nhau khỏi những điều tăm tối.
 
Người hoà khí, nhiệt tình chứ không hời hợt, trung thành chứ không giả tạo, ban ân cho người khác là chân thành tự đáy lòng, nhưng cũng không phải vì lợi dụng người khác để đánh bóng tên tuổi của mình.
 

Làm cách nào để biết giữ hòa khí? 

 
 

Với bản thân phải giữ nguyên tắc


Ta biết rằng việc tức giận hay không hài lòng với người bất đồng ý kiến của người khác là phản ứng hết sức tự nhiên và bản năng. Thế nhưng đừng để cái bản năng đó hủy hoại cuộc sống của mình như phần lớn số đông ngoài kia. Cách duy nhất là ta phải biết xây dựng thói quen kỷ luật bản thân, kiểm soát sự sân hận đang nổi lên trong lòng mình, đừng để chúng "chạy rông" mà phải tìm cách điều chỉnh.

Sự khác biệt của một người với đa số những người còn lại đó là từ sự kỷ luật nghiêm khắc với bản thân mình, bởi vì người mà đến bản thân mình cũng không quản nổi, thì làm sao quản được người khác. Lão Tử nói: “Tự thắng giả cường”, người tự thống soái được bản thân chính là kẻ mạnh nhất.
 

Luôn có niềm tin vào bản thân


Niềm tin quyết định sự quyết đoán và phong cách làm việc của một người. Niềm tin không đủ, thì lúc nào cũng hoang mang sợ hãi, do dự không dám quyết, khiến người khác không tin tưởng, không yên tâm, từ đó dẫn đến sai sót do không nghiêm khắc, hủy hoại thanh danh. Vì vậy, làm người phải tự tin, làm việc thì càng phải tự tin.

Khi có đủ niềm tin, xử lý mọi việc dứt khoát nhanh gọn, làm người dám đương đầu đứng đi lên phía trước. Nhưng tự tin không có nghĩa là tự đại kiêu ngạo một cách mù quáng, mà đó là một chính khí đường đường chính chính. Một người trước sau như một, quang minh lỗi lạc, có một khí khái uy nghiêm khiến người người kính trọng, thì sự tự tin lúc nào cũng tràn đầy.
 
Niềm tin không phải là dũng khí hão của những kẻ vô tri không biết sợ hãi, mà là lòng tin của những người đã có tính toán kỹ càng. Một người có sự tu dưỡng lý luận thâm sâu, có hiểu biết nội hàm phong phú, có năng lực suy luận thành thục, thì sẽ có dũng khí.
 
Dũng khí bắt nguồn từ học vấn thực, bản lĩnh thực, là kết quả của chăm chỉ học hành, cần cù rèn luyện, tôi luyện kiên trì, tăng cường hiểu biết, chuyên môn thành thạo.
 

Chăm chỉ học hỏi 

 
Người có phong độ và khí chất tao nhã, là biểu hiện bên ngoài của một tố chất tốt đẹp phản ánh một tâm hồn đẹp có rèn giũa. Với người khác thì tự răn mình phải biết giữ hòa khí nhưng với những người này, họ tự biết cách điều chỉnh thân tâm để luôn ở trong trạng thái điềm tĩnh, khó có điều gì làm họ có thể nổi giận.

Để có được phong thái đó, họ đã tự tu dưỡng bằng việc học hỏi, chăm chỉ đọc sách thánh hiền. Tăng Quốc Phiên nói: “Khí chất của một người, là do bẩm sinh, rất khó để thay đổi, chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi khí chất người đó”.

Ví dụ như mùa Covid-19, trong khi hầu hết chúng ta sợ hãi với những điều ta không biết và nỗi sợ đó có thể dẫn tới chứng hoang tưởng. Ngược lại, người hiểu biết nhận ra rằng dịch bệnh cũng là thứ tai ương luôn rình rập như những hiểm họa khác trên đời. 

Những lo sợ hay thổi phồng nguy cơ của ta chính là hành vi thích nghi từ sâu trong bộ gen của chúng ta. Điều duy nhất cần điều chỉnh chính là phải nhận ra mình đang đánh giá quá cao mức độ hiểm nguy khi tai họa xảy đến, trong khi đó lại đánh giá thấp khả năng xử lý mối đe dọa của mình.

Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu nguồn gốc, cách lây lan, cách phòng bệnh hay cách chữa trị,... bằng cách thu thập nhiều thông tin, nhiều nguồn khác nhau để đánh giá, phân tích, từ đó giúp bạn hiểu ra vấn đề, cảm thấy tự tin hơn với cách thích ứng hoàn cảnh từ việc bảo vệ cho bản thân, gia đình cho tới điều chỉnh việc kinh doanh thì ta đã có thể thoát khỏi những lo lắng mơ hồ.
 
Cổ nhân nói: “Công phu là ở bên ngoài”, để bồi dưỡng phong thái học giả không nên gói gọn trong phòng sách mà phải đi ra ngoài. Làm bạn đồng hành với người có trí tuệ, sống hoà mình vào thiên nhiên. Do đó, bên cạnh đọc sách còn phải học từ việc áp dụng lý thuyết của mình vào thực tế, cuộc đời chính là một “quyển sách lớn”, phải biết xây dựng cuộc sống cả khi ở ngoài phòng sách.
 
Để có khí chất thì không chỉ vài ba cuốn sách mà còn cả kinh nghiệm, trải nghiệm sống được tích lũy sâu dày sau đó mới từ từ bộc phát, mà chỉ có bồi dưỡng thì mới tích lũy được nhiều, bồi dưỡng phong thái học thức không phải chỉ ngày một ngày hai, mà là cả đời.