Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cải mệnh với những câu nói, lời dạy thâm thúy của Khổng Tử

Thứ Sáu, 18/05/2018 15:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dưới đây là những lời dạy của Khổng Tử và câu nói chứa đựng ẩn ý sâu xa, học thức uyên thâm, có thể giúp bất kỳ ai mong muốn thay đổi số mệnh của mình.
 
Khổng Tử được biết đến là người khai sáng Nho giáo, đồng thời là triết gia lỗi lạc bậc nhất châu Á. Mấy ngàn năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng và triết lý nhân sinh của Khổng Tử vẫn được người đời coi là chân lý, truyền tụng và áp dụng qua nhiều thế hệ.
 
Dưới đây là 10 lời dạy của Khổng Tử và 10 câu nói chứa đựng ẩn ý sâu xa, học thức uyên thâm, có thể giúp bất kỳ ai mong muốn thay đổi cuộc sống, số mệnh của mình. 
 

Loi day cua Khong Tu
 

A. 10 lời dạy chứa đựng triết lý nhân sinh của Khổng Tử

 
1. Đi nhanh hay chậm không quan trọng bằng việc có đi hay không.
 
2. Đừng bao giờ kết giao với những người không hơn gì bạn.
 
3. Khi sự tức giận lên cao, hãy suy nghĩ tới hậu quả mà nó mang lại.
 
4. Nếu bạn ghét một người, bạn sẽ thất bại dưới tay người đó.
 
5. Một khi cái đích quá xa vời, đừng thay đổi cái đích, hãy thay đổi các bước để tới được đích.
 
6. Người vĩ đại tìm kiếm thứ bên trong mình, người nhỏ bé tìm thứ từ người khác.
 
7. Nếu có chỉ bảo, hãy chỉ bảo cho những người tìm kiến thức sau khi đã nhận ra sự ngang ngược của mình.
 
8. Cho dù đi đâu hay làm gì, hãy làm nó bằng cả trái tim.
  
9. Nếu có người nhổ vào lưng bạn, có nghĩa là bạn đang đi trước họ.
 
10. Kiếm tìm một lợi thế nhỏ sẽ cản trở bạn tới với thành công lớn.

Ngoài ra, Khổng Tử răn 5 điều có sức mạnh lấn át phong thủy
 
 
Cau noi va loi day cua Khong Tu
 

B. 10 câu nói đúc kết của Khổng Tử được đời đời truyền tụng

 

1. Người nói năng khéo léo, sắc mặt tươi cười đón ý, rất hiếm có lòng nhân

 
Câu nói này có ý nghĩa: Kẻ nói năng hoa mỹ khéo léo, luôn biết cách nói để được lòng người khác, nét mặt luôn tươi cười, đón ý người khác, thì rất hiếm khi có lòng nhân ái.
 
Cũng chính là loại người mà dân gian nói là “Miệng Nam mô bụng bồ dao găm”, cần thận trọng khi giao tiếp, cộng tác với họ.
 

2. Quân tử hiểu về đại nghĩa, tiểu nhân hiểu về tư lợi

 
Lời dạy của Khổng Tử có ý nghĩa: Người quân tử hiểu rõ đạo nghĩa, nên nhìn nhận vấn đề, nói chuyện và hành xử đều theo Đạo. Kẻ tiểu nhân hiểu rõ về tư lợi, nên suy nghĩ, nói năng và hành xử đều cân nhắc được mất cái lợi cá nhân.
 
Chính vì vậy, người quân tử vì nghĩa hành động, vì nghĩa xả thân. Còn kẻ tiểu nhân cứ thấy lợi là làm, bất chấp tất cả, thậm chí mạo hiểm cả tính mạng bản thân vì chữ lợi.
 

3. Người xưa học vì mình, người nay học vì người

 
Người xưa học là để nâng cao cảnh giới tinh thần của bản thân. Học ở đây chính là học Đạo, hiểu đạo lý, biết đối nhân xử thế, gặp thời thế làm quan, có khả năng tế thế an dân, không gặp thời thì tu dưỡng bản thân, sống hài hòa với tự nhiên.
 
Người nay bỏ cái gốc tu luyện tâm tính, nâng cao cảnh giới sinh mệnh, chỉ nắm cái ngọn, học tri thức, thuật loại, kỹ năng, kỹ xảo để làm quan, phát tài, hay để đạt được danh hiệu này, học vị nọ, hoàn toàn vì người khác, vì cha mẹ, vì cấp trên, vì xã hội yêu cầu. Khi bỏ cái gốc thì việc học chỉ còn là công cụ để người ta chạy theo cái danh, lợi, tình… để thỏa mãn tư dục mà thôi.
 

4. Cái mình không thích, chớ làm cho người

 
Đây là ranh giới giữa quân tử và tiểu nhân. Phàm là con người thì cái tư dục, cái ham muốn cá nhân là rất mạnh. Người biết suy nghĩ cho người khác là đã vượt qua được cái ranh giới vị kỷ, tư lợi tầm thường của tiểu nhân rồi.
 
Nghĩ cho người khác là một cảnh giới cao thượng, nhân ái, vị tha, đúng như câu tục ngữ dân gian: “Thương người như thể thương thân”.
 

5. Thấy bậc hiền đức thì suy nghĩ học tập để được bằng như họ, thấy kẻ xấu kém thì tự nhìn lại mình có cái xấu đó không

 
Loi day cua Khong Tu chua dung triet ly nhan sinh
 
Lời dạy của Khổng Tử có thể nói là một báu vật của Nho gia, của người học Đạo, tu dưỡng bản thân.
 
Câu nói này có ý nghĩa: Kẻ tiểu nhân thấy người hiền tài đức độ thì ghen ghét, đố kỵ. Người quân tử thấy người hiền đức thì vui thích. Người khéo tu dưỡng bản thân để đạt đến tầng thứ cao, cảnh giới nhân sinh cao hơn thì biết khéo học tập người hiền tài, nhờ họ chỉ dẫn, học tập họ cho đến khi bằng họ.
 
Cái xấu kém tồn tại trong con người rất nhiều tầng lớp. Người mới học Đạo dễ dàng bỏ được cái xấu bề mặt, nhưng ở tầng thâm sâu thì nó còn tồn tại, gặp điều kiện thích hợp thì sẽ bộc phát ra. Vì vậy hướng vào nội tâm, tự phản tỉnh bản thân, sẽ dần dần loại bỏ được những cái xấu ẩn sâu đó.
 

6. Người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người khác

 
Đây chính là cái tâm đại Thiện của người quân tử ở cảnh giới cao. Khi đạt đến cảnh giới cao, đạt được thành công thì họ không giữ riêng mình, mà tìm cách giúp người khác cũng đạt được thành công, cảnh giới như họ.
 
Phật gia cũng giảng “độ kỷ độ nhân”, hay “phổ độ chúng sinh” cũng chính là ý này.
 

7. Quân tử tâm bình thản, tiểu nhân dạ lo lắng

 
Người quân tử luôn giữ cái tâm chính trực, sống chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn, khiêm nhường, nên lúc nào, ở đâu cũng giữ được cái tâm thanh thản bình thản, tấm lòng rộng mở thoáng đãng.
 
Kẻ tiểu nhân do luôn làm những việc lợi kỷ hại nhân (lợi mình hại người), nên lúc nào cũng lo lắng ưu sầu, sợ bị mất cái lợi, sợ bị người phát giác, sợ bị trả thù… trong lòng lúc nào cũng canh cánh trăm nỗi lo âu.
 
Kẻ tiểu nhân, cho dù có che giấu được tất cả những xấu xa tội lỗi của mình, thì họ vẫn cứ lo lắng ưu sầu không yên. Bởi vì rốt cuộc họ cũng là con người, dù xấu xa độc ác thế nào thì trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn chút ít nhân tính, vẫn còn có phần minh bạch.
 
Họ biết là họ chỉ che giấu được người chứ không che giấu được Thần Phật, vì “trên đầu 3 thước có thần linh”. Thế là họ “suy bụng ta ra bụng… Thần”, đi lễ Thần bái Phật, dâng sao giải hạn linh đình, lễ to lễ nhỏ vì nghĩ rằng như vậy Thần Phật có thể bỏ qua cho họ. Họ không biết rằng, nghi lễ cúng dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, chính họ làm bại hoại chốn linh thiêng, làm phong khí xã hội mê tín dị đoan tràn lan như ngày nay.
 

8. Có đức thì không cô độc, ắt sẽ có người gần gũi

 
Lời dạy của Khổng Tử có ý nghĩa: Người tu dưỡng đạo đức, người học Đạo là tu dưỡng cái tâm mình.
 
Họ ban đầu có thể lẻ loi đơn độc, vì họ khác người xung quanh chạy theo cái danh lợi thế tục, họ trái lại coi nhẹ danh lợi tình, tĩnh tâm, luyện đức. Khi họ có đức nhiều, tự nhiên cảm hóa người xung quanh, mọi người sẽ tự gần gũi họ, đồng tình với họ, cảm phục họ, học theo họ.
 
Đây chính là sức mạnh của Đức. Chính vì vậy mà người xưa coi trọng đức, người có đức ở ngôi vị cao thì bách tính lê dân an cư lạc nghiệp.
 

9. Biết không bằng thích, thích không bằng vui

 
Đây là các cảnh giới của người học Đạo. Người đi học để biết, biết được đạo lý, đây là cảnh giới thấp nhất.
 
Người yêu thích Đạo là cảnh giới cao hơn, họ hăng say học hành, tinh tấn, có những sở đắc. Nhưng cảnh giới cao nhất là vui với Đạo, người này đã đến cảnh giới luôn ở trong Đạo rồi.
 

10. Sáng nghe Đạo, tối chết cũng yên lòng

 
Lời dạy của Khổng Tử có ý nghĩa: Cảnh giới này của những người được cơ duyên nghe Đạo, hiểu được nguồn gốc sinh mệnh, hiểu được nguyên lai của bản thân, biết con đường cần phải đi của mình.
 
Niềm vui đó không gì sánh nổi, và không gì ngăn cản nổi, họ sẵn sàng chấp nhận cả cái chết, vì thấy nó vẫn đáng giá lắm.
 
Câu nói này hàm ý tương tự trong Phật giáo: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe).
 
Phương diện tâm linh cho rằng, sinh mệnh nào cũng chìm nổi trong 6 nẻo luân hồi, đời đời kiếp kiếp, hàng ngàn hàng vạn năm, mà trong 6 nẻo luân hồi này thì có hàng ức ức chủng loại sinh mệnh, nên được cái thân người đâu phải là dễ có được.
 
Có được thân người đã khó, lại được nghe Phật Pháp, sáng tỏ cội nguồn sinh mệnh, biết rõ con đường đi thoát khỏi 6 nẻo luân hồi, có thể phản bổn quy chân, thì cái chết với họ có ý nghĩa gì đâu. Hiểu về luân hồi không để đi tìm quá khứ mà để tìm ra lẽ thật của kiếp người.
 
Trong hàng ngàn hàng triệu năm luân hồi, đã phải chết hàng ngàn lần rồi, vẫn chưa được nghe Phật Pháp, vẫn trầm luân chìm nổi luân hồi. Thế thì giờ đây được nghe Phật Pháp, dù sáng nghe tối chết, họ cũng vui lòng. Vì đã tìm ra con đường, có chết thì cũng sẽ biết đi về đâu, vẫn có thể tiếp tục con đường Đại Đạo.
 
S.T
 

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X