(Lichngaytot.com) Kiếm tiền bất chính có thể khiến ai đó cảm thấy hả hê nhưng niềm vui, hạnh phúc đó lại là nhất thời nhưng nỗi đau đớn thì còn mãi chẳng thể nào nguôi ngoai.
Nếu bạn còn thắc mắc sao có những người vô cùng giàu có, cực kỳ giỏi kiếm tiền, nhưng rồi cuối cùng họ cũng làm mất sạch tiền, có phải họ kém cỏi, không thông minh đâu chứ? Vậy lý do là gì, bạn sẽ có thể đọc những mẩu chuyện sau để có thể tự giải đáp thắc mắc cho mình:
Khổng Tử nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (tạm dịch: Quân tử yêu tiền tài, dùng nó cho việc đạo), nghĩa là người quân tử coi trọng của cải nhưng không thể tùy tiện nhận của ai khi mà chưa biết được nguồn gốc và mục đích của nó.
Của cải và địa vị là thứ hấp dẫn, ai cũng muốn có nhiều hơn, nhưng người quân tử rất tỉnh táo, họ sẽ không tùy tiện nhận. Cho nên, người quân tử dù ở trong thời gian khó khăn, cuộc sống trôi dạt khắp nơi nhưng nhất định “không tùy tiện nhận” những thứ mà mình không xứng đáng.
Câu chuyện về miếng bảo bối
Chuyện kể lại về đại phu Tử Hãn liêm chính nổi tiếng thời kỳ Tống Tương Công 15, lúc đó có người tìm được một miếng ngọc trắng tuyệt hảo và muốn mang tặng cho Tử Hãn nhưng ông nhất quyết không chịu nhận.
Người này tưởng rằng ông nghi ngờ về chất lượng ngọc nên giải thích:
- Thưa Ngài, viên ngọc này vô cùng quý giá và tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua rồi. Ông ấy xác minh đây là báu vật nên tôi mới dám đem dâng lên đây.
Đại phu Tử Hãn mỉm cười nói:
- Quả nó là bảo bối của ngươi thật, nhưng "không tham" mới là bảo bối của ta. Ngươi đem ngọc biếu ta, nếu ta nhận, thì cả hai chúng ta đều mất báu vật của mình mất rồi. Vậy nên mỗi người vẫn nên giữ lại báu vật của mình đi.
Người biếu ngọc kia bộc bạch:
- Dạ thưa, tiểu dân nếu giữ lại bảo ngọc này, sợ không được bình an, cho nên đã một mình đến đây biếu ngài.
Tử Hãn nghe xong hiểu ra sự việc, ông liền lệnh cho một thợ gia công mài giũa viên ngọc này, tạo hình dạng cho nó thật đẹp và đem bán, sau đó giao lại số tiền ấy cho người biếu ngọc kia. Sau đó, ông còn phái người hộ tống người biếu ngọc kia trở về nhà an toàn.
Câu chuyện cho thấy Tử Hãn không vì viên ngọc quý mà nổi lòng tham, vốn nó thuộc về người biếu ông nên ông đã không nhận. Thế nhưng trong thế gian, mấy ai làm được điều đó.
Đừng tưởng rằng làm việc thất đức thì không ai hay biết vì Trời biết, Đất biết, mình biết rồi có ngày mọi thứ sẽ bị bại lộ. Hay nói cách khác, mình có thể giấu được người, nhưng không thể giấu được lương tâm của chính mình. Đừng chỉ vì một phút tham lam mà một đời sống không an!
Ông thầy sa ngã
Tham lam sẽ dễ dẫn chúng ta tới con đường mê lầm, vì thế những kiếm tiền bất chính thì rất nhanh giàu có nhưng tiền bạc cũng không thể giữ được lâu. Thực ra, ta thường chẳng thể nào tỉnh táo để phân định đúng sai khi bước vào lớp sương mù của cuộc sống giàu sang, danh vọng mà tiền bạc làm mờ mắt ta, từ đó ta càng dễ sa ngã.
Ở Chiết Giang có ông giáo tên Khương Ứng Triệu là người rất ghét rượu, ông biết rằng bản thân phải tỉnh táo mới có thể giảng đạo lý cho học trò của mình. Tính cách ông hiền lành, đôn hậu nên được rất nhiều học sinh tin yêu và theo học.
Một hôm, vô tình gặp gười hàng xóm say xỉn trên đường về nên ông giúp người này về nhà, Khương Ứng Triệu lúc đó phát hiện trong tay áo của người này có vài ngân lượng, lòng tham nổi lên, ông lén lấy mất.
Đúng đêm hôm đó, một học sinh của Khương Ứng Triệu nằm mộng thấy có người gặp mình và nói: "Người thầy này thật kém đức hạnh. Thượng đế coi ông ta là một người thận trọng, nên mới không nỡ giết ông ta nhanh như vậy. Tạm thời Ngài đã phái ta đến đây để quấy phá ông ta”.
Người học trò đã đem chuyện này nói cho Khương Ứng Triệu khiến ông cảm thấy vô cùng sợ hãi, thế nhưng ông vẫn không có ý định trả lại số ngân lượng kia.
Không lâu sau, ông lại đổi tính đổi nết, rất thích rượu, thường xuyên trong tình trạng say khướt, trở thành một con người khác. Số tiền ông lấy được dùng mua rượu suốt nửa năm cũng hết.
Học sinh càng lúc càng rời xa ông khi ông luôn trong tình trạng say khướt mà không dạy được học trò được gì. Trong phút chốc, tiền ăn trộm hết, không có công việc mưu sinh nên gia cảnh trở nên túng quẫn.
Một hôm, Khương Ứng Triệu đến một quán rượu, gặp một cô gái có ý định không hay với mình, ông chợt thoáng nghĩ:
- Ta vì sai lầm mà ra thế này, sao cho phép bản thân lại tiếp tục sai nữa?
Thế nên ông cự tuyệt cô gái và đi về nhà.
Một đêm nọ, ông nằm mơ thấy một vị thần nói với mình:
- Ta chính là tửu nghiệt (rượu ác) đến quấy phá vì ngươi lấy tiền của người khác. Đêm qua, ngươi đã từ chối cô gái lầu xanh ấy, làm được việc tốt. Thượng đế đã sai ta trở về.
Sáng ngày hôm sau, Khương Ứng Triệu quyết tâm không say xỉn nữa, bắt đầu chiêu mộ học sinh, nhiều người yêu mến ông khi ông trở về là con người cũ. Nhà của họ Khương cũng trở nên tốt lên từng ngày, và thành người giàu có.
Quan huyện ma mãnh tham tiền
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Hiến có một vị quan lại họ Vương cực kỳ thông tuệ, ông còn thường xuyên viết cáo trạng để giúp người muốn thoát tội và kiếm được số tiền rất lớn. Thế nhưng không không hiểu sao cứ mỗi khi tích được một khoản thì lại sẽ có một chuyện khác xảy ra ngoài ý muốn, phải dốc sạch số tiền đó.
Một cậu bé ở miếu Thành Hoàng một đêm nọ nhìn thấy có hai con quỷ đang cầm sổ sách hạch toán, cậu nghe thấy một con quỷ nói:
- Năm nay ông ta kiếm được rất nhiều tiền, nên dùng cách gì để tiêu hết khoản đó?
Đang trong lúc trầm mặc suy nghĩ, một con quỷ khác lại nói:
- Thúy Vân là đủ khiến ông ta chẳng còn gì
Không lâu sau, một cô gái lầu xanh tên là Thúy Vân xuất hiện trong huyện, vị họ Vương nghe tiếng vội tìm đến và đã bị nàng làm cho mê muội, say đắm. Vì yêu, quan họ Vương dùng tiền yêu chiều cô gái, vì thế mà mà tiền tích lũy đều tiêu gần như hết sạch.
Một thời gian sau, ông còn mang thêm căn bệnh lở loét, phải chạy chữa khắp nơi bằng số tiền còn lại nhưng bệnh chẳng thể thuyên giảm.
Có người tính toán rằng, số tiền họ Vương đó viết cáo trạng kiếm được, nhắm khoảng ba bốn vạn lượng cũng tương đương với số tiền ông ta đem tiêu mất.
Rồi không chỉ tiền bạc trong chớp mắt đã không còn, mà vị họ Vương sau này còn uất hận rồi chết, tiền để người nhà mua quan tài cho ông ta cũng không có mà mua.
Không vì sở thích cá nhân mà thiên vị
Công Tôn Nghi là tể tướng thời chiến quốc của Lỗ Mục Công. Ông đặc biệt thích ăn cá và nhiều người đến tìm ông để bàn bạc việc đều hay mang cá theo. Nhưng họ đều bị Công Tôn Nghi một mực từ chối.
Một người học trò của ông không hiểu nên đã hỏi:
- Thưa thầy! Thầy từ trước đến nay thích ăn cá, vậy tại sao thầy lại luôn cự tuyệt cá mà người khác mang tặng?
Công Tôn Nghi đáp:
- Ta vẫn thích cá đấy thôi, nhưng nếu ta cứ nhận cá của người khác mang đến tặng thì không thể không nhân nhượng cho họ. Dù sao ta cũng đã nhận món quà của họ cơ mà.
Thế nhưng nếu chỉ vì thế mà làm trái với luật pháp, sau cùng cũng sẽ bị cách chức tước vị. Đến lúc đó, ta còn muốn ăn cá thì thử hỏi những người này có còn mang cá đến tặng ta không? Bây giờ, ta vẫn tự mình thường xuyên mua cá về ăn thì cần gì lợi dụng lòng tốt của người ta làm gì.
(Tổng hợp)