Thứ Tư, 28/12/2022 09:53 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cổ nhân khuyên điều cần tránh như không nên quá vui, quá say, quá kinh sợ,... đều là muốn chúng ta cần phải giữ tinh thần sáng suốt để có thể làm chủ việc mình làm, lời mình nói, hạn chế việc rước họa vào thân.
1. Đại hỷ thất ngôn
Câu này nghĩa là: "Vì vui quá mà lỡ lời", trong những cuộc vui chúng ta thường thiếu kiểm soát vì nghĩ rằng "đang vui mà". Tuy nhiên, cần hết sức chú ý, trong lòng có thể hân hoan nhưng lời nói cần phải thận trọng bởi vì lời một khi đã nói ra thì không thể thu hồi lại được.
Không ít các cuộc vui trở thành hỗn chiến khi đôi bên vì không cân nhắc trong lời nói nên làm mất lòng nhau. Thực ra nói nhiều thường sẽ nói dại, nhất là lúc vui ta có xu hướng nói nhiều hơn, lúc này sẽ vô tình nói lời gây tổn thương tới người khác khiến họ tức giận, hằn học.
Thế nên trong lúc vui cũng cần soi chiếu tâm mình, tránh vui cực điểm vì khi con người ở vào cực độ của vui thì sự nghiêm nghị bình thường sẽ không còn, tư thế cũng không còn đoan chính.
|
Những điều cổ nhân khuyên điều cần tránh nhằm răn dạy con cháu của mình |
2. Đại nộ thất lễ
Câu này nghĩa là: "Vì bực tức quá mà mất kiểm soát, đi quá giới hạn". Những ai hay nóng nảy dễ phạm sai lầm vì họ mất khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, hay hành động bộc phát.
Lúc này từ lời nói cho tới hành động đều thiếu đi sự khôn ngoan, họ dễ tổn hại tới mối quan hệ của mình đang có. Bực tức xuất phát từ tâm mà ra, nếu không kiểm soát, bước tiếp theo có thể xảy ra chính là việc "động tay động chân", đến khi bình tĩnh nghĩ lại thì hối hận cũng không kịp.
Để tránh không cho điều này xảy ra, cách tốt nhất là giải quyết tận gốc vấn đề, quan sát sự nóng nảy đang bốc lên trong đầu mình và tìm cách xoa dịu nó. Vì vậy, mỗi người nên học cách tự kiềm chế bản thân mình, bình tĩnh, nhẫn nại hơn trước mọi sự việc xảy ra.
3. Đại kinh dị thất thái
Câu này nghĩa là: "Kinh sợ quá sẽ dễ mất đi thần thái". Con người khi bị kinh động bởi một việc nào đó thì thường trông như người mất hồn, tâm trí trống rỗng, không biết nên hành xử thế nào cho phải phép, dễ gặp nguy.
Thế nên phải rèn luyện cho bản thân để khi gặp việc kinh sợ vẫn giữ được trạng thái cân bằng, bình tĩnh, tập trung giải quyết vấn đề. Để có được bản lĩnh đó không thể có ngay trong một sớm một chiều, mỗi người phải tu rèn mới có được.
Người xưa nói, tâm phải bất động trước bất cứ tình huống nào và có như thế mỗi cá nhân phải tu dưỡng để có một tâm thái ổn định, bình thản, không động lòng trước những vinh nhục, những biến cố trong cuộc đời.
4. Đại ai dị thất nhan
Câu này nghĩa là: "Vì quá đau buồn mà dẫn đến mất nhan sắc, tinh thần". Trường hợp này thường thấy trong xã hội khi ai đó trải qua biến cố trong cuộc đời họ gần như không thể nào thoát ra khỏi những buồn đau đó. Thậm chí, có người còn tự hủy hoại cả cuộc đời của chính mình chỉ vì ngày qua ngày họ "gặm nhấm" nỗi đau trong quá khứ.
Về khía cạnh khoa học cũng đã chỉ ra rằng đau buồn quá lâu cũng có thể làm tổn hại đến sức khỏe. Biểu hiện là sắc mặt u tối, nhợt nhạt, thần khí không đủ, làm suy giảm nguyên khí, nội tạng của bản thân.
Vậy nên, hãy nghe lời khuyên cổ nhân để tỉnh táo nhận ra vấn đề. Khi trải qua chuyện đau buồn ta cần đối diện, cần phải biết tiết chế, suy nghĩ tích cực, đừng để tinh thần suy sụp, bi lụy. Sau đó, hãy nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh lại bản thân và nhìn thẳng về phía trước, đừng để những cảm xúc tiêu cực điều khiển, giày vò bản thân.
5. Đại lạc dị thất sát
Câu này nghĩa là: "Vui quá mà mất cảnh giác". Chúng ta hay có tâm lý lúc vui sẽ "xõa" tức là tận hưởng niềm vui trọn vẹn, tuy nhiên, từ đó thường sinh ra sự bất cẩn, dễ đánh giá chủ quan, sai lầm, mất cảnh giác, bỏ qua dấu hiệu cho thấy có những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.
Hơn nữa, lúc vui cũng chớ vội hứa hẹn gì vì lúc này ta hay bị người khác lợi dụng sơ hở của bản thân.
6. Đại cụ dị thất tiết
Câu này nghĩa là: "Quá hoảng sợ dễ đánh mất nguyên tắc và giới hạn". Khi ta rơi vào trạng thái sợ hãi, hoang mang thì sẽ dễ đánh mất lập trường của mình, hay hành động sai lầm.
Không ít người lợi dụng điều này mà đánh vào điểm yếu của chúng ta khiến ta biến thành kẻ ác, làm những điều mà chính mình còn không dám nghĩ tới.
Vì thế hãy học cách đối mặt với sợ hãi, lúc đó đừng bị người ta dẫn dụ mà đánh mất dũng khí của bản thân. Hãy kiên định, bình tĩnh ngẩng cao đầu, kiên định và kiên trì đối mặt với hoàn cảnh đến cùng.
7. Đại tư dị thất ái
Câu này nghĩa là: "Tính toán quá dễ đánh mất tình yêu". Tuy trong một số tình huống cần phải tính toán, không nên xuề xòa quá, nhưng trong mối quan hệ dù là người thân hay người dưng hãy thể hiện sự phóng khoáng nhưng có chừng mực. Nếu quá tính toán, hay so đo chỉ khiến đôi bên cảm thấy ngại ngùng, khó chịu.
Chớ nên tính toán chi ly vì mình tính cũng chẳng bằng trời tính. Hãy cứ cho đi, rồi bạn sẽ nhận lại được tình yêu chân chính.
8. Đại túy dị thất đức
Câu này nghĩa là: "Say quá sẽ đánh mất đạo đức, nhân cách". Những người say sưa rượu chè cho rằng chỉ là ngồi với anh em, bạn bè cho vui. Thế nhưng chuyện sẽ không có gì cho tới lúc họ say và nói ra những điều ngỗ ngược chính bản thân họ không kiểm soát được.
Người say thường mất đi lý trí, bị "ma men" dẫn dụ nói những điều không nên nói, làm những việc mà lúc tỉnh lại chính họ còn không nhớ ra. Thế nên những ai hay say xỉn sẽ dẫn đến những điều khó lường.
9. Đại thoại dị thất tín
Câu này nghĩa là: "Quá khoác lác dễ đánh mất lòng tin". Người càng huênh hoang, khoe mẽ hay hứa hẹn nhiều thường không có được sự tin tưởng của mọi người xung quanh.
Thực tế thì trong cuộc sống này, điều chúng ta mong muốn, mơ ước thì nhiều nhưng để làm được thì chỉ được một phần rất nhỏ. Thế nên việc gì chưa làm được đừng vội hứa kẻo trở thành kẻ thất tín.
Một người luôn tùy tiện hứa hẹn, tùy tiện nhận lời nhưng lại không thể có khả năng hoàn thành được thì sẽ đánh mất lòng tin ở người khác.
Vậy nên, chúng ta chớ tùy tiện hứu suông, một khi hứa phải làm bằng được, một lời nói ra phải chắc chắn như đinh đóng cột, nếu không, bạn sẽ khó có thể gây ấn tượng tốt, chẳng ai còn dám tin tưởng bạn nữa.
10. Đại dục dị mất mạng
Câu này nghĩa là: "Ham muốn quá nhiều dễ dẫn đến mất mạng". Cổ nhân khuyên điều cần tránh đó là lòng tham, sự ham muốn quá nhiều của con người vì nó có thể là nguyên nhân khiến ta mất mạng không chừng. Lịch sử từ xưa tới nay đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng nhiều người vì dục vọng vô độ mà đánh mất mạng sống của mình.
Chúng ta luôn trong tình trạng bị dục vọng dẫn dụ nên tham cái gì cũng có hại dù là tham tình, tham tiền hay tham danh vọng,... Chỉ khi ta không tham lam mới có thể làm chủ thân và tâm của mình. Đó thực sự là sức mạnh của lý trí, của sự khôn ngoan.
Cổ nhân trải qua thăng trầm trong cuộc sống này nên họ mới nhắc nhở con cháu mình nhớ rằng danh lợi, tiền tài chỉ là vật ngoại thân. Đừng vì quá truy đuổi, tham đắm vào những điều này mà làm nguy hại bản thân. Như vậy chính là “tham bát bỏ mâm".
Có phúc thì ắt sẽ được hưởng, thế nên việc cần làm là gieo phúc lành chứ không phải tìm cách vơ vét mọi thứ về mình, mọi việc không phải tranh đoạt mà có được. Chỉ có lặng lẽ lao động, bỏ công sức chính đáng ra, bạn mới mong có được trái ngọt trong cuộc đời.