Những bí quyết lãnh đạo của Tăng Quốc Phiên: Không cần mưu mẹo, thành tựu vẫn cứ đến ồ ạt

Thứ Tư, 27/11/2024 09:54 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những bí quyết lãnh đạo của Tăng Quốc Phiên đã giúp ông có được sự nghiệp hiển hách nhất nhì trong giai đoạn cận đại của lịch sử Trung Quốc. Vì thế những kinh nghiệm quý giá này rất đáng để học hỏi.


Tăng Quốc Phiên được xem là một trong tứ đại danh thần thời kỳ phục hưng của triều đình Mãn Thanh. Danh tiếng của ông còn vang xa và còn được nhớ tới ngày nay qua những kinh nghiệm đáng quý luôn được người đời sau đánh giá rất cao.

Điều thú vị là con đường sự nghiệp của ông khá ly kỳ, lúc đầu bảy lần thi cử không đỗ, về sau trong mười năm thăng quan đến bảy lần, liên tiếp thăng lên mười cấp, lên đến quan nhị phẩm. 

Suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng đốc Lưỡng Giang, danh tiếng ông vang xa khiến nhiều người ngưỡng mộ với nhiều thành tựu lớn lao. Dù có cuộc sống giản dị nhưng ông đã trở thành văn nhân có tước vị cao nhất trong lịch sử Thanh triều và là một nhân vật có sự nghiệp hiển hách trong giai đoạn cận đại của lịch sử Trung Quốc.
 
Cả đời Tăng Quốc Phiên đều cần kiệm liêm chính, dù giữ chức quan lớn nhưng vẫn dành thời gian tu tâm dưỡng tính, lấy đức làm quan, thế nên mới có được thành công to lớn trong sự nghiệp, vận may luôn rất tốt. 

Sau đây là những bí quyết lãnh đạo của Tăng Quốc Phiên được xem là quan trọng nhất.
 
 
 

1. Chí hướng: Luôn luôn kiên định

 
Lịch sử Trung Quốc thường khen một người tài giỏi là ở việc mưu kế, ứng biến khéo léo nhưng thực ra Tăng Quốc Thiên lại tập trung vào sự trung nghĩa và tâm huyết. Đối với ông, làm điều gì cũng phải kiên định, quyết tâm tới cùng chứ mưu mẹo thì lại đi ngược lại với đạo Trời.

Tăng Quốc Phiên nói rằng: “Đạo trời kị với khôn lanh, hai lòng và cao ngạo”. Nghĩa là những người khôn lanh, là kiểu đi tắt đón đầu thì không được lâu bền, chỉ có lợi trước mắt, hậu quả thì khôn lường.

Thế nên muốn thành tựu bền vững thì cần kiên định, trên con đường đi đến thành công cần phải bước từng bước một. Trên đời không có đường tắt, do vậy muốn đạt được thành công cần phải khiêm tốn hạ mình thực hiện mọi việc một cách thiết thực. 
 
Vì thế, tránh ngay tâm lý "đi đường tắt" bản thân chỉ cần kiên định với mục tiêu, đường có dài và xa thì cũng sẽ có ngày tới đích.
 
Tăng Quốc Phiên sống ở đất Ung hiện thuộc vùng Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải lúc này cả nước đang rơi vào tình hình ảm đạm. Theo ông, điều đáng sợ nhất không phải là việc quân nổi loạn Thái Bình tạo phản mà chính là tâm trí của quan lại đã bị hãm trong các loại dục vọng. 
 
Vì vậy, Tăng Quốc Phiên, La Trạch Nam và một số người khác đã không ngừng giảng nói về học thuyết của Nho gia, dùng lời truyền dạy của người xưa làm kim chỉ nam để thực thi và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhờ thế mà những lời dạy của ông được lan truyền, thay đổi bầu không khí ảm đạm nơi quan trường thành tựu một đời của mình.
 

2. Dùng người: Chọn kẻ chất phác, chịu được khổ cực

 
Bất cứ thành công nào cũng là chiến thắng của tập thể, điều đó có nghĩa là việc chọn người đồng hành cùng mình rất quan trọng. Đó là lý do Tăng Quốc Phiên luôn có tiêu chí chọn người rõ ràng. Ông thường chọn người chất phác, giản dị có khả năng chịu được cuộc sống khổ cực. 

Ông chọn binh lính là những người chất phác và có dáng vẻ của nông dân mộc mạc. Những người này cần cù, không quá đề cao cái tôi, khả năng vượt khó, vượt khổ cao hơn so với người khác. 

Quan niệm này từng được cho là ngốc nghếch nhưng những thắng lợi của ông đã cho rằng đó chính là ưu điểm mà không phải ai cũng hiểu được. 

Tiêu chuẩn chọn tướng lĩnh của Tăng Quốc Phiên cũng không khác nhiều, ông chọn người thẳng thắn và hiểu việc quân, đồng thời còn phải là một người quân tử. 
 

3. Làm việc: Nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ việc nhỏ

 
Với những kinh nghiệm đã tích lũy và học hỏi, ông có khả năng dự đoán tai họa đời người chỉ bằng sự lười, kiêu ngạo và hoang phí. Tăng Quốc Phiên đánh giá cao những người có khả năng nhìn xa trông rộng, coi trọng từ việc nhỏ. 

Những người càng thông minh càng hay tự mãn và ngại làm những việc nhỏ. Thế nhưng thành công lại bắt đầu từ những việc nhỏ chứ không phải là điều gì lớn lao cả.

Theo Tăng Quốc Phiên ông ghét sự tự cao tự đại mà yêu mến khiêm tốn, nhún nhường. Ông cũng dạy cho mọi người rằng: Quỷ thần hại cao ngạo và vun đắp cho sự khiêm tốn. Mặt trời quá trưa sẽ ngả về tây, trăng tròn rồi sẽ phải khuyết. 
 
Thiên tài thường bị mắc kẹt bởi tài năng của chính mình. Vì nghĩ bản thân quá giỏi nên mới thất bại.

Vậy nên cần phải biết khiêm tốn, coi bản thân như người bình thường thì mới tìm ra khiếm khuyết của chính mình. Có vậy người tài năng mới đạt được thành công. 

Ngay từ khi mới bắt đầu chỉ huy quân đội, ông đã có nhận thức sâu sắc về vấn đề này. Ông nhấn mạnh việc phải bắt đầu từ việc nhỏ chứ không phải chỉ lo ba hoa.
 
Người nói nhiều thường ít khi nói thật, việc làm thật. Ông tin rằng người cầm quân nhất định phải làm được đến nơi đến chốn, cần cù và thật thà, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, cứ như vậy tích lũy mà hoàn thành đại sự. 
 

4. Tổ chức: Chân thực và kiên định  


Tăng Quốc Thiên thành công khi đã xây dựng được văn hóa trong đội quân Tương quân của ông là trung thực, tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau. Theo quan điểm lãnh đạo của Tăng Quốc Thiên, đạo trời không có hai lòng. Người hai lòng sẽ không trung thành và chân thật với bất cứ ai. Hơn nữa, cái chân thật lại chính là nền tảng để làm người.
 
Chính sự thẳng thắn và thành khẩn đã làm nên tinh thần Tương quân, nó cũng tạo nên lực ngưng tụ cùng sức chiến đấu mạnh mẽ trong đội quân của ông. 
 
Phẩm hạnh vốn là thứ nên có và đáng có ở những người bình thường. Thế nhưng đối với những người đang ngồi ở cương vị quan lại, yếu tố này lại càng là điều bắt buộc phải có.
 
Tăng Quốc Phiên cho rằng, phẩm hạnh mà các tầng lớp quan lại phong kiến nên giữ gìn nằm ở một điểm mấu chốt: Đó là họ phải tự biết đặt ra ranh giới cuối cùng cho mình và vĩnh viễn không để bản thân được phép vượt qua giới hạn đó.
 
Đây cũng là lý do vì sao chế độ phong kiến Trung Hoa từ thời xa xưa đã đặt ra 3 tiêu chuẩn để ràng buộc quan viên chỉ gói gọn trong ba chữ: "Thanh" (thanh liêm), "Thận" (cẩn trọng) và "Cần" (chăm chỉ).
 
Tăng Quốc Phiên mỗi khi dùng người vẫn luôn đặt vấn đề phẩm hạnh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá và quản lý nhân lực. Theo đó phẩm hạnh ở tầng lớp quan viên có hai hàm nghĩa: Thứ nhất là buộc phải đảm bảo sự thanh liêm, trong sạch của bản thân. Thứ hai là thể hiện ở khí tiết. Theo đó, đã là người mang quan phẩm, gánh vác đại nghiệp quốc gia thì không được sợ hãi khi đối mặt với biến cố, không thể hành sự qua loa, cẩu thả khi gặp phải khó khăn.
 
Tăng Quốc Phiên cũng cho rằng, thuộc hạ có được sự tín nhiệm của cấp trên mà không có phẩm hạnh thì cũng chẳng thể trọng dụng lâu dài. Ngược lại, người ở cương vị cao mà không gìn giữ phẩm hạnh thì cấp dưới cũng khó có thể thật lòng kính nể. 
 

5. Tâm tính: Thành bại thuận theo trời, chê khen thuận theo người

 
 
Cuộc đời của Tăng Quốc Phiên tiêu biểu cho những thăng trầm khó lường nhưng dù trong hoàn cảnh nào ông cũng thích nghi rất tôt, ông lại thể hiện hết mức ưu điểm của mình chính là ý chí mạnh mẽ của một người đàn ông tự lập để kiên trì đi cho tới cuối cùng. 

Mỗi lần gặp nghịch cảnh trong cuộc đời lại là thời điểm ông lập đức lập công, lập ngôn. Cứ như vậy mà ông đã đạt đến cảnh giới của người lưu danh thiên cổ. 
 
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Việc thiên hạ chắc chắn phải trải qua gian khổ mới làm xong, đó là việc lớn và lâu dài”. Mưu mẹo chỉ là khôn vặt, nó chỉ đạt được cái lợi nhất thời. Giả ngốc nghếch mới là đại trí tuệ, vừa có nền tảng vững chắc vừa lâu dài.

Lương Khải Siêu nhận xét: “Tăng Quốc Phiên không có tài năng phi thường. Trong số những người nổi tiếng cùng thời, ông bị cho là người chậm chạp và ngốc nghếch nhất”.  
 
Có lẽ bởi ông luôn dùng ý chí mạnh mẽ để kiềm chế tham lam của con người trần tục, kiên định với tiến trình hành động của mình. Ông vừa khôn ngoan vừa hiểu biết, vừa nỗ lực vừa hành động, trải qua hàng trăm chướng ngại vật mà không chịu khuất phục. Đó chính là con đường đi đến thành công của Tăng Quốc Phiên mà không phải ai cũng có thể học hỏi được.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: