Thứ Năm, 30/07/2015 15:05 (GMT+07)
Thờ Mẫu là tín ngưỡng phổ biến rất sâu rộng trong đời sống tâm linh của người Việt. Mẫu Thượng Ngàn là một trong những vị nữ thần có tiếng linh thiêng bậc nhất.
Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn được thờ phổ biến ở hầu khắp các điện, đình, chùa. Tục thờ Mẫu Thượng Ngàn xuất phát từ tín ngưỡng thờ “mẹ đất” của cư dân nông nghiệp và truyền thống núi rừng của người Việt. Nó lớn mạnh tới mức, khi Phật giáo du nhập vào nước ta, còn phải chấp nhận dung hợp với tín ngưỡng bản địa này để tồn tại.
Theo truyền thuyết, Mẫu Thượng Ngàn là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Khi còn trẻ, Mẫu Thượng Ngàn là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, thường cùng cha đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du, đồi bãi, dạy dân cấy cày, nông nghiệp.
Do luôn luôn được theo cha nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay.
Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng: từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi của nước Nam. Bà dạy dân làm ăn, chăm sóc nương rẫy, dạy các phong tục tập quán tốt đẹp nên người đời nhớ ơn phong làm Mẫu.
Ngoài việc coi sóc đời sống hằng ngày của nguời dân, Mẫu Thượng Ngàn còn được xem là đã phù trợ cho các chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt trong các triều đại. Một truyền thuyết kể lại, đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, Mẫu Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Nhờ thế mà sau này nghĩa quân lập được nhiều chiến công vang dội, đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Mẫu Thượng Ngàn là hình tượng thần linh do nhân dân hư cấu, phản ánh truyền thống coi trọng vai trò của người phụ nữ của người Việt từ ngàn đời. Ẩn sau tín ngưỡng tâm linh này là một lớp các giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần sâu sắc.
ST