Lời Phật dạy về nhân quả nhất định phải hiểu mới áp dụng đúng

Thứ Ba, 04/04/2017 14:38 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những lời Phật dạy về nhân quả không chỉ là lý thuyết, đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ này, dù bạn tin hay không cũng nên sống hướng đạo để cuộc sống an yên.
 

Lời Phật dạy về nhân quả - Bàn về luật nhân quả
 

Thuyết nhân quả của nhà Phật là một triết lý mang tính khoa học, quy luật tự nhiên của vũ trụ. Luật nhân quả là khi chúng ta chịu lấy trách nhiệm về hành động của chúng ta đã từng làm, nên gọi là luật chứ không hề liên quan tới những gì gọi là Đấng Tạo Hoá, Ngọc Hoàng, Thượng Đế. Nhân quả ở đời vốn rất chính xác và rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy.

Theo lời Phật dạy về nhân quả, sẽ không có người thi hành bắt, phạt hay cầm tù tội ai cả, nhưng nó phán xét rất công minh và xử phạt rất công lý do toà án lương tâm của mỗi người. Vì thế, luật nhân quả rất công bằng, không thiên vị một ai. “Ai làm ác thì phải gặt lấy quả khổ đau”, khi nhân duyên đến. Đức Phật cũng từng dạy: Dù lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng không tránh được nghiệp quả. Luật Nhân quả oan nghiệp đời trước, kiếp này phải trả, đó là lẽ thường. 

Chỉ khi hiểu được những điều đó, chúng ta vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh.

Chỉ khi tin vào nhân quả, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh, hành động thiếu suy nghĩ.
 

Tuy nhiên thế gian ngày nay vạn vật biến đổi đôi khi làm chúng ta bị lạc lối. Đôi lúc chúng ta cho rằng có những điều trong cuộc sống đã an bài, ta không cần cố gắng mà tự nhiên sẽ có. Nhiều người có lối suy nghĩ rất kì lạ, muốn được gì đó thì chỉ đi chùa để cầu khấn chứ không thực sự bắt tay hành động. Ví dụ cụ thể nhất là việc một người muốn giàu có mà không chịu tạo nhân thiện, phước đức. Ngày ngày đem tiền đi cúng bái thần ở khắp nơi nhưng không muốn tạo nhân là một việc làm vô lý và mê tín. 
 
 
Gieo gió gặp bão, vì thế, người học Phật thấy rõ nhân quả nên luôn sợ hãi với nhân quả báo ứng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời con người nên quyết không làm điều ác, tránh xa tội lỗi. Niềm tin nhân quả, sự sợ hãi quả báo trong đời này và những đời sau sẽ góp phần tác thành nên nhân cách, đạo đức cho mỗi người. Xã hội sẽ bình an, thiện lành và phát triển ổn định hơn khi mỗi người đều có nhận thức đúng đắn về nhân quả và nghiệp báo.
 
 

Lời Phật dạy về nhân quả - Nhân quả không chỉ dừng lại ở một đời người
 

Theo lời Phật dạy về nhân quả, tội ác ở kiếp này nếu chưa trả được, sẽ phải trả ở kiếp sau. Nhân quả thường đến muộn nên người đời xem thường nó và tưởng như nó không hề tồn tại.
 
Nhân quả thể hiện qua ba phạm trù thời gian, gọi là hiện báo, sanh báo và hậu báo.  Hiện báo là kết quả trổ ngay trong hiện kiếp, có thể ngay tức khắc, hoặc một ngày, một tháng, một năm, nhiều năm…trong một đời này. Sanh báo là kết quả trổ ở kiếp sau khi vừa thọ nhận một thân mới. Vì vậy, có những người tạo việc lành bây giờ mà vẫn gặp điều không tốt vì nhơn ác đã tạo từ kiếp trước. Hậu báo là khi mình tạo việc lành hay việc dữ ở kiếp này, quả không trổ liền ở kiếp này hay kiếp tiếp theo mà nhiều kiếp về sau mới trổ, vì duyên chưa đủ. Y cứ về lý nhân quả mà nói ba thời, ba khía cạnh của nhân quả.
 
Luật nhân quả rất linh nghiệm và không trừ một ai. Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Nếu kiếp này làm việc ác mà không bị trừng trị thì kiếp sau sẽ gặp quả báo nặng hơn. Dân gian cũng đã lưu truyền “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nếu kiếp này ăn ở tốt mà chưa được hưởng hạnh phúc ắt do tâm còn nhiều vướng bận, còn nhiều dục vọng, nếu tu tốt sẽ để lại duyên lành cho đời sau.
 
Trên đời này luôn có nhân quả, chỉ là nó đến sớm hay muộn. Chúng ta không thể trốn tránh được nghiệp báo do những điều ác mà chúng ta đã làm. Dù đi cùng trời dù đi cuối đất thì ác nghiệp vẫn phải đền ác nghiệp mà thôi.  
 
 
 
Tiến trình từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa.
 
Nhiều người vẫn thắc mắc về những hiện thực dường như nhân quả chẳng công bằng tí nào? Những kẻ bất nhân không đạo đức, làm ăn phi pháp, tham nhũng lường gạt tạo nhiều oan trái trong xã hội, nhưng vẫn sống giàu sang, có nhiều thế lực và tài sản lớn hơn người khác.
 
Chúng ta nên nhớ rằng trong nhân quả giàu và nghèo, thì sự giàu sang ấy là dư báo những việc làm tốt của họ trong nhiều kiếp về trước, chứ không phải do làm ăn bất chính trong đời này mà có được. Nhân quả mang tính cách ba thời quá khứ hiện tại và vị lai. Đồng thời những người hiền lành, làm ăn lương thiện mà vẫn chịu sự bất hạnh hoặc nghèo đói, thiếu thốn khó khăn là do họ không biết bố thí và cúng dường chứ không phải vì họ sống lương thiện mà bị thua thiệt, đói nghèo.
 
Ngoài những tội có kết quả trong hiện tại còn vô số những việc ác sẽ kết thành quả xấu trong tương lai. Con người thường sợ quả báo hiện tại mà xem thường quả báo ở vị lai. Vì thế, những người đã phạm tội nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã “hạ cánh an toàn” thì ung dung hưởng thụ, thản nhiên như người vô tội, thậm chí đắc ý cười thầm. Sự thật thì không như vậy, lương tâm luôn cắn rứt và tội báo sẽ đến với những người ấy, không thể nào thoát khỏi. 
 
 
 

Lời Phật dạy về nhân quả - Vì sao bạn tốt mà vẫn nghèo?


Vậy nếu có luật nhân quả, tại sao có những người tốt không được hưởng cuộc sống hạnh phúc? Sống thiện, sống lành, bao giờ mới được hưởng phúc báo? Luật nhân quả luôn trải dài từ kiếp này qua kiếp khác. Nếu đời này bạn không hạnh phúc dù bạn không quá xấu xa, thì ắt hẳn đó là nghiệp từ kiếp trước báo lại.
 
Trong mỗi con người chúng ta thường có hai mặt thiện và ác.Vì cái ranh giới giữa Thiện và Ác nó thật mong manh. Tuy nó đối lập nhau nhưng luôn tồn tại song song trong một con người.
 
Theo lời Phật dạy về nhân quả, thấy việc tốt dù nhỏ nhất mà không làm, thấy việc ác dù nhỏ nhất mà không tránh cũng như phạm tội. Vậy bạn có khẳng định bản thân mình hoàn hảo? Ai dám nói mình đã đối xử tốt với tất cả chúng sinh? Có ai là chưa từng làm điều xấu, chưa từng nhìn thấy việc nên làm mà không làm? Vậy nên nếu bạn chưa được hạnh phúc, hãy tu tâm tích đức, chúng ta chỉ hạnh phúc khi cuộc sống hạnh phúc khi tâm thanh thản.

Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành để giúp người, cứu vật khi cần thiết. Kẻ nghèo và người giàu cũng đều có những nỗi khổ riêng, chẳng ai có thể bình yên, hạnh phúc giữa cuộc đời này. Nếu như người giàu có, biết sống tốt và tin sâu nhân quả, thì họ sẽ không tự mãn mà còn tìm cách san sẻ, giúp đỡ người khác khi có nhân duyên. 
 
Nghèo là do không biết bố thí cúng dường, hiếu dưỡng với cha mẹ hoặc giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người bất hạnh, khó khăn. Luận về nhân quả giàu và nghèo đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có gì bỗng dưng khi không, chúng ta lại nghèo. 
 
Bố thí và cúng dường là nhân lành để kết hoa trái ngọt phước báo giàu sang phú quý trong hiện tại và mai sau. Chính vì vậy, xem ngày hôm nay nhiều người khá giả, giàu có là nhờ phước báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không biết san sẻ và giúp đỡ nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm vất vả nhọc nhằn lao nhọc.
 
Bố thí và cúng dường là pháp tu để phát triển lòng từ bi và gieo trồng phước báo trong hiện tại và mai sau. Đặc biệt là ai cũng thực hiện được pháp tu này. Nếu chúng ta không có tài sản để bố thí và cúng dường thì phát tâm tùy hỷ vui theo với người làm phước, người vui theo xả được tâm ganh ghét tật đố, người bố thí được giàu có.
  
 
Người nghèo sẽ bố thí bằng lời nói an ủi động viên giúp đỡ người khác, thấy người bệnh thì mình thăm hỏi hoặc chăm sóc, nếu có thời gian thì đến chùa làm công quả, như vậy giàu nghèo gì ai cũng có thể bố thí được. Chúng ta có thể bố thí lời nói, bố thí tấm lòng hoặc tùy tâm cũng như khả năng của mình để tích lũy phước báo về sau.
 
Nhưng nếu ta bố thí nhằm người xấu thì có hai điều xuất hiện. Một là người xấu đó mắc nợ ta, hai là người xấu đó đi làm việc xấu và ta bị tội lây. Cái tội này cấn trừ bớt số phước mà ta đang tích lũy.

Vì vậy, nhân quả không đơn thuần nhìn hiện tượng mà kết luận như đinh đóng cột. Theo cách nhìn nhận về nhân quả của nhà Phật, nhân quả trùng trùng duyên khởi, đó là vấn đề cần cẩn trọng mà không nên phát biều tùy hứng vì còn nhiều vấn đề phức tạp ẩn chứa bên trong.