Những lễ hội tâm linh đầu năm ngay gần Hà Nội không thể bỏ lỡ

Chủ Nhật, 18/02/2018 14:10 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Giữa không khí náo nức khai Xuân, những lễ hội tâm linh còn vẹn nguyên giá trị truyền thống thu hút đông đảo mọi người ở khắp các miền tổ quốc. Dưới đây là những lễ hội đầu năm độc đáo ngay gần Hà Nội mà ai cũng nên tham dự.
 

1. Mùng 3 Tết - Lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh

 
Nhắc tới lễ hội đầu năm gần Hà Nội, trước tiên phải kể đến lễ hội thờ Tản Viên Sơn Thánh. Khê Thượng là một ngôi làng cổ nằm ven sông Đà. Vào những ngày đầu năm làng mở hội thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử Việt Nam. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Nhưng thực tế bắt đầu từ 30 tết.
 
Nghi thức đầu tiên được tiến hành vào tối 30 Tết với ý nghĩa tiễn đưa Đức Thánh Tản Viên qua sông Đà về núi Nghĩa Lĩnh để lễ tết bố vợ của Ngài. Lễ tiễn bắt đầu với nghi thức người lái đò (mặc quần áo màu đỏ) lặng lẽ bước xuống đò sẵn ở đó và chèo chiếc đò không từ bến làng Khê Thượng sang bến đò Bộ thuộc xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, Vĩnh Phúc.
 
 
Chiều ngày mồng 2 người làng đã chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bên bờ sông Đà để bái vong Ngài ở núi Nghĩa Lĩnh để rước Ngài về. Sáng mùng 3 Tết cả làng sẽ mở hội tưng bừng với nhiều trò chơi nhộn nhịp ở sân đình như:chọi gà, đấu vật, chơi cờ, tổ tôm và còn có hát chèo, cùng các trò chơi, cuộc đua khác.
 
Trò đấu vật là trò đặc biệt được chú ý đến, họ gọi là đấu vật thờ Thánh, nhằm khuyến khích tinh thần thượng võ của nhân dân, đồng thời nhắc lại sự kiện chiến thắng của Sơn Tinh với Thủy Tinh nhờ sức lực và lòng dũng cảm. Tinh thần thượng võ của làng Khê Thượng còn được thể hiện ở tục “Chém may". Tục "Chém may" là tục lệ độc đáo của làng diễn ra ngày mồng 7 tết.
 
Hội làng Khê Thượng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, thể hiện sức mạnh của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước chống lại thiên tai, bão lũ; đồng thời, thể hiện tinh thản thượng võ và hướng về cội nguồn của dân làng Khê Thượng. Đầu xuân mời bạn đến với làng Khê Thượng hòa mình vào lễ tục náo nhiệt có từ thuở khai sơ, nơi 18 thời vua Hùng dựng xây nên đất Việt lớn mạnh ngày nay.

 

2. Mùng 5 Tết - Hội gò Đống Đa
 

Trong các lễ hội đầu năm, hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
 
Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Gần 12 giờ trưa, đám rước trong sắc màu rực rỡ sẽ diễu hành chậm rãi, trật tự để cho dân chúng có thể chiêm ngưỡng tỉ mỉ bức tượng hoành tráng của lễ hội bắt đâu từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa.
 
 
Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Do đó, hàng năm, các vị lãnh đạo đại diện cho Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Quốc kỳ và cờ của ngày hội thi nhau bay phấp phới như chào đón du khách muôn phương. 
 
Hàng năm, cứ vào ngày 5 tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Ngày nay, đi dự hội gò Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.
 

3. Mùng 6 Tết - Lễ hội chùa Hương 
 

Đầu năm trẩy hội chùa Hương, hành trình về cõi Phật. Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa.
 
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn  liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. 
 
 
Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật.
 
Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hóa đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương, để rồi những tao nhân mặc khách hàng năm lại nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thỏa ước nguyện của mình.
 
Tại đây, khách vãn cảnh còn được hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …

Trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa.
 

4. Mùng 6 Tết - Lễ hội Gióng, Sóc Sơn 

 
Hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng ở đây mở hội linh đình tại Khu di tích thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương. Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
 
Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Mộc Dục để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
 
 
Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. 
 
Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh.
 
Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: "Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ".
 
Những năm gần đây, nghi lễ cướp lộc đầu năm (hay còn gọi là cướp hoa tre) của lễ hội đền Sóc bị biến tướng thành các màn ẩu đả của các thanh niên địa phương. Du khách không nên tới gần khu vực này nếu tham dự lễ hội.
 

5. Mùng 10 âm lịch - Lễ hội Yên Tử 
 

Lễ hội Yên Tử - Hành hương lễ Phật, du xuân may mắn. Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân tại vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, Thị xã Uông Bí, Quảng Ninh.

Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt thuở trước, nơi phát tích của Thiền Viện Trúc Lâm. Du khách đến lễ hội chùa Yên Tử để tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ.
 
 
Rải đều trên các cung bậc của hành trình Hội xuân Yên Tử là những cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp...Lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây, huyền ảo như trong chuyện cổ tích.
 
Vào dịp lễ hội, trong dòng người thập phương đổ về Yên Tử, có nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài. Có những người đến Yên Tử để ngưỡng cảm ý chí thông tuệ và đức độ thanh cao của các bậc cha ông. Có người về Yên Tử để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình.
 
Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Đồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Những giá trị tinh thần, văn hóa của tổ tiên; sự dâng hiến tinh khiết, trong hoa lá...Đâu phải vô tình mà Yên Tử làm nơi hành đạo.
 

6. Ngày 13 tháng Giêng – Hội Lim

 
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, ngày hội chính diễn ra vào 13/1 Âm lịch. Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.
 
 
Cũng trong những ngày lễ, nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội và là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.  
 
Nếu du khách muốn nghe hát quan họ giao duyên mộc đúng nghĩa, du khách có thể tìm tới nhà ông Nguyễn Hữu Bể. Tại đây, trong đêm 12- rạng sáng ngày 13 tháng Giêng, các liền anh liền chị trong khu vực tới hát canh giao duyên thâu đêm. Chủ nhà rất niềm nở đón khách, bố trí chỗ ngồi, đồ ăn thức uống để du khách có thể thưởng trọn ý nghĩa của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại này.
 
Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam.
 

7. Ngày 14 tháng Giêng - Lễ khai ấn đền Trần
 

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ, sau những ngày nghỉ tết bắt đầu từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường.
 
Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ.
 
 
Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
 
Tất cả các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc nó nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm, tâm thức uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam.
 
Hiện nay, trong lễ hội, nhiều lá ấn giả cũng được người dân bên đường bán ra để đánh lừa du khách. Còn những lá ấn đền Trần “thật” được “ban” ở các quầy do BTC sắp xếp. Tuy luôn khẳng định không bán, song, để có những lá ấn đền Trần, du khách đều phải gửi tiền vào “hòm công đức”, trước mặt những người phát các lá ấn. Số lượng lá ấn tùy thuộc số lượng tiền công đức.
 
S.T