Tổng quan về tướng tai trong nhân tướng học

Thứ Sáu, 07/06/2013 15:00 (GMT+07)

Tai là cơ quan thính giác của con người, được gọi là thính giác quan. Trong các bộ vị, tai được gọi ngoại học đường hay biên đường. Cùng Lịch ngày tốt tìm hiểu những vấn đề tổng quan về tướng tai trong nhân tướng nhé !


Vị trí các bộ phận của tai

Đứng về phương diện cấu tạo, tướng pháp học chia tai thành nhiều bộ phận nhỏ:

- Luân (thiên luân) là phần vành tai cong ra phía ngoài.

- Quách (địa quách) là phần vành sụn phía trong luân.

- Thùy châu là phần cuối cùng ở phía dưới của tai có thịt trề xuống. Thùy châu còn được gọi là dái tai hay trái tai.

- Phong môn (mạng môn) là phần lõm bao trong phần sụn.

- Phụ nhĩ (nhĩ phiến) là phần sụn mọc trên mang tai, mọc chặn lấy lỗ tai giống như bức tường thành.

 

Nếu ta vẽ 2 đường thẳng song song chia tai làm 3 phần:

- Phía trên của tai gọi là thượng đình đại diện cho trí tuệ, khả năng cảm thụ và tài năng của con người.

- Phần giữa của tai gọi là trung đình (hay còn gọi là nhân luân) biểu thị cho ý chí, dũng khí, hành động của một cá nhân.

- Phần dưới tai gọi là hạ đình (còn gọi là địa luân) biểu thị tình cảm, sự độ lượng, bao dung.

Nếu đầu tai (phần trên cùng, cao nhất của tai) cao hơn lông mày là tai cao. Đầu tai cao ngang với mắt là tai vừa phải. Đuôi tai bằng với chuẩn đầu (chỏm mũi) là tai thấp.

Nếu tai có chiều dài xấp xỉ bằng chiều dài từ ấn đường (khoảng giữa 2 đầu lông mày) tới chuẩn đầu (chóp mũi) là tai vừa. Nếu tai dài hơn độ dài từ ấn đường tới chuẩn đầu là tai dài. Nếu tai ngắn hơn độ dài đó thì tai ngắn.

Bề rộng của phần tai giữa trung bình bằng 2/3 chiều dài của tai. Những tai có bề rộng như thế gọi là tai bình quân. Quá độ dài này là tai rộng, nhỏ hơn là tai hẹp.

Tai dài và hợp với tiêu chuẩn bình quân là tai lớn. Tai ngắn và hợp với tiêu chuẩn bình quân về bề dài, bề rộng là tai nhỏ.

(Theo Thanh diện sắc hình của người phương Đông)