Thứ Hai, 15/07/2019 13:52 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lời dạy của Khổng Tử chỉ ngắn gọn 9 chữ nhưng có thể làm vị tể tướng quyền to chức lớn phải giật mình. Rốt cuộc thì ông đã viết những gì?
Lời dạy 9 chữ của Khổng Tử
2000 năm trước,
Khổng Tử đã đúc rút ra "9 chữ vàng" cho những người làm lãnh đạo để vừa quản lý được cấp dưới lại vừa được mọi người nể phục.
Thực tế, 9 chữ này dù ở thời nào cũng là bài học quý giá cho người lãnh đạo.
Lời người xưa kể lại rằng, một người bạn của Khổng Tử sắp đảm nhiệm chức vụ lớn ở một địa phương.
Trước đó, người này chạy tới hỏi Khổng Tử rằng: "Khổng phu tử, ngài là một bậc trí giả. Ngài nói xem chức quan này của tôi nên đảm nhiệm thế nào?"
Khổng Tử đáp lời: "Làm quản lý dễ mà cũng không dễ. Tôi chỉ có thể gửi ông 9 chữ: Tiên hữu ti, xá tiểu quá, cử hiền tài."
1. Tiên hữu ti - Người lãnh đạo trước hết phải biết làm gương
"Tiên hữu ti" tức là người lãnh đạo đó trước hết phải là một tấm gương sáng.
Điều này có 2 nghĩa: Thứ nhất, lãnh đạo phải là người xuất sắc hơn hẳn, luôn hoàn thành công việc của bản thân một cách chuyên nghiệp.
Thứ hai, trong quá trình làm việc, người lãnh đạo phải là người làm gương về trạng thái và tinh thần làm việc cho cấp dưới. Đây là yêu cầu cơ bản trong công tác quản lý.
Chẳng cấp dưới nào lại trung thành đi theo một người lãnh đạo không thể đảm nhiệm công việc của chính mình. Chẳng có cấp dưới nào dốc sức hết lòng vì một người lãnh đạo không trở thành gương sáng cho họ noi theo.
Bởi vậy, lời dạy của Khổng Tử mới đề cao "tiên hữu ti" - người lãnh đạo trước hết phải làm tốt công tác của mình lên hàng đầu.
Một vài người quản lý luôn than phiền đồng nghiệp và cấp dưới của mình không gánh vác được công việc của họ.
Ở đây có thể là cấp dưới không thể hoàn thành nhiệm vụ, không tạo ra chất lượng tốt nhất hoặc không dốc hết sức làm việc. Người quản lý ấy luôn yêu cầu những thứ phải tốt hơn nữa.
Nhưng bản thận họ lại không nghĩ rằng: Chính họ liệu có đạt được yêu cầu đó hay không? Họ đã trở thành gương sáng để cấp dưới noi theo hay chưa?
Cho nên, nếu như bạn đang gặp khó khăn khi làm lãnh đạo, trước hết hãy tự hỏi bản thân: Mình đã làm tốt chưa?
2. Xá tiểu quá - Người lãnh đạo phải biết bỏ qua những lỗi vặt
Cái gọi là "xá tiểu quá" trong lời dạy của Khổng Tử tức là: Không ai là người hoàn hảo trên đời này. Muốn chọn dùng người tài trước hết phải xem hoàn cảnh.
Nếu như một người trên cơ bản có thể đảm nhiệm tất cả những công việc mà bạn giao cho, vậy những chi tiết không quá quan trọng hãy có cái nhìn khoan dung hơn với họ.
Chẳng ai là không có khuyết điểm, không có nhà lãnh đạo nào không có sự kén chọn. Cho nên, làm một nhà quản lý, bạn cần phải có tấm lòng rộng lượng tùy thời điểm.
Vấn đề cần nghiêm khắc thì phải nghiêm khắc, vấn đề có thể khoan dung thì hãy rộng lượng.
Rất nhiều người làm ông chủ, đặc biệt khi kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, trình độ học vấn của bản thân cao nên thường có yêu cầu rất cao, rất hoàn mỹ trong công việc.
Điều này sẽ dễ khiến họ phạm phải sai lầm của rất nhiều người làm lãnh đạo khác khi luôn bắt bẻ, bới móc người khác.
Thậm chí hà khắc đến mức dùng tiêu chuẩn và sự phán đoán chủ quan của bản thân để yêu cầu cấp dưới.
Cứ như vậy, giữa người quản lý và nhân viên, nội bộ đoàn thể làm việc sẽ sinh ra sự căng thẳng, áp lực gây ảnh hưởng đến "sức chiến đấu" và tinh thần làm việc của mọi người. Trường hợp xấu còn gây tan rã đoàn thể.
Có thể nói, quản lý là một quá trình cân bằng. Người nào không thể rộng lượng thì không thể trở thành quản lý của người khác.
3. Cử hiền tài - Người lãnh đạo phải biết trọng dụng người tài giỏi
"Cử hiền tài" hay trọng dụng người tài giỏi là bí quyết quan trọng thứ 3 được lời dạy của Khổng Tử nhắc tới.
Vậy người tài là gì? Trong thời đại ngày nay, người tài được hiểu là người đáp ứng được hai tiêu chuẩn: vừa có phẩm đức, vừa có năng lực.
Người không có đức không có tài, có đức không có tài, hoặc có đức hơn tài, có tài hơn đức, đều không phải là người tài giỏi trong lý tưởng.
Nhân tài chân chính là người có "đức tài vẹn toàn". Người như vậy vừa có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để đảm nhiệm chức vụ.
Đồng thời, họ cũng có đạo đức nghề nghiệp để có thể hết mình với công ty và đoàn thể, trở thành gương sáng để cấp dưới và đồng nghiệp phát huy theo.
Bởi vậy, người làm lãnh đạo khi gặp phải vấn đề khó khăn trong quản lý công ty, hãy tự hỏi: Trong tay mình rốt cuộc có người tài thế nào?
Chỉ 9 chữ nhưng trí tuệ cao siêu, tầm nhìn xa trông rộng của Khổng Tử đều được thể hiện rõ trong 3 lời khuyên dành cho người làm quản lý ở trên.