Xoáy vào lỗi lầm người khác tưởng mình hay ai dè DỞ quá chừng!

Thứ Hai, 12/04/2021 10:06 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy luôn tâm niệm để cho người ta một con đường sống, do đó chớ xoáy thêm lỗi lầm của người khác kẻo thiệt cả bản thân cũng như toàn xã hội.


Chửi là xu hướng 4.0?


Mạng xã hội phát triển rực rỡ trong thời đại 4.0 đồng nghĩa với việc ai cũng có thể chia sẻ quan điểm của mình. Sức mạnh cộng đồng mạng có sức công phá rất đáng sợ nên cái tốt hay cái xấu cũng đều được nhân lên cả trăm nghìn lần dưới lăng kính của cư dân mạng.

Do đó, hãy cẩn thận vì nơi đó cũng có thể là một môi trường lan tỏa độc hại, khi người ta tự trao cho mình cái quyền nhưng lại thiếu trách nhiệm trong việc phán xét, chỉ trích người khác.

Thậm chí, rất nhiều người được xem là tri thức, học rộng biết nhiều đã cố tình tạo ra làn sóng và xu thế xấu xí cho người khác "đu" theo. Khi một số sự kiện xảy ra, họ cố tình bóp méo sự việc hoặc nhìn sự việc chỉ ở một góc cạnh phiến diện rồi dùng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa, để chỉ trích một cá nhân hay một tập thể mà bị họ xem là "ngứa mắt".

Trong khi đó hầu hết số đông lười tìm hiểu, lười xác nhận thông tin, nhưng lại thích "đu" theo kiểu "nghe hơi nồi chõ" - rồi ra sức nâng cao quan điểm, nhận xét như thể người này xấu xa, tồi tệ đến mức nào mà không cần biết hậu quả của việc "ác khẩu" của mình tới đâu.
 
Những kẻ này, nếu thay vì phung phí thời gian để chửi, người ta sử dụng tài năng của mình để làm chuyện có ích thì tốt biết bao.  
 
 

Chớ kết tội ai quá lâu


Chớ xoáy thêm lỗi lầm của người khác vì ai trong chúng ta chẳng từng phạm lỗi. Albert Einstein từng nói: "Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả". Ngẫm cũng đúng vì có làm thì ắt có sai cho dù bạn đang trẻ hay ở tuổi gần đất xa trời. 

Vì thế, phạm là người thì ắt sẽ phạm lỗi, nếu cứ xoáy sâu vào nỗi đau của họ sẽ chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, cái nhìn thiển cận của bạn mà thôi. Và nhớ chớ kết tội ai lâu bởi có thể hôm nay họ sai lầm nghĩa là nhìn vào một sự việc để phủ định hoàn toàn con người của họ.

Bạn đâu biêt rằn nay họ sai nhưng mai họ đã ăn năn, tháng sau đã vượt qua rồi. Khi họ đang tập trung rút kinh nghiệm để cải thiện bản thân thì chỉ bạn bạn vẫn ngôi yên một chỗ để chỉ trích lỗi lầm trong quá khứ.

Hãy nhìn nhận mọi người bằng sự bao dung, hãy để một người có lỗi thôi - chứ đừng tự biến mình trở thành người thứ hai có lỗi.

Chớ bi kịch hóa vấn đề

Phạm phải sai lầm là con người; vấp ngã là chuyện bình thường; có thể cười vào mặt chính mình là sự trưởng thành.
William Arthur Ward
Hãy nhớ rằng nếu ai đó có lỗi thật thì hãy để một mình người đó có lỗi thôi, đừng thêm người thứ hai có lỗi. Người thứ hai ấy là ai? Chính là người làm lớn chuyện bằng cách đi phê bình, công kích và nói xấu người phạm lỗi khắp nơi, và cái tội của người thứ hai này còn lớn hơn người thứ nhất.

Ví dụ như các cặp vợ chồng, khi chồng đã phạm sai lầm thì khi nào cũng xoáy sâu vào điều đó, hỏi tới hỏi lui, mỗi khi tức giận là kể lể lại. Ai mà chẳng biết xấu hổ sau mỗi lần mắc lỗi. Thậm chí họ có thể ám ảnh với điều đó, bây giờ bị nhắc lại, họ càng thêm bực bội. Lúc này, mâu thuẫn gia đình rất dễ xảy ra.

Cuối cùng các bà vợ lại tự rước khổ về mình chỉ vì chuyện đã không còn. Thế nên, vợ chồng nên tu khẩu để cho đối phương thấy đó là thái độ trân trọng của mình với mối quan hệ và cũng là để giảm bớt áp lực trong đời sống gia đình.

Cho nên, việc chúng ta thấy một người có lỗi rồi đi nói xấu, là một điều vô cùng tàn nhẫn và không công bằng. Bởi người phạm lỗi có khi họ đã sám hối xong, đã chấm dứt sự sai lầm rồi, trong khi điều chúng ta nói xấu thì vẫn tiếp tục lan truyền. Lầm lỗi của họ thì đã ngừng nhưng điều tiếng ta gây ra cho họ vẫn cứ tồn tại. Như thế ta đã rất tàn nhẫn và không công bằng.
 
 

Nếu không giúp được hãy im lặng


Nhiều cá nhân tự cho rằng mình giỏi, mình xuất sắc hơn người nên chỉ trích, hạ thấp giá trị và gây tổn thương cho người khác nhằm mục đích gi tăng cái tôi, gia tăng hình ảnh về mình. Nhưng theo những điều ngược đời về cuộc sống thì người hay chỉ trích người khác mới chính là người có vấn đề tương tự.

Theo đó, Freud - nhà tâm lý học nổi tiếng gọi đó là "projection" - nghĩa là hiện tượng "gán lên người khác những khuynh hướng trong hành động hay tính cách mà bản thân mình sở hữu nhưng lại muốn chối bỏ".

Có thể khi bạn làm thế sẽ tạo ra danh vọng ảo khi thu hút đám đông ủng hộ, thế nhưng người hiểu chuyện, có tri thức họ im lặng vì biết không nên tranh cãi với người như bạn làm gì.

Hãy nghĩ tới hoàn cảnh, chính bạn là người vô tình phạm lỗi và bị bàn tán, rêu rao, bóp méo, công kích khắp nơi thì bạn sẽ thế nào? Không ai chấp nhận điều ấy cả. Do vậy, trước lầm lỗi của người khác nếu không làm được gì thì chúng ta hãy yên lặng. Bạn cũng có thể học hỏi từ sai lầm của người ta vì "Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm". (Groucho Marx)

Nếu mình có duyên thì hãy khuyên bảo họ, còn nếu không có duyên thì cũng thầm cầu cho họ tự biết lỗi, rồi từ từ vượt qua được lầm lỗi chứ đừng buông lời chê bai, chỉ trích hay thậm chí là thóa mạ họ.