Theo Âm lịch, ngày 10 tháng 10 là ngày Song Thập, phong tục dân gian gọi là Tết Hạ Nguyên – một trong ba lễ Tết quan trọng của người Việt hàng năm, bên cạnh Tết Trung Nguyên (Rằm tháng 7) và Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng).
Đồng bào dân tộc tưng bừng trong ngày Tết Hạ Nguyên |
Rằm tháng Giêng là ngày Vua Nghiêu ban phước cho nhân sinh, nên còn được gọi là "Thượng Nguyên Tứ Phước Thiên Quân Ðại Ðế Thắng Hội" hay "Thượng Nguyên Thiên Quân Thánh Ðản "hay gọi tắt là: "Thiên Quan Tứ Phước”.
Rằm tháng Bảy là ngày Vua Thuấn xá tội cho các vong hồn nơi Ðịa phủ , nên còn gọi là "Trung Nguyên Xá Tội Ðịa Quan Ðại Ðế Thắng Hội" hay còn gọi là "Trung Nguyên Ðịa Quan Thánh Ðản", “Vu Lan Thắng Hội”.
Rằm tháng Mười là ngày Vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh nên còn gọi là "Hạ Nguyên Giải Ách Thuỷ Quan Ðại Ðế Thắng Hội" hay còn gọi là "Hạ Nguyên Thuỷ Quan Thánh Ðản", “Tết lúa mới”…
Theo phong tục dân gian Tết Hạ Nguyên được tiến hành vào ngày mùng Một hoặc mùng Mười, cũng có thể là ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Ông cha ta ngày xưa quan niệm rằng những ngày này Thiên Đình cử thần Tam Thanh xuống trần gian để xem xét việc tốt xấu về tâu với Ngọc Hoàng. Do vậy, mọi nhà phải tiến hành làm lễ để thần Tam Thanh ban phúc lành, tránh tai họa và cũng là dịp “tiến tân" cơm gạo mới cúng tổ tiên.
Tết Hạ Nguyên của dân tộc Xê-đăng |
Vào Tết Hạ Nguyên mọi người đều mua quà và gạo nếp cùng với những đặc sản lúc giao mùa Thu Đông biếu ông, bà, cha mẹ và những bậc được tôn kính để tỏ lòng hiếu thuận, biết ơn bề trên.
Ca dao có câu:
Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,
Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy.
Lễ Hạ nguyên ở chùa tuy hình thức có phần đơn sơ hơn so với các lễ hội Phật giáo khác như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan, nhưng về nội dung vẫn phản ánh đậm nét màu sắc tâm linh, và nhắc nhở các Phật tử hãy sống như chánh pháp, hành xử theo chánh pháp theo gương các bậc Tiên hiền cổ thánh ngàn xưa. Quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa tri ân và báo ân.
Tết Hạ Nguyên hay còn gọi là “Lễ mừng lúa mới”, “Tết cơm mới” là lễ hội quan trọng nhất trong các lễ hội cổ truyền của người Việt Nam ở vùng cao. Lễ mừng lúa mới đối với đồng bào dân tộc cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh.
Tết Hạ Nguyên của dân tộc Pa-cô |
Sau khi vụ lúa tháng Tám vừa gặt hái xong, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng, thư thả. Lúa đã đầy bồ, rơm rạ đã chất thành đống khô ráo, tươm tất.
Đông tiết lạnh lẽo mà lại được mùa, có lúa mới, mọi người nghĩ ngay đến ơn nghĩa của trời đất mưa thuận gió hòa, trong năm không bị lụt lội làm hư hại mùa màng; cho nên đến ngày rằm tháng Mười đem những gì đã được thu hoạch, chế tạo thức ăn theo phong tục địa phương tự ngàn xưa như: Xôi, chè, bánh ít, bánh cúng, bánh bột lọc, bánh gạo… cùng với mâm cơm dâng cúng tổ tiên, ông bà, thổ thần, âm linh…
Ngày rằm tháng Mười còn được coi như là lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn này là một trong tứ trọng ân của Phật giáo mà đức Phật đã dạy khi Ngài còn tại thế. Sau khi cúng tạ ơn, cả gia đình sum họp quanh bếp lửa hồng của mùa đông giá rét với một bữa cơm đoàn tụ, ấm cúng.
Ngày nay, với người dân Việt, Tết Hạ nguyên đã trở thành ngày lễ hội mang nhiều giá trị tâm linh, nhất là đối với phật tử, thì đây là dịp để Phật tử hướng tâm, trên nhờ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, kế đến là tổ tiên ông bà che chở. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa tri ân và báo ân.
TH.