Chu Tước trong phong thủy là gì?

Thứ Năm, 22/04/2010 10:37 (GMT+07)

Chu Tước vốn là chòm sao phương Nam gồm 7 sao: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn, có tượng con sẻ đỏ (Chu Tước).

Chu tước

Các nhà phong thủy dùng nó để chỉ núi gò phía trước huyệt mộ. Sách Táng Kinh có viết: "An táng lấy tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ".

Dương trạch Chu Tước chỉ địa hình ở phía trước nhà. Vì thế "Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ là tứ linh để chính 4 phương. Vua chúa xây cung điện, lầu các đều dùng phép này".

Theo phong thủy, Chu Tước là núi hình thủy. Thủy ứng với hình núi sinh khí. Vì vậy nên uốn lượn hồi chỉnh như bách quan chầu vua. Nếu nghiêng, bay, xung, tức giận dỗi định bay là tượng hung.

Gò Chu Tước nên ngay ngắn, cao vươn, tú lệ, có tình, triều bái huyệt mộ là tốt. Núi trước mộ quay lưng vô tình, trên ngay dưới nghiêng như muốn quay đi là xấu.

Người xưa còn cho rằng, khi "Chu Tước bi khấp" (khóc than) là rất xấu. Lấy thủy làm Chu Tước, thịnh suy do hình ứng, kỵ chảy xiết, chảy ầm ầm.

Sách chú giải: "Nước ở minh đường, vị trí trước mộ cũng gọi là Chu Tước. Nếu Chu Tước là ao, hồ, đầm sâu lấy uốn lượn hữu tình là cát. Chu Tước như liềm cắt dao cứa, tên bắn, chảy xiết như than khóc bi ai tất là tượng hung".

Khi Quản Lộ đi qua mộ Võ Khâu Kiểm, ông nhìn thấy tượng hung như "Chu Tước bi khấp" liền đoán: gia chủ có họa diệt tộc. Quả nhiên 2 năm sau, điều đó ứng nghiệm.

Từ Thiện Kế trong Địa lý nhân tử cần biết viết: "Nước sáng sủa đến trước huyệt mộ là mộ cát. Nếu chạy thẳng, chảy xiết, xung sát có tiếng ầm ầm như cáu giận là hung. Vì vậy, nước chảy đến phải uốn khúc, quanh co, êm đềm, du dương, chầm chậm là hợp lẽ".

Theo Bí ẩn thời vận