Chứng tá (bằng chứng) chỉ các loại gò, núi, đồi, dòng sông bao bọc ở trước, sau, phải, trái của chân long, chân huyệt như: minh đường, triều sơn, án sơn, trương mạc, triều thủy, Thanh Long, Bạch Hổ, lạc sơn, thác sơn, quỷ sơn, cầm tinh diệu tinh, dư khí, nhân nhục, tam phân tam hợp, kim ngư, thiền dực, thập đạo thiên tân. Đây là các chứng cớ để xác định long mạch thật, giả.
Ảnh minh họa |
Minh đường, triều sơn là chứng tá quan trọng nhất trong việc chứng tỏ chân long kết huyệt. Sách Kham Dư mạn hứng viết: “Chớ có than rằng huyệt khó tìm, chỉ cần chú ý một điều thôi: Minh đường ngay ngắn không thiên lệch, triều sơn thanh tú sẽ tìm ra”.
Lưu Cơ nhấn mạnh: “Muốn tróc huyệt phải có bằng chứng, huyệt cát triều sơn đặc biệt thanh tú. Nếu huyệt không có triều sơn thì kết huyệt lực nhẹ, phúc mỏng”.
Lạc sa, thác sơn, quỷ sơn cũng là những bằng chứng của hoành long kết huyệt. Sách Kham Dư mạn hứng viết: “Hoành long kết huyệt cần có lạc, lạc sơn không có, huyệt chơ vơ. Hoành long kết huyệt cần có quỷ, nếu không mộ hư hao, cho dù huyệt đẹp cũng vô cát lợi”.
Long hổ bảo vệ cũng là bằng chứng của chân long kết huyệt. Theo Kham Dư mạn hứng: “Long hổ chứng huyệt phải xứng cân, bao bọc hữu tình mới thoát bần, đất cao thì tìm nơi cao ráo, đất thấp long hổ đất thấp tìm”.
Nếu có nhiều núi, sông, gò, đống, kênh, rạch bao bọc huyệt mộ thì chủ phúc vô biên. Nếu bằng chứng (tức sa thủy) bị cô, lộ, lậu, thoát, nghiêng, lệch, nhơ, bẩn, cụt là huyệt giả, không nên chọn để đặt mộ.
Chân long nhất định phải có sa thủy bao bọc. Sách Địa lý nhân tử nên biết viết: “Chân long kết huyệt, phải có bằng chứng, phía trước triều án đẹp, minh đường vuông vắn, thủy thế tụ; phía sau lạc sơn ôm, quỷ sơn bọc; tả hữu có hổ long hộ vệ, ở dưới có nhân nhục (gò) và có thập đạo toàn, giới thủy phân hợp rõ ràng. Đó là những tiêu chuẩn của chọn huyệt an mộ”.
Theo Bí ẩn thời vận