Tên là ký hiệu biểu thị sự tồn tại của con người, in dấu cá tính và vận mệnh của họ, là tiêu chí để nhận biết người này với người khác. Hơn nữa, tên người và đời người còn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, người phương Đông rất chú trọng tới việc chọn tên với mong muốn tên hay sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị về vấn đề này.
Tranh cát tường |
Bạch Cư Dị (772-846), tự là Lạc Thiên, có nghĩa là “Lạc thiên an mệnh”, một trong những thi nhân nổi tiếng đời Đường. Năm 16 tuổi, ông tham gia kỳ thi tiến sĩ và cũng là lần đầu đặt chân đến kinh thành. Một hôm, ông đem thơ của mình đến bái kiến nhà viết kịch nổi tiếng Lang Cố Huống. Cố Huống nghe đến cái tên Bạch Cư Dị liền nói giọng mỉa mai: “Mấy năm nay gạo ở Trường An rất đắt, e rằng rất khó định cư ở đây”. Tuy nhiên, sau khi đọc thơ Bạch Cư Dị, Cố Huống rất cảm phục và thay đổi thái độ: “Vừa rồi là lão phu nói đùa! Người có tài như anh xem ra định cư ở đây không có gì khó”. Nhận được sự tán thưởng và cổ vũ của Cố Huống, từ đó Bạch Cư Dị ngày càng nổi tiếng.
Dân gian cho rằng, vị trạng nguyên cuối cùng của Trung Quốc tên là Lưu Xuân Lâm thực ra chỉ đứng thứ hai trong kỳ thi. Tuy nhiên, do năm đó cả nước gặp đại hạn, khi triều đình lập danh sách trạng nguyên, thấy cái tên "Xuân Lâm" có ý là cầu mưa xuân nên đã chọn Lưu Xuân Lâm làm trạng nguyên.
Trái ngược với sự may mắn của Lưu Xuân Lâm, trong kỳ thi năm thứ 23 Gia Tĩnh đời Minh, Ngô Thanh lại là người gặp xui xẻo vì tên gọi của mình. Ban đầu, ông được chọn là trạng nguyên, nhưng khi hoàng đế kiểm tra lại thấy cái tên đó không hay liền hạ lệnh hủy chức trạng nguyên của ông vì cho rằng "Ngô Thanh" đồng âm với "Vô Thanh".
(Theo Tên hay thời vận tốt)