Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Lễ hội cố đô Hoa Lư

Thứ Tư, 03/03/2010 22:29 (GMT+07)

Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư - (xưa thường gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) diễn ra vào các ngày 6,7,8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Sử sách cho biết: Trong nhiều triều đại phong kiến, lễ hội Trường Yên là một quốc lễ, vì đây là dịp tưởng niệm các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Cố đô Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư đã được bắt đầu ngay khi nhà Lý dời đô về Thăng Long. Trên nền móng của cung điện Hoa Lư, 2 ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê được tạo dựng.

Để có được một lễ hội có tầm vóc như hiện nay là cả một quá trình lâu dài, là sự hòa quyện những sự kiện lịch sử và truyền thuyết dân gian.

Hình thức của lễ hội gồm có: lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ rước lửa, tập trận cờ lau, tế nữ quan, kéo chữ, múa rồng lân, thổi cơm thi và những tiết mục biểu diễn, thi đấu quen thuộc đối với nhiều lễ hội truyền thống dân gian khác.

Vào buổi sáng ngày khai hội hàng năm thường diễn ra lễ rước nước. Cuộc rước này được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng. Từ nhiều hôm trước ngày khai hội, người ta “trồng” ở sông Hoàng Long (gần cửa Đại Hoàng xưa) một cây tre lớn cành lá xanh tốt. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng có ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng Đế nước Đại Việt - sau dựng nên cơ nghiệp nhà Đinh, dẹp được loạn sứ quân cát cứ, thu giang sơn về một mối; cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hòa, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ…

Giờ Thìn ngày khai hội, khi mặt trời sắp ló lên khỏi đỉnh Mã Yên Sơn, đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh. Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm và cả một phường trống.

Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn, trên kiệu có hương án, bên trong đặt một bình sứ, ngoài phủ vải điều do 8 nam thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Trang phục của họ tựa như lính túc vệ nhà Đinh xưa, áo đỏ, vàng, tay áo cộc, cổ áo viền xanh có thêu hoạ tiết lối cổ, đầu chít khăn đỏ, vàng theo lối “thủ rìu”.

Ngay sau kiệu rước này là các vị quan khách, đại biểu các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán, lọng song hành trên vai các trinh nữ, mang các lễ vật. Đi bên mỗi kiệu là một bô lão vận trang phục “thượng đẳng thần”. Lại có cả một vị trong trang phục hoàng đế - thiên tử đi rước nguồn nước quý để cuộc rước thêm ý nghĩa tối thượng, tối linh. Đoàn người đi sau chỉnh tề hình khối là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, đủ sắc màu, nghiêm trang, háo hức.

Đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền nan trước tiên, sau đó là rồng vàng, sư tử... Vị chủ tế trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước, 4 trinh nữ vận áo tân thời, đầu vấn khăn xếp nhẹ nhàng thanh thoát múc nước sông thiêng đổ vào bình sứ, để đưa về đền vua Đinh làm lễ dâng hương.

Vị chủ tế cùng các vị “quần thần” đốt tờ sớ trình thả xuống dòng sông. Trống chiêng vang lên cấp tập. Đoàn rước lên bờ, trở về đền vua Đinh theo thứ tự lúc khởi hành. Cuộc rước nước truyền thống ở lễ hội cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện mối liên hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đã ngót một nghìn năm, kể từ khi kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô, phong sương hoài niệm, những âm thanh của trống hội Thăng Long vẫn luôn cộng hưởng hùng tráng, khoan nhặt cùng tiếng trống rước nước ở Hoa Lư để hướng về cội nguồn, thêm đậm đà bản sắc dân tộc.

(Theo Ninhbinhtourism)

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X