- Yếu tố hành quẻ Kinh Dịch trong chấm điểm sim phong thủy
- Kích hoạt cung Văn Xương trước thời điểm vận 9 Hạ nguyên, sự nghiệp lên như diều gặp gió, thi cử đỗ đạt cao
Sự tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh kết hợp với hoàn cảnh Loan Đầu xung quanh có liên quan tới mọi vấn đề cát, hung, họa, phúc của gia chủ.
► Lichngaytot.com gửi đến bạn đọc công cụ xem thước lỗ ban online và xem hướng nhà chuẩn xác |
1. Sơn tinh và Hướng tinh là gì?
Trong “Thiên ngọc kinh Ngoại thiên” của Dương Công Chẩm có viết: “Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài lộc”.
Chữ “Sơn” ở đây không chỉ có nghĩa là “núi”, mà còn là Sơn tinh của 1 trạch vận. Cũng như chữ “Thủy” không chỉ có ý nghĩa là “sông nước”, mà còn là Hướng tinh (do quan niệm phương tọa cần có núi, phía trước cần có thủy). Trong đó, Sơn tinh chủ về nhân đinh, còn Hướng tinh chủ về tài lộc.
Vì đã gọi là “Sơn”, nên Sơn tinh nếu muốn phát huy tác dụng (hay đắc cách) thì cần phải có núi cao (hay nhà hoặc cây cao...). Vì đã gọi là “Thủy”, nên Hướng tinh nếu muốn phát huy tác dụng thì cần phải gặp nước (thủy).
Tuy nhiên, không phải Sơn tinh nào cũng cần phải gặp núi, mà chỉ có những Sơn tinh đang là khí Sinh, Vượng mà thôi. Có như vậy thì gia đình đó nhân đinh đông đúc, lại chủ xuất hiện người tài giỏi, có danh, có tiếng.
Ngược lại, những khu vực có những Sơn tinh là Suy khí hay Tử khí thì lại cần thấp, trống hay bằng phẳng. Nếu tại những khu vực đó mà có núi hay nhà cao... thì sẽ có tai họa về nhân đinh như hiếm người, con cái khó lấy chồng, lấy vợ, hoặc trong nhà xuất hiện cảnh chia ly, góa bụa, cô quả...
Đối với các trường hợp của Hướng tinh cũng tương tự. Tuy rằng Hướng tinh cần có Thủy, nhưng chỉ những khu vực nào có Sinh khí hay Vượng khí của Hướng tinh mới cần có Thủy như sông, hồ, ao, biển hoặc buồng tắm, nhà vệ sinh, đường xá, cửa ra vào... Nếu được như thế thì tài lộc dồi dào, của cải sung túc, công việc làm ăn ổn định...
Ngược lại, nếu những khu vực có Suy, Tử khí của Hướng tinh mà lại có “Thủy” thì nhà đó tài lộc túng thiếu, dễ bị hao tán tiền của, công ăn việc làm lụn bại...
2. Sự tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh
Theo phong thủy, sự tương tác giữa Sơn tinh với Hướng tinh với hoàn cảnh Loan đầu chung quanh là 1 điều quan trọng có liên quan tới mọi vấn đề cát, hung, họa, phúc của 1 căn nhà, và do đó cần phải được đặc biệt quan tâm.
Khi xét đến sự tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh tại mỗi khu vực thì có 4 trường hợp sau:
- Sơn tinh là sinh, vượng khí; Hướng tinh là suy, tử khí.
- Hướng tinh là sinh, vượng khí; Sơn tinh là suy, tử khí.
- Sơn tinh và Hướng tinh đều là sinh, vượng khí.
- Sơn tinh và Hướng tinh đều là suy, tử khí.
3. Phân tích sự tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh trong phong thủy nhà ở
3.1 Trường hợp 1: Sơn tinh là sinh, vượng khí; Hướng tinh là suy, tử khí.
Nếu trong một khu vực có Sơn tinh là sinh, vượng khí, còn Hướng tinh là suy, tử khí, mà khu vực đó lại có núi hay nhà cao, cây cao,... tức là khí sinh, vượng của Sơn tinh đã “đắc cách”, vì đóng tại chỗ có cao sơn, thực địa.
Trong trường hợp này, khí sinh, vượng của Sơn tinh làm chủ khu vực đó, còn Hướng tinh tại đây vừa là khí suy, tử, vừa bị “thất cách” (vì còn gặp núi chứ không gặp nước) nên mất hết hiệu lực. Do đó hoàn toàn bị Sơn tinh nơi này chi phối.
Vì Sơn tinh “đắc cách” của những nơi này làm mất hết tác dụng xấu của Hướng tinh tại đây, nên được gọi là “Sơn chế ngự Thủy”. Đây chính là trường hợp Sơn tinh “hóa sát” (tức là làm mất hết sát khí) của Hướng tinh, và thường được gọi tắt là “Xuất Sát”.
3.2 Trường hợp 2: Hướng tinh là sinh, vượng khí; Sơn tinh là suy, tử khí.
Nếu khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí, còn Sơn tinh là suy, tử khí, mà khu vực đó lại có Thủy của sông, hồ, ao, biển hay cửa ra, vào nhà, thì Hướng tinh “đắc cách”, nên nắm quyền điều động và chi phối Sơn tinh tại đây.
Còn Sơn tinh thì vừa là khí suy, tử, vừa bị “thất cách” (gặp Thủy) nên mất hết hiệu lực và bị Hướng tinh chế ngự. Đây chính là trường hợp “Thủy thu sát của Sơn”, hay thường gọi tắt là cách cục “Thu Sơn”.
3.3 Trường hợp 3: Sơn tinh và Hướng tinh đều là sinh, vượng khí.
Nếu trong một khu vực mà Sơn tinh và Hướng tinh đều là sinh, vượng khí, thì cách tốt nhất là cần có cả sông hồ lẫn núi hay nhà cao, với điều kiện là sông hồ ở gần kề, còn núi hay nhà cao ở ngoài xa. Nếu được như thế thì Sơn tinh và Hướng tinh đều "đắc cách", nên đinh tài đều vượng.
Nếu khu vực này chỉ có núi mà không có sông, hồ thì hình dáng của núi phải đẹp và ở xa thì mới chủ vượng cả tài đinh. Còn nếu chỉ có núi hình dáng tầm thường và lại nằm gần nhà, hay chỉ có nhà cao thôi thì chỉ vượng đinh nhưng thoái tài.
Nếu khu vực này có sông nước đẹp, thủy lớn và phản quang thì dù không có núi cũng là cách cuộc vượng cả tài lẫn đinh. Nếu không có thủy mà chỉ có đường đi, sân rộng hay cửa ra vào thôi thì chỉ là cách cuộc vượng tài nhưng không vượng đinh.
3.4 Trường hợp 4: Sơn tinh và Hướng tinh đều là suy, tử khí.
Nếu trong một khu vực mà Sơn tinh và Hướng tinh đều là suy, tử khí, mà có núi hay nhà cao, thì nhà đó sẽ bị tai họa do những đối tượng của Sơn tinh gây ra. Trong trường hợp này Hướng tinh vô hại.
Nếu khu vực đó có sông, hồ hay cửa ra vào, thì nhà đó sẽ bị tai họa, bệnh tật do Hướng tinh mang tới, cộng với vấn đề hao tài. Trong trường hợp này Sơn tinh vô hại.
Nếu khu vực này bằng phẳng, yên tĩnh, thì cả Sơn tinh lẫn Hướng tinh đều được hóa giải và trở nên vô hiệu lực.
Trong những trường hợp tương quan giữa Sơn tinh và Hướng tinh nêu trên, Thu Sơn và Xuất Sát là hai phương pháp nhằm phát huy tới mức tối đa những khí sinh, vượng của cả Hướng tinh và Sơn tinh, hỗ trợ, bổ khuyết thêm cho cách cục “Đáo Sơn, Đáo Hướng”, cũng như loại bỏ cách cục “Thượng Sơn, Hạ Thủy”, làm cho phong thủy nhà ở đã tốt lại càng thêm tốt.
Xem các bài viết khác: