Kỳ lân cùng với rồng, phượng, rùa, được gọi là tứ linh, quan phục của quan võ nhất phẩm xưa đều có thêu hình kỳ lân, cho thấy vị trí của kỳ lân chỉ đứng sau rồng.
1. Hình tượng Kỳ Lân trong phong thủy
Kỳ lân là con gì? Trong phong thủy, là một trong bốn linh vật cao quý: Long, Lân, Quy, Phụng. Lân là con cái, còn con đực gọi là Kỳ, gọi chung là Kỳ Lân. Kỳ Lân là một con vật có đầu nửa Rồng nửa Thú, nó chỉ có một sừng, do nó không húc ai bao giờ nên chiếc sừng này được xem là hiện thân của Từ Tâm.
Người đời hình tượng nhiều kiểu dáng Lân, nhưng chung quy lại, Lân có hình gần giống sư tử: có bờm, có móng vuốt, có đuôi. Nhưng phần lớn hình ảnh Lân được khắc họa là có sừng của loài Nai, tai Chó, trán Lạc Đà, mắt Quỷ, mũi Sư Tử, miệng rất rộng, có thân Ngựa, chân Hươu, đuôi Bò.
Đôi khi nó lại có hình dáng của một con hươu xạ, với chiếc đuôi Bò, trán Sói, móng Ngựa, da có đủ 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, đặc biệt dưới bụng có màu vàng đặc trưng… Cũng có khi con vật này xuất hiện dưới hình dáng có mình của một con Hoẵng, có vảy cá trải dài khắp thân…
Kỳ lân xuất hiện dưới nhiều hình dạng, bao gồm kỳ lân đơn, kỳ lân tống tử... Nhưng cho dù Kỳ Lân có xuất hiện với hình dạng như thế nào đi nữa thì trong tín ngưỡng dân gian phương Đông thì nó cũng là con vật báo hiệu điềm lành sắp đến, là biểu tượng cho sự nguy nga đường bệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc lớn lao.
Vật phẩm phong thủy Kỳ Lân mang trong mình tất cả những phẩm chất đặc trưng của một con vật nhân từ, khi di chuyển nó tránh giẫm lên các loại côn trùng và cỏ mềm dưới chân mình.
Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn, nó chỉ ăn cỏ, nên gọi nó là Nhân thú (con thú có lòng nhân từ).
2. Biểu tượng Kỳ lân tống tử tặng con
Tương truyền, trước khi Khổng Tử ra đời, có một con kỳ lân đã xuất hiện ở nhà ông, miệng nhả ra sách ngọc, trong sách ngọc ghi chép vận mệnh của vị thánh nhân này, nói rằng ngài là con của vương hầu nhưng sinh không gặp thời.
Cho nên khi Khổng Tử được sinh ra mọi người đều gọi ông là kỳ lân.
Đay là thú thần tặng con, cho nên trong biểu tượng “kỳ lân tống tử” có một đứa trẻ cưỡi trên lưng kỳ lân, trong tay cầm một đóa hoa sen, biểu thị sinh liền quý tử, đó là ý nghĩa tiềm ẩn trong biểu tượng.
Kỳ lân và sách ngọc cùng kết hợp trong một biểu tượng thì gọi là “kỳ lân tường đoan” ( kỳ lân cát tường) hoặc kỳ lân như ý.
Kỳ lân tống tử tặng con, ngoài ý nghĩa tăng vượng nhân đinh còn có thể chiêu tài, tăng phúc, tiêu tai, giải ách, diệt trừ ma quỷ, hóa giải sát khí.
Cách sử dụng:
Người trong gia đình nếu muốn có thêm con cái thì có thể đặt tại phương vị cát lợi trong phòng ngủ một biểu tượng kỳ lân tống tử, đầu kỳ lân phải hướng ra ngoài.
Nếu trong nhà có cuộc sống bất an, thường phát sinh bệnh tật, bất trắc, tranh cãi, phá tài… thì có thể đặt một biểu tượng kỳ lân tại phương vị cát tường trong phòng khách.
Biểu tượng kỳ lân đặt tại phương vị tài khí trong nhà, có thể đem đến tài vận cho gia đình.
3. Công năng tuyệt vời của Kỳ lân phong thủy
Kỳ Lân có tác dụng tránh tà, ngăn cản sát khí: Nếu cửa chính nhà bạn bị hành lang trực xung, phạm phải “xuyên tâm sát” hay “thương sát”, có thể dùng một đôi Kỳ Lân để hóa giải.
Trong trường hợp hành lang khá ngắn, sát khí không quá mạnh, chỉ cần sử dụng một con Kỳ Lân đơn. Nhưng nếu hành lang dài mà thẳng, tức sát khí mãnh liệt có thể dùng ba con Kỳ Lân để hóa giải.
Kỳ Lân tiêu tai giải nạn, có tác dụng hóa giải Tam Sát: Phương vị của Tam Sát là khác nhau tùy theo năm hạn. Để hóa giải Tam Sát cần sử dụng ba con Kỳ Lân (tốt nhất là Kỳ Lân đã được khai quang) đặt ở phương vị Tam Sát, đầu Kỳ Lân đặt quay về hướng Tam Sát.
Kỳ Lân có tác dụng cải vận, giảm nhẹ tai ương cho gia đình: Kỳ Lân là loài vật đặc trưng cho cát tường, nếu đặt Kỳ Lân trong nhà sẽ có tác dụng trấn trạch trừ tà, tăng phúc lộc cho gia đình, không chỉ giúp gia chủ sự nghiệp hanh thông mà còn xoay chuyển tài vận.
Ngoài ra, Kỳ Lân còn giúp được gia chủ tránh được khí độc gây vận xấu. Kỳ Lân dùng trong mục đích cải vận tốt nhất cần được khai quang thì mới phát huy công lực một cách trọn vẹn.
Kỳ Lân có tác dụng hóa giải bất lợi của Bạch Hổ: Đặt một đôi Kỳ Lân tại vị trí Bạch Hổ trong nhà ở, có thể hóa giải được tính hung của phương Bạch Hổ, bảo vệ người nhà bình yên.
Đặc biệt, khi phương Bạch Hổ bị ống khói hoặc vật sắc nhọn xung phải thì Kỳ Lân đã qua khai quang có thể hóa giải rất hiệu nghiệm.
Kỳ Lân cũng được sử dụng như con vật linh thiêng bảo vệ cho các công trình kiến trúc, dinh thự, lăng mộ… Nó được dùng để trang trí trên các bức bình phong của chùa, đền, miếu…, nhiều khi lại chuyên chở trên lưng các bức cổ đồ hình bát quái… với ý niệm thể hiện sự may mắn luôn song hành cùng chữ nghĩa, đạo lý trong cuộc sống, đó là sự bảo trợ cần thiết mang tính linh thiêng.
Trước cửa những tòa nhà lớn, cổng doanh nghiệp hoặc nhà xưởng người ta thường đặt một đôi lân, một đực một cái với ý nghĩa vừa giữ được tiền, vừa giữ được người tài.
Con đực to hơn, một chân đặt lên viên ngọc tượng trưng cho việc giữ tiền của. Con cái nhỏ hơn, một chân đặt lên con lân nhỏ tượng trưng cho việc giữ người tài. Ngoài ý nghĩa cầu tài, một đôi Kỳ Lân đặt ở cửa nhà cũng làm cho cảnh quan ngôi nhà thêm đẹp.
Người ta còn đặt Kỳ Lân trong nhà để cầu con. Người trong gia đình nếu muốn có thêm con cái thì có thể đặt tại phương vị cát lợi trong phòng ngủ một biểu tượng kỳ lân tống tử, đầu Kỳ Lân phải hướng ra ngoài.
Ngoài ra, Kỳ Lân còn có khả năng hóa giải tà khí của các hung tinh trong vận hạn. Tạo hình Kỳ Lân rất đẹp, là một món quà tặng rất có ý nghĩa cho người thân và bạn bè khi về nhà mới.
Đôi Kỳ Lân là pháp khí mang lại sự bình an thuận hòa, con cái thông minh hiếu thảo, học hành giỏi giang và thành đạt, rất cần cho mọi nhà.
T.H