Thế nào là âm thác dương sai

Thứ Ba, 14/01/2014 16:50 (GMT+07)

Theo quan niệm của nhân tướng học, một người được coi là quý tướng phải đạt đến sự hài hòa âm dương về diện tướng, hình thể. Nếu không có thể rơi vào dạng hung tướng là âm thác hoặc dương sai.

Âm thác: Bản chất là âm nhưng lại pha trộn quá nhiều dương tính khiến phần âm trở thành thứ yếu được gọi là âm thác.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Dương sai: Bản chất là dương nhưng dương tính yếu và bị phần âm lấn át được gọi là dương sai.

Dấu hiệu của âm thác dương sai

Đầu tròn thuộc dương, phía sau gáy thuộc âm. Đầu lớn, mặt nhỏ, phía trước lớn, phía sau nhỏ được gọi là dương sai.

Đầu vuông thuộc âm, mặt tròn thuộc dương. Nếu như 2 phần đó quá sai lệch thì được gọi là âm thác.

Phần lồi trên khuôn mặt thuộc dương, phần lõm thuộc âm. Xét ngũ nhạc, nếu Đông, Tây, Nam, Bắc nhạc nảy nở, cao ráo nhưng Trung nhạc lại trũng xuống thì gọi là dương sai. Trái lại, nếu 4 nhạc kia đều trũng xuống hoặc bị phá hãm, chỉ có Trung nhạc nổi cao một mình thì gọi là âm thác.

Chỉ có xương mà không có thịt, mắt lộ mà không có lông mày, người cao lớn, tiếng nhỏ gọi là dương sai.

Có quá nhiều thịt mà thiếu xương, lông mày rậm rạp lan xuống bờ mắt, chân tóc mọc thấp, nhiều râu ria và giọng nói lại khô khan, đều được xem là âm thác.

Mắt tuy lớn nhưng sắc mặt ảm đạm, thân hình tuy có vẻ nam tính mà bước đi lệch lạc, ẻo lả như con gái thì gọi là dương sai.

Thân hình nữ mà cử chỉ mạnh bạo, cứng cỏi như nam giới thì gọi là âm sai.

Các nhà nhân tướng học đã rút ra 2 nguyên tắc cơ bản về âm thác, dương sai như sau:

Nguyên tắc 1: Đàn ông được coi là thuần dương mà vẫn lẫn lộn cá tính phụ nữ (bất kể là đi đứng, ăn nói) khá rõ thì gọi là chính dương sai.

Nguyên tắc 2: Đàn bà được coi là thuần âm, nếu pha trộn nam tính quá lộ liễu thì gọi là chính âm thác.

Từ nguyên tắc căn bản trên các nhà nhân tướng học đã đi đến 4 hệ luận quan trọng như sau:

Hệ luận thứ 1: Bất kể nam, nữ đều lấy đầu, âm thanh, cốt cách tượng trưng cho dương chất. Vậy nên, không nhất thiết thân hình phải lớn hay nhỏ mà chú trọng vào cốt cách trầm ổn, vững chãi, tiếng nói trong trẻo, rõ ràng, có tiếng vang làm chính. Người nào được như vậy là cát tướng. Nếu tiếng nói khô khan, âm vận không có hoặc ngắn ngủi thì dù có thân hình lớn hay nhỏ cũng đều không đáng kể tới. Bởi đó là hung tướng, tượng trưng cho dương sai.

Hệ luận thứ 2: Bất kể là nam hay nữ đều lấy khuôn mặt tượng trưng cho dương. Cho nên ngũ nhạc nổi rõ nhưng phải không quá lộ liễu, thô bỉ; râu tóc và lông mày thích nghi tương xứng là dấu hiệu cát tướng. Nếu ngũ nhạc phá hãm, râu ria và lông mày quá đậm bị coi là hung tướng, tượng trưng cho âm thác.

Hệ luận thứ 3: Thân hình to lớn, khôi ngô mà khí phách nhỏ hẹp, xử sự thô lỗ, âm hiểm, tàn nhẫn, cố chấp, tiểu tiết, không quyền biến. Đây là biểu hiện cho việc dương không khống chế được âm, nên gọi là dương sai.

Hệ luận thứ 4: Người thì nhỏ xíu mà xử sự lại xô bồ, không có giới hạn, khí phách cuồng ngạo, chỉ biết đến tiền bạc mà không biết thoái lui khi cần thiết. Đây là dấu hiệu của âm không kiềm chế được dương nên gọi là âm thác.


(Theo Nhân duyên & tướng cách đàn bà)