(Lichngaytot.com) Không chỉ các quan niệm dân gian mà nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, thứ tự sinh có ảnh hưởng nhất định đến tính cách, chỉ số IQ, cách giao tiếp với mọi người, trong mối quan hệ xung quanh… Cùng Lịch Ngày Tốt xem bói thứ tự sinh để giải mã bí ẩn về vận mệnh cuộc đời.
1. Xem bói thứ tự sinh là gì?
Hiểu một cách đơn giản, thứ tự sinh là vị trí của trẻ trong gia đình so với những anh chị em còn lại. Việc là con thứ mấy trong gia đình sẽ tác động đến thái độ của cha mẹ và cách mà cha mẹ nuôi dạy trẻ.
Ở góc độ khoa học, vào cuối những năm 1920, bác sĩ – chuyên gia tâm thần học người Áo Alfred Adler lần đầu tiên giới thiệu “Thuyết thứ tự sinh”. Ông nhận định rằng thứ tự bạn được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tương tác với các thành viên trong gia đình và người xung quanh, từ đó hình thành tính cách của bạn.
2. Vì sao có sự khác biệt về vận mệnh theo thứ tự chào đời?
Sự khác biệt về vận mệnh của mỗi người được cho là có liên quan tới thứ tự chào đời của người đó với các anh chị em ruột. Lý do là bởi thực tế, thứ tự sinh và cách nuôi dạy con thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ví dụ, đối với con đầu lòng, do cha mẹ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi con nên thường được nuôi dạy theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, cha mẹ thường lo lắng, sợ hãi nên thường sẽ có cách giáo dục khá nghiêm ngặt và bắt trẻ phải tuân theo những điều mà mình yêu cầu.
Tuy nhiên, với con thứ hai hoặc ba, cha mẹ thường có xu hướng nuôi dạy thoải mái hơn do đã có kinh nghiệm từ việc nuôi con đầu. Quan trọng hơn, cha mẹ sẽ không quá quan tâm vào những điều nhỏ nhặt vì lúc này cha mẹ phải dành thời gian để chăm sóc nhiều đứa trẻ hơn.
Xem thêm:
Xem bói ngày sinh xui xẻo của 12 con giáp, trời sinh số vất vả
3. Thứ tự sinh ảnh hưởng ra sao đến vận mệnh con người?
3.1 Con đầu lòng
Theo các nhà khoa học, người con đầu lòng thường có xu hướng bảo thủ, có khả năng định hướng, có trách nhiệm và có đầu óc của một nhà lãnh đạo. Do là anh chị lớn nhất nhà nên trẻ thường phải chịu trách nhiệm với các em của mình, biết chăm sóc em, lo cho em thay cho cha mẹ. Do đó, trẻ sẽ chủ động trước mọi tình huống và thường có ý thức rất cao về trách nhiệm.
- Tính cách:
Con đầu lòng nhiều khả năng sẽ là nhóm A, tuýp người tự kỷ luật và thậm chí có IQ cao hơn các em cùng cha mẹ sinh ra. Lý do là bố mẹ thường có xu hướng nghiêm khắc với con trưởng hơn những đứa trẻ sinh sau.
Kết quả này có thể là phần thưởng nếu bạn mang giới tính nữ, bởi chính sự rèn giũa sẽ khiến bạn độc lập, mạnh mẽ hơn trong thế giới thực. Khảo sát cho thấy số lượng các chị cả có tham vọng nhiều hơn anh cả là 13%.
Việc được bố mẹ giáo dục nghiêm ngặt và để ý từng chi tiết nhỏ khiến con đầu hình thành tính cầu toàn và tận tâm khi làm việc. Trong mối quan hệ với những người em, họ đóng vai trò là khuôn mẫu và người dẫn dắt, từ đó hình thành động lực chinh phục thành công cũng như kỹ năng lãnh đạo.
Theo nghiên cứu, con đầu cũng là đối tượng dễ mắc phải các rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng… Ngoài ra, trẻ cũng dễ có cảm giác ghen tỵ và bất an khi cha mẹ không chú ý nhiều đến mình và quan tâm đến những đứa trẻ khác trong gia đình.
- Học vấn:
Là con trưởng nên người này “phải” rất chăm chỉ và luôn muốn làm hài lòng cha mẹ hay thầy cô. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi quá nhiều, trẻ sẽ cố gắng và cố gắng hơn nữa. “Chủ nghĩa hoàn hảo” là một trong những đặc điểm trong tính cách của con đầu lòng.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng xác suất những người con đầu lòng hoàn thành bằng cấp, chứng chỉ hay đạt trình độ học vấn cao hơn các em ruột của họ là 16%. Con trưởng có xu hướng thích tham gia nhiều lớp học, khóa đào tạo vì muốn tự chủ, đạt được mục tiêu và đầu tư cho sự thành công trong tương lai.
- Sự nghiệp:
Nếu là người con đầu lòng trong gia đình, bạn có tố chất của một nhà lãnh đạo. Bạn có trách nhiệm và có định hướng rõ ràng trong cuộc sống.
Với xu hướng theo đuổi bằng cấp cao, không gì ngạc nhiên khi những người con đầu lòng thường chuyển hướng sang những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ học vấn cao, từ y học cho tới kế toán.
Trên thực tế, họ cũng từng vươn đến đỉnh cao sự nghiệp trong kinh doanh: Số lượng CEO là con trưởng luôn chiếm số đông hơn các thứ tự sinh khác.
- Sức khoẻ:
Con đầu lòng có xu hướng được nâng niu chăm sóc kỹ lưỡng nhất so với những đứa trẻ còn lại, vì là lần đầu nên mọi thứ đều mới mẻ. Bố mẹ sẽ chăm bẵm bạn từng li từng tí và bảo vệ tuyệt đối khỏi các loại vi trùng, vi khuẩn hoặc nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Nhật Bản, điều này chưa chắc đã tốt. Con trưởng có xu hướng bị dị ứng nhiều hơn các em.
Lý do: Những người từng tiếp xúc nhiều với vi trùng và các chất gây dị ứng tiềm ẩn từ nhỏ có thể có khả năng đề kháng và chịu đựng cao hơn so với các anh chị được bảo vệ thái quá.
- Mối quan hệ, tình cảm:
Con đầu lòng có xu hướng lập gia đình ở độ tuổi sớm hơn số còn lại. Bởi họ được cha mẹ xem là người chăm chỉ, trách nhiệm nhất trong tất cả con cái, vì thế nhiều khả năng họ cũng sẽ khiến mình bị hôn nhân ràng buộc sớm nhằm tìm kiếm sự chấp thuận hoặc làm vui lòng đấng sinh thành. Người con đầu cũng thường kết hôn với những người có độ tuổi tương đồng.
Trong tình yêu, người này thường bị thu hút bởi mẫu người có thể đem lại cảm giác vững chãi, đáng tin cậy, một người mà họ có thể cùng chia sẻ mọi tâm tư và những giá trị chung trong cuộc sống.
Tuy nhiên, họ có xu hướng bảo thủ và có thể gặp khó khăn trong việc buông bỏ sự kiểm soát trong một mối quan hệ. Học cách mở lòng hơn với cảm xúc của mình và đặt niềm tin vào người ấy có thể giúp mối quan hệ của bạn vững chắc và cân bằng hơn.
3.2 Con thứ, con giữa
Những trẻ được sinh ra thứ hai thường rất hòa đồng và bình đẳng. Do trẻ không có nhiều trách nhiệm như anh/chị của mình và không cần nhiều sự chăm sóc như các em nên đôi khi trẻ trở thành người rất biết điều chỉnh.
- Tính cách:
Vì đứng ở vị trí giữa gia đình, những người con thứ thường có xu hướng dễ hài lòng, hòa đồng cởi mở và chơi giỏi các môn thể thao đồng đội. Rõ ràng, vì đã quá quen với việc anh chị cả hoặc đứa em út thể hiện tính khí hoặc được tập trung sự chú ý quá mức, họ ít gây ra các vấn đề do hành động bộc phát trong quá trình lớn lên.
Người này sẽ có kỹ năng giao tiếp rất tốt và có thể kết nối mọi người lại với nhau. Vì vậy, trẻ thường thích ở chung với bạn bè nhiều hơn là ở với cha mẹ vì cha mẹ chỉ thường chú ý đến con đầu hoặc con út. Ngoài ra, con giữa thường rất thân thiện, có thể làm việc nhóm rất tốt và luôn hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
Mặt khác, những đứa trẻ sinh ra sau anh/chị mình cũng rất dễ mất tự tin, ít tự trọng hơn các anh chị em vì đôi khi trẻ sẽ có cảm giác mình như người thừa, vô hình. Tuy nhiên, lý thuyết thứ tự sinh và sự phát triển tính cách thường khó áp dụng với con giữa bởi số lượng con giữa thường nhiều. Do đó, việc xác định đặc điểm tính cách thường rất khó.
- Học hành:
Người con giữa sẽ không làm quá mức trong chuyện học hành hay cố gắng khẳng định vị trí trong lớp học. Tuy nhiên, những người sinh thứ hai thường biểu hiện tốt trong các khoá học nhấn mạnh các mục tiêu về hiệu suất, nơi mà tính thi đua và cạnh tranh rất khốc liệt.
- Sự nghiệp:
Người con giữa đã quen với việc đối phó với các dạng tính khí khác nhau của anh chị em trong gia đình, có xu hướng thích các công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt hoặc phối hợp đồng đội. Từ hoạt động xã hội đến công việc bán hàng hay thể thao chuyên nghiệp, những người con giữa đều có thể phát triển rất tốt.
- Sức khoẻ:
Khi so sánh với người con cả, con giữa thường có chỉ số khối (BMI) thấp hơn và ít mắc bệnh tiểu đường loại 2. Còn nhược điểm, người sinh ở vị trí thứ hai dễ mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính, một căn bệnh phức tạp và có phần bí ẩn (các nhà khoa học cho rằng nó có thể đến từ một loại vi rút mà người lớn nhất và trẻ nhất có thể ngăn chặn được).
- Mối quan hệ, tình cảm:
Những người là con thứ trong gia đình thường sở hữu những kỹ năng xã hội tuyệt vời và khả năng thích nghi tốt. Nếu bạn là người con thứ, bạn có xu hướng tìm kiếm một chỗ dựa về mặt tinh thần, cảm xúc và sự thấu hiểu trong tình yêu. Bạn có thể gặp khó khăn trong việc xác định giá trị của bản thân mình trong một mối quan hệ, vì thế, đôi lúc bạn sẽ có cảm giác bản thân bị lu mờ hoặc bị đối phương lợi dụng.
Để xây dựng một mối quan hệ trọn vẹn và bền vững, bạn có thể học cách để chia sẻ một cách mạnh dạn, rõ ràng những nhu cầu, mong muốn và tình cảm của mình với đối phương.
3.3 Con út
Con út là đứa trẻ nhận được rất nhiều sự chăm sóc từ cả cha mẹ lẫn anh chị. Bên cạnh đó, cách nuôi dạy của cha mẹ với con út thường rất thoải mái và cho phép chúng khám phá nhiều hơn.
Vì vậy, con út thường là những đứa trẻ liều lĩnh và rất sáng tạo. Trẻ thường có năng khiếu về thể thao, âm nhạc hoặc nghệ thuật. Động lực chủ yếu của trẻ là phải làm tốt hơn để vượt qua anh chị của mình.
Tuy nhiên, con út lại có khuynh hướng vô trách nhiệm và phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, anh chị. Điều này có thể khiến trẻ dễ bỏ việc khi trưởng thành.
- Tính cách:
Khi bạn là thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình, tất cả những sự chú ý từ cha mẹ và anh chị sẽ định hình tâm trí bạn. Con út nhiều khả năng sẽ là người “nổi tiếng” nhất, hoà đồng dễ chịu nhất và cũng đồng cảm với bố mẹ nhất. Tuy nhiên có một ngoại lệ: nếu khoảng cách tuổi tác quá cách biệt với anh chị, họ sẽ có xu hướng giống người lớn nhất.
Con út thường mặc nhiên được cha mẹ và anh chị chăm sóc, lo lắng. Do đó họ nảy sinh tính phụ thuộc, nhưng lại ngấm ngầm nổi loạn, muốn phá vỡ các quy tắc.
- Học hành:
Người con nhỏ nhất có thể sẽ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn ở trường học. Nhưng họ có xu hướng nỗ lực chăm chỉ để vượt lên phía trước – bởi vì cha mẹ ít giám sát hơn.
- Sự nghiệp:
Từng được thỏa chí làm những việc theo ý mình cũng như nhận được nhiều sự chú ý, những người con út có thiên hướng chọn công việc thiên về nghệ thuật hoặc mang tính sáng tạo.
- Sức khoẻ:
Con út có thể ít bị dị ứng hoặc nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng thực sự họ lại có nguy cơ cao với các vấn đề sức khỏe liên quan đến chất gây nghiện, từ thuốc, thuốc lá cho tới bia rượu. Và xu hướng tính cách nhiều đam mê, quan tâm những thứ có tính chất gây nghiện cuối cùng cũng dễ khiến sức khỏe họ bị nguy hiểm.
- Mối quan hệ, tình cảm:
Các nhà nghiên cứu của Đại học Brigham Young nhận thấy, con út có xu hướng tìm kiếm các mối quan hệ an toàn về mặt cảm xúc nhất, nhờ vào việc học cách xử lý những va chạm hay xung đột. Họ từng được những người khác chăm sóc mọi thứ, nên sẽ cư xử trong các mối quan hệ trưởng thành theo cách tương tự.
Trái ngược với con đầu lòng (người thoải mái nói ra suy nghĩ để giải quyết vấn đề), con út có thể sẽ ngập ngừng hay do dự trước khi nêu ra quan điểm gì đó.
Những người là con út trong gia đình có xu hướng tìm kiếm người bạn đời có cùng niềm đam mê, chí hướng với bản thân. Thế nhưng, với tâm hồn tự do, bạn thường gặp những vấn đề liên quan đến sự cam kết, ổn định trong tình yêu. Vì thế, để duy trì mối quan hệ, bạn nên tập trung vào phát triển bản thân và học cách cam kết với người ấy.
3.4 Con một
Những đứa trẻ là con một thường rất tự tin vì trẻ nhận được tất cả tình yêu thương của cha mẹ. Đa phần trẻ chỉ thích ở một mình vì không có ai để trò chuyện và chơi chung.
- Tính cách:
Vì là con một nên trẻ không có ai để cạnh tranh, để noi theo. Là con một nên trẻ được cả nhà yêu thương, nâng niu, bao bọc quá mức. Do đó, tính ích kỉ, phụ thuộc và “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” là những tính cách thường thấy ở con một. Khi trưởng thành, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm nhóm hơn so với những trẻ có anh chị em.
Con một cũng như con trưởng có nhiều tham vọng và sống tuân thủ theo các quy tắc từ cha mẹ. Họ chú tâm và cẩn trọng trong mọi việc mình làm. Con một thiếu đi quá trình tương tác với các anh chị em đồng trang lứa, khiến họ gặp khó khăn trong các hoạt động xã hội cần sự đồng thuận và hợp tác.
- Mối quan hệ, tình cảm:
Nếu là con một, bạn độc lập, tự tin và ý thức rất rõ về bản thân mình. Trong tình yêu, bạn tìm kiếm một người có thể tôn trọng không gian cá nhân, tôn trọng ý muốn được thể hiện bản thân của bạn.
Bởi vì sở hữu tính cách độc lập, bạn có thể gặp khó khăn trong việc sẻ chia và thỏa hiệp với người ấy. Do vậy, nếu muốn xây dựng một mối quan hệ bền vững, bạn nên học cách thấu hiểu và đồng cảm với đối phương trong tình yêu.
Đừng bỏ lỡ:
Xem bói giờ sinh trẻ có mệnh tốt lại còn mang phú quý cho bố mẹ
4. Những trường hợp ngoại lệ
Dưới đây là một vài trường hợp ngoại lệ về sự ảnh hưởng của thứ tự sinh đến tính cách của mỗi người:
- Gia đình “hỗn hợp”:
Gia đình hỗn hợp là gia đình được hình thành từ cha mẹ đã ly hôn và tái hôn với người khác.
Lúc này, trẻ phải chia sẻ tình yêu của cha/mẹ với những đứa con của mẹ kế hoặc cha dượng. Trẻ có thể không còn là con cả bởi đã có một đứa trẻ lớn hơn thay thế vị trí đó hoặc trẻ không còn là người nhận được sự quan tâm nhiều nhất bởi có một đứa bé nhỏ hơn cần cha mẹ chú ý.
Tuy nhiên, nếu trẻ đã hơn 5 tuổi thì tính cách của trẻ sẽ không thay đổi ngay cả khi về ở trong một gia đình mới.
- Gia đình có các cặp sinh đôi hoặc sinh ba:
Đối với các cặp sinh đôi, dường như không có thứ tự sinh. Dù chào đời trước hay sau, trẻ vẫn được cha mẹ đối xử bình đẳng, công bằng.
Trong tình yêu, những cặp song sinh thường kết nối với người ấy của họ theo một cách rất độc đáo. Bạn tìm kiếm người bạn đời có thể thấu hiểu và trân trọng mối liên kết giữa bạn và người anh, chị em song sinh của mình.
Vấn đề lớn nhất mà các cặp song sinh gặp phải trong các mối quan hệ là khó xác định được bản sắc riêng và có xu hướng phụ thuộc vào người còn lại. Để xây dựng một mối quan hệ tình cảm lành mạnh, bạn nên phát triển những nét đặc trưng của mình, học cách tự chủ và tránh phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của đối phương.
- Khoảng cách tuổi giữa những đứa trẻ quá lớn:
Nếu trẻ và anh chị em cách nhau quá nhiều tuổi (ít nhất là 5 – 6 năm) thì các nguyên tắc bên trên sẽ không còn phù hợp. Một đứa trẻ 5 tuổi với một anh/chị 12 tuổi và một em 1 tuổi có khả năng tính cách của trẻ sẽ phát triển giống với tính cách của con đầu thay vì con giữa.
- Con nuôi:
Trường hợp con nuôi cũng giống với trường hợp trên. Nếu lúc nhận nuôi trẻ còn nhỏ trong khi gia đình đã có 2 đứa con lớn thì tất nhiên trẻ sẽ trở thành đứa con nhỏ nhất trong gia đình. Tuy nhiên, nếu trẻ trên 6 tuổi thì các đặc điểm tính cách vẫn sẽ giữ lại như lúc ban đầu.
Nếu một đứa trẻ được nhận nuôi trong giai đoạn vẫn là trẻ sơ sinh, chúng sẽ dễ dàng đảm nhận vị trí trong thứ tự sinh của gia đình đó mà không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nếu đứa trẻ được nhận nuôi muộn hơn, sau khi đã bắt đầu phát triển tâm lý, thì nó có thể xảy ra mâu thuẫn về nhận thức thứ tự sinh của mình.
Ví dụ, nếu đứa trẻ sinh ra là con đầu lòng, nhưng lại được nhận nuôi về làm thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình, thì nó thường sẽ không hình thành các đặc điểm tính cách có trên con út dù họ là người bé nhất trong gia đình mới này.
5. Những thắc mắc thường gặp về thứ tự sinh
- Thứ tự sinh có ảnh hưởng đến chỉ số IQ của một người không?
Đây là một vấn đề gây không ít tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thứ tự sinh và chỉ số IQ có mối liên hệ với nhau trong khi một số khác lại cho thấy rằng trí thông minh lại bị ảnh hưởng nhiều bởi di truyền, các yếu tố xã hội và sự hướng dẫn của cha mẹ.
Một nghiên cứu lớn được thực hiện tại Đức đã chỉ ra rằng những người có chỉ số IQ cao nhất là những đứa trẻ không có anh chị em và là con đầu lòng, còn chỉ số IQ của anh chị em thì tương tự nhau. Ngoài ra, họ không thấy mối tương quan giữa thứ tự sinh và sự sáng tạo, sự trưởng thành về cảm xúc hay tài năng.
- Bên cạnh thứ tự sinh, còn có những yếu tố nào ảnh hưởng đến tính cách của một người?
Không chỉ thứ tự sinh, có nhiều yếu tố có thể quyết định tính cách của một đứa trẻ, chẳng hạn như:
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cách của một người.
Ví dụ, nếu gia đình có một bé trai sinh đầu và một bé gái sinh thứ hai thì tất nhiên bé gái không cần phải quá cố gắng để thu hút sự chú ý của cha mẹ bởi chính giới tính đã đem đến cho cô bé sự khác biệt và có khuynh hướng có những tính cách của con đầu.
Hơn nữa, nếu các bậc cha mẹ thích con trai hơn con gái hoặc ngược lại thì lý thuyết thứ tự sinh cũng không ảnh hưởng nhiều.
Khoảng cách tuổi tác cũng đóng vai trò lớn trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Nếu anh chị em gần tuổi và có cùng giới tính thì sẽ có xu hướng cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Khoảng cách lý tưởng để tránh điều này là hai đứa trẻ nên cách nhau khoảng 5 tuổi để trẻ có thể tự tạo ra một không gian riêng.
Điều này thường không đúng với các cặp song sinh nhưng đa phần những đứa trẻ sinh đôi thường ít có sự cạnh tranh hơn những cặp anh chị em cách nhau vài năm.
“Bắt nạt” là tình trạng khá phổ biến ở nhiều gia đình đông con. Những đứa con đầu thường to lớn hơn nên có xu hướng bắt nạt những đứa trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, tình huống này có thể đảo ngược nếu những đứa trẻ nhỏ khỏe hơn anh chị của chúng.
Tất cả trẻ em đều đặc biệt nhưng nếu một đứa trẻ có tài năng thiên bẩm ở lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như thể thao, âm nhạc hoặc học tập, cha mẹ thường quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ này. Những đứa trẻ này sẽ nhận được tất cả tình yêu và sự chú ý mà chúng mong muốn nhưng điều này có thể khiến các anh chị em khác trở nên khó chịu và oán giận.
- Thứ tự ra đời có thực sự quan trọng?
Các kết quả nghiên cứu về thứ tự ra đời ảnh hưởng tới vận mệnh của một người có một số điểm không chính xác vì chưa đưa các yếu tố xã hội quan trọng như dân tộc, giáo dục, phúc lợi của cha mẹ và mối quan hệ trong một gia đình.
Thứ tự sinh có thể có một tác động nhất định đến tính cách và trí thông minh của một người, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và việc nuôi dạy trong gia đình là những tác nhân quan trọng để hình thành cá tính.
Mặc dù thứ tự sinh có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhưng điều quan trọng mà bạn cần nhớ là sự chăm sóc, yêu thương và bình đẳng giữa những đứa trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hình thành tính cách.
Suy cho cùng, tính cách con người có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như gen di truyền, môi trường sống hoặc trải nghiệm. Không nên dựa theo đó mà phân loại, đóng khuôn chính mình lẫn người khác. Bởi vì chính khoa học cũng chưa đưa ra khẳng định chắc nịch nào cả.