3. Đặc điểm khí hậu của tiết Xử Thử
- Đặc trưng thời tiết, khí hậu:
Bước vào Xử Thử, nhiệt độ đã có sự thay đổi rõ rệt, giảm dần theo từng ngày, nắng nóng không còn bức bách nữa.
Đây là tiết khí bắt đầu tiết âm của thiên địa trời đất, Mặt Trời dời về Nam nên nhiệt lượng yếu dần đi, trên nhân gian âm thịnh dương suy. Trong tiết khí này, không khí mát lạnh, khô ráo, có chút hanh, là lúc nắng nhẹ gió thanh.
Đó là lý do Xử Thử được coi là tiết khí đẹp nhất trong năm, rất thích hợp tổ chức lễ hội, du lịch.
Trong tiết khí này, khi cái nóng nực, oi bức hoàn toàn bị triệt tiêu thì nhiệt độ ôn hòa, khí trời mát dịu, độ ẩm không khí cao, thời tiết rất dễ chịu, lượng bốc hơi nước giảm, lượng mưa không cao, ít mưa, khối không khí lục địa hoạt động mạnh hơn nên buổi sáng sớm và đêm tiết trời se se lạnh.
Thời điểm diễn ra Xử Thử, nắng vàng như mật ong, không khí dễ chịu, bầu trời cao, xanh, lại thường thấy những bông hoa bồ công anh bay lơ lửng trong gió. Bốn bề rực rỡ một màu vàng như tranh vẽ, thật là một phong cảnh hữu tình, nên thơ, đẹp đẽ.
- Hoạt động sinh giới:
Trong Xử Thử, thời gian ngày và đêm không còn chênh lệch lớn mà tương đối cân bằng. Trước những thay đổi này thì nhiều loài sinh vật sẽ có những phản ứng thích nghi với môi trường
Thời điểm này cũng sẽ diễn ra quá trình chuyển biến để hạn chế sự thoát hơi nước diễn ra mạnh mẽ, vì nhiệt độ, ánh sáng giảm, cùng với độ ẩm, lượng mưa không cao nên quá trình quang hợp của cây bị ức chế mạnh mẽ.
Nhiều loài cây thay lá, chuyển từ sắc xanh sang sắc vàng, đỏ, bắt đầu rụng lá (những giai đoạn sau còn trơ lại những cành cây khẳng khiu), nhiều loài xương rồng lá biến đổi thành gai để hạn chế sự thoát hơi nước. Một số loài thực vật khác tích lũy chất dinh dưỡng ở dạng củ, thân, rễ.
Và cũng trong tiết khí Xử Thử thì các cây lương thực, ngũ cốc đều đã chín hết, có thể thu hoạch toàn bộ. Những loài cây khác có quả chín, hoặc phát tán bào từ, hạt giống ra khu vực xung quanh chờ mùa xuân sẽ tạo ra cây mới.
- Động vật tích trữ cho mùa đông:
Tại thời tiết của Xử Thử, có nhiều loài động vật tích cực tích mỡ, dự trữ thức ăn, chuẩn bị căn cứ trú đông, chống chịu với giá lạnh sương tuyết sắp tới. Các loài chim di cư có nhiều hoạt động bay về phương Nam tránh rét cho kịp thời.
Trong thế giới của các loài gia súc như trâu bò, các loài hươu nai ngoài tự nhiên bước vào một cuộc chiến ác liệt để giành giật bạn tình, thực hiện việc giao phối, sinh sản. Đây mới chính thức là mùa giao phối, sinh sản của những loài động vật này.
Giới côn trùng, sâu bọ dường như ngưng mọi hoạt động, chúng đẻ trứng ở những cành cây, kẽ lá, khe ngách khác nhau rồi kết thúc vòng đời. Lượng trứng côn trùng này chờ đến tiết Kinh trập sang năm sẽ nở và bắt đầu một cuộc sống mới.
3. Ý nghĩa của tiết khí Xử Thử trong phong thủy, ngũ hành
- Quẻ dịch:
Thời gian diễn ra Xử Thử chính là thời điểm tháng 7 âm lịch (tháng Thân) ứng với quẻ Bĩ trong kinh Dịch, cũng là tiết khí của mùa thu.
Mà mùa thu có Kim vượng, Kim tượng trưng cho nguồn lợi ích vô biên của tạo hóa; mùa Thu cũng là bắt đầu có Bát quái và Quẻ Càn.
Càn là Kim mà Kim tức là vàng bạc kim khí. Bởi cớ đấy đức hành Kim là Lợi, vì đó mà con người muốn kìm hãm vào lòng ích kỷ dục lợi cầu danh thì phải biến trong chữ Nghĩa.
Kim vượng thì khắc Mộc, cho nên Mộc bị suy đến mức Vô Khí (Tử), còn Kim sinh Thủy nên Thủy Tướng, Thổ sinh Kim nên Thổ Hư, còn Hỏa khắc Kim nên Hỏa Tù. Vì vậy quẻ “Chấn”, quẻ “Tốn” Mộc suy bại vào mùa thu.
- Tử vi:
Xử Thử thuộc giữa tháng 7 âm lịch. Tháng 7 âm lịch là tháng Thân thuộc tính dương,
hành Kim.
Là một tháng thuộc dương Kim lại có nhiệt độ xuống thấp, gió heo may thổi nên nhiều người có thể mắc các bệnh về hô hấp. Nên giữ ấm cơ thể, hạn chế đồ lạnh như kem, đá, nên dùng một chút đồ ăn cay nóng, tắm nước ấm để giữ gìn sức khỏe.
Đặc biệt, Xử Thử có âm khí lan tràn, được coi là thời kỳ đen tối, bế tắc, u buồn, trì trệ. Hơn nữa, trong quan niệm dân gian tháng này địa phủ mở cửa, xá tội cho các vong hồn nên âm khí rất thịnh.
Sự tích mưa Ngâu, một câu chuyện tình chia ly, buồn tủi, thấm đẫm nước mắt cũng vào thời điểm tháng này nên vì thế trong tháng này người ta không mấy khi tổ chức các việc cưới gả, động thổ khởi công (vì lo điều xấu sẽ xảy ra).
Tất nhiên việc kết hôn không chỉ phụ thuộc vào quan niệm dân gian, mà cốt lõi là tình cảm và trách nhiệm của hai bên. Nhưng người xưa quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, có nhiều những vấn đề đi sâu vào tiềm thức, nên sức mạnh về tinh thần của nó rất lớn.
4. Vận mệnh của người sinh trong tiết khí Xử Thử ra sao?
Tháng 7 âm lịch có tiết khí Xử Thử với đặc trưng khí Kim thịnh vượng nên những người sinh vào tháng này thường có dung mạo tú lệ, khôi vỹ, tuấn tú, khí phách trượng nghĩa, thông minh quyết đoán hơn người.
Với những người có mệnh lý khuyết Kim, nhờ nguồn khí Kim thịnh vượng trong Xử Thử nên sự tập trung của họ được đẩy lên cao độ, hành động quyết đoán dũng cảm, sức khỏe ổn định, tinh thần thoải mái, trí tuệ mẫn tiệp, đầu óc sáng tạo mở mang.
Nhờ vậy mà có thể giành được nhiều thành tích trong sự nghiệp và tài vận.
Đối với những người kỵ dạng năng lượng này cần hết sức đề phòng kẻo mắc bệnh về hô hấp, gan mật càng cao. Ngoài ra, mối quan hệ với người xung quanh không tốt, tinh thần bất ổn, công việc trì trệ, đình đốn.
5. Phong tục trong tiết Xử Thử
- Du lịch đón mùa thu:
Các phong tục dân gian trước và sau Xử thử hầu hết đều có liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên và đón mùa thu.
Trước và sau khi nắng nóng, sẽ có các nhiều các hoạt động dân gian diễn ra sôi nổi. Đặc biệt là sau cái nóng của mùa hè thì đây cũng là thời điểm thích hợp để mọi người tổ chức các chuyên du lịch để thưởng ngoạn cảnh sắc mùa thu nơi thôn quê.
- Thả đèn lồng sông:
Đèn lồng sông còn được gọi là “đèn lồng hoa sen”. Với phong tục này, người dân thường thả đèn lồng hoặc đèn cầy trôi trên sông nhằm thanh lọc những hồn ma chết đuối và những hồn ma hoang dã cô đơn khác trong nước.
- Lễ hội cầu ngư:
Đối với ngư dân miền biển thì tiết khí Xử Thử là thời điểm thu hoạch thủy sản sau nắng nóng, vì lúc này nhiệt độ nước biển còn cao, cá vẫn bám biển, tôm cua cá.
Vì vậy, kể từ thời điểm này, mọi người có thể thường xuyên thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon.
- Lễ Thất Tịch:
Đêm Thất Tịch là ngày 7 tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là “tiết con gái”, “tiết khất xảo” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, người hiện đại dùng tên gọi khác là “lễ tình nhân Trung Quốc”. Ngày này cũng là ngày gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ.
Ngày
lễ Thất Tịch tại Việt Nam còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” - cách gọi Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa người Việt Nam. Trong ngày này, trời thường mưa rả rích trong suốt một ngày, gọi là mưa ngâu. Tương truyền đó cũng chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi được gặp nhau.
Điều đặc biệt với ngày lễ Thất Tịch tại Việt Nam đó là vào thời vua vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), theo những ghi chép lịch sử để lại, lúc này nhà vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, nên đã vào một ngôi chùa để cầu tự vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch và nhờ đó sinh ra Thái tử Càn Đức.
Vì vậy, vào ngày này hàng năm, một lễ hội đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt. Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.
- Lễ Vu lan:
Thời gian diễn ra Xử Thử còn có ngày rằm tháng 7, cũng là
lễ Vu lan. Đây là dịp để báo hiếu với mẹ cha, tìm về với nguồn cội, tưởng nhớ về những người đã khuất.
Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng để báo ơn cha mẹ 7 kiếp. Tại các chùa Việt Nam, vào ngày lễ Vu lan thường có nghi thức “Bông hồng cài áo”, là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Lễ này còn trùng với ngày “Xá tội vong nhân” của phong tục Á Đông. Theo Đạo giáo, ngày này gọi là “Quan Âm phủ xá tội”, bởi vào sinh nhật tức Rằm tháng 7, quan Âm phủ phải từ bi xá tội.
Theo phong tục dân gian, mọi người thỉnh cầu quan Âm phủ xá tội cho vong nhân trong ngày này, sau này lại trở thành phổ độ cho các vong linh cô hồn dã quỷ.
Tại Việt Nam, việc
cúng Rằm tháng 7 bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt trời đã lặn.
6. Lưu ý quan trọng trong Xử Thử
- Chú ý giữ ấm cơ thể:
Thời tiết giao mùa nên nhiệt độ có thể xuống thấp đột ngột. Vì vậy mọi người nên giữ ấm cơ thể, hạn chế ăn uống đồ lạnh, trong bữa ăn nên dùng một chút đồ cay nóng, tắm nước ấm để tăng cường sức khỏe.
- Cẩn thận nắng cuối thu:
Vào Xử Thử, tại các vùng ôn đới thời tiết đã là cuối thu, không khí dễ chịu, nhưng tại các khu vực đới áp cao cận nhiệt đới hay nhiệt đới thì vẫn đang có nắng gắt chiếu xuống, thời tiết nắng nóng thậm chí không kém ngày Hè.
Câu “nắng cuối Thu, độc vô cùng” chính là miêu tả khí trời như vậy.
“Tranh thu đoạt nóng”, chính là hiện tượng nóng và mát giằng co trong Xử Thử và Lập Thu. Bản ghi chép phong thổ “Thanh gia lục” của Cố Thiết Khanh vào đời nhà Thanh viết “xử thử thập bát bồn”, dân gian nói vào trước và sau tiết Xử Thử còn nóng 18 ngày, phải tắm gội, giội nước cho mát.
- Không nên đi xa khi thấy xuất hiện hồng vân
Xử Thử là thời kỳ gió xoáy hoạt động mạnh trên Thái Bình Dương, dễ phát triển thành bão, vì thế không thể xem thường đề phòng bão, trong lịch sử từng có nhiều trận bão mạnh xuất hiện vào mùa Thu.
Trong tiết khí này, nếu quan sát bầu trời lúc Mặt trời mọc thấy hồng vân (những dải mây màu vàng hồng, chói hồng hay đỏ thẫm ở chân trần) thì đó chính là “bão vân”, báo hiệu bão sắp đến, phải chuẩn bị biện pháp đề phòng.
- Chú ý thu hoạch vụ Thu đúng mùa
Đến Xử Thử, lúa thóc khắp nơi chín vàng, khởi đầu vụ thu hoạch. Vào thời gian này, đêm dài ngày ngắn, cảnh tượng thiên nhiên trở nên xơ xác tiêu điều, vạn vật rõ ràng bắt đầu điêu tàn, cho nên người làm nông cần chú ý thu hoạch đúng vụ mùa, không bỏ lỡ lương thực quý giá.
7. Cách dưỡng sinh trong tiết Xử Thử
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt:
Vào mùa thu, âm khí tăng lên và dương khí giảm đi, khí dương tương ứng với cơ thể con người cũng được hấp thụ để tích trữ dương khí trong cơ thể. Tuy nhiên, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều người sẽ cảm thấy lười biếng, mệt mỏi, không muốn thức dậy vào buổi sáng và không thích vận động trong ngày.
Để đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, hãy thay đổi thói quen đi ngủ muộn vào mùa hè, cố gắng đi ngủ trước 10 giờ vào buổi tối, tăng thêm 1 giờ ngủ so với mùa hè và đảm bảo đi ngủ và dậy sớm.
Ngoài ra, một giấc ngủ trưa hợp lý cũng có lợi cho việc giải quyết những mệt mỏi thường gặp vào mùa thu.
- Tăng cường thức ăn bổ âm dưỡng ẩm:
Trong thời kỳ đầu thu này, khí hậu khô dần, các kinh mạch phổi trong cơ thể hoạt động. Vì vậy, nên ăn nhiều thức ăn bổ âm dưỡng ẩm để tránh tổn thương do khô hanh.
Giữ chế độ ăn nhẹ, tránh hoặc ăn ít thức ăn nướng có nhiều gia vị như ớt, gừng, hạt tiêu, hành, quế, rượu, v.v …; ăn ít thịt nhiều dầu mỡ.
Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin, chẳng hạn như cà chua, ớt, cà tím, khoai tây, lê, vv; ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm, chẳng hạn như táo, tảo bẹ và rau tươi.
Tăng lượng protein chất lượng cao với lượng thích hợp, chẳng hạn như trứng, thịt nạc, cá, các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm từ đậu tương.
- Uống nhiều nước để dưỡng ẩm:
Ngoài việc ăn nhiều thức ăn mịn thì việc bổ sung nước cũng là điều không thể thiếu. Nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sáng để đánh thức toàn bộ hệ tiêu hóa, khi ruột bắt đầu chuyển động, bạn sẽ muốn đi vệ sinh, tất nhiên là bạn sẽ không bị táo bón.
Nhưng không nên uống nước lạnh, vì tỳ vị và dạ dày ấm, lạnh uống nhiều nước dưới nhiệt độ phòng có hại cho sức khỏe.
8. Thực phẩm ngừa bệnh tật trong Xử Thử
Mùa Thu hanh khô vạn vật héo vàng, mọi người dễ dàng cảm thấy miệng khô lưỡi khô, phương pháp bảo vệ sức khỏe phổ biến trong mùa Thu là xem trọng dưỡng âm.
Lúc vào Thu, đạo dưỡng sinh của người xưa chú ý tư âm nhuận táo, nhuận phổi, dưỡng vị, ích thận, dưỡng can. Dưỡng âm nhuận táo là nguyên tắc dưỡng sinh vào Thu, đây cũng là nhắc nhở tương ứng với 24 tiết cho con người.
Dùng thực phẩm đúng mùa có thể hạn chế, điều hòa biến đổi môi trường để bảo vệ sức khoẻ, đây cũng là khâu quan trọng trong văn hóa thực liệu Trung Hoa.
- Lạc (đậu phộng):
Thành phần dinh dưỡng trong lạc chứa rất nhiều vitamin bổ dưỡng, protein, chất béo bão hòa, canxi, chất xơ, đường, calo…
Theo “Bản thảo cương mục” ghi chép, lạc có tác dụng nhuận phổi tiêu đàm, tẩm bổ khí, nhuận tràng ruột, nhuận khô.
Từ đó có thể thấy lạc có tác dụng trị liệu rất tốt với các chứng tính khí nóng nảy, ho khan thở hổn hển, thiếu máu, táo bón, tràng ruột khô...
- Hạt sen:
Theo Đông y, hạt sen vị ngọt chát, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, thận. Tác dụng dưỡng tâm, ích thận, bổ tỳ, sáp tràng, an thai, lợi thủy. Dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh cửu tả, thận hư, di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, mất ngủ, thần kinh suy nhược.
Trong Xử Thử, có thể nấu cháo thêm hạt sen, hầm nhừ rồi ăn sẽ có tác dụng làm mát cơ thể.
Hoặc có thể dùng đường phèn, hạt sen, nấm tuyết hoặc tổ yến ngao thành canh hạt sen, có tác dụng làm đẹp da, an thần.
- Nước muối và nước mật ong
Thời tiết mùa thu khô nóng sẽ tác động xấu đến cơ thể con người, đặc biệt là phổi.
Theo y học cổ đại, trong Xử Thử, ban ngày có thể uống một cốc nước muối, ban đêm uống chút nước mật ong sẽ rất tốt cho cơ thể, giảm táo bón, tăng cường sức đề kháng.
Phương pháp này trong y học hiện đại chính là việc bác sĩ khuyên bổ sung nước muối sinh lý cho cơ thể người bệnh.
- Ăn thịt vịt
Mùa thu Xử Thử, món ăn thông tục trong dân gian là “vịt Xử Thử” và “lê Xử Thử”, chúng cũng món ăn đúng mùa.
Do đặc tính của thịt vịt có vị ngọt và theo y học cổ truyền Trung Hoa, món ăn này có tính “hàn” nên rất hợp để ăn vịt vào mùa này. Thịt vịt dưỡng âm, nên vịt Xử Thử là món ăn tốt nhất vào mùa này, mà đây cũng là thời điểm thịt vịt có mùi hôi nhẹ nhất.
Thành phần của quả lê chứa nhiều nước có thể giúp nhuận táo sinh tân, phòng hanh khô trong mùa thu, còn có tác dụng trị ho, tiêu đàm, thanh nhiệt, giải độc.
Lam Lam