Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tiết Đại Tuyết sương giăng, đông giá – Làm thế nào để đón may cải vận?

Thứ Hai, 05/12/2016 16:17 (GMT+07)
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Tiết Đại Tuyết là một trong 24 tiết khí tính toán thời gian bốn mùa trong năm, được quy ước bắt đầu từ ngày 7-8/12 đến 21-22/12 dương lịch. Vậy cụ thể tiết khí này có nghĩa là gì và có đặc điểm như thế nào, mời bạn theo dõi trong nội dung dưới đây.


1. Tiết Đại Tuyết là gì?

 
Tiet Dai Tuyet la gi
 
 
Đại Tuyết là tiết khí thứ 21 trong 24 tiết khí trong năm, nằm sau tiết Tiểu Tuyết và cũng là tiết khí thứ 3 của mùa đông. Lúc này, thời tiết bắt đầu trở nên lạnh hơn, là mùa cao điểm của tà gió, rét hại.
 
Đây là một trong 7 tiết khí biểu thị cho sự liên quan đến mưa, nước gồm Vũ Thủy, Cốc Vũ, Bạch Lộ, Hàn Lộ, Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết.
 
Theo chiết tự, “Đại” nghĩa là to lớn, dồi dào, thịnh vượng; “Tuyết” là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ xuống quá thấp những hạt nước sẽ đóng băng và rơi xuống phủ trắng vạn vật, cỏ cây.
 
Hiểu một cách tổng quan thì Đại Tuyết chính là chỉ thời tiết có mưa tuyết lớn, diễn ra thường xuyên và mật độ tuyết bao phủ dày đặc. 
 
Trong thời gian diễn ra tiết khí Đại Tuyết, nhiệt độ thấp có thể rơi xuống dưới 0 độ C, không khí lạnh tăng cường, ở khu vực mà không khí lạnh và không khí ấm tăng cường sẽ có tuyết lớn.
 
Vạn vật trong vũ trụ luôn vận hành theo quy luật bĩ cực – thái lai, cùng thông tắc biến. Khi âm khí phát triển cực thịnh thì dương khí bắt đầu được sinh ra và có xu hướng lớn mạnh không ngừng.
 
Sau tiết Tiểu tuyết, trời đất vẫn còn phủ lên mình lớp sương lạnh giá vô cùng, thậm chí có những thời điểm còn buốt hơn. Nhưng đằng sau những trận lạnh thấu da buốt xương đó có những khởi sắc và triển vọng. Đó là nguồn năng lượng dương khí của Đại Tuyết.
 

1.2 Thời gian diễn ra tiết Đại Tuyết

 
Theo quy ước, tiết khí Đại Tuyết được bắt đầu từ ngày 7-8/12, kết thúc vào ngày 21-22/12 dương lịch. Tại ngày đầu tiên của tiết khí này, vị trí Mặt trời ở xích kinh 255 độ (kinh độ Mặt Trời bằng 255°).
 
Lúc này bán cầu Nam sẽ nhận được bức xạ cao về nhiệt cũng như ánh sáng vì thế kéo dài thời gian chiếu sáng. Còn nửa bán cầu Bắc sẽ nhận được ít hơn nên kéo theo thời gian chiếu sáng ngắn hơn. Tuyết sẽ xuất hiện dày đặc và thường xuyên ở các khu vực vĩ độ cao. 
 
Thời điểm này sẽ có nhiều dòng sông bị đóng băng, nhiệt độ xuống rất thấp gây cảm giác lạnh buốt đặc biệt vào đêm và sáng sớm. 
 

2. Tiết Đại Tuyết có đặc điểm, ý nghĩa gì trong năm? 

 

- Đặc điểm thời tiết, khí hậu:

 
Tại ngày đầu tiên của Đại Tuyết, do chuyển động biểu kiến của Mặt Trời khi di chuyển xuống vùng cực Nam nên nửa cầu Bắc nhận được ít nhiệt độ và ánh sáng, thời gian chiếu sáng cũng ngắn, ban ngày ngắn – ban đêm dài.
 
Mặt khác do hoạt động mạnh mẽ của khối không khí lục địa nên nửa cầu Bắc nhiệt độ xuống rất thấp, thời gian nhiệt độ xuống dưới 0 độ diễn ra đều đặn, thường xuyên.
 
Tuyết rơi ở nhiều khu vực vĩ độ cao, hiện tượng này diễn ra thường xuyên và lượng tuyết bao phủ ngày một thêm dày, nhiều dòng sông bị đóng băng, buổi sáng sớm thức dậy hay đêm khuya thời tiết rét buốt khó chịu vô cùng.
 
Tiết khí Đại Tuyết giữa mùa Đông, buổi sáng nhiệt độ thấp, có cả hiện tượng sương giáng do mưa tuyết qua đi gần mặt đất độ ấm rất lớn, còn có khả năng xuất hiện sương lớn liên miên. Nhất là vùng núi cao, hạt sương to, đọng nhiều, hơi nước trực tiếp ngưng tụ hoặc lạnh quá mà trực tiếp đọng lại, tạo thành băng sương.
 
Nguyên nhân của việc hơi nước bốc hơi thành sương hoặc băng là để giúp cho môi trường trở nên cân bằng hơn. Bởi nếu không thì độ ẩm của hơi nước trong không khí sẽ rất cao.
 

- Hoạt động sinh giới:

 
Khi tiết khí này tới thì cũng là lúc mà các loài thực vật gần như ngưng mọi hoạt động, chúng chỉ trao đổi chất ở mức độ thấp nhất, lượng oxy sản sinh ra từ quá trình quang hợp không còn dồi dào như trước.
 
Ngưng mọi hoạt động ở mức độ thấp nhất, chúng sử dụng nguồn nước và chất dinh dưỡng đã tích lũy trong thời gian trước đó, đợi chờ sang mùa xuân mới có thể đâm chồi, nảy lộc. Sự sống của các loài dường như chuyển sang trạng thái tiềm ẩn.
 
Các loài rau ôn đới, có khả năng chịu khí hậu lạnh giá tốt nhưng gặp tuyết rơi, sương muối, băng giá chúng có thể ngừng phát triển, táp lá, vàng lá và chết. Thời tiết tuyết rơi ảnh hưởng lớn tới mùa màng, gây hại cho các loài cây trồng, hoa màu, cây ăn quả…
 
Trong khi đó, nhiều loài động vật trú đông trốn tránh trong các hang sâu, kẽ đá, hoạt động của chúng hạn chế tối đa, chỉ hô hấp ngoài ra chúng tiết kiệm năng lượng dự trữ để sống qua mùa đông. Nhiều loài cá nuôi trong các ao hồ có thể chế vì giá lạnh, trâu bò, gia súc, gia cầm đứng trước nguy cơ bệnh dịch chết hàng loạt, gây thiệt hại nghiêm trọng rất cao.
Dac diem Tiet Dai Tuyet
 

3. Đại Tuyết có ý nghĩa gì về mặt phong thủy, tử vi?  

 

- Quẻ dịch:

 
Tiết khí Đại Tuyết đánh dấu thời điểm bước sang tháng 11 âm lịch tức tháng Tý, ứng với kinh Dịch tháng này là quẻ Phục, trong quẻ có một hào dương ở dưới cùng miêu tả trạng thái âm khí cực thịnh sẽ sinh dương khí, dương khí mới sinh ra có sức phát triển mạnh mẽ và hứa hẹn đến những thời điểm tốt đẹp hơn về sau.
 
Nghĩa của quẻ Phục nghĩa là quay trở lại, khi dương khí, ánh sáng, hơi ấm, niềm vui may mắn quay trở lại tạo nên niềm tin tưởng, phấn khởi cho con người.
 
Ngồi ngắm tuyết rơi, sưởi trong lò than mà suy nghĩ đại cục, vui vẻ lạc quan tin tưởng thì phải là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mới có thể làm được điều ấy. Như Hồ Chủ tịch có câu thơ:
 
"Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân."
 

- Tử vi:

 
Như đã nói ở trên, thời điểm diễn ra Đại Tuyết là tháng Tý Thủy, là tiết khí của mùa Đông – mùa Thủy vượng.
 
Mùa đông thuộc hành Thủy, Kim sinh Thủy mà Thủy là nước; nước tạo vật là nước thiêng liêng, còn nước trong lòng người là dòng nước ý thức; ngọn nước thiêng liêng, dòng nước ý thức, lý trí, nên đức của nước là Trinh.
 
Vậy con người cần phải liêm khiết trong sạch. Mỗi một năm thì con người thêm một tuổi, đầy đủ kinh nghiệm biết rộng, hiểu xa, nhờ đó mà đức của nước là Trí, nên kêu là đức Trí.
 
Thủy vượng thì khắc hỏa, hỏa bị thủy khắc cho nên hỏa bị suy đến mức Vô Khí (Tử), còn Thủy sinh Mộc nên Mộc Tướng, Kim sinh Thủy nên Kim Hư, còn Thổ khắc Thủy nên Thủy Tù. Vì vậy quẻ “Ly” Hỏa suy bại vào mùa đông.
 
Bên cạnh đó, những người mệnh lý cát lợi khi gặp hành Thủy khi bước sang tiết khí này thì sức khỏe ổn định, tâm lý vui vẻ, trí tuệ linh hoạt, sáng tạo và họ thường đạt được nhiều thành công, may mắn trong sự nghiệp, tài vận hanh thông, hứa hẹn nhiều triển vọng trong những ngày Đại Tuyết.
 
Ngược lại, đối với những người mệnh lý kỵ Thủy (hành Hỏa, hành Thổ) khi bước sang tiết khí Đại Tuyết thường dễ rơi vào tình trạng tâm lý u buồn, ủy mị, yếu đuối, sức khỏe suy yếu, trí tuệ bị phân tán, việc công danh sự nghiệp thường gặp nhiều trở ngại, khó khăn, may mắn của họ giảm xuống.


4. Nên làm gì trong ngày Đại Tuyết để gặp nhiều may mắn? 

 

- Chú ý giữ ấm cơ thể:

 
Sau thời điểm tiết khí Đại Tuyết, đất trời ngày càng lạnh, những cơn gió vi vu ngày các tăng cường, các tỉnh miền Bắc thường xuyên đối mặt với những đợt rét đậm, rét hại. Chính vì kiểu thời tiết này sẽ gây ra nhiều căn bệnh liên quan tới hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh.
 
Do đó mọi người cần chú ý có những phương pháp ủ ấm cho cơ thể, đặc biệt trên các bộ phận như đầu, ngực và chân. 
 

- Tránh mặc quần áo dày khi đi ngủ:

 
Một số người già vào mùa đông thường giữ thói quen mặc nhiều quần áo dày khi đi ngủ để giữ ấm, nhưng thực tế điều này lại không tốt cho sức khỏe.
 
Khi ngủ, hệ thống thần kinh sẽ hoạt động chậm lại vì thế lúc này nếu mặc đồ ngủ có độ mỏng vừa phải sẽ giúp cơ thể dễ dàng vào tình trạng nghỉ ngơi hơn. 
 
Thêm vào đó, nếu mặc quần áo dày đi ngủ sẽ ảnh hưởng tới việc hô hấp của da, sự ma sát và gò bó của quần áo với cơ bắp còn ảnh hưởng tuần hoàn máu, dẫn đến nhiệt lượng mặt ngoài cơ thể giảm xuống, ngăn cản quá trình tiết mồ hôi bốc hơi, cho dù đắp chăn dày cũng cảm thấy lạnh.
 
Ngoài ra, vào Đại Tuyết, người già nên hạn chế tối đa việc ra ngoài trời khi xuất hiện tuyết rơi và mưa buốt.
 

- Bổ sung thêm protein và vitamin:

 
Một số loại thực phẩm nên nạp cho cơ thể vào tiết khí này đó là các món giàu protein, vitamin hay thức ăn dễ tiêu hóa.
 
Bạn cũng có thể ăn thêm các loại cam để phòng tránh các bệnh liên quan tới hô hấp như tiêu đờm, chống viêm mũi.
 

- Chú ý ủ ấm và bảo vệ động, thực vật:

 
Thời tiết khắc nghiệt của Đại Tuyết thường xuyên xuất hiện tuyết rơi và sương giá vì vậy ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe con người cũng như cây trồng vật nuôi, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng, trì trệ.
 
Chính vì vậy người nông dân cần phải có biện pháp ủ ấm và bảo vệ động, thực vật trong thời gian này. 
 
Theo Âm Dương Ngũ Hành tương sinh, vào tiết khí Đại Tuyết tuy âm khí hưng thịnh, nhưng dương khí trong trời đất cũng đang âm thầm sinh ra.
 
Khi tuyết tan thì lúc này độ ẩm của đất sẽ tăng lên tạo điều kiện phát triển cho thực vật. Ngoài ra, hàm lượng Nitride trong tuyết sẽ giúp đất đai trở nên màu mỡ hơn. Do vậy, người nông dân cũng không cần quá lo lắng bởi nếu mùa Đông quá khắc nghiệt và lạnh giá thì mùa Xuân năm kế tiếp sẽ được mùa do đất đai nhận được nhiều dưỡng chất và độ ẩm cần thiết.

5. Những điều kiêng kỵ trong tiết Đại Tuyết

 
Cảnh tuyết bay đầy trời sẽ khiến tâm tình mọi người thấy phấn khích và thích thú, nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm với sức khỏe. Vì vậy mọi người nên nhớ “10 phòng” trong tiết khí Đại Tuyết bao gồm:
 
- Phòng té ngã:
 
Vào ngày tuyết rơi hoặc mưa gió, cần đặc biệt cẩn thận trơn trượt, té ngã, đặc biệt là với người già. Kiến nghị những người có bệnh lý bị loãng xương tốt nhất không ra ngoài trong ngày tuyết rơi hay đổ mưa.
 
- Phòng trúng gió:
 
Đối với người có vấn đề về sự co giãn mạch máu, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì huyết áp sẽ không ổn định, dễ bị trúng gió.
 
Rét lạnh có thể làm thần kinh giao cảm trở nên hưng phấn, cơ thể tăng tiết các catecholamines (một nhóm các hoóc-môn tương tự nhau được sản xuất bởi tủy thượng thận, phần bên trong của tuyến thượng thận) trong máu, khiến mạch máu toàn thân co lại.
 
Đồng thời, khi nhiệt độ khá thấp, cơ thể giảm tiết mồ hôi, dung lượng máu tăng khá nhiều, những điều này đều có thể làm huyết áp tăng cao, nhanh chóng gây xuất huyết não.
 
 Vì vậy, những người mắc chứng cao huyết áp, bệnh động mạch vành, tiểu đường, xơ cứng động mạch… đầu tiên phải điều trị ngay lập tức khi bắt đầu phát bệnh, tiếp theo chú ý các triệu chứng báo trước trúng gió, như đột nhiên chóng mặt, đau đầu dữ dội, nhìn không rõ, tay chân tê cứng…
 
- Phòng bệnh tim mạch:
 
Người có bệnh lý về tim mạch cần hết sức thận trọng, chú ý sức khỏe trong tiết khí này, kể cả đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…
 
Thời kỳ rét đậm và khoảng thời gian cuối Đông đầu Xuân, hai kỳ cao điểm phát bệnh nhồi máu cơ tim. Ngoài nguyên nhân nhiệt độ thấp kích thích thần kinh giao cảm cơ thể khiến mạch máu co lại, thì rét lạnh cũng là lý do khởi phát bệnh.
 
Rét lạnh có thể gia tăng hàm lượng Fibrinogen (một yếu tố đông máu (yếu tố I), một protein rất cần thiết cho sự hình thành cục máu đông) trong máu, khiến máu sệt hơn, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
 
Ngoài ra, người mắc bệnh động mạch vành đặc biệt mẫn cảm với lạnh, vì động mạch vành gặp lạnh sẽ co lại, thậm chí có thể khiến mạch máu tắc nghẽn, làm cơ tim thiếu máu, thiếu dưỡng khí, dẫn phát đau thắt ngực, nặng hơn có thể làm cơ tim tắc nghẽn.
 
Vì vậy, người già phải chú trọng phòng lạnh giữ ấm, dựa vào sự thay đổi của thời tiết mà tăng thêm quần áo, chăn đệm để ngừa lạnh giá xâm nhập.
 
- Phòng loét đường tiêu hóa:
 
Vào thời điểm diễn ra tiết khí này, rét lạnh kích thích hệ thần kinh của con người hưng phấn hơn, dưới sự phản xạ của thần kinh phó giao cảm, chức năng điều tiết của đường tiêu hóa trở nên hỗn loạn, a-xít dạ dày được tiết ra nhiều hơn dẫn đến thúc đẩy kích thích niêm mạc hoặc làm viêm loét dạ dày, gây thiếu máu, thiếu dưỡng khí, do đó tái phát bệnh đau bao tử.
 
Vì vậy, phải chú ý giữ ấm dạ dày và ẩm thực điều dưỡng, thức ăn hằng ngày nên ấm, mềm, nhạt, dễ tiêu hóa, nên nấu nhìn món nhưng phân lượng ít, ăn đúng giờ đúng lượng, kiêng ăn đồ sống nguội, cai thuốc kiêng rượu…
 
- Phòng bệnh đường hô hấp:
 
Các bệnh về đường hô hấp cũng có thể trở lạnh trong thời tiết giá lạnh của Đại Tuyết, kể cả cảm mạo, ho khan, viêm phổi…
 
- Phòng ngộ độc khói than:
 
Nhiều nơi, nhất là những người dân sinh sống ở khúc vực miền núi cao vào mùa tiết trời lạnh sâu có thể nghĩ đến việc dùng than để sưởi ấm, nhưng đây là việc làm hết sức nguy hiểm tính mạng. Bởi sử dụng than để xông hơi hay sưởi ấm đều có nguy cơ ngộ độc khí CO.
 
- Phòng cơ thể hư thoát:
 
Thời gian dài tắm rửa bằng nước nóng rất dễ xuất hiện triệu chứng hư thoát mà té xỉu. Nếu rơi vào tình trạng này, nên để người bệnh nằm ngửa, cho uống nước muối ấm.
 
- Phòng bệnh do tập thể dục buổi sáng:
 
Trong thời tiết rét lạnh, một số người vẫn kiên trì tập luyện thể dục vào sáng sớm với suy nghĩ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, nhưng thực tế vì cơ thể chưa thích ứng hoàn cảnh ngoài trời nên khi rèn luyện rất dễ khiến tim đập mạnh và loạn nhịp, tức ngực buồn hoặc tuột huyết áp.
 
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là không nên tập thể dục, mọi người có thể căn cứ vào thể chất bản thân để chọn thời gian và địa điểm rèn luyện.
 
- Phòng bị phỏng:
 
Vì người già và trẻ nhỏ có cảm giác nóng không tinh nhạy nên khi dùng túi nước nóng để sưởi ấm rất dễ bị phỏng.
 
- Phòng cách chống lạnh không đúng:
 
Những cách chống lạnh không khoa học gồm có cửa sổ đóng chặt, không lọt gió, chui vào chăn che đầu ngủ… đều tác động xấu đến sức khỏe con người.

6. Văn khấn tiết Đại Tuyết


Sau đây là bài cúng văn khấn tiết khí Đại Tuyết, các bạn cùng tham khảo.
 
“Nam Mô A Di Đà Phật 
Nam Mô A Di Đà Phật 
Nam Mô A Di Đà Phật
 
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương 
Con kính lạy Phật trời 
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần 
Con Kính lạy ngài Kim Niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần 
Con kính lạy Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương 
Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc Đức tôn Thần 
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân 
Con kính lạy các vị Thần Thổ Công, Thổ Địa, Long Mạch Tài Thần cùng các Tôn Thần cai quản khu vực này 
Con kính lạy các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại trong đất nhà này
 
Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ... dương lịch, là tiết Đại Tuyết năm ... tức ngày ... tháng ... năm ... âm lịch.
 
Tín chủ Con là......
 
Hiện đang ngụ tại:......
 
Con thành tâm sửa biện hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng mã và các thứ cúng dâng bày lên trước án. Con thành tâm Kính mời (Lặp lại các vị thần)... về thụ hưởng hương hoa lễ vật, chứng giám lòng thành, phù hộ độ trì cho... được bình an, sở cầu tất ứng, sở nguyện thành tâm.
 
Con thành tâm kính mời các vị tiền chủ hậu chủ ngụ tại trong đất nhà này về thụ hưởng hương hoa lễ vật...
 
Kính mong các vị Tôn Thần cùng các vị Tiền chủ, Hậu chủ phù hộ độ trì cho gia đình mọi người bình an, công việc luôn hanh thông thuận lợi, mọi tật ách tai qua nạn khỏi.
 
Lễ bạc tâm thành cúi xin chứng giám, khẩn cáo.
 
Nam Mô A Di Đà Phật 
Nam Mô A Di Đà Phật 
Nam Mô A Di Đà Phật.”

7. Nguyên tắc dưỡng sinh trong tiết khí Đại Tuyết

 
 
Dưỡng sinh trong tiết Đại Tuyết vô cùng được chú trọng bởi mùa đông chính là mùa bồi bổ, thu vào dương khí, năng lượng. Mùa này nếu biết cách chăm lo thì có thể nâng cao khả năng miễn dịch, xúc tiến trao đổi chất, đẩy lùi hàn khí.
 
Hơn nữa, dưỡng sinh trong tiết khí này còn giúp điều tiết vật chất thay thế trong cơ thể, giúp chuyển hóa vật chất thành năng lượng tới mức độ lớn nhất trữ trong cơ thể, dương khí thăng phát, phát huy và xây dựng thể trạng, vô cùng cần thiết.
 

- Sinh hoạt

 
Trong cuộc sống, cần chú ý các khớp, phần eo, gáy và dưới chân, bụng, đan điền, giữ ấm phòng lạnh.
 
Tham gia nhiều các hoạt động bên ngoài, thường xuyên vận động để thư giãn gân cốt và làm nóng cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết. Không nên thức khuya, duy trì giấc ngủ đầy đủ trước 11 giờ tối.
 

- Thực dưỡng

 

+ Ăn khoai lang:

 
Cháo khoai lang là món ăn dưỡng sinh vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả trong tiết khí Đại Tuyết giá lạnh.
 
Khoai lang có tinh bột, lại có chất ức chế tế bào ung thư, cùng với các anbumin kết hợp nâng cao sức đề kháng. Thu đông ăn khoai lang có thể phòng táo bón, tránh khô háo nhưng chú ý, không nên ăn nhiều.
 

+ Muối thịt:

 
Một trong những phong tục quen thuộc trong tiết khí Đại Tuyết mà ngày nay vẫn được các đồng bào vùng cao lưu giữ là muối thịt.
 
Có câu “Tiểu Tuyết muối dưa, Đại Tuyết muối thịt”, khí lạnh đến là lập tức phải chuẩn bị đồ ăn dự trữ. Bất kể là gia cầm hay hải sản đều có thể dùng phương pháp chế biến truyền thống, thêm nguyên liệu để muối măn, phơi khô, thành món ăn chống lạnh.
 
Ngoài ra, cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm nhiều đường, mỡ, anbumin và vitamin để bổ sung năng lượng tiêu hao do giữ ấm.
 

+ Ăn vừng đen:

 
Vừng đen chính là lựa chọn hàng đầu để bồi bổ cho thận. Thêm một chút muối vào vừng đen có thể giúp tác dụng bổ huyết của vừng đen đi vào kinh mạch thận nhanh hơn. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, chỉ nên ăn riêng biệt vừng đen, không cần kết hợp với thực phẩm nào khác.
 
Cách làm muối vừng đen rất đơn giản: Xào vừng, rang khô, nghiền nhỏ bằng máy xay, trộn thêm một ít muối, xóc đều. Muối vừng đen rắc lên cơm hoặc bánh mì vừa ngon lại vừa bổ thận. Hạt mè đen có tác dụng chữa bệnh rất tốt đối với những người bị hoa mắt, ù tai, điếc tai, tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều…
 

+ Óc chó:

 
Óc chó có tính ấm, vị ngọt, không chỉ chữa hen suyễn mà còn bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực. Ngoài ra, óc chó còn có tác dụng làm mát đường ruột, lợi tiểu, vì vậy hãy bổ sung óc chó nhiều hơn cho cơ thể.
 

+ Củ mài:

 
Củ mài tính bình, vị ngọt, có công dụng bổ tỳ ích vị, bổ thận tráng dương, chữa tiểu đêm, xuất tinh sớm, tăng cường trí nhớ,…Có thể kết hợp sử dụng với nhân sâm, hạt sen để đạt hiệu quả tốt hơn.
 

+ Khiếm thực:

 
Khiếm thực có tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ thận tráng dương, bổ tỳ vị, chữa xuất tinh sớm. Theo y học Trung Quốc, hạt khiếm thực thường được nấu thành canh (súp) với các thành phần khác có tăng cường khả năng cương dương của đàn ông và làm chậm quá trình lão hóa
 

+ Nhộng:

 
Nhộng rất giàu chất đạm, chất béo và vitamin. Nhộng không chỉ là món ăn ngon được mọi người ưa thích mà nó còn có tác dụng bổ thận tráng dương, tốt cho tỳ vị. Ăn nhộng đúng cách, có thể trị di tinh, xuất tinh sớm,…
 

+ Bồi bổ thực phẩm theo vùng địa lý:

 
Vì mỗi vùng có hoàn cảnh địa lý khác nhau nên cách bồi bổ cũng khác nhau. Mùa Đông ở vùng Tây Bắc rét lạnh hơn, do đó nên bồi bổ bằng thực phẩm ôn nhiệt.
 
Trong khi đó, miền Nam ấm áp hơn nên việc bồi bổ lấy bình hòa làm chủ.
 
Còn với vùng Tây Nguyên, thời điểm này là đầu mùa khô, lượng mưa ít, vì vậy ăn rau quả cam nhuận sinh tân là thích hợp nhất.
 

+ Ăn nhiều hoa quả bổ sung vitamin:

 
Thực bổ mùa Đông nên ăn các món giàu protein, vitamin và thức ăn dễ tiêu hóa.
 
Vào trước và sau Đại Tuyết, nhiều loại cam vào mùa thu hoạch, như cam Vinh, cam canh, cam sành, nếu ăn một lượng hợp lý có thể giúp chống viêm mũi, tiêu đờm khỏi ho. Quả quýt và tinh dầu dùng bạc hà cũng có công dụng tương tự.
 
Ngoài ra, bạn có thể thường xuyên ăn canh gừng – táo để kháng hàn. Vào những ngày lạnh, lẩu cũng là lựa chọn không tệ.
 

- Ủ ấm cơ thể

 
Khi thời tiết ngày càng rét lạnh, việc đầu tiên mọi người cần làm là mặc quần áo ấm, vì có nhiều người mắc bệnh do không chú ý giữ ấm, để hàn khí xâm nhập. Đông y cho rằng trên cơ thể thì đầu, ngực và chân là ba bộ phận dễ bị hàn tà xâm nhập nhất.
 
Theo Đông y, đầu được xem là “chư dương chi hội”, tức là nơi dương khí hội tụ, nếu đầu bị nhiễm lạnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, choáng váng.
 
Tục ngữ nói “hàn từ dưới chân lên”, chân cách tim xa nhất nên máu cung cấp chậm mà ít, lớp mỡ dưới da cũng mỏng nên khả năng giữ ấm kém, một khi gặp lạnh sẽ có phản xạ làm mao mạch niêm mạc đường hô hấp co lại, khiến khả năng kháng bệnh hạ thấp, làm viêm đường hô hấp trên. Vì vậy, vào mùa Đông giá lạnh cần phải chú ý giữ ấm chân.
 
Với người cổ họng không tốt, xương cổ yếu thì phải thường xuyên mang áo cao cổ, quàng khăn. Ngực, lưng và chân không được để hở, nên ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ và xoa bóp toàn thân để khí huyết lưu thông.
 
Sau khi đến Đại Tuyết, thời tiết càng ngày càng lạnh, gió lạnh vi vu, các tỉnh miền Bắc bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiệt độ giảm mạnh trên diện rộng, khiến số người bị cảm cúm, cảm lạnh tăng cao.
 

- Bổ dương, dưỡng âm

 
Người xưa có câu: “Thu Đông dưỡng âm”. Theo dưỡng sinh Đông y, Đại Tuyết là tiết bồi bổ rất tốt.
 
Vào thời điểm này trong năm nên nên ôn bổ trợ dương, bổ thận tráng cốt, dưỡng âm ích tinh. Ôn bổ là làm ấm và bồi bổ, để chữa những bệnh suy nhược do hư hàn.
 
Việc bồi bổ mùa Đông có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy sự trao đổi chất, cải thiện tình trạng sợ lạnh. Ngoài ra, còn có thể điều tiết quá trình chuyển hóa vật chất trong cơ thể, giúp chuyển hóa vật chất thành năng lượng tới mức độ lớn nhất trữ trong cơ thể, nhờ đó sinh ra dương khí.
 

8. Lưu ý khi điều dưỡng cơ thể trong Đại Tuyết

 
Khi nhắc đến bồi bổ, rất nhiều người chỉ lý giải theo nghĩa hẹp, cho rằng “bổ” chính là ăn những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, uống thuốc bổ. Kỳ thực, đây chỉ là một phần của bồi bổ, mà bồi bổ lại là một phần trong dưỡng sinh học.
 
“Dưỡng” ở đây chính là bảo dưỡng, điều dưỡng, bồi dưỡng, bổ dưỡng, hộ dưỡng, còn “sinh” chính là là sinh mệnh, sinh tồn, sinh trưởng.
 
Nói cụ thể vào Đại Tuyết, chính là thông qua dưỡng tinh thần, phối hợp ẩm thực, rèn luyện cơ thể, cẩn trọng chuyện phòng the, ấm lạnh vừa phải để điều dưỡng, nhằm mục đích cường thân ích thọ.
 
Người mắc chứng dương hư khi ôn bổ dương khí đồng thời cũng nên chú trọng dưỡng âm, bổ sung âm tinh cho cơ thể. Âm tinh tràn đầy cũng có lợi cho dương khí sinh trưởng.
 
Trong quá trình điều dưỡng cơ thể trong tiết khí Đại Tuyết nên chú ý 2 điều sau:
 
- Nên dưỡng vừa phải: 
 
Vừa phải chính là thích đáng, tức là không thể quá mức mà cũng phải kịp thời.
 
Nếu thận trọng quá mức thì sẽ khiến việc điều dưỡng bị giới hạn, không biết phải làm sao. Lao động một chút thì sợ khí tổn thần, cảm sốt nhẹ liền đóng cửa không ra ngoài, ăn uống béo ngọt nặng mùi thì sợ ngấy mà ăn uống theo mùa thì sợ ít món ăn, những người rơi vào trạng thái này là vì dưỡng quá mức mà bị ràng buộc.
 
- Chớ dưỡng quá thiên lệch:
 
Có người xem “bổ” là “dưỡng” nên chú trọng dinh dưỡng của đồ ăn thức uống, món ăn cần phải bổ, cuộc sống thường ngày yêu cầu an nhàn, nghỉ ngơi, ngoài ra còn uống thêm thuốc bổ.
 
Tuy nói thực bổ, thuốc bổ, tĩnh dưỡng đều thuộc phạm trù dưỡng sinh, nhưng dùng quá mức ngược lại sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ví dụ như một số người thực bổ quá mức dẫn đến thừa chất, nghỉ ngơi quá nhiều mà không lao động thì sẽ xuất hiện tình trạng mất cân bằng, còn uống quá nhiều thuốc bổ thì lại xảy ra tình trạng âm dương bên thịnh bên suy, làm mất cân bằng sự trao đổi chất trong cơ thể.
 
Do đó, khi điều dưỡng nên áp dụng phương pháp kết hợp động và tĩnh, làm việc và nghỉ ngơi, bồi bổ và bài tiết, dưỡng cả cơ thể lẫn tinh thần.
 
Nói chung tiết Đại Tuyết với thời tiết lạnh giá cực điểm hầu hết gây khó khăn cho mọi hoạt động của tất cả các loài sinh vật cho tới cuộc sống, kinh tế của con người. Tuy nhiên, trong cơn bĩ cực vẫn có nhiều sự khởi sắc, hi vọng về một triển vọng tươi sáng về sau.

9. Dự đoán vận mệnh người sinh vào tiết khí Đại Tuyết

 
Du doan van menh sinh vao Tiet Dai Tuyet
 

- Vận mệnh chung:

 
Xem tử vi người sinh vào tiết Đại Tuyết, có tháng sinh bắt đầu từ tháng Hợi đến tháng Tý âm lịch. Tức là người sinh ra trong khoảng thời gian này đều mệnh hỉ Hỏa.
 
Đặc điểm của người sinh vào mùa đông là ngũ hành Thủy vượng mà thiếu Hỏa. Người hỉ mệnh cần có Hỏa chống đỡ, Mộc phụ trợ, kiêng nhất là gặp Thổ và Thủy. Năm may mắn là năm Tị, Ngọ - những năm thuộc ngũ hành Hỏa.
 
Tháng may mắn trong năm bắt đầu từ Lập Hạ đến trước Tiểu Thử, tức là rơi vào tháng Tị và tháng Ngọ. Ngày may mắn cũng tương tự như vậy, là ngày Tị và ngày Ngọ. Giờ may mắn là giờ Tý buổi sáng, giờ Ngọ buổi trưa.
 

- Tính cách:

 
Người sinh vào tiết khí Đại Tuyết có quý nhân là người có ngũ hành Hỏa vượng. Người này có đặc trưng tính cách là hấp tấp vội vã, làm việc không có suy tính, yêu thích những điều bất ngờ.
 
Bề ngoài họ có vẻ đầu voi đuôi chuột nhưng thực sự thì là giấu tài, thông minh nhưng vờ ngu ngơ, nhìn tưởng qua loa nhưng lại rất tinh tế, để tâm. Vì thế mà dù là tình cảm hay xã giao người này cũng thu hoạch rất tốt.
 
Người mệnh hỉ Hỏa nên kết hợp với người mệnh hỉ Mộc bởi họ có thể giúp đỡ, tương trợ lẫn nhay dũng cảm đối diện với khó khăn. Người mệnh hỉ Mộc còn nhắc nhở người sinh vào Đại Tuyết suy nghĩ chín chắn, nghiêm khắc hơn. Đây chính là trường hợp bạn bè thân thiết anh em keo sơn.
 
Tuy nhiên, người mệnh hỉ Hỏa có nhược điểm trí mạng là quá thẳng thắn nên dễ đắc tội với người khác, vô tình gây thù chuốc oán, bị người khác núp trong bóng tối đâm sau lưng.  
 

- Nhân duyên, tình cảm:

 
Về phương diện tình cảm, người sinh vào Đại Tuyết không thiếu người theo đuổi nhưng lại thường bị người kia mê hoặc, che mờ mắt. Do đó cần thận trọng tuyển chọn, không yêu bừa thì mới có được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn.


- Sức khỏe:

 
Người sinh vào tiết khí Đại Tuyết cần lưu ý bệnh tim, bảo dưỡng thân thể thật tốt để tránh có những chuyển biến xấu hoặc mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng.
 
Trên đây là khái niệm, thời gian, ý nghĩa cũng như tác động của tiết khí Đại Tuyết tới cuộc sống con người, mong rằng có thể cung cấp được tới bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin cảm ơn vì đã theo dõi.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X