Thứ Sáu, 04/05/2018 13:46 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lập Thu là tiết khí mở đầu một mùa đẹp nhất trong năm. Vậy tiết Lập Thu 2018 là ngày nào, có những điều gì không nên làm trong khoảng thời gian này?
1. Lập Thu là gì?
Tiết Lập Thu là 1 trong 24 tiết khí trong lịch của Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Tiết Lập Thu thường bắt đầu vào ngày 7 hoặc 8 tháng 8 dương lịch. Khi đó, mặt trời đang ở xích kinh 135°, tức kinh độ mặt trời bằng 135°. Đến khoảng 23, 24/8 là thời điểm kết thúc tiết Lập Thu, chuyển sang
tiết Xử Thử.
Lập Thu là tiết khí giao mùa đẹp mê mẩn, nhưng chính xác thì tiết Lập Thu là gì? Lập Thu có nghĩa là “bắt đầu mùa thu”, ngày bắt đầu tiết Lập Thu được tính theo dương lịch chứ không phải âm lịch như nhiều người lầm tưởng.
Tuy bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc cổ đại nhưng tiết Lập Thu được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kì chuyển động trên quỹ đạo xoay quanh Mặt Trời. Trên thực tế, tiết khí trong Lịch Trung Quốc được tính như vậy. Từ thời Hán Vũ Đế, người ta đã áp dụng cách tính này, theo đó lịch cổ đại là một loại âm dương lịch, được vận dụng linh hoạt kiến thức thiên văn về mối quan hệ giữa Mặt trăng – Mặt trời – Trái Đất.
2. Lập Thu 2018 là ngày nào?
Bạn có biết:
24 tiết khí trong năm có những tên gọi gì, thời gian tương ứng, đặc điểm, ý nghĩa ra sao?
Ngày bắt đầu và kết thúc của tiết Lập Thu có sự dao động mỗi năm, nhưng nói chung nó sẽ bắt đầu từ ngày 7 – 8/8 và kết thúc vào 22-23/8 dương lịch, khi tiết Xử Thử bắt đầu.
Vậy Lập Thu 2018 là ngày nào? Theo
lịch vạn niên, năm 2018, tiết Lập Thu bắt đầu từ ngày 8/8 dương lịch. Tiết Xử Thử bắt đầu vào ngày 23/8 dương nên ngày 22/8 dương lịch là lúc mà tiết Lập Thu kết thúc.
Trong tiết Lập Thu, thời tiết có sự thay đổi, tuy nhiên không phải là trời đã chuyển sang mùa thu. Các mùa được phân tách với nhau căn cứ vào nhiệt độ bình quân, có nghĩa là 5 ngày liên tiếp nhiệt độ bình quân ở một khu vực xuống dưới 22℃ thì được tính là tiết trời mùa thu thực sự.
Thời xưa, trong số 24 tiết khí đánh dấu thời gian trong năm, tiết Lập Thu được nông dân vô cùng coi trọng. Theo quan niệm của người xưa, ngày Lập Thu mà nghe tiếng sấm thì mùa đông mùa màng thất thu, còn trời trong xanh thì sắp tới mưa thuận gió hòa, nhà nông không phải lo nắng hạn mưa rào, có thể ngồi chờ lúa gạo đầy kho.
Trong văn hóa cổ đại, mỗi khi đến tiết Lập Thu, vua chúa cùng bá quan văn võ sẽ đích thân ra ngoại ô lập đàn Nghênh Thu. Đó cũng là thời điểm mà quân lính bắt đầu luyện tập kĩ năng chiến đấu, chuẩn bị cho mùa chiến trận. Vì thế nên ngày Lập Thu vô cùng quan trọng, được người dân chú ý.
3. Những điều kiêng kỵ nên nhớ vào tiết Lập Thu
Không bệnh chớ uống thuốc bổ bừa bãi
Người khỏe mạnh, không bệnh tật gì thì chớ nên dùng thuốc bổ bừa bãi. Lạm dụng thuốc bổ vừa tốn tiền mà còn hại thân. Bạn có biết uống dầu cá quá liều lượng sẽ bị trúng độc không?
Còn uống đường nho suốt một thời gian dài có thể khiến cho cơ thể phát phì, cholesterol trong máu tăng cao, dễ gây ra các bệnh về máu, tim mạch… Nạp vào cơ thể quá nhiều vitamin C thì gây buồn nôn, ói mửa hay đi ngoài…
Kị ăn quá nhiều thịt
Thịt động vật là thực phẩm tốt cho sức khỏe bởi vừa thơm ngon lại vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, các loại thịt không dễ để cơ thể tiêu hóa và hấp thụ, nếu ăn quá nhiều thịt trong thời gian dài sẽ khiến cho các chức năng của dạ dày bị suy yếu. Thêm nữa, ăn nhiều thịt cũng có thể gây “tác dụng phụ”, ví dụ như tăng mỡ máu, đường máu…
Ăn thanh đạm không phải không có chất, nhất là rau xanh còn chứa nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Các nhà dinh dưỡng học đã nghiên cứu và chứng minh rằng rau xanh và trái cây tươi có chức hàm lượng chất vi lượng và vitamin rất cao, là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho cơ thể. Vì thế, đừng nghĩ ăn nhiều thịt là tốt mà phải cân đối thực phẩm nạp vào cơ thể, chăm chỉ ăn cả rau xanh và trái cây theo mùa nữa nhé.
Kị uống thuốc thay cơm
Thuốc bổ có tốt thế nào cũng không thể nào bằng thức ăn, chỉ chăm chăm uống thuốc mà coi thường việc ăn uống là việc làm cực kì thiếu khoa học. Có thể bạn không biết nhưng có rất nhiều loại thực phẩm cũng có chức năng chức bệnh, có thể coi là dược liệu. Ví dụ như ăn củ cải có thể hỗ trợ tiêu hóa, giúp trừ đàm giảm ho, hô hấp dễ dàng. Các loại hạt như hạnh nhân, lạc, đậu cũng có chứa nguồn dinh dưỡng vô cùng lớn. Hãy là người tiêu dùng thông thái!
Không nên chỉ chú trọng “nạp vào” mà quên “thải ra”
Chất lượng cuộc sống càng ngày càng được nâng cao, bữa cơm gia đình không còn đạm bạc như xưa mà nhiều nhà ngày nào cũng thịt cá ê hề. Tuy nhiên, những thực phẩm nhiều đạm, nhiều dầu mỡ lại chứa nhiều độc tố sinh ra trong quá trình trao đổi chất, cần phải thải ra ngoài kịp thời, song nhịp sống bận rộn khiến con người ta đại tiểu tiện thiếu quy luật, thậm chí nhiều người mắc phải chứng táo bón nữa.
Các nhà dinh dưỡng học những năm gần đây đã đưa ra quan điểm, đó là cần chú trọng việc cơ thể “thải ra” các chất phế thải để giảm bớt lượng độc tố được hấp thu và tích tụ trong cơ thể, tiến hành song song việc “nạp vào” và “thải ra” mới là quyết định đúng đắn.
Kị uống một loại thuốc bổ suốt thời gian dài
Có những người vì hợp khẩu vị hay thấy tác dụng tốt mà chỉ sử dụng một loại thuốc bổ, thực phẩm bổ dưỡng trong thời gian dài, không thay đổi sang loại khác mà không hề biết rằng điều đó không hề tốt cho cơ thể.
Các loại thuốc bổ hay thực phẩm bổ dưỡng tuy có tác dụng chữa bệnh hay bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể nhưng cũng có những tác dụng phụ nhất định, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng của cơ thể.
Nhất là với người già, các cơ quan nội tạng có chức năng suy yếu dần, cần phải điều chỉnh lại theo hệ thống toàn diện, thay đổi cách bổ sung dưỡng chất theo mùa, cần phải sử dụng thuốc bổ hay thực phẩm bổ dưỡng theo nhu cầu. Bạn cũng nên tham khảo thêm
Món ăn dưỡng sinh trong 24 tiết khí nữa.
Không phải càng đắt, càng quý thì càng bổ
Những thực phẩm bổ dưỡng có giá trị cao, được coi là đồ quý như tổ yến, vi cá… thực ra không hề có tác dụng chữa bệnh thần kì như người ta đồn đại. Còn những thứ rẻ tiền mà ta ăn hàng ngày như khoai lang hay hành tây lại có tác dụng chữa bệnh vô cùng tốt.
Thế mới biết, tác dụng chữa bệnh không nằm ở việc nó đắt hay quý. Mỗi một thực phẩm bổ dưỡng lại có đối tượng riêng, nên căn cứ theo nhu cầu để bổ sung cho cơ thể. “Thiếu gì thì bổ sung cái đó”, đừng nghĩ rằng thứ đó quý giá nên ăn vào mới tốt, cũng chớ coi thường những thực phẩm có giá rẻ mà không hề biết rằng giá trị dinh dưỡng của nó cũng tốt không hề kém cạnh.