Làm quen kì môn độn giáp - lý luận tử vi tính đâu trúng đó

Thứ Năm, 06/02/2020 10:14 (GMT+07)

(Lichngaytot.com) Kỳ môn độn giáp là lý luận thuật số cổ đại có thể vận dụng để xem tử vi trên phương diện hôn nhân, sự nghiệp, tài vận. Bộ môn này còn khá mới mẻ đối với nhiều người Việt, Lichngaytot.com xin giới thiệu sơ qua để bạn đọc cùng tìm hiểu.

 
 


1. Kỳ môn độn giáp là gì?

 
Kỳ môn độn giáp là 1 trong 3 hình thức tiên đoán thời cổ đại của Trung Quốc, bao gồm “Kỳ môn”, “Thái ất” và “Lục nhâm”. 
 
Trong tam thức, nếu như Thái Ất thiên về Thiên, nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái Đất thì Độn Giáp, lại thiên về Địa, nghiên cứu ảnh hưởng của địa lý, phong thủy đối với con người.
 
Kỳ Môn Độn Giáp được ứng dụng trong việc lựa chọn thời gian, hướng bày binh, xuất quân, cầu tài, cầu danh, yết kiến quý nhân, xuất hành, khai trương, động thổ, xây cất, tìm người cưới gả …
 
Thời xưa, bộ môn này được ứng dụng vào quân sự là chủ yếu, nhưng đến ngày nay, người ta có thể ứng dụng trong các hoạt động mang tính cạnh tranh, thi đua, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh. 
 
Nói một cách đơn giản, “Kỳ Môn Độn Giáp là môn khoa học cho ta biết được thời điểm nào, phương vị nào sẽ có lợi cho ta và phương vị nào sẽ bất lợi cho ta, rồi ta có thể dựa vào đó cải thiện vận mệnh của ta cho từng thời điểm”.
 
Kỳ Môn Độn Giáp phân ra làm hai nhánh lớn, bao gồm: 
  • Kỳ môn số lý: Thuật dự đoán kỳ môn tiên tiến, phân làm bốn loại niên gia, nguyệt gia, nhật gia và thời gia, dựa trên cách sắp xếp cũng có thể phân thành cách xoay cung và cách phi cung. 
  • Kỳ môn pháp thuật: Phần lớn thuộc về Đạo giáo, lưu truyền trong dân gian, pha trộn với đạo thuật, vẽ bùa làm phép, cho đến nay vẫn có người kế thừa, tác dụng đa số là trừ tai họa giải nạn cho con người.
 

2. Nguồn gốc của Kỳ môn độn giáp

 
Nhiều cuốn sách cổ cho rằng Kỳ môn độn giáp bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ Hoàng đế, truyền rằng khi Hoàng Đế đang chiến đấu với Tàm Long ở huyện Trác Lộc (tỉnh Hà Bắc), cháu gái của Cửu Thiên đã đưa cho Hoàng đế một phụ lục và một câu thần chú. Khi Hoàng đế mang đi thờ cúng thì một con rồng thần đã nổi lên trên mặt nước sông Lạc Hà, một con chim phượng hoàng miệng ngậm một cuốn sách trời bay trên không trung bỗng thả sách xuống dưới. Hoàng đế đã hạ lệnh cho các quần thần dựa vào cuốn sách trời và sơ đồ bản vẽ để viết thành Kỳ môn độn giáp.
 
Hiển nhiên, cách nói này không đáng tin cậy, có thể là do người đời sau truyền tai nhau để thể hiện một sự việc đã xảy ra từ rất lâu đời. Nhưng ta có thể khá chắc chắn, nguồn gốc của Kỳ Môn Độn Giáp chính là từ việc bày binh bố trận trong chiến tranh cổ đại.
 
Xem xét từ thời điểm mà Âm dương ngũ hành, Thiên can, Địa chi, Hà đồ, Lạc thư và Cửu cung Bát quái phát triển hoàn chỉnh mà nói, rất có thể Kỳ môn độn giáp được phát minh ra từ thời Xuân thu Chiến quốc. Vào thời đại này, chiến tranh xảy ra liên miên, Kỳ môn độn giáp ra đời nhằm phục vụ nhu cầu điều binh khiển tướng.
 

3. Một số khái niệm trong Kỳ môn độn giáp

 

3.1 Âm Dương Bàn

 
Âm Dương Bàn của Kỳ môn độn giáp gồm có 4 đường tròn đồng tâm, nhỏ dần theo chiều từ dưới lên trên. Mỗi tầng lại gồm 8 phần được gọi là 8 cung. 
 
Tuy nhiên, thực chất Kỳ môn gồm có 9 cung, trong đó cung Khảm số 1, cung Khôn số 2, cung Chấn số 3, cung Tốn số 4, Trung cung số 5, Cung Càn số 6, cung Đoài số 7, cung Cấn số 8, cung Ly số 9, song do 4 tầng xếp chồng lên nhau nên Trung cung của 3 tầng phía dưới không nhìn thấy, vì thế không có cung ở giữ. Cách giải quyết của vấn đề này là gửi Trung cung số 5 và cung Khôn số 2.
 
4 tầng trên dưới của Âm Dương Bàn bao gồm:
  • Địa bàn: Là tầng lớn nhất, cố định không thể di chuyển được. Ví trị của 8 cung cũng giống như bát quái. Địa bàn là cơ sở chuẩn xác và dùng để tham khảo khi sắp xếp Âm Dương Bàn.
  • Môn bàn: Là tầng lớn thứ 2. Môn bàn có thể chuyển động và biến đổi khá phức tạp.
  • Thiên bàn: Là tầng lớn thứ 3. Trên đó ghi rõ 9 cung và Lục nghi Tam kì.
  • Thần bàn: Là tầng nhỏ nhất. 8 cung trên Thần bàn dùng để ghi tên Bát thần, với thứ tự cố định.
 

3.2 Thập can (Tam kỳ Lục nghi)

 
Thực ra, Thập can chỉ gồm có 9 can, trong đó 3 Thiên can Ất, Bính, Đinh được gọi là Tam kỳ, 6 Thiên can Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý được gọi là Lục nghi. Còn can Giáp được ẩn đi nên gọi là Độn Giáp.
 
Tam kỳ tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và tinh tú.
  • Nhật kỳ: Là ngày, là mặt trời sáng sủa - Ất kỳ.
  • Nguyệt kỳ: Là tháng, là mặt trăng đỏ sáng- Bính kỳ.
  • Tinh kỳ: Là giờ, là sao, là vi cấp của 60 giờ trong một nghi gồm 5 ngày, chi phối bởi 28 vì sao (hay còn gọi là Thập Nhị bát tú) - là Đinh kỳ.
Bởi mỗi nghi gồm 5 ngày nên Lục nghi nghĩa là 30 ngày.

Việc dùng Kỳ môn độn giáp để phán đoán sự lành hay dữ chủ yếu là dựa vào Lục nghi, Tam kỳ và mối quan hệ giữa các cung và 9 can, cách phối hợp của 9 sao trên Thiên Địa Bàn.
 

3.3 Bát môn

 
Bát môn dùng để điền vào Môn bàn, bao gồm: 
  • Khai môn, Tu môn, Sinh môn: Được coi là 3 môn may mắn.
  • Thương môn, Đỗ môn, Cảnh môn, Tử môn, Kinh môn được coi là 5 môn xấu.
 
Trong 8 môn này, mỗi môn lại mang 1 ý nghĩa khác nhau, có thể sơ lược như sau:
  • Khai môn: Mọi việc được thông suốt, không có trở ngại, đi xa thuận lợi, gặp giàu sang phú quý, làm mọi việc đều gặp may mắn.
  • Tu môn: Tất cả mọi việc đều hoàn chỉnh, dễ dàng sum họp, kinh doanh, kết hôn, gặp giàu sang phú quý.
  • Sinh môn: Dễ dàng xây dựng, kết hôn gặp nhiều may mắn, xin việc thuận lợi, cũng được giàu sang phú quý.
  • Thương môn: Môn xấu nhất, khi xuất hành dễ mắc bệnh, gặp tai nạn, thương vong, thị phi. Nhưng nếu đòi nợ thì thành công, dễ dàng bắt được tội phạm.
  • Đỗ môn: Mang ý nghĩa của sự u ám, chậm trễ. Tuy nhiên vẫn có thể xuất hành, có cơ hội gặp quý nhân, tránh được tang tóc.
  • Cảnh môn: Hay còn gọi là bình môn. Cảnh môn khiến người ta phấn chấn nhưng không kéo dài lâu. Nếu tham gia thi đấu thì dễ chiến thắng.
  • Tử môn: Kiêng kị xuất hành, xây dựng hay đi tìm việc, nếu không sẽ thiệt hại về người và của, gặp tang tóc.
  • Kinh môn: Không nên xuất hành, quá trình xuất hành thường gặp khó khăn, nguy hiểm, có thể vẫn đến đích nhưng mục đích không thực hiện được. Tuy nhiên, cung này sẽ dễ dàng tìm được đồ đánh mất hoặc truy đuổi tội phạm.
Có thể thấy mỗi môn có một ý nghĩa khác nhau, đặt vào những vị trí khác nhau thì lại có những tác động khác nhau. Môn tốt trên thực tế không phải lúc nào cũng tốt, môn xấu cũng có những tác dụng tốt nhất định.
 

3.4 Cửu tinh

 
Cửu tinh tức là 9 ngôi sao, dùng để điền vào Thần bàn, trong đó
  • Cát tinh: Phụ, Cầm, Tâm (đại cát) và Xung, Nhậm (tiểu cát)
  • Hung tinh: Bồng, Nhuế (đại hung) và Trụ, Anh (tiểu hung)
 
Người ta đã tổng kết sự lành hay dữ của các sao như sau:
  • Thiên Bồng: Nếu và mùa xuân hay mùa hạ thì rất may mắn, nhưng vào mùa thu hay mùa đông thì lại bị coi là xấu. Vào thời gian này, nếu kết hôn hoặc xuất hành đều không gặp may, nhưng thích hợp để tu tạo mồ mả.
  • Thiên Nhuế: Xuất hành dễ gặp thất bại, xây dựng dễ gặp tai họa khó lường. Khoảng thời gian này có thể kết giao bè bạn nhưng không nên kết hôn, di dời, xây dựng… Vào mùa đông hay mùa thu thì may mắn nhưng vào mùa hè và mùa xuân thì xấu.
  • Thiên Xung: Kết hôn, lập nghiệp, xuất hành đều gặp tai họa, việc tu sửa mồ mả cũng không gặp may.
  • Thiên Phụ: Rất thích hợp xuất hành, tu sửa mồ mả, có cơ hội thăng quan tiến chức, mọi việc đều gặp may mắn cát tường.
  • Thiên Cầm: Rất dễ đi xa, làm ăn buôn bán mang lại nhiều lợi lộc, có thể gặp quý nhân phù trợ, nên tu sửa mồ mả.
  • Thiên Tâm: Làm ăn buôn bán mang về nhiều lợi lộc, di chuyển mồ mả gặp nhiều thuận lợi, nếu chữa bệnh thì nhanh chóng gặp được thuốc quý. Mùa đông, mùa thu thì may mắn nhưng lại xấu vào mùa xuân, mùa hạ.
  • Thiên Trụ: Không nên xuất hành hay làm kinh doanh, nếu không dễ gặp điều xấu, mọi việc đều không thuận lợi.
  • Thiên Nhậm: Tế lễ cầu danh hay kết hôn đều được, chuyện làm ăn kinh doanh hay xây cất mồ mả cũng gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
  • Thiên Anh: Không nên kết hôn hoặc đi xa vào thời gian này. Cầu danh, cầu tài cũng không đem lại nhiều kết quả.
 

3.5 Bát thần – Cửu thần

 
Kỳ môn độn giáp từ xưa chia thành Phi bàn và Chuyển bàn. Ở Phi bàn Kỳ môn độn giáp, dùng chính là Cửu thần, tức: Trực Phù, Đằng Xà, Thái Âm, Lục Hợp, Bạch Hổ, Thái Thường, Chu Tước, Cửu Địa, Cửu Thiên.
 
Ở Chuyển bàn Kỳ môn độn giáp, dùng chính là Bát thần, xưng tám trá thần, tức: Trực Phù, Đằng Xà, Thái Âm, Lục Hợp, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Cửu Địa, Cửu Thiên. 
 
Cụ thể như sau:
 
  • Trực Phù: Ở vị trí trung cung. Thần đến chỗ nào thì trăm ác tiêu tán, được coi là cát thần. Chủ về quý nhân, quan lại, vật quý, ngân hàng, người cho vay tiền, lãnh đạo, thủ trưởng, nhân vật trung tâm, nhân vật quyền lực.
  • Đằng Xà: Ở vị trí phía Nam. Thần tính nhu mà độc miệng, chủ quan tòa liên lụy, hoảng sợ quái dị, thay đổi thất thường, dối trá, thủ đoạn, yêu ma quỷ mị, hư ảo không thật.
  • Thái Âm: Ở vị trí phía Tây. Thần chủ ám muội, mưu đồ bí mật, tị nạn ẩn thân, tính cách nội hướng, âm thầm làm việc. Ứng với nữ nhân, có quan hệ tới việc ngấm ngầm xấu xa.
  • Lục Hợp: Cư phương Đông. Thần tính hòa bình, chuyên chủ hôn nhân, giao dịch. Là thần hộ vệ, sáng sủa bình thản, lợi cho giao dịch, đàm phán, người đại lý, hợp tác, chủ hôn nhân, tiệc tùng, xã giao.
  • Thái Thường: Ở trung ương. Thần chuyên việc điền thổ, kiện tụng, chủ cấu kết, bị thương, liên lụy, lao dịch, trăng hoa, đánh nhau, chiến tranh.
  • Bạch Hổ: Cư phương Tây. Thần chuyên chuyện binh đao, sát phạt, tranh đấu, tật bệnh, tử tang. Chủ uy quyền, tiền tài, vàng bạc bảo vật, đồ tang khóc, hung ác quái dị, họa huyết quang, gãy xương.
  • Huyền Vũ: Quản hạt phương Bắc. Thần âm mưu, kẻ trộm, chuyên đạo tặc, trốn việc. Chủ thông minh đa trí, văn vẻ có kĩ xảo, gian trá tiểu nhân, nữ làm việc ngấm ngầm xấu xa, ám muội, dâm tà, trộm đạo, tiểu nhân.
  • Cửu Địa: Chủ kiên cố, củng cố, lợi cho đóng quân cố thủ, tiềm tàng vạn vật, tụ tập, gieo trồng, việc đồng áng, nữ nhân, quần áo, đạo đậu, mai táng, tính ưa yên tĩnh.
  • Cửu Thiên: Thần tính vui vẻ mà hiếu động, chủ việc danh chính ngôn thuận, là cát thần. Nếu đắc môn đắc kì, vạn phúc cùng tới. Không đắc kì đắc môn, cũng không hung. Lợi cho binh bày trận, hành quân xuất binh, nổi trống hò hét, đường hoàng, công khai, buôn bán lớn.