1. Học thuyết âm dương ngũ hành là gì?
Âm dương ngũ hành là học thuyết triết học phương Đông về vũ trụ. Tuy cơ bản thì chỉ gói gọn trong những kiến thức về âm dương và ngũ hành nhưng lại có nhiều sự biến thiên vi diệu.
Học thuyết này ứng dụng trong tử vi, kinh dịch, phong thủy, nhân tướng và rất nhiều bộ môn khác như thiên văn, lịch pháp, y học, dược học, võ học, sinh học, định chế xã hội, văn hóa, địa lý, chiêm tinh, bói toán,...
Trong đó Kinh Dịch được xem là sự phát triển bậc cao, diễn giải âm dương ngũ hành một cách sâu sắc.
Kinh Dịch không phải sự phỏng đoán thông thường mà thông qua tính toán khoa học, kết hợp toán học và triết học cho ra những kết quả tương ứng, tính xác suất về cuộc đời. Vì thế Kinh Dịch là bộ môn cực kì uyên thâm, cần nghiên cứu lâu dài và có chiều sâu mới nắm được.
Thế nào là âm dương?
Âm và dương theo khái niệm cổ sơ không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết.
Âm và dương là hai mặt đối lập, mâu thuẫn thống nhất, trong dương có mầm mống của âm và ngược lại.
Ở trên Kinh Dịch nói “hai nghi sinh tứ tượng” nhưng nếu một nam một nữ kết đôi lại chỉ có người nữ sinh nở mà người nam thì không, nên mới nói từ hai không thể thành bốn mà chỉ có thể thành ba, từ đó thuyết tam tài “Thiên – Địa – Nhân” ra đời. Trời cao và xa như vậy, con người sinh ra rồi chết đi cũng đều bám trụ lấy mặt đất, bởi thế cho nên sau khi có trời (sinh tại Tý), có đất (sinh tại Sửu) thì mới có con người (sinh tại Dần).
Tự trong âm dương đã mang sẵn mầm mống của mặt đối lập, mặt này trưởng thì mặt kia phải tiêu để duy trì trạng thái thăng bằng của sự vật, nên mới có lý “âm tiêu thì dương trưởng, dương tiêu thì âm trưởng”. Sự thắng phục, tiêu trưởng của âm dương dựa trên nguyên lý “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, khi dương lên tới đỉnh điểm thì sinh ra thiếu âm như mùa hạ qua đi thì thu tới, âm xuống tới cùng cực thì thiếu dương ra đời như hết đông lại tới xuân vậy.
Quy về phúc họa, lành dữ, tốt xấu, đúng sai, nặng nhẹ, chìm nổi, sáng tối….. để thấy cổ nhân tin rằng âm dương là khởi nguyên của vạn vật, sự đối lập nhưng không tách rời, sự xâm nhập nhưng luân chuyển điều hòa là nguyên nhân đầu tiên, là lý khởi sinh của muôn vật. Và ý tưởng lý giải cho bản thể của mọi sự vật, sự việc đưa con người đến với ngũ hành.
Thế nào là Ngũ hành?
Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là nước, lửa, đất, cây cỏ và kim loại. Tức năm hành thuỷ, hoả, thổ, mộc, kim.
Trong đó, mặt trăng và mặt trời quá nổi bật không nói tới, thì quan sát được bằng mắt thường chỉ thấy được 5 hành tinh là Thủy tinh (Mercury), Kim tinh (Venus), Hỏa tinh (Mars), Mộc tinh (Jupiter) và Thổ tinh (Saturn), 3 hành tinh còn lại cần có công cụ quan sát hỗ trợ là Diêm vương tinh (uranus), Hải vương tinh (Neptune) và Thiên vương tinh (Pluto).
Nếu ai cũng thích xem Thủy thủ mặt trăng hay là quan tâm tới chiêm tinh /thiên văn phương Tây thì sẽ không thấy xa lạ gì với những hành tinh này. Quay trở lại với 5 hành tinh quan sát được bằng mắt thường, chúng ta thấy rằng cổ nhân đếm thấy vừa xinh 5 hành tinh chuyển động liên tục vừa khéo ứng với ngũ hành. Bao gồm mặt trăng, mặt trời và trái đất cũng vừa khéo ứng với 8 quẻ đơn của Dịch lý. Như vậy trên trời hay dưới đất cũng đều có ngũ hành vậy.
Vậy nên khi tìm hiểu cổ học, chúng ta không nên đem những kiến thức hiện đại để vặn vẹo và phủ nhận kiến thức của cổ nhân, điều đó không khác nào chúng ta đọc sử rồi hỏi sao những trận chiến thời cổ đại không đem súng ra mà bắn nhau trên chiến trường thay cho gươm đao, cung tên vậy.
Trong đó Mộc tinh có chu kỳ chuyển động gần đúng 12 năm đều đặn, thời gian quan sát không mất nhiều thời gian như Thổ tinh (30 năm) cũng không quá ngắn như Hỏa tinh, đồng thời trong quá trình quan sát thấy Mộc tinh ảnh hưởng nhiều tới trái đất và mùa màng nên cổ nhân đặc biệt chú trọng Mộc tinh.
Từ đó lấy chu trình 12 năm của Mộc tinh làm 12 địa chi như chúng ta biết bây giờ. Còn 10 can dựa trên ngũ hành phối kết âm dương do Hỏa tinh có chu kỳ gần 2 năm nên cứ mỗi năm lại thấy Hỏa tinh ở hướng đối diện, phù hợp với định luật âm dương nên chúng ta có 1 năm dương rồi lại 1 năm âm…. Kết hợp thêm rất nhiều yếu tố khác như tứ mùa, mặt trăng để định tháng, mặt trời để định giờ và ngày… để hoàn thiện hệ thống âm lịch hỗ trợ cho việc trồng trọt, phân định mùa màng. Quý vị có thể xem thêm bài viết: Lý giải về sự kết hợp can chi để hiểu hơn.
Về hiện tượng xã hội và hiện tượng tinh thần của con người, “Hồng Phạm” đề xuất “ngũ sự” và “ngũ phúc”. Ngũ sự như một là tướng mạo, hai là lời nói, ba là trông, bốn là nghe, năm là suy nghĩ. Ngũ phúc như một là thọ, hai là phúc, ba là thông minh, bốn là hiếu đức, năm là khảo trung mệnh.
Qua đó nhận thấy “Hồng Phạm” dùng ngũ hành để liên hệ hiện tượng tự nhiên với hiện tượng xã hội, nhằm thuyết minh thế giới là một chỉnh thể thống nhất, có trật tự.
Trong tư tưởng đó có chứa đựng nhân tố duy vật, khẳng định ngũ hành là cơ sở của thế giới, tính chất của sự vật đều thể hiện tính năng của năm loại vật chất trong ngũ hành. Và trong suốt mấy ngàn năm phong kiến, ngũ hành âm dương được dùng để lý giải cho vạn vật giữa đất trời và nhân sinh.
Trong tất cả các bộ môn như Thái Ất, Kinh Dịch, Lục Nhâm, Kỳ Môn Độn Giáp, Phong Thủy, Bát Tự và đặc biệt Tử vi đều thấm nhuần âm dương ngũ hành.
Đâu đâu cũng thấy âm dương ngũ hành, từ can chi, quẻ đơn quẻ kép, các cung thiên bàn, chính tinh, phụ tinh… Âm dương, ngũ hành giống như nền tảng mà nếu các bạn nhuần nhuyễn và nắm vững, tự khắc con đường nghiên cứu huyền học Á Đông sẽ thênh thang hơn rất nhiều.
2. Âm dương ngũ hành có nguồn gốc từ đâu?
Người xưa truyền rằng Phục Hy – vị vua thần thoại trong truyền thuyết Trung Hoa khi đi tuần thú phương Nam, qua sông Hoàng Hà bỗng thấy một con Long Mã trên lưng có những chấm đen trắng hiện lên.
Khi về Ngài nhớ lại và vẽ ra giấy bản đồ trên lưng con Long Mã, thay các dấu chấm đen trắng bằng ký hiệu 10 số đếm, xếp theo hai vòng trong ngoài tương ứng với 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Đây là bản Hà Đồ đầu tiên trong lịch sử.
Tất cả các công trình về thế giới quan, về triết học phương Đông, về học thuyết âm dương ngũ hành đều là cách để tiếp cận với cái nguyên thủy, hoang sơ, tìm ra quy luật vận động và phát triển tự nhiên nhất. Từ đó hình thành nhân sinh quan phù hợp để tồn tại và phát triển lâu dài, hiểu về tự nhiên và thuận theo tự nhiên một cách khoa học.
(Tài liệu có tham khảo Kỳ Duyên TS)