TP.HCM cho taxi hoạt động lại, xe liên tỉnh tiếp tục dừng
Các xe thuộc đối tượng được phép hoạt động phải đảm bảo xe được khử trùng, chở không quá 50% số ghế xe hoặc 20 người trên một xe. Tài xế, nhân viên trên xe phải đeo khẩu trang và được kiểm tra y tế đầy đủ.
Đối với xe hợp đồng (dưới 9 chỗ), xe du lịch (dưới 9 chỗ) được phép hoạt động kể từ ngày 23-4 trên địa bàn TP.HCM nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về y tế được đặt ra.
Ông Nguyễn Anh Khôi (ngụ quận Bình Thạnh), lái xe taxi công nghệ, cho biết khi nghe thông báo mới thì rất phấn khởi.
"Được hoạt động trở lại, chúng tôi mong thành phố và đơn vị đối tác có hỗ trợ cho anh em tài xế về thuế, phần trăm lợi nhuận vì sau thời gian nghỉ chạy anh em gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu y tế được đặt ra để đảm bảo an toàn", ông Khôi nói.
Ngày mai 23-4, TP.HCM sẽ công bố những dịch vụ kinh doanh nào hoạt động lại
Từ 0h ngày 23-4, TP.HCM sẽ chuyển xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh COVID-19. Ngày mai 23-4, TP sẽ có các hướng dẫn để trở lại hoạt động đối với các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Chiều 22- 4, TP.HCM họp giao ban trực tuyến tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tại buổi giao ban, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay Thủ tướng đã đồng ý xếp TP.HCM từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ kể từ 0h ngày 23-4.
Kể từ thời điểm này, TP sẽ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị 15 của Thủ tướng, đó là "tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" .
Tuy nhiên, từ ngày 23-4, TP sẽ có các hướng dẫn để cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu hoạt động trở lại.
"Các dịch vụ cụ thể nào sẽ được hoạt động trở lại sẽ được công bố vào ngày mai (23-4)" - giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, nhưng TP cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế.
Dự báo tác động mạnh nhất của dịch bệnh đối với kinh tế TP sẽ bắt đầu từ quý 2-2020. Vì vậy theo ông Phong, để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đổ gãy trong điều kiện bình thường mới, TP đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế khi tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu tốt hơn để nới lỏng từng bước nhưng phải thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây lan tại doanh nghiệp đã và đang áp dụng, TP.HCM tiếp tục triển khai 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh, gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bao gồm bộ chỉ số an toàn trong trường học; trong ngành văn hóa, thể thao, giao thông vận tải, công thương, du lịch, an toàn thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước ngày 30-4.
Từ 23-4, người dân TP.HCM vẫn phải mang khẩu trang khi ra đường
Dù được xếp xuống nhóm nguy cơ với dịch bệnh COVID-19 kể từ 0h ngày 23-4, người dân ở TP.HCM ra đường vẫn phải mang khẩu trang để bảo đảm an toàn.
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 cuối giờ chiều 22-4.
Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh dù đã kết thúc giai đoạn cách ly xã hội nghiêm theo chỉ thị 16, chuyển sang giai đoạn thực hiện chỉ thị 15 nhưng kể từ 23-4, tất cả người dân khi ra đường vẫn phải đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn phòng dịch.
“Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chúng ta tiếp tục thực hiện chỉ thị 15, nhưng là “15 trừ” - nghĩa là thực hiện tất cả các nội dung của chỉ thị 15, tuy nhiên về phía TP sẽ có hướng dẫn nới lỏng một số điểm. Còn nới lỏng phạm vi như thế nào sẽ có hướng dẫn cụ thể” - ông Lê Thanh Liêm giải thích.
Đề cập công tác phòng chống dịch trong giai đoạn sắp tới, ông Liêm nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan lơ là. Mỗi địa phương, quận huyện cần đánh giá lại kết quả thực hiện thời gian qua, trong đó đặc biệt lưu ý nêu rõ về các chỉ số rủi ro.
"Cuối tuần này, các nơi phải có báo cáo đầy đủ gửi về UBND TP. Từ đó, TP làm cơ sở hoạch định hành động trong thời gian tới" - ông Liêm chỉ đạo.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ