(Lichngaytot.com) Theo Bộ luật lao động (BLLĐ) 2019, có hiệu lực từ 1-1-2021, việc chi trả lương từ tháng tới có nhiều điểm mới có lợi hơn cho người lao động. Cụ thể như thế nào?
Lương chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản vợ?
* Tôi nghe nói từ 1-1-2021 thì lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ. Thực hư quy định này ra sao? (Nguyễn Thị Đào, Bình Thạnh, TP.HCM)
- Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM): Đây là một điểm mới được quy định tại điều 94 BLLĐ 2019. Theo đó, trường hợp người lao động (NLĐ) không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Quy định này thường xảy ra đối với NLĐ nhận lương bằng tiền mặt trong điều kiện người lao động bị bệnh, đi công tác xa hoặc gặp trở ngại nào đó không thể nhận lương trực tiếp được mới ủy quyền cho người khác nhận thay. Người được ủy quyền có thể là cha mẹ, vợ chồng, con hoặc bất kỳ ai và hai bên phải làm thủ tục ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự.
NLĐ có thể đến UBND xã phường hoặc phòng công chứng lập ủy quyền cho người thân đi nhận lương thay. Trường hợp nhận lương bằng hình thức chuyển khoản, NLĐ phải đồng ý và cung cấp tài khoản để doanh nghiệp chuyển tiền cho người thân. Trường hợp này không cần ủy quyền vì đã thể hiện ý chí của NLĐ.
Quy định về trả lương từ 1-1-2021: Thực hư lương chồng chuyển thẳng vô tài khoản vợ? |
Cấm ép người lao động mua hàng hóa, dịch vụ của công ty
* Công ty cũ của tôi từng thưởng cho nhân viên mỗi người một chiếc điện thoại do công ty sản xuất. Nếu tôi dùng điện thoại của hãng khác mà không dùng điện thoại do công ty sản xuất sẽ bị phạt (hoặc đuổi việc). Một số công ty cũng dùng cách này cách khác ép NLĐ mua và dùng sản phẩm công ty, có nơi trừ vào lương, liệu việc này có vi phạm pháp luật lao động không? (Đ.K.L., quận Gò Vấp)
- Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM): Theo quy định của BLLĐ 2019 về nguyên tắc trả lương, NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Đồng thời luật cũng nghiêm cấm NSDLĐ hạn chế hoặc can thiệp quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ, không được ép buộc, chỉ định NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Đây là quy định mới, tiến bộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Tránh trường hợp NLĐ cần nhận lương đầy đủ, đúng hạn để lo cho cuộc sống hằng ngày nhưng doanh nghiệp lại kéo dài thời hạn trả lương hoặc do hàng hóa tiêu thụ chậm nên ép NLĐ mua hàng của mình sản xuất, trong khi NLĐ không có nhu cầu sử dụng.
Doanh nghiệp phải trả phí nếu trả lương qua tài khoản?
* BLLĐ 2019 quy định trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Như vậy nếu doanh nghiệp trả lương cho tôi qua tài khoản ATM thì phải trả phí duy trì thẻ? (Mỹ Tín, quận Tân Bình, TP.HCM)
- Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM): Vấn đề này được quy định tại điều 96 BLLĐ và nghị định 145/2020 (sẽ có hiệu lực ngày 1-2-2021). Thông thường, khi trả lương qua tài khoản, NSDLĐ yêu cầu NLĐ cung cấp số tài khoản của một ngân hàng nào đó cho họ. Như vậy, nếu NLĐ có sẵn số tài khoản thì sẽ cung cấp cho NSDLĐ.
Nếu lúc đó chưa có số tài khoản tại ngân hàng do NSDLĐ yêu cầu thì buộc lòng NLĐ phải đi mở tài khoản mới. Lúc này, NSDLĐ phải trả chi phí mở tài khoản (nếu có). Tất nhiên, NSDLĐ không phải trả phí liên quan đến cập nhật biến động số dư qua tin nhắn SMS hay phí đăng ký giao dịch Internet banking.
Về phí chuyển lương qua tài khoản, hiện nay các ngân hàng đều có các gói ưu đãi cho NSDLĐ sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản, nên phần lớn NSDLĐ không mất phí khi trả lương qua tài khoản ngân hàng.
Không lạm quyền xử lý kỷ luật lao động
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, doanh nghiệp và NLĐ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương. Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Ngoài ra, luật cũng bổ sung các quy định rõ về hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật: xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm NLĐ; tự ý phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. NSDLĐ không được tự xử lý kỷ luật đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Nguồn Tuổi Trẻ