Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

TP.HCM tiếp tục giãn cách cao nhất, người dân muốn về quê phải làm sao? Gói hỗ trợ 8.000 tỷ?

Thứ Ba, 07/09/2021 11:14 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nhiều người dân là lao động tự do ở ngoại tỉnh có nguyện vọng muốn về quê khi TP.HCM giãn cách kéo dài, vậy họ phải làm cách nào?
 
 

TP.HCM tiếp tục giãn cách cao nhất, người dân muốn về quê phải làm sao?

 
Trong chương  trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 6/9, rất nhiều người gửi câu hỏi bày tỏ nguyện vọng muốn được về quê, do không trụ nổi khi TP.HCM giãn cách kéo dài. Hoặc nếu trích đủ 2 mũi vắc xin thì sau 15/9 có được về quê không?...
 
Khách mời đặc biệt tại chương trình, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời rõ ràng thắc mắc này của người dân.
 
Theo đó, không phải thành phố không cho người dân về, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo quy định chung một số địa phương (trong đó có TP.HCM) thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển người giữa các địa phương.

nguoi dan muon ve que
Những người dân ở Đắk Lắk xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm trước khi lên xe về quê.
 
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của các tỉnh, thành trong việc đưa người dân về quê. Do đó, người dân có nhu cầu về quê có thể liên hệ với các hội đồng hương, chính quyền các tỉnh, thành để nắm bắt kế hoạch đưa người dân về quê và đăng ký.
 
“Thành phố luôn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con về quê. Địa phương nào sắp xếp, đón nhận được bà con thì thành phố phối hợp, hỗ trợ, thậm chí cả bố trí xe, lương thực, thực phẩm trên hành trình về quê. Thành phố cũng hỗ trợ để bà con tiêm vắc xin trước, xét nghiệm. Nhưng phải thấy là ở nhiều địa phương, khả năng đón nhận không được nhiều”, ông Mãi nói rõ.
 
Vì theo quy định, người từ vùng dịch về địa phương khác phải cách ly, nếu không may nhỡ F0 lây cho cộng đồng còn lại. Nhưng nếu số lượng đông quá hàng nghìn, chục nghìn người thì địa phương không đủ khả năng để đón nhận.
 
Trong thời gian qua, thành phố cũng đã phối hợp với các địa phương đón hàng chục nghìn người về.
 
“Mỗi người dân đến với TP.HCM dù là làm việc, học tập hay du lịch… đều có những đóng góp cho thành phố. Vì vậy, thành phố luôn trân trọng và đang rất nỗ lực để chăm lo đời sống cho người dân" - Chủ tịch TP Phan Văn Mãi bày tỏ.
 
Ngoài ra, ông Mãi cũng thông tin: “Chính phủ có Nghị quyết 86 đến 15/9, thành phố phải kiểm soát được dịch, do đó thành phố thời gian qua bằng các biện pháp khẩn cấp, quyết liệt để thực hiện mục tiêu này. Đồng thời, có sự đánh giá lại. Nếu tới đó đạt mục tiêu thì sẽ nới lỏng".
 

TP.HCM đề xuất chi 8.000 tỷ hỗ trợ người khó khăn sau 15/9

 
UBND TP đề xuất hỗ trợ mức 750.000 đồng/người và chỉ đạo các địa phương lập danh sách hơn 5,3 triệu hộ khó khăn vì dịch Covid-19, để chuyển khoản sau ngày 15/9.
 
Theo  Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, về lâu dài, phải đảm bảo an sinh cho người dân trước tác động rất lớn của dịch Covid-19.
 
Ông Mãi cũng thông tin, hiện nay, số liệu thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn thành phố có 2 triệu hộ với 5,3 triệu nhân khẩu gặp khó khăn cần hỗ trợ an sinh.

ho tro nguoi dan gap kho khan
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi 
 
Qua đó, ông thay mặt UBND TP đề xuất mức hỗ trợ 750.000 đồng/người/tháng (tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng).
 
“Các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, lập danh sách đầy đủ những người khó khăn cần hỗ trợ gói an sinh này. Sau đó, quản lý bằng công nghệ và TP sẽ chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp đến số tài khoản người dân”, ông Mãi đề nghị.
 
Ông yêu cầu các địa phương phải làm chặt chẽ để không ai bị bỏ sót, đồng thời đề nghị đến trước ngày 15/9 phải có danh sách tương đối chính xác. Sau ngày 15/9, bắt đầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ. Trước mắt, sẽ hỗ trợ hai tháng 9 và 10 sau đó  tùy theo tình hình dịch sẽ tính toán tiếp.
 
Chủ tịch TP cũng lưu ý, thời gian giãn cách càng lâu càng có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, tâm lý người dân, từ các tác động của dịch bệnh. Do đó, ông yêu cầu Công an TP và các địa phương phải nắm chắc địa bàn, kiểm soát tình hình để có những phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, trên từng "pháo đài".
 

Đề xuất cửa hàng, siêu thị, shipper hoạt động đến 21h

 
Sở Công thương cũng vừa có đề xuất lên UBND TP về thay đổi khung giờ hoạt động của các cửa hàng, siêu thị và shipper giao hàng.
 
Theo Sở Công thương, nhằm tiếp tục đảm bảo tình hình cung ứng hàng hóa và phân phối hàng hóa cho người dân được kịp thời,  UBND TP nghiên cứu cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6h đến 21h hàng ngày (khung giờ hiện nay là từ 6h đến 18h).
 
Đồng thời, cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức từ 6h đến 21h hàng ngày để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân. 
 
Theo Sở Công thương, hiện nay, vẫn còn một số cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm đang còn tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả.  Sở Công Thương đã nắm bắt thông tin để kịp thời điều phối nguồn hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu.
 
Số lượng nhân viên soạn hàng và giao hàng của các siêu thị, cửa hàng còn ít, lực lượng tổ dân phố hỗ trợ chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến số đơn hàng hoàn thành giao cho các phường và người dân chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ đáp ứng đơn hàng của người dân tại một số địa phương đạt dưới 90% như huyện Bình Chánh (78,4%); Phú Nhuận (85,5%),...       
 
Tổng hợp Vietnamnet
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X