(Lichngaytot.com) Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết TP cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới trong những ngày gần đây chủ yếu ở khu cách ly, khu phong tỏa.
Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, để triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, TP đã huy động các lực lượng tham gia và công suất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng các ca mắc cộng đồng giảm nhiều. Cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8, giảm xuống thấp nhất đến ngày 12/9 là 4 ca, có một ngày 9/9 không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.
Đến nay, tính cả 97.000 liều vắc xin AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vắc xin.
Hà Nội "nóng" như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết hiện TP vẫn duy trì việc cách ly F1 tập trung. TP luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người, với phương án bảo đảm về nhân lực và nguồn lực cho các khu cách ly. Hiện nay, TP đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.
Về điều trị, Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh, trong đó tỷ lệ tầng một là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%).
"Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, TP có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong tỏa. Hà Nội nóng như vậy, nguy cơ cao như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vắc xin.
Hà Nội xác định nhiệm vụ chống dịch là lâu dài
Tuy nhiên, do đặc điểm của biến thể Delta nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong tỏa thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong tỏa, giãn cách.
Thứ trưởng cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/ cụm công nghiệp vì dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau.
Theo đó, yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ). Doanh nghiệp ở "vùng xanh" thuộc trạng thái bình thường mới cần sàng lọc 7 ngày/lần.
Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khỏe của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.
"Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng để không bị động. Tuy nhiên chúng ta cùng nỗ lực trong phòng chống dịch để các phương án này không được sử dụng trong thực tiễn", Thứ trưởng Tuyên nói.
Sáng 16/9 chỉ có 1 ca dương tính nCoV
Sở Y tế Hà Nội sáng 16/9 cho biết trong 12 giờ qua phát hiện thêm 1 ca mắc COVID-19 là người đã được cách ly.
Đó là anh V.X.Đ, 18 tuổi ở ngõ 553 Nguyễn Khoái, Thanh Trì, Hoàng Mai. Anh Đ là F1 của bệnh nhân T.Đ.T, được chuyển cách ly tập trung từ 7/9. Ngày 15/9, anh được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.857 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca.
Tính tới sáng 16/9, Hà Nội còn một số ổ dịch mới, phức tạp như: Ở Đền Lừ (chung cư A1-A4-A5 Khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai) có 17 ca mắc (ca đầu tiên công bố sáng 12/9); ổ dịch phường Thanh Xuân Trung có 572 ca mắc (đều đã được cách ly)...
Thực hiện kế hoạch 206 về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, trong ngày 15/9, toàn thành phố đã lấy 514.537 mẫu xét nghiệm. Tính từ ngày 8/9 đến nay, toàn thành phố đã lấy được tổng 4.197.528 mẫu (2.930.379 mẫu RT-PCR, 1.267.149 test nhanh), phát hiện 19 ca dương tính.
Đến hết ngày 15/9, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm được 5.126.569 mũi vaccine (trong đó có hơn 4,7 triệu mũi 1 và hơn 405.000 mũi 2), sử dụng 4.687.618 liều vaccine/5.359.676 liều vaccine đã nhận (tương đương 87,5%).
Lý giải nguyên nhân số liều vaccine sử dụng thấp hơn số mũi tiêm thực hiện, Sở Y tế Hà Nội cho biết, những loại vaccine Hà Nội được giao cấp phục vụ tiêm chủng lần này đa số là loại đa liều. Nghĩa là mỗi lọ đóng 10 liều hoặc 14 liều nhưng thực tế có thể tiêm được thêm 1-2 mũi/lọ vaccine.
Về vấn đề vì sao số mũi tiêm của Hà Nội công bố khác (thấp hơn) số mũi tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, cơ quan chức năng cho biết đó là do Hà Nội thống kê theo số vaccine được cấp và triển khai tiêm, chưa tính số liệu tiêm chủng do các bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn TP thực hiện tiêm cho người dân Hà Nội.
Thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cập nhật tới sáng 16/9, Hà Nội đã tiêm được 6.119.276 mũi vaccine, trong đó, có hơn 5,45 triệu mũi 1 và 665.000 mũi 2. Số liệu này đã bao gồm số vaccine được tiêm bởi ngành Y tế Thủ đô và các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP.
Nếu tính số dân trên 18 tuổi ở Hà Nội có 5,75 triệu người, đến nay 95% trong số này đã được tiêm vaccine COVID-19.
Nguồn Báo Dân Trí