Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Tin bão mới nhất: Bão số 7 Nangka tăng cấp, đổ bộ vào ngày mai gây mưa rất to

Thứ Ba, 13/10/2020 14:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bão số 7 đang áp sát đảo Hải Nam (Trung Quốc), dự báo tiếp tục mạnh thêm và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An vào khoảng chiều mai (14/10).
 
  
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 10 giờ sáng nay, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 10 sáng mai (14/10), tâm bão trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

 
bao so 7 nangka
Bão số 7 Nangka tăng cấp, đổ bộ vào ngày mai gây mưa rất to
 
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 22 giờ ngày 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
 
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12, biển động rất mạnh.

Ở khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, ngày mai (14/10) tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m.
 
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An đề phòng có nước dâng do bão cao 0,5m.
 
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16/10, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt, các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.
 

Khu vực Hà Nội sẽ bị bão số 7 ảnh hưởng ra sao?


Theo Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy nhận định, từ ngày mai 14/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp không khí lạnh tăng cường, tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội) sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Đợt mưa này có thể sẽ kéo dài cho đến ngày 16/10.

Trung bộ: Khẩn cấp sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại

 

Khẩn cấp sơ tán dân đến nơi an toàn

 
Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 7 tổ chức sáng nay (13.10) do Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức, báo cáo của Bộ đội biên phòng cho biết:
 
Tính đến 16 giờ chiều qua (12.10), đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.100 phương tiện với 229.805 lao động. Trong đó, hoạt động khu vực từ 15,5 đến 20 độ Vĩ Bắc; từ 111 đến 118,5 độ Kinh Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa): 86 tàu với 678 người.
 
Hoạt động khu vực khác: 5.156 tàu với 24.452 người; neo đậu tại các bến: 46.858 tàu với 204.675 người.
 
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 22 giờ đêm qua (12.10), 6 tỉnh miền Trung đã tổ chức sơ tán 21.785 hộ với 66.569 người để bảo vệ tính mạng người dân trước ảnh hưởng của bão số 7 có thể mưa lớn gây ngập lụt kèm nhiều hình thái thiên tai cực đoan.
 
Trong đó, Quảng Bình đã sơ tán được 801 hộ với 2.694 người, Quảng Trị: 7.689 hộ với 23.029 người, Thừa Thiên-Huế: 11.608 hộ với 35.435 người, Đà Nẵng: 901 hộ với 3.036 người; Quảng Nam: 533 hộ với 1.677 người, Quảng Ngãi: 253 hộ với 698 người).
 
Như vậy, đến ngày 12.10, số dân được sơ tán đã tăng 6.393 hộ với 20.734 người so với 1 ngày trước đó.
 

Khẩn trương thu hoạch lúa, màu và chằng chống tài sản "chạy đua với bão"

 
Bão số 7 sắp đổ bộ, nhưng hiện nay, còn 187.000ha lúa chưa thu hoạch: (Bắc Trung Bộ: 12.000ha; duyên hải Nam Trung Bộ: 49.000ha; Tây Nguyên: 126.000ha); diện tích hoa màu chưa thu hoạch: 110.500ha (Bắc Trung Bộ: 28.500ha; duyên hải Nam Trung Bộ: 24.000ha; Tây Nguyên: 58.000 ha);
 
Diện tích cây ăn quả: 177.634ha (Bắc Trung Bộ: 14.234ha; duyên hải Nam Trung Bộ: 89.500ha; Tây Nguyên: 73.900ha). BCĐ Trung ương về PCTT đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc có phương án bảo vệ đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch.
 
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên hiện có 118.085ha nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ (mặn, lợ) gồm tôm, cá, các loài nhuyễn thể, các tỉnh có diện tích lớn là Quảng Ninh 27.296ha; Thái Bình: 19.163ha; Nam Định 15.930ha; Ninh Bình 11.925ha; Thanh Hóa 6.600ha.
 
Diện tích nuôi nước ngọt: 64.291ha (các tỉnh có diện tích lớn: Thanh Hóa 14.150ha; Nghệ An 18.960ha; Hà Tĩnh 5.300ha).
 
Có 120.859 chiếc lồng bè nuôi thủy sản (các tỉnh có số lồng, bè lớn: Quảng Ninh 10.028; Quảng Bình 51.382; Quảng Ngãi 52.000)...
 
BCĐ Trung ương về PCTT đã hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống, hạn chế thất thoát, những nơi có điều kiện di chuyển vào vùng an toàn; không để người trên lồng bè, chòi canh, trên bãi triều.
 
Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đã triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước khi bão số 7 đổ bộ. 

Tổng hợp từ internet
 

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X