Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Bão Noru giật cấp 16 ập vào miền Trung, tàn phá đất liền từ đêm nay

Thứ Ba, 27/09/2022 08:09 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bão Noru đổ bộ vào nước ta với cường độ rất mạnh và gây mưa lớn, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 12-14, giật cấp 16. Từ đêm 27/9 đến 28/9, là thời gian bão Noru tàn phá đất liền dữ dội nhất.
 
Bao Noru manh nhat
 

Bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16

 
Ngày 26/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão Noru, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến thời điểm này, tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế đều nhận định cường độ cơn bão Noru rất mạnh. Khi bão vào Biển Đông có các yếu tố tác động đến cơn bão (nhiệt lực và động lực..) đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền Việt Nam.
 
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay (27/9), vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
 
Từ chiều tối và đêm nay, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Đặc biệt, khu vực Trung Trung Bộ - Tây Nguyên có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, ngập lụt tại khu vực vùng trũng.
 
Thượng tá Đỗ Duy Phương, đại diện Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, trước tình hình nguy hiểm của bão Noru, Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo Quân Khu 4 và Quân khu 5 sẵn sàng lực lượng và phương tiện để phối hợp với các địa phương phòng, chống bão. Hiện, hai Quân khu này đã cử lực lượng xuống các địa phương để phối hợp với người dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra công tác chuẩn bị… “Bộ Quốc phòng đã báo động lực lượng chuẩn bị ứng phó ở mức cao nhất. Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh đã được yêu cầu trong trạng thái sẵn sàng”, Thượng tá Phương nói.
                                          
THỦ TƯỚNG: TẬP TRUNG ỨNG PHÓ BÃO
VỚI TINH THẦN KHẨN TRƯƠNG, QUYẾT LIỆT NHẤT

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát biểu mở đầu tại hội nghị, Thủ tướng dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4.

Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Cảnh báo lũ từ 27/9 đến 30/9

-Biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên: 4,0 – 8,0m
-Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Tây Nguyên lên mức báo động 2, 3.
 

Sơ tán dân đến nơi an toàn trước 10h hôm nay

 
Trước tình hình vẫn còn 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục theo dõi sát các tàu thuyền hoạt động trên biển để nắm bắt tình hình. Các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
 
Ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân tại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần phải sơ tán sớm trước khi bão đổ bộ, có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản.

Bao Noru
 
“Các đơn vị cần cử các đoàn công tác tham gia vào Ban Chỉ đạo tiền phương Bão số 4 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban đặt tại Đà Nẵng. Dự kiến sáng 27/9, Phó Thủ tướng sẽ vào Đà Nẵng, các đơn vị như Biên phòng, Cục Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Thủy sản... chủ động vào để tham gia “, ông Luận nói.
 
Trong ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ông Hoan đề nghị các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các tỉnh cần huy động các lực lượng xung kích, tình nguyện, chủ động mọi kịch bản để ứng phó với bão.
 
Hiện tại, các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Qua rà soát, các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận có 213.914 hộ/868.230 người trong diện di dời, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.
 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, với những khu vực nguy cơ cao sạt lở các địa phương hoàn thành di dời đến nơi an toàn trước 10h hôm nay (27/9). Địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường. “Với cơn bão mạnh như Noru, các địa phương cần hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ... Đặc biệt, lực lượng tại chỗ cần chủ động, sẵn sàng trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm, thuốc men... tối thiểu đủ dùng trong 7 ngày, tránh trường hợp cắt đứt liên lạc, người dân không tiếp cận được nhu yếu phẩm”, Bộ trưởng Hoan cho hay.
 
Theo Báo Tiền Phong

Tin bài cùng chuyên mục:

Tin cùng chuyên mục

X