(Lichngaytot.com) Sáng sớm nay (24/7), áp thấp nhiệt đới di chuyển sát vùng biển Nam Định – Ninh Bình, dự báo sẽ tiếp tục di chuyển xuống vùng biển gần Thanh Hóa – Nghệ An trước khi chuyển hướng ra ngoài biển, trọng tâm mưa dịch chuyển xuống các tỉnh Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế trong hôm nay.
Vào 4 giờ sáng nay (24/7), tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Nam Định-Ninh Bình khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 40km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Nam Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 4 giờ ngày 25/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do sự di chuyển của áp thấp nhiệt đới nên trong sáng nay (24/7) chỉ còn mưa lớn tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa. Các khu vực khác của miền Bắc, mưa giảm.
Từ nay đến ngày mai (25/7), Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 200mm. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to từ 50-100mm, có nơi trên 100mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên ngày hôm nay (24/7), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm (mưa lớn tập trung vào chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trên biển, vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực Vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Áp thấp nhiệt đới hình thành từ một vùng áp thấp ở Bắc Biển Đông từ ngày 17/7, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục mạnh lên thành bão số 3, di chuyển vào đất liền các tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây (Trung Quốc) rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi trở ra Vịnh Bắc Bộ, đi dọc bờ biển các tỉnh miền Bắc, Thanh Hóa Nghệ An, rồi ngược ra đảo Hải Nam và suy yếu.
Đây được đánh giá là cơn bão/áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển cực kỳ phức tạp do sự tương tác với cơn bão INFA ở phía Đông đảo Đài Loan. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nhưng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới vẫn gây gió mạnh các tỉnh ven biển cũng như mưa lớn khắp miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trong nhiều ngày.