Thiền ngủ là gì? Nghe xong chỉ muốn thực hành luôn

Thứ Ba, 09/01/2018 09:46 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ngày nay thay vì dùng thuốc ngủ gây ức chế tinh thần, rất nhiều người tìm tới Thiền ngủ như là cách để cứu cánh cho sức khỏe của mình.

Ngủ là thời gian để cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng. Chất lượng giấc ngủ cũng quyết định tới sức khỏe và tinh thần của chúng ta vào ngày hôm sau. Nếu bạn ngủ mà như chưa ngủ, ngủ mà mơ mộng triền miên thì có nghĩa là trí não bạn vẫn chưa thực sự được nghỉ ngơi. Nó vẫn đang hoạt động cật lực chưa biết chừng.

Vì áp lực cuộc sống với cơm áo gạo tiền nên chúng ta luôn trong tình trạng căng thẳng thần kinh, đó là nguyên nhân dẫn đến những đêm mất ngủ triền miên. Do đó, nhiều người tìm tới phương pháp Thiền ngủ để làm tinh thần thoải mái hơn và dễ ngủ hơn.  
 
 

1. Thiền ngủ là gì?

 
Muốn ngủ thật ngon thì chúng ta không phải chỉ nằm xuống nhắm mắt mà trước đó chúng ta phải chuẩn bị cho việc làm nhẹ dịu lại tâm mình và cả sóng não bằng những hoạt động nhẹ nhàng và phù hợp. 

Thiền ngủ đơn giản chỉ là phương pháp Thiền để làm cho tinh thần thoải mái dễ đi vào giấc ngủ.
 
Là một phương pháp thiền đơn giản cũng giống như ngồi thiền nhưng mang lại hiệu quả nhất, không những đem lại cho người tập luyện một giấc ngủ thoải mái mà còn tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, chống lại sự lão hóa của cơ thể.


2. Mục đích chính của Thiền ngủ là gì?

 
Thiền ngủ tạo nên sức khỏe tinh thần với mục đích chính là làm cho khí lực và tinh thần hợp nhất với nhau gạt bỏ đi mọi sự ưu sầu lo lắng trong tâm tư và chú trọng đến nhu cầu thực tế là ngủ.
 
Khi Thiền ngủ ta phải xác định được mục đích của việc lên giường là để ngủ, nghỉ ngơi nên không suy nghĩ công việc đúng lúc này.
 
- Trước tiên là nằm thẳng hai tay để úp và xuôi theo thân mình. Khi luyện Thiền ngủ, không nên nằm gối, nếu chưa quen nằm không gối, thì dùng một gối mỏng dưới đầu, hay một gối nhỏ, tròn để dưới cổ! Những người hay bị lạnh, thì nên đắp một tấm chăn mỏng.
 
- Giai đoạn chuẩn bị: Phải hít hơi thật sâu và thở dài thêm giai đoạn nín thở. Hít thở chậm, qua đường mũi, tập trung tư tưởng, theo dõi hơi thở của mình qua mũi, qua khí quản, xuống phổi, xuống đan điền (bụng), rồi thở ra qua phổi, qua khí quản, qua mũi. Đếm (1,2,3…) thầm trong đầu mỗi khi khí thoát ra ngoài mũi, làm vậy được 10 lần thì trở lại hơi thở bình thường.
 
 
- Thở Thiền: Sau khi xong 10 lần chuẩn bị, thì đi vào thở Thiền: Hít thật sâu, thật dài, thật chậm qua mũi, qua phổi, xuống đan điền, NÍN HƠI, đếm 1, 2, 3, rồi từ từ thở ra cũng thật chậm. Khi khí ra qua mũi, đếm 1. Tiếp tục như trên đến từ 15 đến 20 lần. 
 
- Giai đoạn phân thân tức là người luyện phải tưởng tượng ra mình đang đứng cạnh và ngó chính bản thân mình đang nằm từ đầu tới chân. Rồi làm theo thứ tự đó là ngó ngón chân cái bên trái trước sau đó sang ngón kế tiếp. Khi hết ngón chân chuyển sang nhìn mu bàn chân, mắt cá chân… hết bên trái thì chuyển sang bên phải và cũng bắt đầu như trên. Khi ngó ở các bộ phận nào người luyện nhớ tới những đặc điểm hoặc kỉ niệm ở bộ phận đó.
 
Bắt đầu nhìn từ ngón chân cái của bàn chân phải: Nhìn lại ngón cái, rồi cố nhớ lại những kỷ niệm đã xẩy ra với ngón chân cái này: đã có lần nào bị sứt móng? Đã vấp và gẫy…? Mầu sơn móng bị hư…?
 
Sau khi nhìn vào ngón cái bên chân phải, thì di chuyển tầm mắt sang ngón chân kế tiếp…nhớ lại những sự kiện có liên quan.
 
Rồi tầm nhìn lướt lên tới mu bàn chân phải, nhớ kỷ niệm liên quan đến mu bàn chân phải… qua mu bàn chân trái….rồi tới mắt cá chân hai bên…
 
Tiếp đến, nhìn ngược lên bắp chân phải, nhớ xem có cái sẹo nào hay không? Qua chân trái… từ từ nhìn lên đùi trái rồi đùi phải.
 
Nhìn tới bụng, với phụ nữ đã mang thai, có rất nhiều kỷ niệm… Cố nhớ lại từng kỷ niệm.
 
Sau khi nhìn bụng, thì tia nhìn liếc lên tới ngực, nhớ lại những cơn đau tim, đau phổi, bị lao…
 
Tiếp theo, nhìn sang cánh tay phải, chạy xuống khuỷu tay, rồi cổ tay, ngón tay…
 
Tới đây, nếu chưa ngủ, thì nhìn lên đầu, mắt môi mũi má…tai…
 
Luyện học cách Thiền ngủ đòi hỏi các động tác phải đúng với quy trình, luyện đều đặn thì mới có hiệu quả, hoặc bạn có thể áp dụng cả ngồi thiền và thiền ngủ để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Nếu chúng ta thực hành đều đặn việc thiền trước khi ngủ liên tục mỗi ngày 15-30 phút không những chúng ta cải thiện được chất lượng giấc ngủ mà còn giúp chúng ta có được sự minh mẫn và sáng tạo cho ngày làm việc hôm sau. Và sâu xa hơn việc hành thiền còn giúp chúng ta tìm lại những gì tự nhiên nhất, bản năng nhất.

Ánh Nguyệt