Chủ Nhật, 22/04/2018 08:57 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng tôi sẽ gợi mở để bạn có thể tự tìm cho mình câu trả lời về việc có nên tự học Thiền hay không? Bởi thiền là một phương pháp rèn luyện tâm, mà tâm bạn thì chỉ có bạn hiểu rõ nhất, dù cho nó có đang bất ổn tới mức nào.
Thiền trong nhiều tôn giáo được sử dụng chỉ những phương pháp tu tập khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là đạt được sự “Tỉnh giác”, “Giải thoát”, “Giác ngộ”. Ngày nay, để đem Thiền đến gần gũi hơn với mọi người, thiền được sửa đổi và cải biến giúp nó dễ học và luyện tập hơn giúp mang lại nhiều sức khỏe với nhiều người hơn, đó là lý do nhiều người chọn cách tự học Thiền tại nhà qua các bài hướng dẫn theo sách, theo báo, theo những đoạn video trên youtube... Liệu có nên tự học Thiền hay không?
Tự học Thiền ở mức đơn giản
Thiền là một liệu pháp, một phương tiện nâng cao sức khỏe, đặc biệt thông qua thiền đúng cách, cảm thức nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung xuất hiện trong lòng.
Sự tự tập thiền vẫn có thể diễn ra với những hình thức đơn giản như thiền ngồi, thiền hành, thiền nằm, thiền khi đang hoạt động bằng cách chú tâm vào việc cụ thể mình đang làm. Đây là những cách thức không đòi hỏi những kĩ thuật phức tạp hay đặt ra các tầng bậc nông sâu. Bất cứ ai cũng hoàn toàn có thể tự thực hành, ngay cả khi đã biết tới thiền nhiều năm.
Trước tiên, hãy biết rằng, để Thiền định, bạn không cần bất kỳ Minh sư hay vị thầy cụ thể nào, bởi vì Minh sư đã ở trong chính bạn, Minh sư chính là hơi thở của bạn. Hãy dõi theo vị thầy hơi thở của chính bạn. Chỉ có hơi thở mới có thể đưa bạn vào sâu bên trong Thiền định. Bạn hoàn toàn có thể tự mình trải nghiệm Thiền định bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình tại nhà.
Thiền định là thực hành, thực hành và thực hành. Thiền định là đơn giản và dễ dàng, ai cũng có thể tự tập được. Bạn hãy ngồi thật thoải mái, có thể ngồi dựa vào tường cũng được, không nhất thiết phải ngồi thẳng lưng. Bạn có thể ngồi ở bất kỳ tư thế nào, càng thoải mái càng tốt.
Khi đã ổn định, hãy bắt đầu quan sát hơi thở tự nhiên và nhẹ nhàng. Không cố ý hít thở, hãy để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên. Điều bạn cần làm là đem toàn bộ sự chú ý vào nhịp điệu êm dịu này của hơi thở. Hãy quan sát hơi thở, quan sát năng lượng của hơi thở.
Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào đến, hãy để nó tự nhiên đi bằng cách quay về quan sát hơi thở của chính bạn. Dần dần hơi thở sẽ càng lúc càng nhỏ lại. Suy nghĩ trong tâm trí sẽ lắng xuống. Càng nhiều thời gian bạn dõi theo hơi thở, việc Thiền định càng dễ dàng hơn.
Dưới đây là các trải nghiệm có thể gặp khi thực hành Thiền định: Cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng và thoải mái; Cảm thấy cơ thể nặng (đặc biệt là ở phần đầu); Cảm thấy rung lắc, cơ thể tự dịch chuyển; Nhìn thấy các màu sắc; Cảm thấy đau (thường thì ở phần dưới lưng và các vùng cơ thể có vấn đề); Cảm thấy cơ thể lâng lâng, bay bổng ở nơi nào đó; Thấy một số cảnh đẹp...
Càng nhiều thời gian bạn tỉnh thức với hơi thở tự nhiên, bạn càng dễ dàng đi vào Thiền định. Tất cả các trải nghiệm trong Thiền định đều tốt. Bạn chỉ đơn giản là tỉnh thức để chứng nghiệm và không bị cuốn theo.
Trong cuộc sống hãy sống với hiện tại, tập trung vào những công việc, hoạt động đang xảy ra. Nếu có suy nghĩ không cần thiết đến, hãy dừng lại. Bất cứ lúc nào bạn nhớ ra, hãy đưa sự chú ý trở về với hơi thở.
Rủi ro khi Thiền ở nhà
Một khi tự học Thiền khó chọn phương pháp học thiền phù hợp khi có hàng ngàn phương pháp tập luyện thiền được chia sẻ trên: Facebook, youtube, google, … hoặc từ một người đã có kinh nghiệm thiền trước đây nhưng không hẳn là một thiền sư, người nghiên cứu hay chuyên tu về thiền…
Nếu chọn sai phương pháp học ngồi thiền điều này thật đáng sợ. Có rất nhiều trường hợp “tẩu hỏa nhập ma” vì ngồi thiền sai cách. Họ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, luôn tự lẩm bẩm điều gì đó. Do đó, cần
cẩn thận Thiền không đúng cách hậu quả khôn lường.
Vậy có nên tự học Thiền hay không khi mà những nguy cơ luôn tồn tại khi bạn ngồi thiền sai cách cũng có thể khiến các kinh mạch bị tổn thương dẫn đến người bình thường thì mắc bệnh, người bị bệnh lại càng bệnh thêm.
Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, nếu các bạn tự học ngồi thiền đúng phương pháp lại thêm có được người thầy giỏi thường xuyên chỉ điểm trong quá trình luyện tập thì học ngồi thiền tất sẽ thành công như mong đợi. Do đó, sự có mặt của người thầy hay người có nhiều kinh nghiệm thiền luôn là cần thiết.
Khi đó, bạn sẽ biết mình cần thiền ra sao, theo các bước thế nào để đạt hiệu quả, đi sâu hơn vào bên trong mình. Những vấn đề bạn gặp phải cũng sẽ được tháo gỡ, tránh khỏi tâm lý lo sợ hay bất an khi không thể tự giải quyết.
Tự tập thiền có thể vẫn hợp lý trong một giai đoạn nhất định, nhưng nếu nắm rõ phương pháp, kĩ thuật chính xác ngay từ đầu và được chia sẻ kinh nghiệm từ người đi trước, chắc hẳn thành quả bạn thu về vẫn đáng kể hơn so với việc tự mình bước đi.
Để có thể tự tập thiền, bạn cần có một nội tâm tương đối vững vàng. Bởi thiền tưởng như chỉ ngồi đơn giản thế thôi nhưng chính vì thân đã bất động nên ta mới thấy được tâm mình náo loạn tới mức nào. Nếu không cẩn thận, ta rất dễ bị chính nó dẫn dắt và chi phối theo một khuynh hướng thái quá nào đó, có thể là ham thích hay sợ hãi khi gặp phải những hiện tượng bất thường.
Bởi lẽ, không phải phương pháp thiền nào chúng ta cũng có thể tự đi sâu vào. Đối tượng hoạt động của thiền là tâm, mà tâm thì mang tính trừu tượng, khó nắm bắt và luôn dao động. Không phải ai cũng đủ sự tỉnh thức để hiểu rõ chính mình, nắm bắt hoạt động của tâm để điều chỉnh theo ý muốn như trên một chiếc máy tính.
Cần chọn thầy giỏi, tâm sáng, đôn hậu để chỉ giúp và kiểm tra kết quả. Khi tập thiền, nên hướng về kiến thức chuyển hóa tâm tính, nhờ đó mà đả thông kinh mạch, minh mẫn khỏe mạnh, yêu thương. Ngược lại tránh đặt ra các ham muốn trong thiền để giỏi hơn, giàu hơn, có quyền năng mà gây ra sự rối loạn khí lực, làm các kênh năng lượng bị đảo cực, gây hoa mắt, bức bối trong cơ thể và các dạng tâm thần.
Nếu việc tự tập có thể đem đến những kết quả tích cực thì không có lí do gì để ta lo ngại hay trì hoãn thiền. Còn ngược lại, khi phát sinh bất kể hiện tượng nào bất thường, nếu không có khả năng tự điều chỉnh hay giải quyết thì có lẽ ta cũng không nên tiếp tục tự thực hành.
Tuy nhiên, tự chúng ta cũng có thể thấy rằng mỗi con người đều là những cá thể riêng biệt, không ai giống ai về khả năng nhận thức, tư duy, tính cách, tâm lý… Ngay bản thân chúng ta cũng luôn có sự thay đổi về những điều trên theo các giai đoạn hay thời điểm khác nhau trong đời. Không có vấn đề gì nếu thiền chỉ đơn giản là việc ngồi bất động, lặng yên trong một thời gian nhất định. Sự trải nghiệm thiền khác nhau ở mỗi người lại tạo nên cơ số vấn đề, từ đơn giản tới phức tạp và chỉ bạn mới tự tìm ra cho mình câu trả lời của câu hỏi: Có nên tự học Thiền hay không.