Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Thực hiện ngay bài thực tập quan sát hơi thở giúp đẩy lùi bệnh tật

Thứ Ba, 11/02/2020 14:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bài thực tập quan sát hơi thở sau đây vừa đơn giản vừa dễ áp dụng nhưng có tác động rất lớn tới sức khỏe của bạn, vì thế, sau khi đọc bài viết này bạn có thể thực hành càng sớm càng tốt.
 
Những bài thực tập quan sát hơi thở, bước chân, mỉm cười, thả lòng,… đều là cơ hội quý giá để ta trở về hiện tại và kết nối với chính mình. Có thể phải mất khá nhiều thời gian mới kết nối được, vì tâm ta “ở trọ” nơi khác đã quá lâu nên không quen cảm giác trở về, thứ cảm giác tưởng chừng như khô khan và tẻ nhạt.
 
Nhưng cứ kiên trì thực tập trong khả năng và điều kiện có thể, trước sau gì ta cũng sẽ nhớ ra “password” (mã số) để vào được “căn nhà” của mình.
 
Vào được rồi thì khỏe, nhẹ, yên,… mà không có bất cứ cảm giác hấp dẫn nào từ bên ngoài có thể so sánh được. Càng an trú (ở yên) trong chính mình ta có thể lắng nghe và thấu hiểu những gì đang diễn ra để kịp thời giúp đỡ.

Tham khảo: Những cách đặt tay khi ngồi Thiền cực đơn giản giúp bạn tìm thấy bình yên
 
 
bai thuc tap quan sat hoi tho
 

Bài thực tập quan sát hơi thở về thân


Bài này vừa giúp ta cảm nhận rõ rệt hơn về tình trạng thân thể, mà cũng vừa giúp ta thư giãn sâu sau những giờ làm việc mệt nhọc, cơ thể đau nhức, đầu óc căng thẳng, nhất là đang gặp khó khăn trong việc kết nối tâm với thân. Hạn chế của bài này là dễ khiến ta chìm vào giấc ngủ, nhưng sẽ là “bài ruột” cho những ai khó ngủ hay bị chứng mất ngủ.
 
Bài này có thể thực hành vào lúc nghỉ trưa hoặc trước khi lên giường ngủ, tùy vào nhu cầu và điều kiện cho phép mà ta thực hành đầy đủ hay rút ngắn. Không nhớ hết nội dung để tập thì nhờ vào bản thu âm. 
 
Điều kiện bắt buộc là phải nằm thẳng lưng xuống, nhưng nếu chỉ có thể nằm trên ghế mềm và ngả ra sau như loại ghế văn phòng hay trên xe ô tô thì cũng tạm được.
 
Nằm ngửa, đầu không kê gối, hai mắt nhắm lại, hai cánh tay thả xuôi theo chiều cơ thể, hai cẳng chân buông lỏng, và hai bàn chân hướng ra ngoài. 
 
Chú ý vào thành bụng đang phồng lên và xẹp xuống một cách tự nhiên. Chỉ cảm nhận mà không điều khiển.
 
Chỉ biết có sự lên – xuống của bụng, cả tiến trình lên và tiến trình xuống, chỉ có hơi thở vào và ra, mà không biết tới đối tượng nào khác. Để dễ cảm nhận hơi thở hơn, ta có thể đặt nhẹ một bàn tay lên bụng vài phút. Nên nhớ, không có hơi thở nào giống với hơi thở nào, vì vậy hãy quan sát và cảm nhận kỹ hơn từng hơi thở một mà đừng nôn nóng chờ đến hơi thở khác.
 
Trong khi theo dõi hơi thở, ta vẫn nhớ thả lỏng toàn thân và nếu được thì nên kết hợp với nụ cười để sự thư giãn diễn ra trọn vẹn và lâu bền hơn.
 
Ta có thể đưa sự chú ý đến hai cẳng chân và  hai bàn chân. Cảm nhận đôi chân của ta đang nghỉ ngơi thực sự trên sàn nhà (hay trên giường), không còn chạy lăng xăng tới lui nữa. Ý thức rằng đôi chân của ta vẫn còn lành lặn, còn có thể giúp ta đi đứng, chơi thể thao, hoạt động suốt ngày.
 
Thở vào, thả lỏng hai cẳng chân và hai bàn chân; thở ra buông hết những căng thẳng đang tích tụ trên đôi chân. Cảm nhận đôi chân mỗi lúc càng thêm thư giãn, êm ái.
 
Sau đó, ta dời sự chú tâm đến hai cánh tay và hai bàn tay. Thả lỏng cả lòng bàn tay và các ngón tay. Cảm nhận đôi tay đang rất hạnh phúc vì được nằm yên, không phải lao tác để phục vụ cho những mong muốn bất tận của ta nữa. Thở vào, gửi tới đôi tay màu nhiệm này lòng biết ơn sâu sắc; thở ra, mỉm cười vì vẫn còn đôi tay khỏe mạnh cho ta sử dụng.
 
Thở vào, cảm nhận từng cơ bắp trên đôi tay đang nghỉ ngơi, thở ra, cảm nhận từng tế bào trên đôi tay đang an tịnh.
 
Tiếp theo, hãy viếng thăm đôi bờ vai. Đôi vai của ta vừa trải qua những giây phút khá căng thẳng và thậm chí đau nhức vì ta đã ngồi nhiều quá, ngồi không đúng cách, ngồi mà không chú ý đến dáng ngồi và đặc biệt là để cho đôi vai phải gồng lên liên tục.
 
Xin lỗi đôi vai của ta nhé! Ta đang có mặt với tất cả tình thương để chăm sóc cho đôi vai đây. Thả lỏng đôi vai. Mỉm cười với đôi vai. Thở cùng với đôi vai. Tự nhắc nhở sẽ không để cho đôi vai bị căng thẳng quá mức như vậy nữa. Cảm nhận đôi vai đang có những giây phút thật thư thái, nhẹ nhàng. 
 
 
dat tay len bung khi quan sat hoi tho
 
Bây giờ, hãy đưa sự quan tâm ưu ái đến gương mặt. 
 
Thở vào, thở ra, cảm nhận gương mặt của ta không còn căng thẳng, nhăn nhó hay trơ cứng nữa, đặc biệt nhờ nụ cười nhẹ nhàng mà ta cảm nhận rất rõ sự thư giãn đang diễn ra trong từng cơ bắp trên gương mặt. Cảm nhận đôi môi đang căng nhẹ vì đang cười mỉm. Cảm nhận đôi mắt đang khép nhẹ và lắng sâu vào bên trong. Thở vào, thở ra, cảm nhận toàn mặt đang được nuôi dưỡng bởi năng lượng bình an, tỉnh thức.
 
Nếu trong cơ thể có vùng nào đang bị căng thẳng quá mức, đau nhức hay tổn thương, dù đó là bao tử, lá gan, trái tim, buồng phổi,… thì ta nên chú tâm thật lâu vào vùng đó. Khả năng tự chữa trị trong ta vốn rất cao. Chỉ cần ta duy trì niềm tin tưởng ấy và hết lòng quay về chăm sóc thì tiến trình trị liệu sẽ xảy ra. Đặc biệt, nêu biết “tâm tình” với các bộ phận trên cơ thể đang gặp khó khăn bằng lòng thành khẩn và biết ơn, thì sự kết nối, thoa dịu, và đánh thức khả năng tiềm ẩn bên trong đối tượng đó sẽ lớn mạnh đến bất ngờ.
 
Trong quá trình “scan” từng bộ phận của cơ thể, ta có thể kết hợp với hơi thở hoặc chỉ cảm nhận trực tiếp vào tình trạng của đối tượng. Miễn sao duy trì được năng lượng tỉnh thức, thư giãn và bình an là ta đã làm đúng cách. Thời gian “scan” ở mỗi bộ phận trên cơ thể tùy vào nhu cầu của ta ở mỗi thời điểm, khi nào thấy bộ phận đó mềm mại và yên ổn rồi thì mới chuyển sang bộ phận khác.
 
nam thien va cam nhan tung bo phan cua co the
 

Lưu ý trong khi thực hiện bài thực tập quan sát hơi thở
 

Trong khi thư giãn sâu nếu có lỡ ngủ thì cũng không sao, như vậy chứng tỏ là đầu óc ta đang cần được nghỉ ngơi sâu để nạp năng lượng. Tuy nhiên, cũng không nên mỗi lần nằm xuống buông thư cũng đều lăn ra ngủ, vì ngủ tuy thư giãn nhưng lại rơi vào tình trạng “không biết gì”, trong khi ta đang hành thiền, nghĩa là ta đang tích góp từng chút năng lượng tỉnh thức, nghĩa là luôn luôn hay biết.
 
Để tránh cơn buồn ngủ khi vừa mới buông thư, ta nên “scan” từ dưới chân lên đầu thay vì làm ngược lại, mở mắt nhìn trần nhà một chốc, cử động nhẹ các ngón tay hay ngón chân, phát khởi ý muốn biết rõ tình trạng của từng bộ phận đang thăm dò.
 
Nếu có thời gian hoặc có nhu cầu nuôi dưỡng tâm bình yên, trong khi nằm xuống buông thư ta có thể kết hợp thả lỏng toàn thân, theo dõi hơi thở, và lắng nghe những tiếng động xung quanh. Có khi chỉ tập trung nghe rõ từng âm thanh một, có khi chỉ nghe một cách tổng quát mà không cần phân loại.
 
Nhớ kết hợp nụ cười để tăng thêm ghi nhận và thư giãn. Chừng 5-10 phút buông thư kết hợp lắng nghe như vậy, ta có thể dễ nhận ra những giá trị hạnh phúc đang hiện hữu quanh mình nên cũng dễ buông bỏ những mong cầu không cần thiết.
 
Minh Minh (Theo thầy Minh Niệm)
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X