Ý nghĩa danh xưng "Phật" - không phải ai cũng biết

Thứ Ba, 24/11/2015 16:35 (GMT+07)

Là danh xưng mà hầu như người nào cũng biết nhưng ý nghĩa của từ "Phật" thì không phải ai cũng hiểu. 


 
Phật hay Phật đà là một danh từ, phiên âm tiếng Ấn – cái nôi của Phật giáo là Buddha, phiên âm Hán ngữ là Bố đạt. Phật đà trong tiếng Ấn mang ý nghĩa “giác nhân” – giác ngộ con người, mục đích cao nhất của tôn giáo này. Hoặc “trí giả” – con người có trí tuệ. 
 

Phật giáo tiếp thu và nâng cấp ý nghĩa của từ Phật đà với ba khía cạnh:
 

Chính giác: tức là tự giác, là đức tính đáng quý và cần thiết của con người; không tăng không giảm, bất chấp không gian, thời gian và trạng thái, con người tự mình giác ngộ, lĩnh hội.
 

Biến giác: không chỉ bản thân mình giác ngộ mà còn khai mở cho người khác, khiến người khác cũng giác ngộ như mình. 
 

Viên giác: đây là cảnh giới cao nhất của sự giác ngộ cùng trí tuệ, là cảnh giới viên mãn nhất, hoàn toàn giác ngộ và lan truyền sự giác ngộ của mình một cách sâu rộng. Đức Phật chính là người đạt tới viên giác.
 

Bắt đầu từ trí tuệ, rồi tiến lên giác ngộ, sẽ sở hữu “trí”. Phật giáo cũng chia làm ba loại trí, ba cấp độ nhận thức và giác ngộ. 
 

“Nhất thiết trí”, hiểu mọi điều về bản thể vũ trụ, biết bản chất của nó. 
 

“Đạo chủng trí”, làm sáng tỏ mọi điều trong vũ trụ, không chỉ biết, chỉ hiểu mà còn nhận thức chính xác các hiện tượng, sự kiện, biết nguồn gốc và kết quả của chúng.
 

“Nhất thiết chủng trí”, hiểu biết bản thể vũ trụ, có năng lực rõ ràng mọi thiên biến vạn hóa, không bị bất cứ điều gì làm cho mê hoặc, bất ngờ.