Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo không phải giống như những gì chúng ta tưởng

Thứ Năm, 12/12/2019 17:49 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo không chỉ là phép màu để biến mọi mong muốn của bạn trở thành hiện thực nhưng chúng sẽ mang lại sức mạnh vô hình giúp bạn vượt qua được mọi trở ngại của cuộc sống.

 

Ý nghĩa cầu nguyện trong Phật giáo


Thói quen cầu nguyện đã đi vào cuộc sống tâm linh của chúng ta từ lâu và ngày càng biến tướng thành những hình thức khác nhau từ đơn giản cho tới những mâm cao, cỗ đầy của một số gia đình muốn thần linh giúp đỡ mình một việc quan trọng gì đó.

Thế nhưng, theo Ðức Phật mọi nguyện cầu của chúng ta muốn trở thành hiện thực hoàn toàn không phải từ Ngài, không phải sự cứu rỗi từ của Chúa, không phải do một ai, mà chính do sự tự tu tập của chúng ta dẫn ta tới những duyên lành.
 
Cầu nguyện, cầu xin hay ước nguyện là một trạng thái tâm lý mong mỏi một điều gì đó sẽ được thực hiện, sẽ được thành tựu hay diễn ra theo chủ ý của người mong đợi. Nó phản ánh một thái độ mong chờ một sự kiện diễn ra theo chủ ý của người có ước mong. Theo đạo Phật, tùy theo đối tượng và mục tiêu của ước muốn, cầu nguyện có thể xuất phát từ tâm tham, từ sự nghèo nàn trong tâm hồn, muốn gồm thâu về cho bản thân, người thân của mình, cho gia đình mình.
 
Thần linh và thượng đế nếu có cũng không sống ngoài quy luật nhân quả như tất cả chúng sinh. Vị thẩm phán của nhân quả rất công minh, chính xác và không lầm lẫn trong khi phán quyết nghiệp báo của các hành vi thiện ác.

Do đó, không nên trông chờ vào một quyền năng bất thật của của bất cứ ai khoác ngoài ta. Nên nhớ rằng, một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật muôn đời này. Xem thêm: Lời Phật dạy về nhân quả nhất định phải hiểu mới áp dụng đúng
 
Y nghia cau nguyen trong Phat giao
 
Về phương diện cầu nguyện hay ước muốn thiện, đức Phật cũng khẳng định rằng cầu nguyện về điều thiện mà không nỗ lực thực hiện thiện cũng trở nên vô ích và không có kết quả nào cả. Ðức Phật khẳng định rằng những thứ này không thể do cầu nguyện hay ước muốn suông mà có được:
 
"Này các vị, có năm điều sau đây không thể do cầu nguyện hay ước muốn mà có được: (1) tuổi thọ (àyu), (2) sắc đẹp (va.n.na), (3) hạnh phúc (sukha), (4) danh tiếng (yasa) và (5) sanh cõi trời (sagga)." (Theo Tăng Chi, A"nguttara Nikàya, III. 47)
 
Hãy hành động đạo đức, đó mới là phương châm của một đời sống hạnh phúc và an lạc theo Phật giáo:

- Nếu bạn muốn có sức khỏe chúng ta phải sống tiết độ, thiền định, không sa đắm sắc dục, không rượu chè, hút sách, siêng thể thao, và ngủ nghỉ thích hợp.

- Muốn có sắc đẹp ta phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn uống kiêng cử, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc điều độ...

- Muốn có đời sống hạnh phúc ta phải làm thiện, bỏ ác, tuân thủ pháp luật, sống vì lợi ích của mình và người khác.

- Muốn có danh tiếng ta phải siêng năng học tập, làm việc chăm chỉ, sống có lương tâm, đạo đức, cương trực, liêm sĩ, công bằng, thanh cao, rộng lượng giúp đỡ người khác và làm nhiều việc tốt. 

Ðạo Phật không dạy ta sống với những ước muốn hay cầu nguyện suông, trái lại dạy ta các phương pháp cụ thể để biến niềm mơ ước trở thành hiện thực thông qua hành động. Nói cách khác cầu nguyện hay ước muốn dù tốt đẹp đến đâu nếu không có hành động hay ứng dụng cụ thể cũng trở nên vô ích. Học thuyết hành vi đạo đức của Phật giáo trên cơ sở này đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức của con người. 

Nhưng đến nay, có nhiều nơi vẫn xây tượng của Ngài để thờ phượng thì có gì gọi là đi trái với lời dạy của Phật. Thực tế, việc Phật tử thờ Đức Phật cũng như là cách để cảm ơn về những lời dạy của Ngài. 
 
viec tho Phat trong cuoc song hien dai
 

Cầu nguyện và thờ phượng theo góc độ khoa học

 
Việc cầu nguyện cũng như niệm Phật, tụng Kinh, trì Chú,... tuy không có khả năng ảnh hưởng tới thần linh nào đó nhưng lại mang lại cho chúng ta niềm tin mãnh liệt và thực tế chúng có thể thay đổi một số điều mà đôi khi chúng ta không thể nghĩ tới.

Cầu nguyện là sự đối thoại tâm linh với một người mà mình kính trọng và tin tưởng. Đức Phật không khuyến khích tín đồ của mình cầu nguyện hay thờ phượng, nhưng nhấn mạnh vào sự hành thiền và niết bàn, đó là việc đối diện với chính mình. Xem thêm: Gửi gắm tâm nguyện qua bài khấn cầu sự nghiệp tình duyên nơi cửa Phật

Vì thế, việc nói ra những lời cầu nguyện không chỉ dành cho người có đạo, tín ngưỡng mà dành cho mọi người. Việc này khiến mọi người cảm thấy tự tin khi giúp họ vượt qua bệnh tật và tâm linh là một phần rất quan trọng đối với cuộc sống và có thể giúp xây dựng một cơ thể khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn.
  
Theo nghiên cứu tại Đại học Y khoa Dartmouth, niềm tin tôn giáo cho thấy những bệnh nhân có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ khi phẫu thuật tim có khả năng phục hồi gấp ba lần so với những người ít tôn giáo. Các nghiên cứu tại Đại học Cincinnati phát hiện ra rằng những người có cầu nguyện và hành thiền thì ít có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn so với những người không thực hiện.
 
Vì thế, Phật tử vẫn có thể tin tưởng vào sự cầu nguyện cho mình công đức và ước muốn được cuộc sống bình yên cũng như tái sanh tốt đẹp.

Nói tóm lại, để được sức khỏe và an lạc, theo đạo Phật, chúng ta phải tu tập công đức, làm việc lành, sống tiết chế, ngủ nghỉ ăn uống thích hợp, an trụ vào hiện tại, lấy chánh niệm và sự tỉnh thức làm phương châm của cuộc sống. Ðược như vậy thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng hành của ta trong cuộc đời.

Ở đây, không hề có yếu tố tha lực. Tất cả tùy thuộc vào đời sống đạo đức, trí tuệ và thái độ sáng suốt của chúng ta.

Tin cùng chuyên mục

X