Những ý nghĩa áo cà sa khiến chúng ta phải nghiêng mình kính cẩn

Thứ Năm, 04/07/2019 10:41 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ý nghĩa áo cà sa không đơn giản chỉ cho chúng ta biết ai đang theo đạo Phật mà nó còn mang hàm ý rộng hơn thế mà khi khám phá ra rồi bạn sẽ tự khắc muốn nghiêng mình trước những bậc tu hành đang khoác trên mình màu áo ấy.
 

1. Đức thánh thiện áo cà sa của Phật giáo


Áo cà sa là áo Phật, áo Như Lai, hạnh cà sa là hạnh Phật. Cà sa tượng trưng cho sự nhu hòa, nhẫn nhục, bình đẳng, khiêm cung. Đó cũng là những đức hạnh để phát triển tâm Từ.

Những màu sắc như nâu, vàng, màu lam dịu của chiếc áo cà sa gợi lên trong chúng ta hình ảnh một đời sống đơn giản, khiêm cung, hòa ái, an lạc và thanh thoát.

Những màu sắc đó cũng rất gần gũi khi đó là màu của đất, của khói hương, của lá, cây, củ, rễ, những thứ rất gần với đời sống hàng ngày.

 
 
Và đặc biệt trong thế giới chạy đua với thời gian ngày nay, những màu sắc đó nhắc chúng ta rằng, vẫn còn có những nơi chốn mà thời gian không chạm đến, sự mâu thuẫn và tranh đua không len vào, nơi mà đất trời có thể được cảm nhận thật gần, hiện diện ngay trong đời sống này, là những chỗ chúng ta có thể dừng lại, trong chốc lát hay dài lâu, để tìm thấy sự nghỉ ngơi và tìm lại chính mình.
 
Theo Kinh Bi Hoa (Từ Bi Liên Hoa) ghi lại, Đức Phật nguyện khi Ngài chứng quả Chánh giác, cà sa của Ngài sẽ có năm đức như sau:

1. Người thế tục biết kính trọng cà sa sẽ được Tam thừa. (Tam thừa là ba cỗ xe đưa đến Niết-bàn, đó là Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ Tát thừa)

2. Trời, rồng, người, quỷ, thần biết kính trọng cà sa cũng sẽ được Tam Thừa. (ý chỉ rằng họ sẽ được được tới cõi Niết-bàn)

3. Chúng sanh và quỷ thần chỉ cần bốn tấc cà sa sẽ được no đủ.

4. Chúng sanh thường nghĩ nhớ đến cà sa sẽ tăng trưởng lòng từ bi.

5. Người trong trận mạc nếu có một mảnh cà sa và kính trọng mảnh cà sa đó thì sẽ được vinh quang. 

2. Ý nghĩa áo cà sa


Không khí trang nghiêm của những đạo tràng với những chiếc y màu vàng hoại sắc và những chiếc áo tràng màu lam dịu luôn luôn là những hình ảnh đẹp lại vừa trang nghiêm vừa thanh thoát.

Thế nhưng không phải như cách hiểu thông thường rằng áo cà sa chỉ để mặc cho đẹp, cho sang, thể hiện về hình tướng, cũng như không phải để phô trương sự trang nghiêm thanh tịnh, hay gieo duyên nào đó như nhiều người vẫn biện hộ. Ý nghĩa áo cà sa như sau:
 

2.1. Lời nhắc nhở về việc giữ giới


Thế giới ta bà hay luân hồi gồm có ba cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Hầu hết chúng sinh còn vướng mắc trong những vòng luân hồi nên đang cùng sống chung cạnh nhau trong ba cõi ấy bất kể chúng ta là ai: súc sinh, quỷ đói, con người, cho đến thánh nhân và thiên nhân.

Việc chúng ta phạm sai sót là điều không thể tránh khói và khác với người thường, những ai xuất gia khoác lên người chiếc áo cà sa để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám víu… Chiếc áo ấy mang lại an lạc cho họ, giúp họ phát lộ lòng Từ bi, gia tăng thêm tinh tấn, sức mạnh và Trí tuệ.
 
Ý nghĩa áo cà sa đó là hình ảnh đánh động tâm thức để che chở cho ta trong cuộc sống bon chen, đầy tham vọng, lừa đảo, hận thù và hung bạo. Nó ngăn chúng ta những cơn hung dữ và hận thù dấy lên trong lòng. Xem thêm: Lời Phật dạy cho người nóng tính, nhớ để chớ phạm sai lầm
 
 
Chiếc y cà sa cũng là biểu tượng của phạm hạnh, đức độ, là ánh đạo vàng, biểu trưng cho sự giác ngộ toàn năng nên được tứ chúng Phật tử tôn xưng và kính ngưỡng. Đối với hàng phật tử xuất gia, được khoác trên mình chiếc y cà sa để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh là một hạnh duyên thù thắng mang lại nhiều hạnh phúc, an lành và thành tựu.

Tuy nhiên phần đông chúng ta là những kẻ thế tục, những cư sĩ tại gia, chúng ta không có cái may mắn, cái cơ duyên tốt lành của một người xuất gia, hãnh diện được khoác lên người chiếc áo cao quý của Đạo Pháp. 
 
Tóm lại, chiếc áo cà sa trong tâm thức, trước hết cũng không khác gì một bức rào ngăn chận những hành vi mê lầm và phạm giới của ta, và sau đó lại trở thành một bức tường thành kiên cố mang lại sự an lạc cho ta. Do vậy ta hãy quyết lòng khoác lên tâm thức ta một chiếc áo cà-sa thật tinh khiết để nhìn thấy những thánh nhân và thiên nhân chung quanh ta và để được đến gần với họ.  
  

2.2. Sự khiêm nhường và giản dị


Theo lịch sử của chiếc áo cà sa xuất phát là những mảnh vải vụn, những miếng vải rách bạc màu được khâu lại với nhau để làm áo. Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài dùng chiếc áo ấy để che thân, để đắp và để gấp lại làm tọa cụ. Và hơn thế, khi các chư tăng nhận phẩm vật cúng dàng của phật tử, tùy khả năng để có thể mang lại lợi ích và không lãng phí. 

Đó cũng chính là sự đúc kết kinh nghiệm của các hành giả tu lâu năm trong các tu viện thanh tịnh phải tự lo lượm vải khâu may y phục cho bản mình. Điều đó cũng nói lên ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc áo Cà Sa. Xem thêm: Sống khiêm tốn mới là đỉnh cao của sự hiểu biết

Chiếc áo ấy đã biến dạng để tượng trưng cho những thửa ruộng vuông vắn của phúc hạnh, hoặc để tượng trưng cho sự lãnh đạo một Tăng đoàn. Chiếc áo ấy cũng đã trở thành tấm rakusu của người tu Thiền dùng để đeo lên ngực một cách kính cẩn.

Qua bao đời nay, chiếc áo cà sa đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu hay phong tục tập quán của mỗi quốc gia nhưng chắc chắn những biến đổi đó không làm mất đi giá trị biểu trưng và hình tượng tiêu biểu của đạo Phật. Chiếc áo Cà Sa chắc chắn vẫn luôn giữ được truyền thống và phong cách hàng ngàn năm của Phật giáo.

Đức Phật dạy chúng ta đừng bám víu vì Đạo Pháp cũng chỉ là một chiếc bè giúp để qua sông mà thôi. Thiếu chiếc bè thì ta không thể qua sông được, và tương tự như thế, nếu không có Đạo Pháp thì ta cũng khó mà vượt được dòng thác của Vô minh. 

Đối với chiếc áo cà sa cũng vậy, khi ta vẫn còn đang lặn ngụp trong dòng thác chảy xiết của Vô minh thì hãy cứ bám víu vào nó. Cuốn trôi theo dòng nước cuồn cuộn, nếu như ta có vớt được một cành tre gai góc to bằng ngón tay thì ta cũng chớ vội tưởng là đã đến được bờ bên kia của Giác ngộ mà vứt bỏ nó đi.

MiMo (Tổng hợp)