Xây chùa to để làm gì? CÔNG ĐỨC hay TẠO NGHIỆP?

Thứ Tư, 06/03/2019 15:06 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Số lượng chùa chiền quy mô lớn mọc lên ngày càng nhiều, gần đây nhất là việc xây dựng chùa Tam Chúc Ba Sao ở Hà Nam, đã đặt ra câu hỏi không khiến ít độc giả băn khoăn: Xây chùa to để làm gì?
 
Xây chùa to để làm gì? Câu hỏi khiến không ít độc giả băn khoăn


Sự phát triển của chùa chiền hiện nay

 
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam, là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo. 
 
Chuyện xây chùa lớn hay chùa nhỏ đã lan rộng khắp dư luận thời gian gần đây, đặc biệt khi ngôi chùa Tam Chúc Ba Sao ở Hà Nam đang trong quá trình hoàn thiện, trở thành ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
 
Tới chùa lễ Phật, tới chùa dù là vãn cảnh hay du lịch cũng có một chút thanh thản. Chính vì thế mà chùa mọc lên khắp nơi...giống như một trào lưu mà chúng ta không ngăn cản được.
 
Với đà phát triển đô thị và khi người dân giàu có lên, việc xây dựng chùa dường như đã trở thành nhu cầu thiết yếu để người dân thỏa mãn yếu tố tâm linh.
 
Khi thế gian còn khổ thì Phật pháp còn và chùa vẫn còn. Khi đất nước nghèo khó thì chùa được xây dựng đơn sơ. Khi đất nước giàu có thì chùa nguy nga tráng lệ.

Đọc ngay: Những cái NHẤT ở chùa Tam Chúc Hà Nam - Ngôi chùa lớn nhất thế giới

 

Xây chùa to có phải bình thường không?
 

Xây chùa to để làm gì? Trong một xã hội phát triển bình thường thì việc xây quá nhiều chùa to là điều không bình thường. 
 
Có tình trạng nhiều ngôi chùa chiếm lĩnh những vị trí “trọng cốt” về mặt địa lý ở miền Bắc. “Trọng cốt” là các vị trí đẹp, xây chùa thật to, thật cao để nhìn được khắp nơi và các nơi nhìn thấy. Những điều này hoàn toàn không phù hợp với hệ thống chùa chiền, miếu mạo của miền Bắc.
 
Xét ra, những ngôi chùa ấy có một cách gọi mới là “du lịch tâm linh”. Nó không đúng với tính chất một ngôi chùa truyền thống trong văn hóa người Việt. 

Xem thêm: "Vắng như chùa Bà Đanh" - Thành ngữ ẩn chứa nhiều yếu tố tâm linh
 

Xây dựng chùa to để làm gì? CÔNG ĐỨC hay TẠO NGHIỆP?


Xây chùa to là công đức hay tạo nghiệp?
 
Xây chùa nguy nga, đồ sộ sẽ không là vấn đề nếu nơi đó trở thành chốn tu học, hướng dẫn Phật tử, tổ chức những sinh hoạt lành mạnh cho thế hệ trẻ, giữ gìn bản sắc và văn hóa dân tộc.
 
Tuy nhiên, đời sống xã hội hiện đại quá cởi mở nên con người ta cũng dễ bị khủng hoảng, stress, nên người ta tìm kiếm, thậm chí sẵn sàng chết vì niềm tin tâm linh. 
 
Từ mộ đạo dẫn đến mê tín là khoảng cách rất gần. Niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Chùa càng to càng kéo theo sự mê tín nhiều. 
 
Xã hội ngày nay ai cũng có nhu cầu về tâm linh, điều đó không hề xấu. Tuy nhiên, tôn giáo không tách rời chính quyền và kinh tế.
 
Đôi khi tôn giáo lợi dụng chính quyền để làm kinh tế (bao hàm cả nghĩa tốt lẫn không tốt). Một không gian làng xã mà có một ngôi chùa to quá thì nguồn thu lớn, chính quyền có kiểm soát được không? 
 
Xây chùa to để làm gì? Ở góc độ kinh tế, xây chùa càng to thì càng có nhiều người đến, càng thu được nhiều tiền. Một bên là nguồn thu tập trung cho các tập đoàn, doanh nghiệp… trong các dự án tâm linh, và một bên là nguồn thu lan tỏa trong nhân dân, từng làng, từng xã.
 
Tuy nhiên, đến một lúc nào đấy, có kiểm soát được niềm tin tôn giáo của người dân khi đến chùa to, tâm linh, các lễ hội tập trung … hay không? 

Đọc ngay: QUẢ BÁO người thích câu cá thực sự đáng sợ
 
Nhiều các vụ việc về lễ hội, về chùa chiền gần đây, người ta đồn đại chỗ này, chỗ khác thiêng lắm. Thế là nhân dân đổ xô lao vào. Niềm tin không thể kiểm soát, kinh tế cũng không thể kiểm soát. Khi không thể kiểm soát thì thậm chí có ảnh hưởng xấu đến chính trị.
 
Nhiều ngôi chùa xây mới trong 20 năm trở lại đây thường có kích thước to lớn, tọa lạc trên diện tích hàng chục đến hàng trăm héc ta, với mục đích chính là thu hút du lịch tâm linh, đem lại những khoản thu cho ngân sách địa phương. 
 
Vì vậy, việc xây dựng các công trình này thường máy móc, theo ý thích của chủ đầu tư mà hạn chế khả năng sáng tạo của các nhà kiến trúc. Thay vào đó là sự phô trương, vụng về trong tạo hình.
 
Những ngôi chùa làng bây giờ đã thành ngôi chùa của thành phố. Không gian của nó đáp ứng được nhiều hơn, rộng hơn và số lượng lớn hơn nhưng dần dần nó bị vật chất hóa chứ không nâng cao yếu tố tinh thần. 
 
Chính vì thế những công trình được xây mới trong 20 năm trở lại đây có quy mô lớn nhưng thiên về hoạt động mang tính phô trương, những sự kiện lớn, tính hướng ngoại  hơn là làm cho con người trở về sự tĩnh tâm - điều mà hàng ngàn năm nay các ngôi chùa Việt đáp ứng được.
 
Thủy Thủy (TH)