Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Xá Lợi Phất là ai mà được ca ngợi là Trí tuệ đệ nhất, chỉ sau Đức Phật?

Thứ Hai, 11/12/2023 17:01 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những câu chuyện nhỏ dần hé lộ cho chúng ta biết Xá Lợi Phất là ai. Từ đó ta có cơ hội học hỏi được một phần nào đức tính tuyệt vời của Ngài.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
 
 

1. Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia

Xa Loi Phat la ai
 
Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàrìputa) sinh ra trong một gia đình giàu có Bà La Môn thuộc làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Cha Ngài là một Luận sư nổi danh trong giáo đoàn Bà La Môn. Mẹ Ngài là bà Xá Lợi (Sàri) cũng là một người phụ nữ thông minh có tài biện luận.

Upatissa cũng là tên được đặt cho ngài khi sơ sinh. Ngài là con trưởng, được mang tên của mẹ, trong khi một người em được đặt tên theo cha là Vagantaputra. Ngoài ra tên Ngài còn có nhiều cách phiên dịch. Có người dịch là Thân Tử, hoặc Thu Tử, hoặc Châu Tử. 

Tôn giả có ba em trai và ba em gái, ba người em trai của Tôn giả là: Cunda (Thuần đà), Upasena và Revata (Ly Bà Ða). Ba em gái của Tôn giả là Càlà, Upacàlà và Sìsùpacàlà.

Những người anh em của Ngài về sau đều theo Ngài xuất gia đắc quả A La Hán. Trong đó Ly Bà Ða là vị đệ tử thiền định đệ nhất của Phật. 

Mẹ của Xá Lợi Phất vốn cực kỳ yêu thương và tự hào về đứa con trai trí tuệ hơn người, chỉ 8 tuổi Ngài đã thuộc hết 18 bộ Kinh, biện tài vô ngại. Dù nhỏ tuổi nhưng lại có thể thăng tòa luận nghị, thắng các Luận sư trong nước, làm cho mọi người phải kinh ngạc, các Luận sư đều thán phục. Quốc Vương ban tặng cho Ngài ruộng đất vì tự hào đất nước mình có nhân tài lỗi lạc. 

Điều này càng khiến mẹ của Ngài hi vọng con trai kế thừa truyền thống học giả của gia tộc, trở thành một Luận sư nổi danh hơn cả người cha trong giáo đoàn Bà La Môn.

Thế mà ngài Xá Lợi Phất sau này đã làm mẹ thất vọng khi đi theo Phật giáo, khiến bà không thể nào có chút lòng tín kính Phật Pháp Tăng.

Năm 20 tuổi vì muốn có sự hiểu biết của các đạo giáo đương thời, Ngài rời quê hương đi học đạo lý với San Xa Da Tỳ La Lê Tử, một trong sáu phái Lục sư ngoại đạo. Chỉ sau một thời gian ngắn, Xá Lợi Phất đã am tường hết đạo lý của phái này.

Ngài tâm sự với bạn thân của mình lúc bấy giờ là Mục Kiền Liên rằng vẫn muốn được học hỏi thêm, sau đó họ cùng nhau tạo ra một học đoàn riêng. Mỗi người có 100 đệ tử, cả hai còn ước hẹn hễ ai đắc đạo trước thì thông báo lại đễ dẫn dắt nhau đi theo. 
 
Một hôm tại thành Vương Xá, Xá Lợi Phất gặp một Tỳ kheo của Đức Phật. Thấy phong độ uy nghi của Mã Thắng, Xá Lợi Phất tỏ lòng kính phục và được nghe giáo lý duyên sinh. 

Nghe thuyết duyên sinh, Xá Lợi Phất thấu suốt được sự thành hoại của vũ trụ duyên sinh và rất thán phục Đức Phật, nên theo Mã Thắng đến Trúc Lâm Tinh Xá bái yết Đức Phật. Trước Đức Phật Xá Lợi Phất xin được quy y và xin được đưa Mục Kiền Liên đến Tinh Xá Trúc Lâm. 
 
Nhận thấy hai người này đủ duyên lành, trở thành Đệ tử xuất sắc của mình, Đức Phật thâu nhận hai vị vào Tăng Đoàn của Ngài. Chỉ trong một thời gian rất ngắn cả hai đã trở thành đệ tử hàng đầu của Đức Phật bởi trí tuệ vượt bậc về pháp học và pháp hành.  
 

2. Truyền thuyết về ngài Xá Lợi Phất 

 

Mẹ của Tôn giả Xá Lợi Phất là chị ruột của Ma Ha Câu Hy La (Kausthila), tức là Phạm Chí Trường Trảo. Trước đây khi hai chị em luận bàn giáo lý thì chị thường xuyên bị thua. Thế nhưng kể từ khi mang thai Ngài, trí tuệ bỗng nhiên vượt trội, có thể luận nghị thắng em trai, khiến cậu ta luôn luôn bí lối, chịu thua chị.

Với trí thông minh của mình Trường Trảo biết rằng chị mình biện luận thắng là nhờ đứa cháu trong bụng, thế nên vì ngại về sau có thể thua đứa cháu thông minh tuấn tú của mình nên đi quyết tâm đến Nam Thiên Trúc học 18 bộ kinh.

Với lời thề nếu chưa thông suốt thì không cắt móng tay, thế nên cuối cùng vì mải học hành mà móng tay dài, râu tóc dài. Người ta tặng cho ông tên Phạm Chí, biệt hiệu là Trường Trảo (người Phạm chí móng tay dài). 
 
Sau thời gian chuyên chú học hành, ông thuần thục tất cả các học vấn biện luận của miền Nam Ấn Độ như y học, bói toán, chiêm tinh. Nhưng đến khi trở về nhà lại hay tin cháu đã đi xuất gia theo Phật rồi.
 
Vừa nghe nói cháu mình xuất gia theo Phật, ông liền khởi tâm tự cao tự đại, nghĩ rằng:

- Tại sao cháu tôi tài giỏi khắp thiên hạ, hết thảy năm nước lớn ở Ấn Độ đều biết đến danh tiếng, khiến mấy trăm Luận sư đều bại trận dưới tay nó mà lại xuất gia theo một Sa môn.
 
Tâm kiêu ngạo khiến ông muốn đi tìm xem vị Sa môn có bản lĩnh gì mà có thể gạt được đứa cháu mình.
 
Khi được gặp Phật, ông đã đánh cuộc nếu bản thân biện luận thua, sẽ cắt đầu mình đưa cho Ngài; nếu như Ngài thua thì phải trả đứa cháu.

Ông dùng hết những kiến thức mình học được suốt 18 năm qua ra để so tài nhưng không biết nên đem loại sách đã học nào ra biện luận để thắng được Phật; nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc ông nghĩ ra được một cách là lập ra một tông chỉ với Phật.

Trường Trảo chọn "bất thọ" (không tiếp nhận) làm tông, nghĩa là cho dù Đức Phật có nói gì cũng không tiếp nhận, không quan tâm. 
 
Phật bảo:

- Được! Ông lấy "bất thọ" làm tông, thế thì ông có tiếp nhận được kiến giải "lấy bất thọ của ông làm tông" của ông không?
 
Phật mới hỏi như thế đã làm cho ông cứng họng, không trả lời được. Nếu như nói “chấp nhận kiến giải của mình” thì đây là “thọ”; nếu như nói “không chấp nhận kiến giải của mình” thì căn bản sẽ không có tông.

Sợ vì phải cắt đầu mình như đã hứa với Phật nên ông liền bỏ chạy. Nhưng khi chạy khoảng 5-6 dặm, ông tự nghĩ mình là đại trượng phu phải giữ lấy lời, nghĩ vậy nên ông quay trở lại, bảo với Phật cho mượn con dao. Phật hỏi lý do vì sao ông mượn con dao nên mới biết ý định cắt đầu đưa cho Ngài như đã hứa.
 
Phật bảo:
 
- Trong giáo pháp của Phật không có loại phương thức này! Ông thua, xem như xong, hà tất phải cắt đầu?
 
Thế là Phật thuyết pháp cho ông; vừa nghe, ông liền đắc được Pháp nhãn tịnh, mở được con mắt pháp.
 
Mắt pháp vừa mở, ông biết được Phật pháp thâm diệu vô cùng, những gì ông từng học suốt 18 năm qua không bằng một phần vạn của Phật pháp! Thế nên ông cũng muốn xuất gia theo Phật. 
 

3. Vì sao Xá Lợi Phất là Trí tuệ đệ nhất

 
Xa Loi Phat la Tri tue de nhat
 
 
Tôn giả Xá Lợi Phất được xem là có trí huệ bậc nhất, là Đệ Nhất Thí Huệ trong thập Đại đệ tử của Đức Phật.

Mỗi khi Đức Thế Tôn giảng một bài Kinh, Tôn giả Xá Lợi Phất sẽ là người hệ thống hóa, đúc kết những tinh hoa rồi giải thích lại chi tiết, cụ thể cho những vị Tỳ kheo hoặc cư sĩ còn chưa hiểu. Ngài cũng thường xuyên khéo léo nhắc nhở, khuyến tấn huynh đệ mình tiến tu.

Tôn giả sẵn sàng lặp đi lặp lại cả trăm lần, mỗi lần Ngài lại mở ra một khía cạnh khác nhau, lấy những hình ảnh phong phú làm ví dụ giúp cho mọi người cảm thấy dễ hiểu nhất có thể.

Số người được Tôn giả trợ duyên, hóa độ để đạt được những Thánh quả tâm linh nhiều vô số, có thể kể đến như Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), đại tín chủ Cấp Cô Độc (Anathapindika), Trưởng lão Bhaddiya...

Khi Phật đang ở Phương Nam Ấn Độ, có trưởng giả Tu Đạt, hiệu là Cấp Cô Độc sau khi trải vàng mua đất, muốn xây dựng một tinh xá ở phương Bắc nước Ma Kiệt Đà, để thỉnh Phật về hoằng hóa. 

Thế nhưng ngoại đạo quấy phá, không cho Tinh xá bắt đầu khởi công, họ yêu cầu Tu Đạt bỏ ý định xây dựng tinh xá và cũng yêu cầu ông không nên theo Phật. Xá Lợi Phất nhờ Tu Đạt đến hàng ngoại đạo ước hẹn ngày tranh luận.
 
Vốn xuất phát từ Bà La Môn và đã am tường các triết thuyết đương thời, ngay trong ngày tranh luận đầu tiên Ngài đã thắng 10 Luận sư danh tiếng của ngoại đạo. Xá Lợi Phất đã tạo nhiều thanh thế cho Phật ở phương Bắc.

Vì Xá Lợi Phất đã chuyển hầu hết các tư tưởng gia ngoại đạo về với Phật, khi Phật chưa đến giáo hóa. Từ đó sau khi Tinh xá Kỳ Viên hoàn thành, giáo đoàn của Phật về nước Xá Vệ được đón tiếp vô cùng nồng hậu linh đình.

Thực ra trí tuệ của Tôn giả Xá Lợi Phất không chỉ tích lũy trong một đời, theo nhân quả, luân hồi, kiếp nào Ngài cũng chăm chỉ tu học nên có được duyên lành để khai mở trí tuệ. 
 
Khi Ngài còn tu nhân, lúc mới phát tâm học Phật, gặp một vị Thầy hỏi:

- Con muốn có trí huệ không?
 
Ngài đáp:

- Thưa, con rất muốn.
 
Lúc ấy vị Thầy mới bảo ông:

- Nếu muốn được trí huệ thì phải học pháp môn Bát Nhã trí huệ; Trì chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, Thập chú, Tâm Kinh… Mỗi ngày trì tụng các chú ấy thời có thể mở được trí huệ.
 
Ngài Xá Lợi Phất bèn y giáo phụng hành từ sáng đến tối ngày nào cũng chuyên tâm ở việc trì tụng, không có gián đoạn. 
 
Ngài thậm chí còn phát nguyện đời đời kiếp kiếp luôn kính lễ vị Thầy đã dạy pháp Bát Nhã. Như vậy, đời nào Ngài cũng học tập pháp môn Bát Nhã, đời nào cũng tăng thêm trí huệ.  
 
Đến đời Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài mới thành tựu được trí huệ vượt trội: Có thể trong 7 ngày thông suốt Thật tướng các pháp.
 
Người Thầy của Ngài ở thời tu nhân chính là Đức Thế Tôn nên khi Người thành Phật rồi, Ngài cũng thành ra bậc đại A La Hán. Đó là nhân duyên mà ngài Xá Lợi Phất thành tựu Đại trí huệ. 
 

4. Tiền kiếp của Ngài Xá Lợi Phất


Vì không yên lòng khi nhìn thấy cảnh Đức Thế Tôn vào Niết bàn nên Xá Lợi Phất bay lên hư không dùng lửa thần thông tự thiêu đốt mình vào Niết bàn trước.

Để các Đệ tử của mình bớt sinh lòng ngoài nghi, Đức Thế Tôn đã kể lại tiền kiếp của Xá Lợi Phất rằng những kiếp trước ông ấy cũng đã hành động như thế, muốn ra đi trước Phật.
 
Đức Phật cho hay cách đây hơn một kiếp A tăng kỳ, có vị quốc vương nước Ba La Nại tên là Đại Quang Minh tu hạnh "Bố thí không nghịch ý". Mỗi tháng vua cho xe ngựa chở thức ăn, quần áo, thuốc, đồ dùng cá nhân,... ra bốn cửa thành bố thí cho những người thiếu thốn.

Dân chúng các Tiểu quốc đều đến nhận lãnh đồ bố thí của nhà vua, dân chúng khắp nơi đều ấm no, đất nước thái bình thạnh trị, tiếng lành cứ thế đồn xa, họ không ngừng ca ngợi và cảm ơn ân đức của Ngài.
 
Bên cạnh đó, có vị ở Tiểu vương nước láng giềng đem lòng ghen tức, thù oán nước Ba La Nại và vua Đại Quang Minh. Biết Ngài tu hạnh bố thí bất nghịch ý, nên đã triệu tập quần thần hỏi rằng: 

- Các khanh, ai có thể vì ta mà đến kinh đô nước Ba La Nại để xin đầu nhà vua Đại Quang Minh đem về đây, ta sẽ trọng thưởng chức đệ nhất quan đầu triều và ngàn cân vàng.
 
Thế nhưng tất cả mọi người im lặng, không ai dám nhận nhiệm vụ khiến cho Tiểu vương vô cùng thất vọng. Sau đó, ông truyền khắp nước rằng, ai dám xin đầu vua Đại Quang Minh đem về thì sẽ được trọng thưởng mười ngàn cân vàng. 
 
Một người Bà La Môn nảy sinh lòng tham khi nghe số tiền thưởng lớn nên xin vua cho mình nhận nhiệm vụ. Tiểu vương liền cấp lương thực ngựa xe và thúc dục người Bà La Môn gấp rút lên đường.
 
Khi người Bà La Môn đến trước cửa thành Ba La Nại thì bầu trời đen kịt, đất bỗng nứt nẻ, chim muông bay chạy loạn, mặt trăng lu mờ, suối hồ ao giếng cạn khô, hoa quả héo sầu, cây lá vàng úa rơi rụng,... Dân chúng vô cùng sợ hãi trước cảnh tượng tiêu điều bày khắp cả nước Ba La Nại.
 
Lính gác cửa thành hỏi Bà La Môn từ đâu tới, người này kể lể nỗi cực khổ đã trải qua trên đường đi từ Tiểu quốc lân bang đến đây chỉ mong gặp được vua Đại Quang Minh để trình bày việc quan trọng.
 
Thế nhưng gặng hỏi việc quan trọng là gì, người Bà La Môn không nói, lính gác cửa thành vẫn quyết không cho vào.  Người này đứng ngoài cửa thành suốt bảy ngày đêm, cuối cùng mới nói ra rằng muốn được xin cái đầu của Đại vương vì biết Ngài tu hạnh Bố thí bất nghịch ý nên chắc chắn sẽ đồng ý.
 
Nghe những lời này, quân lính càng giận dữ đánh đuổi quát mắng, viên tướng ngự lâm quan nghe được chuyện này mới đem kể cho vua Đại Quang Minh. Nhà vua biết chuyện liền cho mời người Bà La Môn vào yết kiến.
 
Người Bà La Môn giả vờ khóc lóc than khổ rằng mình mất cả tháng mới tới nơi nhưng không được cho vào lại bị hành hạ bảy ngày qua. Thế nhưng vất vả như vậy cũng chỉ mong Đại Vương thương tình hứa xin một điều duy nhất.
 
Vua Đại Quang Minh nói người Bà La Môn muốn gì cứ nói. Kẻ này mới thưa:
 
- Có thể nói Đức độ nhân từ cao cả của Đại vương rộng lớn vang lừng bốn phương thiên hạ đều tôn sùng ngưỡng mộ bái phục. Hạnh tu bố thí bất nghịch ý của Đại vương mười phương thánh thần trời đất đều chứng giám. Tiện dân từ vạn dặm lặn lội gian nan, cam chịu vô cùng cực khổ đến đây, chỉ mong được Đại vương mở lượng hải hà mà bố thí đầu của Đại vương, thì ơn nghĩa của Ngài tiện dân nghìn triệu kiếp ghi xương khắc cốt không dám quên.
 
Những gì tên Bà Là Môn dám nói ra khiến các vị đại thần cảm thấy căm tức cực độ, chỉ muốn lôi cổ người Bà La Môn ra chém đầu ngay. 
 
Nhưng vua Đại Quang Minh vẫn cố hiền hòa an ủi mọi người, thế nhưng người Bà La Môn càng được nước lấn tới, cho rằng nếu Ân đức bố thí bất nghịch ý của Ngài giúp ý nguyện của ông ta được toại nguyện thì ông cảm thấy sung sướng như nhận được phước đức. 
 
Nhà vua lúc này chợt nghĩ: Từ vô thỉ kiếp, bao lần vào sinh ra tử cũng chỉ vì tiếc cái thân của mình. Nay ta vì hoàn thành hạnh nguyện Bố thí bất nghịch ý, để cầu đạo quả Vô thượng Bồ Đề phổ độ chúng sanh, thì không có gì phải tiếc.
 
Sau đó vua hứa rằng chờ Ngài trong vòng bảy ngày sắp xếp người lên ngôi vua, phu nhân, thái tử và quốc thành, rồi sẽ tặng đầu. Mọi người suốt chừng đó ngày đều ra sức can ngăn Đức vua nhưng vô vọng.

Thậm chí cả hơn 500 vị đại thần muốn kẻ Bà Là Môn đổi châu ngọc vàng bạc quý báu nhưng vẫn bị tên Bà Là Môn từ chối, chỉ nhất quyết xin cho được cái đầu của vua Đại Quang Minh.
 
Nhà vua cho hay sẽ vì hết thảy chúng sanh mà xả thân bố thí, không vì lý do gì làm ngăn cản hạnh nguyện bố thí bất nghịch ý, sau đó chấp tay thành kính hướng về bốn phương đảnh lễ phát nguyện: 
 
- Kính lạy mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát từ bi thương xót chứng minh gia hộ cho con được trọn thành hạnh nguyện.
 
Nói xong, tự tay cắt lấy đầu trao cho người Bà La Môn khiến trời đất rúng động, trên hư không nhạc trời chúc tụng, mưa hoa rải khắp trên mình nhà vua. 
 
Khi vua thành tâm lễ lạy mười phương, phát nguyện thực hành hạnh bố thí bất nghịch ý, thì vị đệ nhất quan đầu triều không nhẫn tâm nhìn thấy cảnh tượng đau lòng nên vội vào phòng riêng một mình tự sát trước. 
 
Vị quan đệ nhất đại thần đó chính là tiền thân Xá Lợi Phất. Kẻ Bà La Môn kia là tiền thân Đề Bà Đạt Đa. Còn vua Đại Quang Minh chính là tiền thân của Thích Ca Như Lai.
 
Vậy là trải qua nhiều kiếp, tôn giả Xá Lợi Phất thực hành tâm nguyện chết trước Đức Phật như thế, chứ không phải chỉ riêng một kiếp.
 

5. Ngài Xá Lợi Phất viên tịch

 
Xa Loi Phat vien tich
 
Đến khi tuổi đã ngoài 80, Xá Lợi Phất vô cùng buồn rầu khi hay tin dữ, bạn thân của mình là Mục Kiền Liên bị chết bi thảm khi ngoại đạo ám hại tại thành Xá Vệ lúc đang đi thuyết giáo.

Nhân sự việc này xảy ra, Đức Phật tập họp tất cả tăng chúng báo cho tất cả biết tin Mục Kiền Liên đã vào Niết Bàn, Ngài cũng báo cho Đệ tử biết rằng chính mình cũng sẽ vào Niết Bàn sau 3 tháng nữa.
 
Xá Lợi Phất vô cùng chua xót trước hai tin này nên Ngài xin được về quê thăm mẹ và nhập Niết Bàn trước Phật. Ngài giải thích rằng trong quá khứ các đệ tử hàng đầu đều nhập Niết Bàn trước vị giáo chủ đương thời. Ngài cho hay:

- Thời gian nhập Niết bàn của con đã đến. Từ đây sẽ không còn luân hồi sinh tử nên đây là lần cuối cùng con đến đảnh lễ Thế tôn. Bảy ngày nữa, con sẽ đặt thân xác này xuống, sẽ quăng bỏ gánh nặng này.

Hơn nữa, Ngài không muốn mình phải chứng kiến cảnh đau buồn khi Phật nhập Niết Bàn sau tin người bạn thân qua đời đau đớn dưới bàn tay của ngoại đạo.
 
Sau khi tạm biệt mọi người, Xá Lợi Phất cùng một sa di tên là Quân Đầu trở về thôn Ca La Tỳ Ma Ca để gặp lại mẹ của ngài nay đã ngoài 100 tuổi.
 
Xá Lợi Phất đã từng làm cho bà mẹ hoàn toàn thất vọng, bởi vì ngài đã bỏ giáo đoàn Bà La Môn, xuất gia làm đệ tử Phật. Ðó là nguyên nhân vì sao bà mẹ đối với giáo đoàn đệ tử Phật không có chút thiện cảm nào.
 
Ðó cũng là nguyên nhân vì sao Ngài Xá Lợi Phất muốn trở về với mục đích muốn hóa độ mẹ già hơn 100 tuổi trước khi Ngài nhập Niết bàn.
 
Ngay sau khi gặp mẹ, Ngài không chỉ giảng giải đạo lý của Đức Phật, mà còn cho biết ngoài về thăm mẹ còn xin phép mẹ được từ giã cõi đời tại quê nhà. 
 
Sau đó, tôn giả cho gọi dân làng đến để bố giáo và tỏ lời từ biệt. Trước dân làng, trước môn đồ tứ chúng và có cả vua A Xà Thế, Ngài bày tỏ tình yêu quê hương xứ sở và đem giáo pháp của Phật khuyên bảo mọi người.

Đến nửa đêm, mọi vật hoàn toàn yên lặng, tôn giả lạy chào mẹ già, vua A Xà Thế và tất cả những người hiện diện rồi nhập đại định Niết Bàn.

Bà Xá Lợi khi đến thăm phòng con thì bỗng lóa mắt vì nơi đây ngập tràn ánh sáng với vô số chư thiên hào quang rực rỡ vây quanh. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà được chứng kiến cảnh tưởng này khi không chỉ một mà nhiều phái đoàn chư thiên đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất.
 
Bà bất ngờ khi biết các phái đoàn thiên thần đến thăm con bà lần lượt là Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích và cả Đại Phạm Thiên, đấng toàn năng mà bà hằng tôn thờ. Bà Xá Lợi chợt nghĩ rằng nếu con của ta mà có oai lực lớn đến trời người đều cung kính như vậy thì Đấng Thế Tôn oai lực vĩ đại đến dường nào. 
 
Vừa nghĩ thế thì bà Xá Lợi cảm nhận một niềm hỷ lạc tràn ngập châu thân, tinh thần thư thái vô cùng, niềm tịnh tín Đức Thế Tôn trong bà bừng phát. Nhân đó, Tôn giả Xá Lợi Phất tuần tự giải thích và xưng tán công đức siêu tuyệt của Thế Tôn qua các phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Khi lời của Ngài chấm dứt thì bà Xá Lợi thành tựu Pháp nhãn thanh tịnh, tin tưởng bất động vào Thế Tôn, chứng đắc sơ quả Tu đà hoàn. Cuối cùng Tôn giả Xá Lợi Phất đã làm tròn bổn phận hiếu đạo của người xuất gia.
 
Sau khi làm lễ trà tỳ, sa di Quân đầu mang hài cốt tôn giả trở về trình với Đức Phật. Để giáo đoàn được chiêm bái và nhân thể tán dương Xá Lợi Phất, Đức Phật tập họp đại chúng tỳ kheo lại và dạy rằng:

- Đây là hài cốt của Xá Lợi Phất, một bậc trí tuệ hàng đầu. Xá Lợi Phất là người đã tiếp thu trọn vẹn giáo pháp cao huyền của ta được truyền bá đầu tiên ở phương Bắc, đó là công lao của Xá Lợi Phất. Trí tuệ của Xá Lợi Phất thật là trí tuệ cao tuyệt, trừ Đức Phật ra không ai bì kịp. Qua trí tuệ đó, Xá Lợi Phất đã thành tựu đạo nghiệp. Bậc đại trí nầy đã chứng pháp tính, ít muốn biết đủ, siêng năng dũng mãnh, tiến tu thiền định, không cố chấp trước, đối với ngoại đạo luận bàn vô ngại, hoằng truyền chính pháp lợi lạc mọi người, thoát ly sanh tử khổ đau, chứng nhập Niết Bàn.
  
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X